Monday, April 19, 2010

Định hướng dư luận, công lý ra sao? (phần 2)

2010-04-19

Theo giới quan sát các diễn biến thời sự tại Việt Nam, dư luận là tác nhân chính khiến hệ thống chính trị ở Việt Nam buộc phải xét lại vụ án liên quan đến bà Trần Ngọc Sương.

Photo courtesy of vietnamnet

Bà Trần Ngọc Sương tại phiên tòa sơ thẩm tháng 8/2009

Việc này nhằm xoa dịu sự bất bình, cũng như khôi phục niềm tin của công chúng. Tuy nhiên, tại Việt Nam, thông tin theo chỉ đạo, nhằm thực hiện công việc “định hướng dư luận” vẫn là điều bình thường, bất kể đã có rất nhiều bằng chứng cho thấy, việc “định hướng dư luận” gây nguy hại cho việc thực thi công lý.

Chỉ đạo rồi... chối

Suốt từ năm 2008 đến nay, không chỉ có công chúng và báo giới bày tỏ sự bất bình về việc khởi tố vụ án Nông trường Sông Hậu, cũng như chuyện hệ thống tư pháp kết án bà Trần Ngọc Sương. Trong giai đoạn vừa kể, còn có hai nhân vật được cả chính trường lẫn xã hội kính trọng đã công khai phản đối cả quyết định khởi tố, lẫn những bản án liên quan đến bà Trần Ngọc Sương. Đó là ông Võ Văn Kiệt, cựu Thủ tướng Việt Nam và bà Nguyễn Thị Bình, cựu Phó Chủ tịch Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Tại sao hệ thống tư pháp Việt Nam lại khởi tố vụ án Nông trường Sông Hậu và cố gắng làm cho bằng được những điều mà mãi tới đầu tháng này, mới được Viện Kiểm sát Tối cao, xác định là “sai lầm, thiếu sót nghiêm trọng”, cho nên cần phải hủy cả hai bản án để điều tra lại?

Tôi không rõ có những lý do gì bên trong để các đồng chí giải thích cho việc này: Cơ quan Đảng chỉ đạo Cơ quan Điều tra khởi tố án.
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt

Theo báo chí Việt Nam, năm 2007, lãnh đạo Thành ủy Cần Thơ đã từng khuyên bà Trần Ngọc Sương xin về hưu, vì Cần Thơ cần đất của Nông trường Sông Hậu, nhằm xây dựng một khu đô thị mới nhưng bà Sương không nghe theo lời khuyên này.

Năm sau, Công an Cần Thơ khởi tố vụ án. Tháng 5 năm 2008, ông Võ Văn Kiệt, cựu Thủ tướng Việt Nam, gửi một lá thư cho Thành ủy Cần Thơ. Trong thư, ông Kiệt viết, ông được biết, Công an Cần Thơ khởi tố vụ án do có công văn chỉ đạo của Thành ủy Cần Thơ, thậm chí Thành ủy Cần Thơ còn chỉ đạo phải khởi tố về tội gì.

Ông Kiệt nêu thắc mắc: Tôi không lầm thì thông thường việc này phải do Cơ quan Điều tra hoặc Viện Kiểm sát tiến hành. Tôi không rõ có những lý do gì bên trong để các đồng chí giải thích cho việc này: Cơ quan Đảng chỉ đạo Cơ quan Điều tra khởi tố án.

Phải chăng bà Sương là đối tượng cần “dọn dẹp”, trước khi Cần Thơ biến Nông trường Sông Hậu thành một khu đô thị mới?

Mãi đến tháng 11 năm 2009, sau khi ông Kiệt đã “mồ yên, mả đẹp” và sự chỉ trích của dư luận càng lúc càng mạnh mẽ, ông Nguyễn Tấn Quyền, Bí thư Thành ủy Cần Thơ mới phân bua với báo chí rằng, Thành ủy Cần Thơ không có công văn nào chỉ đạo về vụ án Nông trường Sông Hậu.

Ngày hôm sau, tờ Tiền Phong công bố một công văn, do Văn phòng Thành ủy Cần Thơ phát hành hồi đầu năm 2008, khẳng định việc Thành ủy Cần Thơ yêu cầu phải khởi tố vụ án xảy ra ở Nông trường Sông Hậu vì tại đó có các hành vi phạm tội “cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng”, nhằm chứng minh ông Nguyễn Tấn Quyền, Bí thư Thành ủy Cần Thơ đã nói dối.

Trên số ra ngày 25 tháng 11 năm 2008, tờ Tiền Phong còn công bố thêm một công văn, theo đó, sau khi Thành ủy Cần Thơ phát hành công văn chỉ đạo khởi tố vụ án, thậm chí chỉ đạo cả việc xác định tội danh khi khởi tố, UBND thành phố Cần Thơ đã ban hành một công văn khác, chỉ đạo Thanh tra Cần Thơ và Công an Cần Thơ thực hiện chỉ đạo của Thành ủy Cần Thơ.

Nhờ ... “định hướng dư luận”

tanquyen-tienphongonline.jpg
Ông Nguyễn Tấn Quyền, Bí thư Thành ủy Cần Thơ. Photo courtesy of tienphongonline
Cuối tuần trước, trước sự kiện Viện Kiểm sát Tối cao kháng nghị hủy cả hai bản án của hệ thống Toà án ở Cần Thơ, vì có nhiều sai lầm và thiếu sót nghiêm trọng, trả lời báo giới, ông Phạm Thanh Vận, Phó Bí thư Thường trực của Thành ủy Cần Thơ, bảo rằng, đó không phải là trách nhiệm của Cần Thơ. Chuyện khởi tố vụ án Nông trường Sông Hậu là do... Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng Trung ương chỉ đạo.

Đến nay, Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng Trung ương chưa lên tiếng xác nhận thực hư.

Tuy nhiên, hồi cuối tháng 11 năm ngoái, trả lời tờ Tiền Phong, ông Vũ Tiến Chiến, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng Trung ương, từng bảo rằng, ông đánh giá rất cao công lao, cống hiến của bà Trần Ngọc Sương. Lúc đó, trước thông tin về sự kiện Thành ủy Cần Thơ ban hành văn bản chỉ đạo khởi tố, thậm chí chỉ đạo cả về tội danh, ông Chiến khẳng định: Bất cứ cơ quan nào cũng phải tuân thủ pháp luật. Chúng ta phải hết sức tôn trọng việc truy tố, xét xử của các cơ quan tư pháp, chỉ thực hiện theo pháp luật. Ngay Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng cũng chỉ phối hợp với các cơ quan để đẩy nhanh các vụ án, chứ không bao giờ chỉ đạo cụ thể tội danh.

Về nguyên tắc, việc chỉ đạo các cơ quan điều tra, cơ quan kiểm sát, các toà án phải làm chuyện này hoặc không được làm chuyện kia là vi phạm pháp luật. Song thực tế thì ngược lại. Vụ án Nông trường Sông Hậu là một trong vô số dẫn chứng minh hoạ cho thực tế tuy đáng ngại nhưng rất phổ biến ấy.

Để có thêm thông tin, chúng tôi đã gọi điện thoại, phỏng vấn ông Nguyễn Tấn Quyền, Bí thư Thành ủy Cần Thơ:

Trân Văn: Thưa ông Nguyễn Tấn Quyền phải không ạ?

Ông Nguyễn Tấn Quyền: Ờ! Ai đó?

Trân Văn: Thưa ông tôi là Trân Văn ở Đài Á Châu Tự Do. Thưa ông, báo chí Việt Nam và một số viên chức có trách nhiệm ở Cần Thơ cho biết, Thành ủy Cần Thơ chỉ đạo việc truy cứu trách nhiệm hình sự của bà Trần Ngọc Sương và việc xét xử vụ án tại Nông trường Sông Hậu. Còn ông Phó Bí thư Thành ủy thành phố Cần Thơ thì bảo rằng, Cần Thơ làm theo chỉ đạo của Trung ương.

Ngay Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng cũng chỉ phối hợp với các cơ quan để đẩy nhanh các vụ án, chứ không bao giờ chỉ đạo cụ thể tội danh.
Ô. Vũ Tiến Chiến

Do vấn đề này còn nhiều điểm chưa rõ ràng nên ông có thể cho thính giả của chúng tôi biết ý kiến của ông không ạ?

Ông Nguyễn Tấn Quyền: À! Cái chuyện đó bây giờ tôi chưa trả lời được anh à!

Trân Văn: Dạ nhưng vì ông là...

Ông Nguyễn Tấn Quyền: À, thôi vậy nghe...

Trước khi ông Nguyễn Tấn Quyền bảo với chúng tôi rằng, chưa thể trả lời được về việc nơi nào đã chỉ đạo khởi tố vụ án Nông trường Sông Hậu, hôm 9 tháng 4 vừa qua, thay vì trả lời chất vấn của báo giới về những vấn đề liên quan đến trách nhiệm của Thành ủy Cần Thơ, ông Phạm Thanh Vận, Phó Bí thư Thành ủy Cần Thơ, dõng dạc tuyên bố rằng, Cần Thơ đang đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương “định hướng dư luận” về vụ án Nông trường Sông Hậu.

Theo một vài nguồn thạo tin, đầu tuần này, hôm 13 tháng 4, trong cuộc họp định kỳ với lãnh đạo các cơ quan truyền thông, Bộ Thông tin – Truyền thông đã chính thức ra lệnh cho hệ thống truyền thông Việt Nam, tạm ngưng thông tin về vụ án Nông trường Sông Hậu cho đến khi có kết quả điều tra lại.

Điều đó đồng nghĩa với việc báo chí Việt Nam sẽ không thể tìm kiếm thông tin, trả lời những thắc mắc mà ai cũng muốn biết là cơ quan nào, cá nhân nào phải chịu trách nhiệm do đã xâm phạm hoạt động tư pháp.

Trước nay, Việt Nam vẫn thường xuyên khẳng định sẽ kiên trì đeo đuổi tiến trình xây dựng một “xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”. Diện mạo “dân chủ, công bằng, văn minh” của xã hội Việt Nam sẽ như thế nào khi mọi việc phải tuân theo chỉ đạo của những cá nhân lãnh đạo Đảng các cấp, chứ không phải theo pháp luật hiện hành? Thậm chí muốn góp ý hoặc nêu thắc mắc cũng phải tuân thủ cái gọi là “định hướng” nhằm dẫn dắt dư luận?

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/How-about-the-justice-if-public-opinion-is-always-oriented-part%202-TrVan-04192010121223.html


0 comments:

Post a Comment