Saturday, April 10, 2010
Đại Vệ Chí Dị
Năm xưa nước Bạch đang giữ ngôi bá trong thiên hạ đại loạn, nhân dân nổi lên khắp nơi Nước Bạch không giữ được ngôi bá, nhưng nhờ thế mà dân chúng không phải nai lưng đóng thuế để sắm binh khí, binh sĩ được cho về quê quán làm ăn.
Trong lúc rối ren ấy, nước Tề vốn ở xa không bị ảnh hưởng, lại vốn có dã tâm nham hiểm bèn lợi dụng cơ hội mà xưng bá với thiên hạ.
Vệ là nước lân cân với Tề, nhanh nhẩu mang bản đồ sang Tề dâng đất để xin được nhận là chư hầu.
Hai nước mở cửa biên giới thông thương làm ăn đời sống nhân dân khá hơn, điều ấy thật đáng mừng. Vua tôi nhà Vệ thấy Tề dễ dãi bỏ qua chuyện chính chiến năm xưa lấy làm mừng lắm, tự nghĩ mình đã khôn ngoan chủ động cầu hòa giữ sự bình yên cho nước Vệ công ấy sử sách phải ghi đến muôn đời. Bèn tuyên truyền sâu rộng trong nước công lao ấy.
Bọn tuyên huấn đi rao giảng từ nhà trường đến chốn chợ búa , nào là triều đình nhanh nhạy bắt kịp thời thế, nào là đưa ra đường lối ngoại giao đúng đắn, nào là chọn đối tác chiến lược sáng suốt….
Dân Vệ một lòng tin tưởng vào kế sách triều đình, chí thú lo làm ăn.
Tề Bá Vương họp quần thần nghị rằng.
- Nước Vệ dạo này thế nào.?
Quần thần thưa.
- Muôn tâu, nước Vệ từ khi quan hệ với chúng ta đời sống về vật chất có khá hơn, chúng còn gì mà bận tâm. Giờ nước Vệ từ dân đến vua đều coi chúng ta là bạn hữu chí thiết.
Tề Bá Vương gật gù.
- Con chim béo nuôi mãi trong lồng, giờ có thả cũng không dám đi xa. Lúc này đoạt nốt biển đảo của chúng được chưa ?
Quần thần tâu.
- Nước Vệ nói chung tinh thần giờ không còn lo chuyện chủ quyền nữa, nhưng một số ít các phần tử phản động trong nước vẫn còn la ó đề cao cảnh giác với Tề ta. Lúc này nên thận trọng từng bước một. Rừng xanh còn, lo gì thiếu củi đốt, ta cứ nắm giữ được triều đình nhà Vệ thì trước sau biển đảo ấy cũng về tay ta.
Tề Bá Vương hỏi.
- Tinh thần nước Vệ còn chỗ nào chúng ta chưa triệt xong ?
Quần thần thưa
- Muôn tâu, về văn hóa, lối sống chúng ta đã u mê hóa gần hết. Chỉ vướng mắc đôi chút về tư tưởng của tiên vương nước Vệ thôi ạ. Tiên vương nước Vệ mất đi còn để lại nhiều câu bất hủ về chủ quyền, dân tôc. Nhiều kẻ sĩ trong Vệ thường mang những câu đó ra để cỗ vũ tinh thần cho dân chúng, đó là điều bất lợi cho ta.
Tề Bá Vương gọi vua tôi nước Vệ sang chầu. Tề Bá Vương hỏi Vệ Vương.
- Xưa hồi lúc nước Bạch xưng Bá, Vệ và Tề ngang nhau. Giờ Vệ cũng xưng vương liệu Tề ta biết cư xử thế nào.?
Vệ Vương mặt xám ngoét , chuyển sang chỗ bên hữu phía dưới ngồi miệng lí nhí
- Xin cho là Vệ Công đươc không ?
Tề Bá Vương gật đầu, lại hỏi tiếp.
- Đường lối của Tề Nhị Đế thì đã truyền cho Vệ, nước Vệ áp dụng đến đâu rồi ?
Vệ công xá dài nói.
- Dạ thưa Đại Vương, nước Vệ được Tề dạy bảo đường lối, kế sách phát triển của Nhị Đế, mang về áp dụng, đời sống trong nước có khá hơn nhiều rồi ạ.
Tề Bá Vương trầm ngâm một lát rồi nói.
- Đường lối đã có hiệu quả, chủ nghĩa là của chung, vậy tư tưởng của Tề Tiên Đế có gì khác với Vệ tiên vương không ? . Nghe nói Vệ đang có phong trào phát triển giảng dạy tư tưởng Vệ tiên vương phải không ?
Vệ Công chưa rõ phải trả lời sao, cứ cùi gằm mặt xoắn hai bàn tay vào nhau mà nhìn mãi. Tề Bá Vương thấy vậy bèn lấy trên bàn tập sách, xuống tận nơi đưa cho Vệ Công, thở dài nói.
- Xưa Vệ Tiên Vương theo hầu Tề Tiên Đế chinh chiến ngàn dặm, những tấm lòng của Vệ Tiên Vương với Tề còn tự tay Vệ tiêng vương ghi lại cả đây. Nay nước Tề có tư tưởng của Tiên Đế rồi, nước Vệ cũng có riêng của mình nữa. Há có thật lòng không ? Nếu các thế lực thù địch bên trong và bên ngoài lợi dụng để khoét sâu mâu thuẫn thâm giao của Tề và Vệ. Nước Vệ mà xa cách với Tề, liệu còn giữ được thái miếu mà tôn thờ, giữ được thái ấp mà hưởng lộc không. ?
Vệ công đứng dậy hướng lên điện Tề xá dài nói
- Xin cho nước Vệ còn chút gì để nhớ Tiên Vương
Tề Bá Vương phán.
- Nước Tề không hẹp hòi gì mà chấp nệ chuyện nghĩa cử ấy, xưa Tiên Vương nước Vệ hồi ở Tề ta, là người trung thành, thuần hậu, biết giữ phép tắc. Đó chả phải là điều đáng học ư ?
Vệ Công về nước, họp quần thần nghị sự. Bỏ chữ học tập tư tưởng thay bằng chữ đạo đức. Thấm thoắt đã hơn ba năm, phòng trào phát triển sâu rộng khắp nước, thành quả chưa biết đến đâu. Nhưng thầy giáo thì hiếp học trò, quan đốc học mua dâm vị thành niên, học trò giết nhau như ngóe. Ngoài quan quân triều đình ra, dân chúng không ai bàn đến chính sự, chủ quyền. Chuyện ngoài chợ, quán xá, công sở nước Vệ là kiếm tiền và hưởng thụ. Cái này không phải do Vệ tiên vương không có đạo đức, mà bởi những chính những kẻ đi dạy làm những điều không gương mẫu. Bởi thành nông nỗi như vầy.
Tề Bá Vương lại họp quần thần hỏi.
- Nước Vệ giờ sao rồi ?
Quần thần tâu.
- Nước Vệ không có gốc, không có đạo. Nước ấy tuy nhìn bên ngoài thì yên ổn. Nhưng không có nền tảng, gốc gác, như một cái cây bên ngoài lá xanh tươi nhưng bên trong thân rễ không còn sự sống. Bao nhiêu đã trổ ra đầu cành lá hết cả rồi.
Tề Bá Vương nhếch mép cười nhạt hỏi.
- Giờ đã đến lúc lấy biển đảo chưa ?
Quần thần dạ vang điện.
- Dạ , giờ nước Vệ còn ai quan tâm trông giữ đâu mà không lấy.
Tề Bá Vương đứng dậy , tuốt gươm lệnh, đập xuống bàn quát to như sấm.
- Lệnh cho chiến thuyền lên đường, gặp bất cứ cái gì của Vệ lảng vảng trên biển đều tiêu diệt.
Người thân thích của ngư dân nước Vệ ôm xác chồng khóc thảm thiết. Cảnh ấy lặp đi ngày này sang ngày khác. Ngư dân Vệ bị quân Tề giết và bắt bớ đến nỗi thông cáo của triều đình về việc ấy bình thường như chết do tai nạn giao thông hay vi phạm luật giao thông mà bị bắt. Dân chúng nghe mãi cũng thấy dửng dưng, quen tai như việc họ ăn, uống hàng ngày.
http://nguoibuongio.multiply.com/journal/item/438/438
Nhân lá thư của TS Đỗ Xuân Thọ, hãy nhận rõ con ngáo ộp ấy!
Hình: Wikipedia Commons
Ngày 17-3-2010, tiến sỹ Đỗ Xuân Thọ, đảng viên Ðảng Cộng sản VN gửi thư cho Ban chấp hành trung ương đảng, tha thiết yêu cầu từ bỏ học thuyết Mác – Lênin, thay vào đó là Chủ Nghĩa Dân Tộc, làm cơ sở chính trị và tư tưởng cho đảng và chế độ.
Lá thư của ông Đỗ Xuân Thọ được truyền đi trên mạng Đối Thoại và mạng X-Cafe VN, từ trong nước, ông Nguyễn Hòa gửi lên mạng X-Café VN bài viết ca ngợi lá thư tâm huyết của ông Thọ, nhấn mạnh thêm: «Chúng ta đã tiêu tốn quá nhiều thời gian cho cái học thuyết vớ vẩn nhất trong thời đại hiện nay là học thuyết Mác – Lênin».
Ý kiến của 2 ông Đỗ Xuân Thọ và Nguyễn Hòa đưa ra đúng vào lúc lãnh đạo Ðảng Cộng sản chuẩn bị cho Đại hội XI của đảng bằng cách khẳng định giá trị của học thuyết Mác – Lênin, quyết kiên định chủ nghĩa Mác – Lênin và chủ nghĩa xã hội. Do đó bức thư của đảng viên Thọ không được đăng trên báo nào ở trong nước, và bức thư ấy sẽ không bao giờ được hồi âm, tuy ông Tổng bí thư Nông Đức Mạnh vừa hứa hẹn rằng lãnh đạo lần này sẽ tôn trọng (!), lắng nghe (!) mọi ý kiến phê bình, góp ý của nhân dân.
Tiến sỹ Đỗ Xuân Thọ từng chiến đấu ở Quảng Trị trong hàng ngũ Quân đội nhân dân, hiện là cán bộ kỹ thuật ngành cầu đường trong Viện kỹ thuật Bộ Giao thông vận tải, 59 tuổi, là một kẻ sỹ luôn nghĩ đến đất nước, dân tộc, có tư duy độc lập, tự tin, là những đức tính quý hiếm. Ông nói: «Quan điểm của tôi rất trong sáng. Tôi nghĩ đến vấn đề đất nước hàng chục năm rồi, không sao dứt ra được ». Ông cảnh báo: «Nếu đảng không lấy chủ nghĩa Dân tộc làm nền tảng tư tưởng thì cái chủ nghĩa Mác – Lênin sẽ bằm nát đảng ».
Tuy nhiên có một ý của ông Thọ cần được trao đổi cho rõ và sâu thêm. Đó là lời ông nói: «Tôi là người không chủ trương đa đảng, vì đa đảng lúc này là nội chiến ngay.»
Theo tôi, nhận định này của ông Thọ là chưa xác đáng, có phần vội vã, chưa có cơ sở đầy đủ, rất nên cùng nhau thảo luận, trao đổi cho rốt ráo.
Nhiều người có chung ý nghĩ trên đây với ông Thọ, kể cả một số anh chị em đã dấn thân cho nhân quyền và dân chủ ở nước ta. Người dân bình thường càng mong muốn đất nước thanh bình, ổn định, để làm ăn, kinh doanh. Nước ta từng qua hơn 30 năm chiến tranh, ngoài tính chất chống ngoại xâm giành độc lập còn mang tính chất nội chiến, người Việt mình giết nhau còn nhiều hơn là giết người đến từ nước ngoài.
Cần chú ý là luận điệu: đa nguyên, đa đảng sẽ tất yếu dẫn đến hỗn loạn, nội chiến, chiến tranh huynh đệ tương tàn ở nước ta cũng là luận điệu ngụy biện chính của nhóm lãnh đạo Ðảng Cộng sản giáo điều, bảo thủ, tham nhũng đương quyền hiện nay, nhằm mục đích duy trì chế độ độc quyền đảng trị, trì hoãn mọi đổi mới chính trị theo hướng dân chủ hóa, tự do hoá.
Họ lợi dụng tâm lý mong muốn hòa bình ổn định của nhân dân để cố tình thổi phồng nguy cơ nói trên thành một con ngáo ộp to đùng hù dọa toàn xã hội, hòng duy trì mãi ách độc đoán đảng trị, chỉ vì lợi ích riêng cá nhân và phe cánh.
Tôi nghĩ rằng ông Thọ tuy có tư duy độc lập, trẻ trung, mới mẻ, nhưng vẫn còn bị ảnh hưởng của luận điệu và ý đồ tệ hại trên đây của nhóm lãnh đạo Mác-xít-Lêninít.
Quan điểm chuyên chính vô sản, chuyên chính của một chính đảng duy nhất chính là cốt lõi tư tưởng của Lênin, tận diệt mọi phe phái chính trị đối lập. Ông Thọ tự đối lập, mâu thuẫn với chính mình khi ông vừa chủ trương loại bỏ chủ nghĩa Mác – Lênin, lại vừa tán thành học thuyết một đảng là cốt lõi nguy hiểm nhất của chính cái chủ nghĩa ấy.
Thưa ông tiến sỹ Đỗ Xuân Thọ quý mến,
Nhân danh một nhà báo tự do sống ở Pháp, từng ở trong đảng Cộng sản hơn 44 năm, từng ở trong Quân đội nhân dân 37 năm, dấn thân cho tự do của nhân dân, từng quan sát tại chỗ tình hình chính trị ở Pháp, Mỹ, Canada, Anh…, từng tham quan nhiều lần các nước Nga, Ba Lan, Tiệp, Đức…để tìm hiểu kinh nghiệm chuyển từ chế độ độc đoán độc đảng sang chế độ dân chủ đa đảng, tôi mạnh dạn trao đổi với ông vài ý kiến sau đây.
Một là không có bao giờ có thể có một nền dân chủ một đảng cả. Một đảng thì không có cạnh tranh, không có lựa chọn, có đi bỏ phiếu thì cử tri không có tự do, theo cái cảnh «đảng chọn dân bầu», nền chính trị tẻ nhạt, có quốc hội cũng chỉ là dân chủ hình thức, dân chủ nửa vời, không có tranh biện, phản biện.
Xưa kia ở ta không có tự do chính trị, không có tự do kinh tế, từ khi có tự do kinh doanh, người dân được chọn đủ loại hàng hoá, từ gạo, thịt, vải, xà phòng…không buộc phải mua gạo mốc, thịt ôi, xà phòng chảy nước như xưa. Có tự do chính trị, cuộc sống xã hội có tự do suy nghĩ, bàn luận, tự do ứng bầu cử, tự do kén chọn nhân tài thay mặt mình, sẽ còn vui sướng có lợi bao nhiêu nữa!
Hai là dân chủ trong ổn định, trong luật pháp là lối ra cho mọi bế tắc, là chìa khóa duy nhất mở cửa cho phát triển bền vững, là con đường sáng dẫn đến hội nhập thế giới văn minh trọn vẹn, là bước đi lên một nền văn minh – văn hóa cao hơn, vì không gì xấu hơn, tệ hại hơn là chế độ độc đảng, khinh thường nhân phẩm, tịch thu tự do của dân mình.
Chuyển đổi từ độc đảng sang dân chủ đa đảng trong hòa bình ổn định là một cuộc đổi đời khó khăn, gian khổ, nhưng khi hoàn thành sẽ có lợi cho toàn xã hội không sao kể xiết, tự do, công bằng, hạnh phúc bảo đảm mãi mãi cho các thế hệ mai sau.
So sánh trên toàn thế giới, trong 100 nước giàu mạnh nhất, tất cả đều theo thể chế dân chủ đa đảng, có tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tôn giáo và bầu cử tự do, dù có khi mang hình thức quân chủ lập hiến. Không một nước độc đoán nào lọt được vào số này...
[Trong 100 nước ấy, riêng Singapore là trường hợp ngoại lệ, độc đảng nhưng đạt đồng thuận rất cao, có lãnh tụ cực kỳ uy tín thật lòng vì dân, là thành phố cảng hiện đại, công nghiệp gọn: điện tử, lọc dầu, sửa chữa tàu, người du lịch đông, thủy thủ quốc tế nghỉ ngơi, thu nhập cao, người dân sống kỷ luật không xả rác, viên chức tuyệt nhiên không tham nhũng vì đủ sống bằng lương, lại không dám tham nhũng vì kỷ cương nghiêm, văn hóa cao về dân tộc và lòng tự trọng. Cũng cần nói thêm là Singapore một đảng nhưng có tự do báo chí rất rộng; có đại học tự trị; phản biện toàn xã hội không hạn chế].
Do đó tất cả vấn đề cấp bách đặt ra cho toàn dân ta lúc này là: có thể đưa xã hội ta lên một tầng văn hóa – văn minh cao hơn, từ chế độ một đảng lên chế độ đa đảng trong hòa bình, ổn định, trong trật tự và pháp luật hay không?
Làm thế nào để tránh sự chuyển đổi có xung đột đổ máu theo kiểu Rumani, thực hiện một cuộc chuyển đổi ôn hòa như ở Cộng hòa dân chủ Đức hay như ở Ba Lan, Mông Cổ…
Trước hết cần khẳng định chuyển đổi trong hỗn loạn, đổ máu không phải là định mệnh.
Có thể thực hiện một cuộc chuyển đổi hòa bình, ôn hòa khi toàn xã hội tỏ rõ khát vọng tự do, dân chủ đẹp đẽ chính đáng của mình, khi đa số đảng viên ở cơ sở cùng giác ngộ ra sự cần thiết cấp bách của một xã hội công dân tự do, khi đông đảo bà con nông dân hiểu rõ chế độ dân chủ đa nguyên là điều kiện để quyền tư hữu chính đáng về ruộng đất được khôi phục, khi đông đảo trí thức, sinh viên, tuổi trẻ nung nấu kiến thức chính trị tiên tiến của thời đại mở ra những diễn đàn tự do dân chủ đa đảng trên báo chí, trên mạng, trên blog, trên internet, trên sân trường, với khẩu hiệu trên ngực, trên lưng… đồng thời cùng một thời điểm, thì không một nhóm lãnh đạo nào có thể chây ỳ, lỳ lợm bảo vệ cái chế độ độc đảng lạc lõng, lỗi thời, dị dạng tệ hại hiện nay được.
Bài học chính trị về số học đang nóng hổi trong các cuộc đấu tranh xã hội. Khi biểu tình ôn hòa chừng 40 người trước tòa lãnh sự Trung Quốc ở Sài Gòn để khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam thì công an dễ đàn áp. Khi ở Thái Hà số biểu tình ôn hòa lên đến 3 ngàn người thì sự đàn áp nhẹ hơn, ít hiệu quả hơn. Khi có hơn 15 ngàn giáo dân có tổ chức cầm nến và kinh thánh, khẩu hiệu về tình thương, tập trung về vùng Xã Đoài -Nghệ An, để ủng hộ bà con bị nạn ở Tam Tòa-Quảng Bình thì 300 sỹ quan và nhân viên công an nổi và chìm, có hàng chục xe ôtô hòm và vài chục xe gắn máy, trang bị dùi cui, súng đạn…cũng chỉ có đứng nhìn. Rõ ràng 40 người, 3 ngàn, 15 ngàn… là những con số khác nhau, có tác dụng khác hẳn nhau. Và từ đó nhân dân ta có thể bảo nhau, rủ nhau, thuyết phục nhau cùng làm một việc đại nghĩa, một hành động cứu nước, cứư dân với quy mô 15 ngàn, 30 ngàn hay hơn nữa. Tay không, với tâm huyết và lòng yêu nước.
Tại sao giữa Hà Nội, không thể có một cuộc xuống đường ôn hòa, lịch sự, mang những khẩu hiệu như «Bạch Long Vỹ là đảo Việt Nam», «Chúng tôi là nhân dân», «Chúng tôi yêu Thăng Long, Chúng tôi không muốn xem phim mà người dân Thăng Long là người nước ngoài», «Không có gì quý hơn tự do», «Chúng tôi khát tự do», «Chống độc đoán, tham nhũng là yêu nước», «Quân đội bảo vệ dân!», «Công an là bạn dân!».
Đứng một mình, mỗi người chúng ta không có sức, không có thế, không có uy.Trong một tập thể lương thiện, đông đảo, có lý tưởng gắn bó cố kết, chúng ta có lực, có thế, có uy.
Thưa Tiến sỹ Đỗ Xuân Thọ quý mến,
Ông là chuyên viên cầu đường. Ông lo sợ rằng đa nguyên đa đảng sẽ dẫn đến nội chiến ngay. Đây cũng chính là nỗi lo của nhiều nhà chính trị, chính khách từ thế kỷ 17 ở châu Âu. Họ đã đề ra nhiều luật lệ để ngăn phòng điều xấu này. Họ đề ra những đạo Luật về hoạt động của các chính đảng. Luật về hoạt động của Quốc hội. Luật về ứng cử bầu cử tranh cử, từ địa phương đến trung ương. Cả một kho kinh nghiệm để ta tham khảo.
Ví như: các tổ chức đảng phái là bình đẳng trước pháp luật; đều có nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc, phục vụ xã hội; cấm tuyên truyền bạo lực, kỳ thị chủng tộc và chiến tranh; các đảng tôn trọng lẫn nhau, cùng nhau hợp tác và cạnh tranh trong phục vụ đất nước và xã hội; cấm vu cáo, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân cách, xâm phạm đời sống riêng..
Các thành viên của các đảng đối lập nhau vẫn luôn tương kính, coi nhau là anh chị em, bạn đồng nghiệp, đồng viện, không coi nhau là kẻ thù, càng không coi là « tử thù » để thủ tiêu, như đảng cộng sản từng đối xử với Quôc dân đảng hay Đại Việt ở nước ta.
Đây là những hàng rào, như rào chắn hai bên cầu để không ai qua cầu có thể bị ngã xuống sông để bị chết đuối, dù cho có giông bão, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho xe cộ, khách bộ hành, dù có khi đông người, bị chen lấn, xô đẩy.
Các nước thực hiện nền chính trị đa đảng thuần thục luôn có không khí sôi nổi, ganh đua trong khuôn khổ luật pháp, thi nhau dành tín nhiệm của cử tri, thi nhau làm những điều lợi cho xã hội, luôn bảo nhau giữ mình cho trong sạch, có ích, không bị tai tiếng về tham nhũng, quan liêu, vô trách nhiệm. Lá phiếu của cử tri, vị thế của cử tri luôn rất cao.
Về nỗi lo nội chiến, thưa ông Thọ, mấy chục năm nay, chiến tranh và nội chiến chỉ xảy ra ở những nước độc đoán độc đảng, dân chủ giả hiệu, như Iraq, Iran, Somalia, Congo, Miến Điện, Tchad.... Tất cả các nước dân chủ thuần thục đều sống hài hòa, thanh bình, thật sự ổn định trong phát triển với chế độ đa đảng. Họ không dại dột, ngu dốt, sai lầm đâu.
Rất mong ý kiến tâm huyết của tiến sỹ Đỗ Xuân Thọ gợi lên một cuộc trao đổi rộng rãi, sôi nổi, có ích cho toàn xã hội ta, để các anh chị em trí thức, nhà báo, luật gia, anh chị em sinh viên, cả đảng viên đảng CS cùng bàn luận trên tinh thần xây dựng, cũng là để góp ý thẳng thăn ngay thật cho lãnh đạo Ðảng Cộng sản nhân dịp chuẩn bị cho Đại hội XI của đảng.
http://www1.voanews.com/vietnamese/blogs/tin/thu-ts-do-xuan-tho-04-10-2010-90491279.html
Kẻ lắm thủ đoạn
Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh
Là người kiên trì đấu tranh với mọi luận điệu nham hiểm của Trung Quốc trong âm mưu lâu dài lấn chiếm biển đảo nước ta cũng như bành trướng quyền lực mềm của họ về nhiều phương diện tinh vi và xảo quyệt, lần này, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh lại vạch trần hai thủ đoạn mà ông gọi bằng “la làng” và dỗ dành các nước ĐNA đàm phán song phương chứ nhất quyết không chịu ngồi vào bàn hội nghị đa phương để quốc tế hóa vấn đề biển Đông. Cái đó theo ông, chứng tỏ Trung Quốc mạnh mà kỳ thực là yếu – mạnh về vũ khí, tàu bè và “mạnh mồm” nhưng rất yếu về chứng lý có sức thuyết phục.
BVN xin trân trọng giới thiệu những lời tâm huyết của vị lão thành cách mạng và cựu Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc với bạn đọc.
Bauxite Việt Nam
I. La làng
Ý đồ và tham vọng của những người nắm quyền Trung Quốc rất lớn. Ý đồ đó lộ rõ trong bài viết của Tống Hiếu Quân và Mã Đinh Thịnh trên Đài Phượng Hoàng của Trung Quốc ngày 09/12/2009:
“… Trung Quốc cần sớm có hàng không mẫu hạm. Tây Sa (Hoàng Sa của Việt Nam) có sân bay, máy bay vận tải, máy bay chiến đấu, tiếp dầu có thể hạ, cất cánh tại đây, có hệ thống ra-đa tiên tiến, là một căn cứ quân sự lớn, cộng thêm khi Trung Quốc có hàng không mẫu hạm thì toàn bộ khu vực Nam Hải (biển đông) sẽ nằm trong sự khống chế của hải quân và không quân Trung Quốc… Như vậy có thể thấy trong tương lai Trung Quốc có thể thu hồi (?) toàn bộ các đảo ở Nam Hải (biển Đông)”.
Trong cuốn sách “Giấc mơ Trung Quốc”, Lưu Minh Phúc cũng nói lên tham vọng đó: “…Trung Quốc cần phải xây dựng một đội quân mạnh nhất thế giới và giành lấy vị trí vô địch toàn cầu từ tay Mỹ…”.
Hiện giờ Trung Quốc cũng đã có đội quân rất mạnh và hiện đại. Thế mà Đô đốc hải quân Trung Quốc Doãn Trác theo dõi bốn nước Đ.N.A, Indonesia, Singapore, Malaysia, Việt Nam mua sắm một số vũ khí, tầu thuyền đề tăng cường phòng thủ một cách rất bình thường, với tâm trạng lo lắng (!). Vị Đô đốc hải quân nói:
“… Các nước trong khu vực tìm cách thống lĩnh vùng biển phía Nam, đe dọa (!) Trung Quốc”.
Thật nực cười! Đúng như hình ảnh một võ sỹ hạng nặng đang giơ nắm đấm dứ trước mặt 3,4 thiếu niên học sinh, miệng la lên: “Ối giời ơi! chúng nó đe dọa tôi” ! Rõ “là kẻ cướp la làng”.
II. Mạnh mà yếu
Về vấn đề biển Đông, sớm muộn rồi cũng sẽ có đàm phán. Trung Quốc một mực phản đối quốc tế hóa, phản đối đàm phán với tập thể các nước Đ.N.A hữu quan mà chỉ đòi đàm phán song phương.
Vì sao Trung Quốc sợ quốc tế hoá về tranh chấp và đàm phán đa phương?
- Vì Trung Quốc không có một tý cứ liệu nào để đưa ra. Thậm chí tấm bản đồ mà tướng Trung Quốc Đặng Chung Trấn thủ Quỳnh Châu (Hải Nam ngày nay) vẽ cũng ghi Hoàng Sa là thuộc về An Nam (Việt Nam ngày nay).
- Vì thế giới đều biết là cái “lưỡi bò” to tướng bao chiếm cả đường hàng hải quốc tế, cả vùng biển, đảo của Việt Nam là do Trung Quốc tự vẽ ra một cách phi pháp.
- Vì thế giới đều biết là năm 1974 Trung Quốc đưa quân mạnh hơn, bất ngờ đánh giết quân đội của Việt Nam cộng hòa đóng giữ quần đảo Hoàng Sa mà chiếm lấy và gọi là Tây Sa. Giới cầm quyền Trung Quốc chỉ lu loa suông rằng Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa) thuộc chủ quyền “không thể tranh cãi” (?) của Trung Quốc.
Sách báo Trung Quốc thường xuyên ra rả tuyên truyền bịa đặt đổi trắng thay đen để mê hoặc nhân dân nước họ và lừa dối thế giới.
- Vì Việt Nam có đầy đủ cứ liệu lịch sử đầy tính thuyết phục và phù hợp pháp luật quốc tế không thể phủ định. Điều không hiểu được là sao các vị nắm quyền nước ta lại không tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân ta, không tuyên truyền công khai ra thế giới những cứ liệu cụ thể để mọi người biết mà ủng hộ ta, tại sao không tranh cãi để bảo vệ quyền lợi chân chính của mình. Chả lẽ lòng yêu nước và ý thức chủ quyền của các vị cầm quyền của nước ta không mạnh, hoặc nhụt ý chí đấu tranh?
Vì sao, Trung Quốc chỉ muốn đàm phán song phương mà không dám đàm phán với tập thể các quốc gia Đ.N.A liên quan?
- Vì sao tập thể cũng là một sức mạnh.
- Vì sao Trung Quốc không có đủ lý lẽ để cãi với tập thể các nước, họ có đủ chứng lý cụ thể để bác bỏ những luận điệu vô lý của Trung Quốc.
- Vì đàm phán song phương là cách Trung Quốc “bẻ từng chiếc đũa rút ra trong bó đũa”. Họ đương tiến hành chia rẽ các nước ASEAN bằng viện trợ để tranh thủ Lào, viện trợ cho Campuchia và gây mâu thuẫn giữa Campuchia với Thái Lan. Đàm phán song phương, Trung Quốc có thể thi thố nhiều thủ đoạn: dỗ dành, thuyết phục, mua chuộc, ép, đe dọa… Điều đó chứng tỏ Trung Quốc Mạnh và yếu, mạnh về quân sự, yếu về đạo lý.
Các nước ASEAN phải vừa cảnh giác vừa đoàn kết để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.
NTV
Phụ lục: Thơ tự vịnh của Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh
Tuổi thọ trời cho đã chín nhăm.
Cuộc đời nếm trải đủ thăng trầm.
Đầu còn minh mẫn, tai còn tỏ,
Mắt vẫn tinh tường, tính chửa hâm.
ấm lạnh tình đời, còn phán xét,
Thịnh suy thế nước, vẫn quan tâm.
Còn hơi, còn sức còn lên tiếng,
Là muốn quyền uy bớt lỗi lầm.
http://www.boxitvn.net/bai/2703
Trung Quốc “đòi” đảo Bạch Long Vĩ của Việt Nam
Ngọc Thu
BVN đưa tiếp tin này như một bản phụ lục bổ sung cho bài phỏng vấn nhà báo Trần Đông Đức mà Lời đề dẫn của chúng tôi ở bài trước là một nhận định chung, bao quát cho vấn đề đặt ra trong cả 2 bài.
Bauxite Việt Nam
Theo tin từ các cơ quan truyền thông trong nước và báo chí nước ngoài, trong mấy ngày qua, Trung Quốc đang tranh chấp đảo Bạch Long Vĩ với Việt Nam.
Bản tin trên báo Việt Nam Net và báo Tuổi trẻ có viết về chuyến đi của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đến đảo Bạch Long Vĩ từ ngày 30-03 đến 01-04. Tại đó, Chủ tịch nước đã khẳng định: “Dù là đảo nhỏ nhưng Bạch Long Vĩ là tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc và là hòn đảo tiền tiêu có ý nghĩa quan trọng cả về an ninh quốc phòng lẫn kinh tế – xã hội“.
Sau đó thì tờ Earth Times ngày 2-4 với tựa đề “Lãnh đạo Việt Nam nguyện bảo vệ lãnh thổ trên Biển Đông”, có nhắc chuyện Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết được hai tàu hải quân hộ tống ra thăm đảo Bạch Long Vĩ: “Việt Nam đã kiểm soát Bạch Long Vĩ từ năm 1957, nhưng một số viên chức Trung Quốc tranh chấp với Việt Nam về hòn đảo này“.
Rồi tờ South China Morning Post số ra ngày 4-4, với bài báo có tựa đề “Hà Nội để mắt tới quân bài Asean trên Biển Đông”, có 2 đoạn cũng nhắc tới chuyện tranh chấp hòn đảo Bạch Long Vĩ: “Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Minh Triết đi tới một hòn đảo đang tranh chấp để nói với các sĩ quan hải quân Việt Nam chuẩn bị ‘chiến đấu cho chủ quyền của tổ quốc trong bất kỳ tình huống nào’”. Và một đoạn khác: ”Hôm thứ sáu, ông Nguyễn Minh Triết đã tổ chức một chuyến viếng thăm hiếm hoi tới một căn cứ hải quân Việt Nam trên hòn đảo đang tranh chấp Bạch Long Vĩ giữa miền Bắc Việt Nam và đảo Hải Nam“.
Cũng trong ngày 4-4, bản tin tiếng Trung trên tờ BBC có tựa đề: Nguyễn Minh Triết thăm các đảo trên biển Nam Hải, tuyên bố bảo vệ ‘chủ quyền’, với 2 chữ “chủ quyền” được đặt trong ngoặc kép. Bản tin này có đoạn “Việt Nam bắt đầu kiểm soát đảo Bạch Long Vĩ từ năm 1957, nhưng Trung Quốc không thừa nhận chủ quyền Việt Nam trên hòn đảo này”. Nguyên văn như sau: 南自1957年开始控制白龙尾岛,但中国不承认 越南对该岛的主权。
Hai ngày sau, ngày 6-4, bản tin tiếng Trung trên tờ Nhân dân nhật báo nói về việc Việt Nam lợi dụng chức Chủ tịch để thảo luận vấn đề biển Đông trong Hội nghị Thượng đỉnh Asean, bài viết có đoạn: “Việt Nam bắt đầu kiểm soát đảo Bạch Long Vĩ từ năm 1957, nhưng Trung Quốc không thừa nhận chủ quyền Việt Nam trên hòn đảo này”. Nguyên văn trong bài báo: 越南自1957年开始控制白龙尾岛,但中国不承认 越南对该岛的主权。
Ngày 7-4, một bài trên diễn đàn của tờ Nhân dân nhật báo có nêu chủ đề: Giải pháp nào cho các tranh chấp trên biển Đông, trong đó có đoạn nhắc tới Chủ tịch Nguyễn Minh Triết đến thăm các đảo “tranh chấp” ngày 01-04 như sau: “Chủ tịch Việt Nam một lần nữa đến thăm các đảo đang tranh chấp ngày 1 tháng 4, tuyên bố chủ quyền của Việt Nam đối với các hòn đảo nằm ở giữa Việt Nam và tỉnh Hải Nam, Trung Quốc”.
Ngày 9-4, mạng Sina cũng có đăng bài nói tới “tin vui” về việc Trung Quốc sắp lấy lại các đảo ở Việt Nam, trong đó có đảo Bạch Long Vĩ. Bài báo còn nói rằng, trong Hiệp định phân vịnh Vịnh Bắc Bộ, hai nước chỉ phân chia vùng biển, chứ không nói đến chủ quyền của hòn đảo Bạch Long Vĩ và Việt Nam chỉ tạm thời giữ đảo Bạch Long Vĩ chứ không có chủ quyền.
Mạng Sohu cũng có nhắc tới Bạch Long Vĩ, người viết bài còn cảm ơn Hội Địa lý quốc gia Hoa Kỳ và Google vì đã để chữ “Tây Sa” (tức Hoàng Sa) là lãnh thổ TQ.
Liệu có phải Trung Quốc thật sự muốn lấy đảo Bạch Long Vĩ của Việt Nam, hay còn có ý đồ nào khác trong vấn đề này?
NT
CD Mạng Bauxite Việt Nam biên tập
http://www.boxitvn.net/bai/2695
GIỚI TRẺ VN NGÀY NAY
Giới trẻ VN ngày nay, theo tôi, có 1 số vấn đề nhất định như sau:
1/ Không đọc nhiều:
Tôi chưa bao giờ dám huênh hoang mình đọc nhiều, nhưng phần lớn những người đồng trang lứa với tôi hầu như chẳng đọc bao nhiêu. Khá nhiều người chỉ đọc tạp chí, hoặc vẫn đọc truyện tranh. Có người hoàn toàn không đọc gì cả, trừ sách giáo khoa ở trường. Tôi hỏi vì sao, họ có hàng trăm hàng ngàn lý do. Mỗi người 1 sở thích, họ không thích đọc. Đọc sách phải suy nghĩ, nhức đầu. Cầm sách lên chi chít chữ, nhìn 1 hồi là mắt díp lại. Bây giờ tiểu thuyết nào có tiếng cũng được dựng thành film, xem film sướng hơn. Bài vở nhiều, không có thời gian. Hay đôi khi nguyên nhân chỉ đơn giản là họ chẳng tìm thấy lý do nào để đọc.
Trong số những người có đọc, khá nhiều trong số họ thường thích 1 số tác giả như Nguyễn Nhật Ánh, Marc Levy, Stephenie Meyer… Khi tôi nhìn qua danh sách nhà văn yêu thích của những người đồng trang lứa, những tên này xuất hiện rất nhiều lần.
Tôi nhớ có 1 lần, vào giờ ra chơi tôi đang đọc 1 cuốn sách của Elfriede Jelinek thì 1 bạn học nói giọng nửa đùa nửa thật, dẹp cuốn sách đi, đừng ra vẻ trí thức nữa?!
2/ Không có khả năng có tư duy độc lập:
Hiện nay tôi đang sống tại Na Uy, và trong trường trung học Na Uy tôi nhận ra 1 khác biệt rất lớn trong cách học văn. Giáo viên có thể đưa 1 cuốn sách, giao hạn mỗi tuần đọc xong 2, 3 chương và lên lớp thảo luận, sau khi đọc xong sẽ viết 1 bài nêu quan điểm và nhận xét về cuốn sách vừa đọc. Cũng có lúc học 1 số truyện ngắn hoặc đoạn trích trong sách. Thông thường, giáo viên giảng rất ít, chủ yếu cho học sinh ngồi từng nhóm thảo luận, rồi học sinh phát biểu ý kiến, phân tích, nhận xét, bình luận… Giáo viên chỉ khẳng định, củng cố, đặt câu hỏi, đôi khi tranh luận… Đó là 1 khác biệt rất lớn, bởi bất kỳ ai học chương trình giáo dục của VN cũng đều quen với hình ảnh người giáo viên dạy văn thuyết giảng từ đầu đến cuối, đọc cho viết và rất nhiều người chấm bài theo gạch đầu dòng, nghĩa là chấm điểm dựa trên việc có đưa ra đủ ý, đủ chi tiết và lập luận như đã giảng hay không. Đa phần các thầy cô dạy văn xét điểm bằng cách chấm theo ý, và tôi biết có 1 số thầy cô cũng chấm bằng cách đo gang tay, bài dài được xem là phong phú hơn và được điểm cao hơn. Chính việc suốt 12 năm phổ thông được giáo dục theo lối đó, học sinh mất khả năng phát biểu quan điểm của chính mình. Không chỉ việc nói lên chủ kiến, họ mất khả năng tư duy độc lập.
Khi tôi học cấp 2, có 1 lần trường phát cuốn kỷ yếu. Tôi mở ra xem, trong mấy trang đầu có 1 bài thơ của cô hiệu phó. Những người xung quanh khen. Chợt tôi nghĩ đến 1 câu của Einstein “A question that sometimes drives me hazy: am I or are the others crazy?” Phải chăng tôi là người có vấn đề? Bởi tôi nhận ra trong 1 đám, chỉ có tôi cười khi thấy 2 câu trong bài thơ về người thầy do cô hiệu phó viết:
“… Thầy ở lại
Lặng lẽ rơi theo phấn…”
Vài tháng trước tôi có đưa link cho 1 số người bạn xem clip chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết phát biểu tại Cuba:
“Có người ví von, VN, Cuba như là trời đất sinh ra. 1 anh ở phía Đông. 1 anh ở phía Tây. Chúng ta thay nhau canh giữ hòa bình cho thế giới! Cuba thức thì VN ngủ, VN gác thì Cuba nghỉ.”
Lúc đầu tôi đã nghĩ họ e ngại không dám bất kính với người lãnh đạo, nhưng rồi tôi nhận ra họ thực sự không thấy clip đó có gì buồn cười cả.
Hoặc nhà thơ Tố Hữu. Ở đây tôi không muốn bàn chuyện chính trị, nên tôi không có ý định nói về khả năng, quan điểm chính trị, đời sống cũng như vấn đề nhân cách của ông Tố Hữu. Tôi chỉ xin trích câu thơ nổi tiếng của ông:
“Yêu biết mấy, nghe con tập nói
Tiếng đầu lòng con gọi Stalin!”
Như đúng sách vở, rất nhiều người cùng ca ngợi ông Tố Hữu qua 2 câu thơ này. Tôi chỉ mạn phép hỏi các vị, giả sử con các vị bập bẹ tập nói, và tiếng đầu lòng con các vị gọi Hồ Cẩm Đào hay Fidel Castro, các vị có ngập tràn sung sướng và tự hào như thế không?
Hoặc câu:
“Thương cha, thương mẹ, thương chồng,
Thương mình thương 1, thương ông thương 10.”
Cũng lại Tố Hữu. Cũng về Stalin. Trong cuốn “Đêm giữa ban ngày”, tác giả Vũ Thư Hiên đã trích 1 câu nói của cha mình là ông Vũ Đình Huỳnh, ở đời nếu thương người được như mình thương mình đã là khó lắm rồi, làm gì có chuyện thương người hơn chính mình. Nếu có ai nói thế cũng chẳng phải nói thật.
Và chính vì không có khả năng tư duy độc lập, khá nhiều người trong giới trẻ không có khả năng tôn trọng quan điểm của người khác. Năm ngoái trên blog tôi có viết 1 bài về Marc Levy. Tôi không thích Marc Levy. Tôi viết ưu điểm và khuyết điểm trong những cuốn tôi đã đọc. Tôi cũng có viết, cuốn “Nếu em không phải 1 giấc mơ” là cuốn được nhất trong 7 cuốn của Marc Levy đã xuất bản cho đến thời điểm đó. Ý cuối cùng tôi chỉ khẳng định tôi không thích, và không hiểu sao nhiều người thích Marc Levy. Và đó hoàn toàn là quan điểm cá nhân, được viết trên blog cá nhân. Trong những người vào phản đối, có 1 người nói, nếu Marc Levy tôi còn chê, những cuốn sách tôi khen chẳng đáng đọc?! [câu này tôi không thể trích dẫn trực tiếp trong ngoặc kép vì không nhớ chính xác đại từ nhân xưng người bạn học này đã dùng]
3/ Chạy theo những giá trị ảo:
Dĩ nhiên tôi không đánh đồng. Tôi chỉ đang nói, có 1 số lượng không nhỏ rất thường đọc tờ kenh14.vn, 1 tờ báo mạng vốn bị xem là Vedan của giới trẻ.
- Không đem lại kiến thức gì, chỉ viết về những tin tức dạng như chuyện bồ bịch, scandal của các sao..
- Làm hỏng ngôn ngữ trong giới trẻ, cổ xúy cho ngôn ngữ chat. 1 số người bạn của tôi thường viết gọn, bỏ ô, bỏ ê trong các từ, dần thành thói quen, viết trong cả những văn bản quan trọng. Và sau này 1 số từ ngữ bị sử dụng tràn lan, bị lạm dụng quá mức và sai đi so với nghĩa ban đầu, chẳng hạn như từ “tự kỷ”.
- Cổ vũ cho việc đuổi theo những giá trị ảo, như phong trào, hình thức, vật chất… Cụ thể, trang kenh14.vn thường lăng xê những nường xinh xẻo nổi tiếng từ trên mạng, nói nhiều tới các trào lưu và xu hướng…
Chính các trào lưu khiến rất nhiều người không có thói quen nói lên suy nghĩ và bảo vệ những điều mình tin tưởng nữa. Nói đơn giản, họ bắt đầu sống hùa. Khi tôi nói 1 số điều khác với số đông, họ cho là tôi thích chơi nổi và muốn tỏ ra lập dị khác người.
Chính việc chạy theo những giá trị ảo khiến tỷ lệ phá thai ở VN thuộc top đầu thế giới. Nhiều người nghĩ, có người yêu là sành điệu, và cho rằng mình đã trưởng thành và nhiều trải nghiệm hơn người khác khi “sống thử”. 1 trong những vấn đề quan trọng cũng do nền giáo dục. Họ dạy mơ hồ và né tránh môn giáo dục giới tính. Trong cuốn “Hoa hồng giấu trong cặp sách”, 2 tác giả Tôn Vân Hiểu và Trương Dẫn Mặc, sau khi phỏng vấn 13 nam nữ học sinh khá giỏi đã quan hệ tình dục khi vẫn còn đang mài đũng quần trên ghế nhà trường, đã cho thấy nguyên nhân chính dẫn đến điều đó là do ở TQ, người ta ngượng ngùng tránh né chủ đề giáo dục giới tính. Thế là học sinh phải tự tìm hiểu ở những nguồn khác, qua bạn bè, film ảnh… Và việc tìm hiểu sơ sài, những kiến thức không đầy đủ…, họ không biết tác hại của việc phá thai sẽ ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe. Năm lớp 10 trong trường tôi có 1 buổi giáo dục giới tính. Cô Công nghệ nói, khá khó khăn để có được 1 buổi như vậy, vì nhiều người phản đối, bảo thế là vẽ đường cho hươu chạy. Nhưng vẽ đường cho hươu chạy, chẳng lẽ không tốt hơn việc không vẽ gì hết và để hươu chạy tứ tán?
4/ Vô tâm, vô cảm:
Số lượng những người trẻ có quan tâm đến tình hình đất nước, rất khả quan, càng ngày càng tăng. Cách đây vài năm, cuộc biểu tình phản đối TQ về vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa chẳng bắt nguồn từ ai ngoài các sinh viên. Chính các sinh viên họp nhau quyết định xuống đường biểu tình. Đó là 1 dấu hiệu tốt.
Bên cạnh đó, rất nhiều người tôi biết vẫn hoàn toàn vô tâm và vô cảm. Khi tôi nói đến dự án bauxite tại Tây Nguyên, nhiều người tự nhận mình là trẻ con, không nên quan tâm tới những vấn đề như vậy, và họ tin những người lãnh đạo có cách giải quyết, và biết mình đang làm gì. Rất nhiều bạn học cũ của tôi hiện giờ vẫn còn chửi bới tôi ở VN, nói tôi phản động nhưng chỉ vờ tỏ ra yêu nước. Theo định nghĩa của họ, tôi phản động, nhưng chuyện yêu nước, tôi không nghĩ họ yêu nước hơn tôi. Những người học rồi giải trí và nói chuyện chủ quyền và an ninh lãnh thổ là chuyện nhà nước lo.
Nhưng tôi cũng không hoàn toàn trách họ. Tôi biết mình đang làm gì, và chấp nhận mọi hậu quả. Tôi đã mất 1 số người bạn, và ngược lại tôi có thêm 1 số người bạn khác. Tôi không hoàn toàn trách họ. Trước hết, nền giáo dục quá nặng nề khiến họ chỉ dành phần lớn thời gian chúi mũi vào bài vở và chạy theo điểm số và thứ hạng. Chính tôi cũng đã học trong nước, và hiểu rõ hơn ai hết chương trình học nặng và căng thẳng như thế nào. Tôi chỉ bắt đầu viết về chính trị khi ra khỏi nước vì 2 lý do: 1, khi ở VN tôi không có nhiều thì giờ, 2, chỉ khi được đi, quan sát, trải nghiệm và so sánh, tôi mới nhận ra nhiều điều tôi đã không thấy khi còn ở trong nước, và các bài viết của tôi đều dựa trên những quan sát và kinh nghiệm của bản thân.
Bên cạnh nữa, họ không quan tâm cũng phải, họ không được khuyến khích quan tâm. Những người trong gia đình muốn họ không nên dính vào chính trị, nguy hiểm. Những người khác chặn, không muốn họ cụ cựa gì. Người lớn cũng lạ lắm. Ôi các em 16 tuổi, các em ăn chơi đàn đúm thì được, nhảy nhót ngoài vũ trường thì được, rượu bia thuốc lá thì được, bồ bịch và “sống thử” thì được, chẳng ai nói năng gì, nhưng nếu các em viết về chính trị thì khuyên các em nên dẹp đi, các em phải lo học, tuổi của các em là tuổi học.
Bài viết trên nói về 1 số lượng khá nhiều trong giới trẻ chứ không phải vơ đũa cả nắm và áp đặt cho tất cả mọi người. Cám ơn vì đã đọc.
Joyce Anne Nguyen
2g5ph sáng, 11/4/2010, Na Uy.
http://www.facebook.com/profile.php?id=100000169765850&ref=profile#!/note.php?note_id=408049653141
Thư đính chính của anh Đỗ Nam Hải và Audio đính chính của Ls LTCN
Anh Đỗ Nam Hải mới gởi đi đầy đủ phần đính chính để tố cáo công an CSVN gian dối và nguỵ tạo lời nói của cô LTCN nhằm bôi nhọ Khối 8406 và hạ uy tín cô LTCN. Xin xem bên dưới. Đây âu cũng là một bài học để chúng ta luôn cảnh giác và giữ vững niềm tin vào những con người đã chứng tỏ sự can trường và lòng yêu nước trong những năm tháng qua.
Thành phố Sài Gòn, ngày 10/4/2010
Kính gửi: Quý vị và các bạn,
Sáng nay, sau những tin tức dưới đây, tôi đã có cuộc nói chuyện điện thoại với Lê Thị Công Nhân và cô ấy đã xác quyết rằng:
_Bài trả lời phỏng vấn của Công Nhân với nhà báo Thanh Phương
http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20100407-khoi-8406-ky-niem-4-nam-ngay-thanh-lap
_Những bản khác trái với nội dung trên đều là sai.
Sự việc này khiến chúng ta nhớ lại sự ngụy tạo của công an mạng Việt Nam, về cuộc trả lời phỏng vấn của chị Dương Thu Hương (nữ nhà văn) với nhà báo Đinh Quang Anh Thái (Viet Tide), vào năm 2006. Tôi xin gửi kèm theo thư này để quý vị và các bạn nắm rõ hơn thủ đoạn đê hèn của bộ máy công an Việt Nam.
Qua 2 sự việc trên cùng với biết bao điều xấu xa tệ hại khác, chúng ta có thể kết luận rằng:
1) Khi bộ máy công an Việt Nam tỏ ra sự bất lực và thế bất chính trong việc đàn áp trực tiếp thì họ quay sang kết hợp với trò đâm sau lưng và đánh dưới thắt lưng những người yêu nước Việt Nam!
2) Tất cả đều là sản phẩm tất yếu của một chế độ độc tài toàn trị và cực kỳ đạo đức giả. Nay nó đang cố gắng vùng vẫy giãy dụa để bước vào giai đoạn cáo chung!
Kính thư.
Đỗ Nam Hải.
441 Nguyễn Kiệm
P.9 – Q.Phú Nhuận – Sài Gòn.
Audio đính chính của Ls LTCN
Phát ngôn, hành động: Xin cho nhân dân phê bình thử một lần!
Trực Ngôn
Hàng loạt phát ngôn đề cao vai trò của dân nhưng xin để nhân dân làm thử một việc mà Bác Hồ từng nói: phê bình công việc của Chính quyền. Hàng nghìn tỷ đồng biến mất vào thinh không do cách tiêu xài của những tập đoàn được mệnh danh “anh cả đỏ của nền kinh tế”… Phát ngôn – hành động tuần này đọng lại nhiều điều đáng ngẫm ngợi.
Xin cho nhân dân được phê bình… thử
Trong bài viết Vận mệnh của Đảng ở trong lòng dân, GS Tương Lai đã phân tích một cách sâu sắc về sức mạnh cũng như sự sống còn của Đảng. Ông trích lời Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về nhân dân và những “đầy tớ” của họ: “… có người làm quan cách mạng chợ đỏ, chợ đen, khinh dân, mưu vinh thân phì gia. Từ một năm nay, nội hoạn, ngoại xâm không lúc nào không có, nên còn nhiều việc Chính phủ Trung ương không làm được. Có nhiều cái biết là hay, nhưng còn việc gấp phải làm gấp cái đã. Xin đồng bào phê bình, giúp đỡ, giám sát công việc của Chính phủ. Còn những việc làm mà chưa làm được thì xin đồng bào nguyên lượng“.
Để Đại hội Đảng XI thực sự thành công, Đảng đang kêu gọi các đảng viên của mình phải lắng nghe ý kiến nhân dân. Cũng trong thời gian này, chúng ta tổ chức phong trào học tập tư tưởng Hồ Chí Minh, thiết nghĩ, chúng ta lấy từng lời dạy cụ thể của Người để học tập. Và để việc học tập đó thực sự có ý nghĩa, chúng ta nên áp dụng những lời dạy của Người vào đời sống.
Trong lời dạy trên của Người có câu “Xin đồng bào phê bình, giúp đỡ, giám sát công việc của Chính phủ…” Việc giúp đỡ Chính quyền thì nhân dân đã làm tất cả và bằng cả máu của mình kể từ khi Đảng ra đời, làm mọi lúc mọi nơi, làm mà không đòi hỏi bất cứ quyền lợi gì cho mình. Còn việc nhân dân có được quyền thực sự giám sát Chính quyền hay không thì phải hỏi Chính quyền.
Nay chỉ xin áp dụng một trong ba ý trong lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh là việc phê bình mà thôi. Trong lời nói của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính quyền xin được nhân dân phê bình. Còn lúc này, nhân dân xin Chính quyền cho nhân dân được phê bình, góp ý. Nếu Chính quyền thực sự là của dân, là vì dân thì xin Chính quyền hãy để nhân dân nói về mình lúc này.
Đã từ lâu, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phải lên tiếng cảnh báo: “Nhiều người có chức có quyền trong hệ thống tổ chức của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể quần chúng hư hỏng quá, thoái hóa, biến chất, chạy theo chức quyền, tiền, danh và lợi, những người ấy đang làm cho một bộ phận không nhỏ trong nhân dân ta ngày càng giảm lòng tin vào Đảng, đưa đến tình hình nguy kịch không thể coi thường“.
Chính vậy, để không làm giảm hay đánh mất lòng tin của nhân dân vào Đảng thì Đảng phải lắng nghe nhân dân phê bình. Nhưng nhân dân cũng không xin nhiều mà chỉ xin phê bình một lần mà chỉ là phê bình… thử thôi. Để từ đó, Chính quyền sẽ biết nhân dân đang nghĩ về mình thế nào và hình ảnh thật sự của Chính quyền sẽ hiện lên rõ hơn cho dù việc phê bình không phải là 100% đúng.
Vì có người phê bình với ý thức đối kháng, có người phê bình vì lợi ích cá nhân và có người phê bình như một sự quấy rối. Nhưng số này cũng chỉ chiếm đến 5 hay 10% mà thôi. Còn lại, đại đa số người dân thực sự muốn Chính quyền càng ngày càng vững mạnh và đất nước càng ngày phồn thịnh, văn minh.
Việc phê bình chỉ đơn giản như cách người ta vẫn làm phiếu điều tra xã hội học. Chính quyền phát phiếu cho từng nhân dân một. Nhưng cho dù chỉ là phê bình thử thì cũng phải làm sao để nhân dân không… sợ Chính quyền mà nói thật lòng mình.
Ví dụ phiếu đó có các ô để nhân dân nhận xét bằng cách đánh dấu đơn giản về các mức độ nhân cách của các “quan cách mạng” như chữ Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng. Các ô đó có thể như sau: ưu tú, tốt, trung bình, tham danh, tham tiền, hư hỏng, biến chất…
Rồi nhân dân sẽ tự thống kê các mức độ đánh giá nhân cách của các “quan cách mạng”. Chúng ta không sợ tốn phí vì nhân dân sẽ sẵn sàng làm việc này mà không cần thù lao. Chính quyền không trực tiếp làm việc này để những kẻ không thiện chí không có có cơ hội lợi dụng nói là kết quả phiếu điều tra ấy không đúng với thực tế hay chỉ là hình thức “mị dân” mà thôi.
Với kết quả thăm dò đó, Chính quyền cho công bố trên báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng. Một thao tác rất đơn giản nhưng vô cùng dân chủ và có sức mạnh chứng minh đó là một Chính quyền thực sự do dân, của dân và vì dân. Đấy là cách học tập thực sự có ý nghĩa Tư tưởng Hồ Chí Minh. Tuy chỉ là làm thử thôi, nhưng tôi cầm chắc rằng, lòng tin của nhân dân vào Chính quyền nếu lâu nay có giảm sút một tí ti nào đấy sẽ được hồi phục trọn vẹn như thuở ban đầu và Chính quyền chắc chắn sẽ mạnh lên gấp bội.
Lãng phí 5 nghìn tỷ và 25.000 ngôi nhà biến mất
Cho đến nay, các tập đoàn kinh tế Nhà nước được coi như là những “anh cả đỏ” của nền kinh tế. Chính sách này là hợp lý và cần thiết nhằm tạo ra những tập đoàn kinh tế hùng mạnh với sứ mệnh làm đầu tàu kéo nền kinh tế Việt Nam cất cánh. Để thực hiện chiến lược đó, những tập đoàn kinh tế Nhà Nước đã được nhận những ưu tiên đặc biệt về nguồn vốn, đất đai và những điều kiện khác.
Nhưng cho đến lúc này, không ít những tập đoàn với cơn mơ hùng mạnh bay lên tựa rồng lại trở thành nỗi lo khổng lồ của chúng ta. Nhưng không ít những đầu tàu lý tưởng và đầy mong đợi ấy bây giờ đang biến thành đuôi tàu.
Mới đây, Tiền phong phanh phui chuyện Tập đoàn Than Khoáng sản (TKV), cũng thuộc diện “anh cả đỏ” của Nhà nước lãng phí mỗi năm 5.000 tỷ đồng. Tôi nói thật là cho đến bây giờ số tiền mà TKV lãng phí dù đã được công bố thì tôi vẫn không tin. Vì một Tập đoàn lãng phí mỗi năm từng đó tiền mà hình như xã hội mình vẫn cứ tươi cười hoan hỉ chẳng thấy gương mặt nào âu lo.
Tôi là kẻ chỉ nghĩ được cái trước mắt chứ không nghĩ được cái lâu dài nên tìm cách so sánh cụ thể 5.000 tỷ có giá trị cụ thể như thế nào. Thôi thì lấy giá một ngôi nhà tình nghĩa mà xã hội vẫn xây cho những người có công với cách mạng, những gia đình khó khăn cần được trợ giúp vậy.
Theo giá một ngôi nhà tình nghĩa tôi biết khoảng 20 triệu đồng thì số tiền mỗi năm TKV lãng phí sẽ xây được 25.000 ngôi nhà. Thế là, cứ 12 tháng nhân dân cúi mặt cấy lúa trồng khoai, cóp nhặt như cố nhà thơ Tố Hữu viết: “Mỗi hòn than, mẩu sắt, cân ngôi/ Ta nâng niu, gom góp dựng cơ đồ” cho đến khi ngẩng mặt lên thì thấy 25.000 ngôi nhà vụt biến mất.
Rồi lại cái “anh cả đỏ” EVN được đầu tư vốn Nhà nước như nước sông Hồng mùa lũ và nhân dân bền bỉ chấp nhận giá điện tăng, tăng và tăng để anh EVN bền bỉ thiếu điện và cúp điện.
Thế nhưng, những chuyện dùng tiền đầu tư Nhà nước thoải mái như dùng không khí trời ban rồi lại cái sự hay quên đến cái sự lãng phí… hình như lại là những câu chuyện bình thường hay sao ấy. Hỡi các nhà kinh tế học, xin các ngài dự báo con rồng kinh tế Việt Nam đang ở dạng nào? Dạng phôi, dạng “trứng vịt lộn”, dạng “mọc lông măng” hay dạng đã bay vù vù?
Từ Điện Biên Phủ đến Thăng Long
Cái tít nhỏ này như tên một bài hát hào hùng. Thưa không phải thế. Nhưng có thể đó là gợi mở cho một “bài ca đau lòng” (nhạc và lời: người vô lương tâm và vô trách nhiệm).
Một bức tượng các chiến sỹ Điện Biên Phủ được dựng lên có nguy cơ đổ ụp chỉ sau một thời gian ngắn giống như một người suy dinh dưỡng hay bị bệnh loãng xương vậy. Chuyện rút xương rút cốt các công trình thì xảy ra từ lâu rồi. Nhưng đến cả bức tượng thiêng về những người lính làm nên chiến thắng chấn động địa cầu cũng bị bòn rút.
Lòng tham đến như thế thì xã hội có quyền đặt câu hỏi về những bức tượng thiêng khác đã xây có bị rút xương rút cốt không? Bao giờ thì những bức tượng đó đổ?
Bây giờ lại đến chiếc cầu khổng lồ vừa xây xong thì nứt. Các chuyên gia Anh và Singapore đều đánh giá các vết nứt tại cầu Thăng Long là bất thường, chưa từng xảy ra tại các công trình trên thế giới. Thế mà trước đó, những ông bà có trách nhiệm nói tỉnh bơ là do thời tiết thất thường. Không phải họ không hiểu nguyên nhân cầu nứt mà cái thói coi thường Nhà nước, coi thường nhân dân nó ngấm sâu vào xương tủy rồi, nó thành lối sống rồi, nó thành lẽ hiển nhiên rồi.
Nay mai họp hành kiểm điểm có khi lại chỉ là rút kinh nghiệm. Cái cụm từ rút kinh nghiệm quả thực là thứ ngôn ngữ của sự thoái hóa, biến chất. Những chuyện như thế khi xã hội lên tiếng có khi lại bị một số người coi là “vạch áo cho người xem lưng” thì mới thực là quái đản. Một cái lưng “bẩn” như thế thì phải vạch ra mà rửa chứ. Kẻ nào che cái lưng “bẩn” ấy là kẻ có tội với đất nước này.
Che cái lưng “bẩn” và vấy “bẩn” cái lưng sạch
Sự thật là có những người đã cố tình che những cái lưng “bẩn” và lại vấy “bẩn” những cái lưng sạch. Hai vụ xét xử đối với hai người có hai cái tên phát âm nghe giống nhau: Sương và Xương là ví dụ cho sự thật ấy.
Vụ án ông hiệu trưởng Sầm Đức Xương mua dâm học trò đã phải xử lại bởi quá nhiều vấn đề “nghi vấn” trong điều tra và trong xét xử. Nhân dân đang chờ xem trách nhiệm và lương tâm của các cơ quan liên quan đến vụ án này ở tỉnh Hà Giang hiện ra như thế nào?
Sự suy đồi đạo đức của một thầy giáo mà lại là một thầy Hiệu trưởng cùng với danh sách những vị liên quan trong lời khai của các bị cáo trẻ tuổi đã tát vào mặt chúng ta những cái tát nẩy đom đóm mắt. Cho dù cơ quan điều tra chưa có kết luận lời khai của các bị cáo là đúng hay sai thì có lẽ chúng ta cũng đã tự hiểu tất cả. Nhưng tôi nghĩ phải nói cho chính xác là cơ quan điều tra đã có kết quả điều tra nhưng chưa công bố mà thôi chứ không phải là chưa có kết luận.
Hình ảnh người dân bao quanh Luật sư Trần Đình Triển (Văn phòng Luật sư vì dân ) ở một quán cà phê để bày tỏ lòng quý mến ông và động viên ông hãy giúp nhân dân bảo vệ sự thật và lẽ công bằng mà chính mắt tôi chứng kiến đã nói lên nhiều điều. Họ đã không tin vào cái gọi là các “cơ quan luật pháp” ở một tỉnh như Hà Giang nữa.
Và cho đến bây giờ, vụ án bà Ba Sương lại là một dẫn chứng đau lòng về cái gọi là “cơ quan luật pháp” ở Hậu Giang. Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã chỉ ra những sai trái trong việc thi hành luật pháp của các cơ quan luật pháp địa phương và quyết định điều tra và xử lại vụ án này.
Phía bên kia người ta làm sai lệch hồ sơ để bảo vệ cho những kẻ làm nhục nhân cách xã hội và phía bên này người ta làm sai lệch hồ sơ để tăng mức án người có công với xã hội. Nhân dân sẽ phải gọi các cơ quan luật pháp hay những cá nhân được Nhà nước và nhân dân trao luật pháp vào tay với một tên gọi như thế nào đây? Nhưng nhân dân sẽ không gọi ra cái tên ấy mà xin nhường những người quản lý xã hội thử gọi xem sao?
Người Việt Nam có biết đi bộ không?
Ngày 20/5 tới, người đi bộ ở Hà Nội và TP HCM vi phạm sẽ có nguy cơ bị phạt 120.000 đồng. Mức phạt này đã tăng lên. Chuyện tăng hay giảm ở đây không hẳn có ý nghĩa quá quan trọng. Nhưng việc phạt người đi bộ một cách nghiêm khắc là một thay đổi trong tư duy của chúng ta.
Lâu nay, như là một lẽ hiển nhiên do “trời định” là cứ người đi bộ và người đi xe đạp va chạm thì người đi xe đạp có lỗi, cứ người đi xe đạp và người đi xe máy va chạm thì người đi xe máy có lỗi và cứ thế và cứ thế…
Luật pháp chưa bao giờ công nhận lẽ hiển nhiên ấy nhưng trong lối sống của mình, người Việt Nam đã sống với tư duy hiển nhiên như thế đã lâu và có lẽ còn kéo dài cũng rất… lâu nữa.
Đã có những bài báo tuy quá ít ỏi viết về lối sống của người Việt Nam thông qua cách đi bộ. Đã từng có những cán bộ Việt Nam sang công tác ở nước ngoài đi bộ qua đường ở nơi người đi bộ không được phép qua bị xe cán chết nhưng những người còn sống lại định đòi nước người bồi thường nữa chứ.
Ngay ở Hà Nội, những cầu vượt hay đường hầm giành cho người đi bộ qua đường ở những nút giao thông “nóng” nhưng chẳng mấy người định đi. Thế là, cả những người buôn thúng bán mẹt cho đến các quý ông complê và các quý bà váy xòe cứ ton tót trèo qua hàng rào hay giải phân cách mà tắt đường.
Sáng sáng đi làm, chúng ta vẫn chứng kiến những người mặc quần đùi thản nhiên đi qua đường khi đang đèn đỏ và vừa đi vừa xỉa răng tanh tách. Chuyện đi bộ đâu chỉ là chuyện đi bộ nữa. Đó chính là lối sống và tư duy tiểu nông của người Việt Nam mà tôi gọi là “tư duy đi bộ”.
“Tư duy đi bộ” này không chỉ để nói về người đi bộ bằng hai chân mà về lối sống và cách làm việc của chúng ta trong hầu hết các lĩnh vực. Muốn chạy thì phải học đi, muốn bay thì phải học đập cánh. Khi việc đi bộ chưa ra hồn thì đừng nói đến những chuyện to tát.
Nguồn: http://tuanvietnam.net/2010-04-09-phat-ngon-hanh-dong-xin-cho-nhan-dan-phe-binh-thu-mot-lan-
http://www.boxitvn.net/bai/2671