Friday, May 7, 2010

Câu hỏi gởi các bác trong Ban biên tập và các bạn đọc mạng Bô-xít Việt Nam

Hoàng Dzung


Một người bạn tôi có một cậu con rể người nước láng giềng đã vào quốc tịch Việt Nam từ hơn 1 năm nay và đang làm nghề đánh cá ở biển Đông (nghề truyền thống của gia đình cậu ấy trước khi về Việt Nam). Dù là có mẹ người gốc Việt, nhưng bà mẹ ấy xa xứ đã rất lâu nên con bà chỉ mới học bập bẹ tiếng Việt kể từ khi lấy vợ Việt Nam. Cậu ấy may mắn đã trốn thoát khi bị “tàu lạ” vây bắt ở biển Đông và hiện nay vẫn chưa hoàn hồn về câu chuyện kinh hoàng ấy.

Thấy tôi có chút ít chữ nghĩa, cậu ta có đặt ra cho tôi một câu hỏi. Nhưng chữ nghĩa của tôi cũng có hạn nên không thể trả lời thỏa đáng được, đành phải nhờ các bác trong Ban biên tập và bạn đọc mạng Bô- xít Việt nam xem qua, may ra các bác có câu trả lời thỏa đáng hơn chăng!

Cậu ấy hỏi rằng:

- Con thấy bọn người vây bắt chúng con nói tiếng Tàu. Con không hiểu nhiều, nhưng tiếng Tàu này thì con quen lắm. Tại sao báo chí và người phát ngôn của Việt Nam lại gọi chúng là “Tàu lạ”? Ai còn lạ gì người Tàu, sao không gọi là “Tàu quen” hay là người Trung Quốc cho dễ hiểu?

Vì cậu ấy mới học tiếng Việt nên không phân biệt “Tàu lạ” là chiếc tàu, hay nước Tàu; cậu ta lại ngỡ rằng tên gọi “Tàu lạ” là một danh từ khác để chỉ người Trung Quốc, hay nước Trung Quốc, nên cứ mỗi khi nói đến nước Trung Quốc và người Trung Quốc thì cậu ấy cứ nói là nước “Tàu lạ” hay người “Tàu lạ”. Đó là chưa kể cậu ấy đã không hỏi nước “Tàu lạ” còn có một tên nữa là nước “Tượng hình” có phải không, vì trên báo chí còn nói dòng chữ Trung Quốc ghi trên quả thủy lôi mà ta vớt được là những chữ tượng hình để tránh đi việc phải nói ra sự thật.

Tôi không vội trả lời cho các câu hỏi trên vì chưa biết phải trả lời thế nào, trong đầu lại nghĩ đến hai câu chuyện sau đây:

Câu chuyện thứ nhất kể về một vị cao tăng dẫn đệ tử xuống núi đi xem thực địa. Các đệ tử của ngài là những chú tiểu còn ở tuổi vị thành niên, được đưa lên chùa qui y nhà Phật từ tấm bé và đây là lần đầu tiên họ được xuống núi. Dọc đường các nhà tu hành trẻ này gặp một thiếu nữ đi qua, một sinh vật lạ mà từ trước đến nay họ chưa từng thấy bao giờ, bởi vì trong chùa đến lúc ấy chỉ có mặt toàn những nhà sư, những chú tiểu mà thôi. Khi nàng đi khuất, các chú tiểu còn ngẩn ngơ, ngây ngất nhìn theo như những người bị hốt hồn. Các vị thiếu niên bèn hỏi sư phụ:

“Thầy ơi, đấy là con gì vậy?”

Sợ đệ tử bị sắc dục chi phối, vị sư phụ bèn nói:

“Cọp dữ đó các con, chớ nhìn theo mà nguy hiểm!”.

Cuối ngày tham quan xong, sư phụ bèn hỏi các đệ tử:

“Hôm nay đi chơi các con thấy có gì thích nhất?”

Các đệ tử đồng thanh trả lời:”Thưa thầy, cọp dữ là thích nhất ạ!”.

Câu chuyện thứ hai cũng nói về con cọp. Ngửi thấy hơi cọp là chó trong làng cóng chân vừa bò vừa lết để chạy trốn. Nghe tiếng cọp gầm là những kẻ yếu bóng vía và trẻ con đã sợ vãi đái ra quần. Trong dân gian kẻ yếu bóng vía và người mê tín vẫn tránh đi tiếng cọp mà gọi trệch là “Ông ba mươi” để khỏi vãi đái ra quần.

Chẳng lẽ tôi lại nói rằng các nhà lãnh đạo, các nhà ngoại giao lẫn nền báo chí nước nhà hiện nay “dũng cảm” đến mức không dám gọi cọp mà phải gọi trệch đi là “Ông ba mươi” để khỏi vừa bò vừa lết và khỏi phải vãi đái ra quần? Vì vậy nên tôi đã ngọng lưỡi mà chưa trả lời được câu hỏi do chú rể người ngoại quốc đã đặt ra cho tôi. Tôi đành phải chuyển câu hỏi khó “xơi” này cho quí Ban biên tập và quí độc giả của trang mạng BVN để cầu viện.

Nếu các vị cũng líu lưỡi như tôi thì xin hãy chuyển tiếp cho các nhà lãnh đạo đáng kính và các nhà ngoại giao khả ái, cũng như các nhà báo, nhà đài chính thống đáng bái phục của đất nước chúng ta, may ra họ trả lời được chăng?


Nếu họ cũng líu lưỡi nốt thì chắc chúng ta chỉ còn cách “Bắc thang mà hỏi Ông Trời“ thôi , mặc dù biết chắc chắn câu trả lời của Ông Trời sẽ là:

“Sao các anh không biết xấu hổ? Thế mà cũng xưng là con Lạc cháu Hồng!”

Kính thư

HD


Thư thứ hai - Nghĩ về đảng viên

Tiến Nguyễn


Hẳn nhiên tôi hiểu rằng các vị đảng viên đâu cần biết tôi nghĩ gì về họ, nhưng vì quá bức xúc với tiêu đề bài báo của ông Trương Duy Nhất “Nhiều đứa đảng viên phải gọi là thằng” mà tôi viết thư này đến BBT Bauxite Việt Nam mong giãi bày một vài ý nghĩ của tôi.

Ai cũng hiểu đảng viên được nói đến trong bài báo này là đảng viên của Đảng CSVN, vì ở nước ta hiện nay chỉ có một đảng duy nhất đó được hoạt động. Có thể nói rằng trong bất kỳ một nhóm người nào cũng có người tốt kẻ xấu, “những kẻ phải gọi bằng thằng”, nên chữ đảng viên trong bài báo của ông Trương Duy Nhất có thể hiểu là đảng viên của một đảng bất kỳ nào cũng được. Vậy hà cớ gì mà ông Nhất lại thốt lên những lời đầy giận dữ và thất vọng như vậy với các đảng viên của Đảng CSVN? Phải chăng ông giận vì đã quá yêu, ông thất vọng vì đã quá kỳ vọng? Nếu đúng như vậy tôi muốn được chia sẻ cùng ông vài cảm nghĩ.

Chúng tôi, những thanh niên của thập kỉ 60 thế kỉ trước được dạy rằng Đảng là đạo đức là văn minh. Trong các cơ quan đoàn thể một điều được mặc nhiên thừa nhận là: đảng viên là những người tốt, còn quần chúng (người ngoài Đảng) là những người chưa tốt. Đảng viên phải kèm cặp giúp đỡ quần chúng mau tiến bộ, quần chúng thì rèn luyên tư tưởng đạo đức, phấn đấu công tác để được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng. Nhiều người phấn đấu rèn luyên hàng chục năm trời cũng không đủ tiêu chuẩn được trở thành đảng viên. Nói vậy mới hiểu được sự giận dữ của ông Nhất (mà không chỉ của ông Nhất) trước sự tha hóa suy đồi của “nhiều đứa đảng viên” (chữ của ông Nhất) hiện nay.


Tuy nhiên, ngày nay điều mặc nhiên được thừa nhận của thế kỷ trước đã không còn được xã hội thừa nhân. Bởi vậy mới có câu như “thằng ấy đảng viên nhưng mà tốt”. Sự thay đổi nhận thức đó không chỉ ở những quần-chúng-phấn-đấu-mãi-không-được-vào-đảng, mà ở ngay cả những đảng viên nữa. Nhiều đảng viên không còn tự hào về danh hiệu đảng viên của mình. Một số đồng nghiệp là đảng viên của tôi bức xúc về tấm thẻ đảng khi về hưu: làm như Phạm Đình Trọng thì căng quá mà ảnh hưởng đến con cái, còn tiếp tục sinh hoạt ở chi bộ hưu thì…


Tất nhiên vẫn đang còn rất nhiều người phấn đấu vào Đảng, nhưng chắc không phải để trở thành người tốt nhất trong những người tốt, mà vì đó là điều kiện cần cho sự tiến thân. Trong hệ thống công quyền của nước ta, một chức vụ dù nhỏ cũng phải do đảng viên đảm nhiệm. Không thể nói động cơ vào Đảng của những người trẻ tuổi hiện nay là không tốt, vì nguyện vọng vươn lên một vị trí cao trong xã hội là chính đáng.


Còn nhớ trong thời kỳ Perestroika của Liên Xô trước đây, các nhà toán học Xôviết có nêu lên một định lý như sau.


Định lý: Nếu hai trong ba mệnh đề sau đây là đúng thì mệnh đề còn lại là sai:

1. Tôi là người tốt.

2. Tôi là người thông minh.

3. Tôi là người cộng sản.


Trong số những người đã, đang và sẽ giơ nắm tay lên thề trung thành với chủ nghĩa Mác-Lênin không hiểu có bao nhiêu người còn tin tưởng vào chủ nghĩa này nữa? Và có bao nhiêu người dám đối mặt với sự thật đó?

TN


http://boxitvn.blogspot.com/2010/05/chum-thu-ban-oc.html

8 ngư dân trôi dạt hơn 100 km trên biển

Sáng sớm nay, tàu cá của Quảng Ngãi mất tích trên biển ba ngày qua đã được tìm thấy ngoài khơi Bình Định, cách nơi cuối cùng họ còn liên lạc với đất liền đến 60 hải lý.
> Tàu cá mất tích trên biển

Chủ tịch UBND xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, Nguyễn Văn Thiện cho biết, 6h sáng nay tàu đánh cá của ông Võ Văn Thành đang trên đường hành nghề đã phát hiện chiếc tàu bị hỏng máy cùng thuyền trưởng Phạm Văn Quang và 7 người khác, lênh đênh trên biển. Sau 3 ngày trôi dạt, hết lương thực nước uống, cả 8 ngư dân đều trong tình trạng sức khỏe suy kiệt. Quá mừng rỡ, ông Thành lập tức cứu vớt người bị nạn và điện thoại về địa phương để thông báo tình hình.

Ba ngày qua, thân nhân của những người trên chiếc tàu mất tích đổ ra biển ngóng chờ tin tức. Ảnh: Trí Tín

Được chăm sóc và hồi phục dần, thuyền trưởng Quang chưa hết bàng hoàng, kể với VnExpress.net qua điện thoại, ngày 25/3 lúc ra khơi vớt lưới thì trời yên biển lặng. "Ai ngờ tàu bị chết máy, loay hoay chữa thì lốc xoáy ập đến, sóng lớn đánh tới tấp khiến nước tràn vào đến 2/3 tàu", viên thuyền trưởng nhớ lại những giờ phút sinh tử.

Dường như chỉ tích tắc nữa là tàu sẽ chìm xuống biển sâu. Các ngư dân cố tát nước ra khỏi tàu để giành giật sự sống. Ông Quang nói: "Ngỡ sóng đã nhấn chìm tất cả, không tin nổi giờ mình vẫn còn sống. Nếu không gặp tàu của ông Thành cứu sáng nay thì chúng tôi không chết vì sóng dữ cũng chết vì đói".

Tin tìm thấy những người mất tích bay về làng chài Bình Hải khiến cả làng xôn xao mừng vui. Ông Phạm Duy Thìn, thân nhân của một ngư dân đi trên chiếc tàu bị nạn bộc bạch: "Mấy ngày qua cả làng đã nghĩ đến khả năng xấu nhất là 8 người họ đã tử nghiệp rồi. May mà trời còn thương, hàng chục đứa trẻ ở làng chài nghèo này thoát khỏi cảnh mồ côi cha".

Nỗi đau trong nhà mấy người qua, khi tưởng người đàn ông của gia đình đã bỏ mình giữa biển khơi. Ảnh: Trí Tín

Từ ngày hôm qua, cả làng đã quyên góp được hơn 100 triệu đồng, thuê bốn chiếc tàu công suất lớn cùng 24 thanh niên to, khỏe để lên đường tìm kiếm những người mất tích. Sáng nay sau khi nhận được tin tìm thấy người, hai tàu đã quay trở về, hai chiếc còn lại vào Bình Định để lai dắt tàu hỏng máy và đưa những người gặp nạn trở về đoàn tụ cùng gia đình.

Dự kiến sáng 28/3, các ngư dân cùng tàu gặp nạn sẽ về đến địa phương.

Ngày 25/3, như thường lệ hàng ngày, chiếc tàu của thuyền trưởng Quang cùng ngư dân ra khơi thả lưới vây. Lẽ ra phải về đất liền vào chiều cùng ngày, cả tàu và người bặt tin suốt ba hôm, sau một cuộc điện thoại cấp báo tàu bị hỏng máy. Cùng lúc gió mùa Đông Bắc tràn về gây sóng to, gió lớn giật cấp 8 trên biển. Phỏng đoán người thân đã bị sóng lớn nhấn chìm cùng với tàu, gia đình các ngư dân phải cầu cứu địa phương tổ chức cứu hộ, đồng thời kéo nhau ra bờ biển dựng lều ở ngóng họ trở về.

Chiều tối 26/3, sau khi tiếp nhận văn bản kiến nghị hỏa tốc của UBND tỉnh Quảng Ngãi, Ủy ban tìm kiếm cứu nạn Quốc gia cũng đã điều động tàu Hải Quân vùng 3 (Đà Nẵng) lên đường tìm kiếm 8 ngư dân mất tích.

Trí Tín

http://vnexpress.net/GL/Xa-hoi/2010/03/3BA1A293/

Nguyễn Hưng Quốc: ‘Để Đảng và nhà nước lo!’

Nguyễn Hưng Quốc

Ở Việt Nam, người ta hay nói đùa: “Đồng bào đừng no. Để Đảng và nhà nước no cho!”. “No”, ở đây, chỉ là biến âm của chữ “lo” (lo lắng, lo toan) theo cách nói ngọng ở một số địa phương miền Bắc. Tuy nhiên, ở đây, tôi sẽ không bàn đến chuyện no hay đói. Tôi chỉ tập trung vào vấn đề lo, lo lắng hay lo toan.Viết đến đây, tôi sực nhớ mấy câu thơ dân gian nghe được lúc còn ở Việt Nam:


Nhân dân thì chẳng cần lo
Đảng ta lo sẵn bo bo mỗi ngày
Hãy chăm tay cấy tay cày
Nhịn ăn nhịn mặc chờ ngày vinh quang.


Qua mấy câu thơ viết thời ăn bo bo (cuối thập niên 1970), chúng ta thấy luận điệu “Đồng bào đừng lo, để cho Đảng và nhà nước lo” đã có từ lâu. Chỉ vài năm sau thời đổi mới, kiểu nói ấy có vẻ thưa thớt. Mấy năm gần đây, người ta lại nghe rổn rảng những lời như thế. Thanh niên sinh viên xuống đường chống Trung Quốc xâm lấn Trường Sa và Trường Sa cũng như có thái độ gây hấn thô bạo đối với các ngư dân Việt Nam ư? “Các bạn đừng lo! Đó là chuyện đối ngoại, hãy để đảng và nhà nước lo!” Giới trí thức lên tiếng phản đối các dự án cho Trung Quốc khai thác bauxite ở Tây Nguyên hay thuê rừng dài hạn ở nhiều vị trí có ý nghĩa chiến lược ư? “Anh em đừng lo! Đó là chuyện quốc sự, hãy để cho nhà nước lo!”

Không phải không có phần đúng. Chuyện đối nội cũng như đối ngoại là nhiệm vụ của nhà nước. Chỉ có nhà nước (ở Việt Nam, thêm đảng nữa!) mới đủ điều kiện để tiến hành tất cả các công việc nghiêm trọng ấy. Chỉ có họ mới nắm được các số liệu cần thiết để phán đoán và quyết định. Chỉ có họ mới đủ tư cách để đối thoại với thế giới. Chỉ có họ mới đủ quyền lực để hiện thực hoá mọi toan tính ngắn hạn cũng như dài hạn. Quần chúng, kể cả trí thức, có muốn cũng chẳng làm được gì. Từ xưa đến nay, chuyện chính trị bao giờ cũng là chuyện của một thiểu số có quyền lực. Đẩy đất nước vào chiến tranh, cuối cùng, cùng khốn, là cái thiểu số ấy. Làm cho đất nước bình yên và tiến bộ, mọi người no ấm và hạnh phúc, cũng là cái thiểu số đó. Vận mệnh của cả một dân tộc có khi thay đổi hẳn, theo chiều hướng tích cực hay tiêu cực, chỉ do bàn tay của một người hoặc một nhóm vài người.


Nhưng chúng ta có thể bàng quan, thụ động, phó thác toàn bộ số phận của đất nước, trong đó có bản thân chúng ta, vào tay của một người hay một nhóm người như thế? Không. Làm thế, chúng ta vừa dại dột lại vừa vô trách nhiệm đối với đất nước.

Thật ra, trước đây, đảng Cộng sản cũng từng nhấn mạnh đến vai trò của quần chúng. Về phương diện lý thuyết, họ không ngớt đề cao quần chúng; xem chính quần chúng, chứ không phải cá nhân, bất cứ cá nhân nào, dù là những thiên tài, đã làm nên lịch sử. Về phương diện thực hành, họ cũng không tiếc công sức vận động quần chúng. Thời chiến tranh, nhiều cán bộ nhiệt tình thực hiện chính sách “ba cùng” với dân chúng: cùng ăn, cùng ở và cùng làm. Nhiều người sống hẳn với các dân tộc thiểu số. Cũng đóng khố. Cũng cà răng. Cũng ăn uống kham khổ. Cũng chịu đựng bao nhiêu thiếu thốn.


Vai trò của quần chúng thể hiện chủ yếu ở hai khía cạnh: thứ nhất, đóng góp ý kiến để giới lãnh đạo có được một sự lựa chọn sáng suốt và đúng đắn nhất; thứ hai, hậu thuẫn cho các quyết định của chính phủ để dưới mắt quốc tế, các sức mạnh ấy tăng thêm sức mạnh: đó là quyết định của toàn dân.


Mà không phải chỉ ở Việt Nam. Ở đâu cũng thế. Ở đâu giới lãnh đạo cũng cần sự đóng góp và hậu thuẫn của quần chúng. Bởi vậy, ở đâu cái gọi là lãnh đạo cũng cần đến hai yếu tố căn bản: khả năng hoạch định chính sách và khả năng thuyết phục, hay nói theo ngôn ngữ thương mại hoá ngày nay, là khả năng rao bán các chính sách ấy. Không có khả năng hoạch định chính sách, người ta chỉ là những nhà quản lý chứ không phải là người lãnh đạo. Không có khả năng rao bán chính sách, người ta, với tư cách lãnh đạo, chỉ có thể hoặc là độc tài hoặc là bất tài. Không có ngoại lệ.


Đảng Cộng sản, lúc chưa nắm quyền hoặc thời còn chiến tranh, từng chứng tỏ khả năng rao bán chính sách khá cao, từ chính sách xoá bỏ cách biệt giữa giàu và nghèo trong xã hội, chính sách đoàn kết dân tộc và thống nhất đất nước, v.v… Nhưng thời đó đã qua rồi. Từ tư cách những nhà cách mạng đến tư cách nhà cầm quyền, họ đánh mất khả năng rao bán chính sách và khả năng thuyết phục. Từ đó, hoặc họ chỉ biết ra lệnh hoặc họ quyết định mọi chuyện một cách lén lút. Họ không cần đến quần chúng nữa. “Để cho Đảng và nhà nước lo” là biểu hiện rõ nhất của sự bất cần ấy.


Sự bất cần ấy không những là biểu hiện của độc tài, độc đoán mà còn là nguyên nhân của những quyết định sai lầm từng dẫn đến bao nhiêu tai hoạ cho đất nước. Cải cách ruộng đất vào những năm 1950, cải tạo công thương nghiệp, chính sách giá-lương-tiền nửa sau thập niên 1970 và đầu 1980 là những ví dụ tiêu biểu nhất. Mới đây, cựu Bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Dy Niên lên tiếng bày tỏ sự hối tiếc trước những sai lầm trong chính sách đối nội cũng như đối ngoại thời sau 1975 khiến Việt Nam bị hụt mất bao nhiêu cơ hội may mắn và phải gánh chịu bao nhiêu bất hạnh không đáng có. http://trangridiculous.blogspot.com/2010/04/ong-nguyen-dy-nien-gia-ma-chung-ta-khon.html


Hiểu được điều đó, ông Nguyễn Dy Niên mới nhấn mạnh: “Cho nên phải dân chủ hơn nữa. Vì không có dân chủ thì không thể có trí tuệ. Phải cho người ta nói, nói hết, nhất là tầng lớp trí thức. Để cho trí thức có thể phản biện. Lắng nghe họ, và sau đó có sự điều chỉnh, chứ cứ ào ào nghe xong rồi lại thống nhất như nghị quyết thì thôi, đưa ra làm gì.” http://trangridiculous.blogspot.com/2010/04/30-4-ung-lam-nguoi-ta-au-them-nua.html


Trên thế giới hiện nay, không có đảng hay nhà nước nào có thể gánh vác mọi thứ được. Câu nói “Đồng bào đừng lo, hãy để đảng và nhà nước lo!”, bởi vậy, chỉ là một sự lừa dối. Đó là một sự khinh thường quần chúng.


Nhưng muốn quần chúng tham gia vào chính sự, cần có ít nhất hai điều kiện căn bản: sự minh bạch và quyền được phản biện. Có điều, chính quyền độc tài và tham nhũng nào cũng sợ cả hai điều đó. Toàn bộ sự nghiệp và tài sản của họ đều được xây dựng trên sự thiếu minh bạch của bộ máy nhà nước. Và toàn bộ hào quang về sự thông minh và uyên bác của họ đều được xây dựng trên cái quyền được làm người duy nhất có thể lên tiếng.


Nguồn: Nguyễn Hưng Quốc Blog

Báo Nhân dân số ra ngày 06/05/2010: Một bản tin nhỏ nhiều câu hỏi lớn

Lý Trọng Phúc

Phóng ảnh bài báo đăng trên trang mạng của báo Nhân Dân.

Phóng ảnh bài báo đăng trên trang mạng của báo Nhân Dân.

Báo Nhân dân hôm nay (6/5/2010) đăng tin Tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc do Ðoàn công tác của TƯ Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh và Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân tổ chức ở khu vực Ba Kè ngày 5/5 vừa qua. Cạnh đó là tin Quảng Ninh tiếp nhận Đá chủ quyền Trường Sa do Quân chủng Hải quân, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa trao tặng.

Đọc hai mẩu tin ngắn này thấy nhiều vấn đề cần suy nghĩ.

Thứ nhất, tại sao chỉ tưởng niệm các cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trên thềm lục địa phía Nam trong những năm 1990, 1996, 1999 và 2000 ? Các thời điểm 1990, 1996, 1999, 2000 có ý nghĩa như thế nào không thấy bài báo nhắc đến? Vậy người đọc có thể tạm hiểu vào những năm đó có các sự kiện tranh chấp lãnh thổ lãnh hải hoặc vì các lý do khác khiến nhiều chiến sỹ của chúng ta trong quá trình làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo đã hy sinh anh dũng?

Thế nhưng cách đối xử với những người con nước Việt hy sinh trong các cuộc chiến bảo vệ biển đảo năm 1974 (những người lính Việt Nam Cộng hòa) và 1988 (những người lính CHXHCN Việt Nam) có ổn thỏa không? Tại sao đối với họ lại làm thinh đến thế? Họ đã hy sinh anh dũng trong cuộc chiến không cân sức với Hải quân Trung Quốc và dù dưới chế độ nào họ vẫn là người thực hiện đến hơi thở cuối cùng nhiệm vụ thiêng liêng nhất của người công dân – người lính: bảo vệ Tổ quốc.

Vậy tại sao Nhà nước không tổ chức lễ tưởng niệm cho họ lại né tránh khi nhắc đến họ? Tại sao cả một nền báo chí luôn được gọi là “tiến bộ” và phục vụ nhân dân phải sợ hãi khi nhắc đến những sự kiện oanh liệt này, sợ hãi đến mức khôi hài khi chỉ dám sử dụng các từ “tàu lạ”, “tàu nước ngoài”, “quân đội nước ngoài”… trong khi biết rõ chúng nó là ai. Tinh thần yêu nước và sự hy sinh vì Tổ quốc tuyệt đối không thể đánh đồng với những động cơ và lợi ích chính trị cục bộ nào đấy, bởi thế phải khách quan thừa nhận họ đáng được tri ân trước tất cả những người ngã xuống sau họ không phải trong những cuộc chiến khốc liệt. Xứng đáng xếp ngang hàng với họ chỉ có thể là những người lính dám đánh đổi tính mạng của mình trong các cuộc chiến vệ quốc ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc trong những năm trước đây mà thôi.

Vì vậy, nếu ai đó cố tình quên lãng hoặc né tránh và cho mình có quyền lựa chọn đối tượng trong việc tổ chức tưởng niệm các liệt sỹ thì sẽ biến hành động vốn rất cao đẹp này thành một chuyện không còn hoặc giảm hẳn nghĩa, thậm chí sẽ xúc phạm vong linh các anh hùng liệt sỹ và người dân cả nước. Hãy thử nghĩ đến tâm trạng của những người là cha, mẹ, vợ con, anh em đồng chí của các liệt sĩ – cả người được nhắc và người bị bỏ quên – khi thấy cách đối xử lạ lùng như trên.

Một khi sự hy sinh không được ghi nhận dù với bất cứ lý do gì thì sẽ không thể khơi dậy sức mạnh toàn diện của dân tộc trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tương lai xa hoặc gần mà Nhà nước tuyệt không nên chủ quan rằng bây giờ mình đã có “cách làm” khác chứ không cần đến nữa. Và như thế, dù Quân chủng Hải quân, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa có tổ chức trao tặng bao nhiêu viên đá chủ quyền đi nữa thì có lẽ trong trái tim sâu thẳm của đông đảo dân chúng có lương tri, việc làm ấy chưa chắc đã phát huy được những tình cảm cao đẹp nhất.

LTP

HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập

Đất nước đang bất ổn thật rồi?!

Hà Văn Thịnh – Đại học Khoa học Huế

Ngày 6.5.2010 là một trong những ngày mà cái đầu bé nhỏ của tôi cứ muốn vỡ tung ra vì lướt qua mạng, chạm đến bài nào là… nhức nhối vì bài ấy. Tôi chẳng còn biết mình nên viết về cái gì để cho cái đầu đỡ bị đau, đỡ bị xót, để khỏi phải khóc thành tiếng một cách tủi hèn! Thậm chí, tôi buộc phải nghĩ rằng xã hội mà ta đang sống, thực ra đang bất ổn thật rồi: Rối tinh lên từ Quốc hội đến Bộ Quốc phòng, từ Biển Đông “thỏa đáng” được mấy ngày lại đến chuyện tàu của ngư dân Quảng Ngãi bị bắt, rồi Trung Quốc lại ban hành “lệnh”(!?) cấm đánh bắt cá ở Biển Đông…

Dân tộc Việt Nam đang sống trong nền văn minh nào đây? Nếu nói là nền văn minh “của dân”, sao người dân khổ thế? Nếu nói rằng đây là nền văn minh của chịu đựng và nhẫn nhục thì xin hỏi, chờ đến bao giờ? Nếu nói rằng nền văn minh “hữu nghị” của “thỏa đáng, thật thà”, sao dối trá và gạt lường cứ như chuyện chợ trời? “Ngày xưa” Tố Hữu nói Chuyện tình e sớm nắng chiều mưa / Chợ trời thật giả đâu chân lý / Hàng hóa lương tâm vẫn thiếu thừa. Ngày nay, xin mạn phép Tố Hữu mà sửa lại rằng “Chuyện đời e sáng (bị) mắng, chiều (vẫn) thưa / Chợ trời, đồ giả là chân lý / Tiền bạc riêng ta vẫn cứ thừa”…

1. Lá đơn kêu cứu của ông Bùi Như Thủy ở Hải Phòng, 87 tuổi – đọc mà tôi không dám tin ở mắt mình! Đơn kêu cứu gửi Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Nước, Thủ tướng 19 lá rồi (từ 2004), hết 2.100 ngày chờ đợi mà không hề có phản hồi. Vậy, “vì dân, của dân” là thuộc vào cái thứ nào đây? Được hay không, phải trả lời cho dân biết, đó là trách nhiệm của những kẻ ăn đồng lương, bổng lộc từ tiền nộp thuế của dân. Luật Đất đai mà chỉ riêng điều 116, khoản 1, có 96 từ, sai 12 vấn đề là cái lý ra sao? Chẳng lẽ cả cơ quan lập pháp của một quốc gia mà không tranh luận nổi với một cụ già gần 90 tuổi sao? Hay là do Quốc hội có quá nhiều thành viên của “mặt trận” chẳng hiểu gì đời, xã hội, luật pháp nên làm luật, đụng đâu sai đó? Nếu có sai thì phải sửa, đó là nguyên tắc của mọi chính quyền vì dân. Quốc hội mà coi thường dân, khinh cả người già như thế thì đúng là hết lời để nói rồi.

2. Chuyện của cựu Trung tá tình báo Vũ Minh Trí kiện Tổng cục 2 còn làm tôi hoang mang hơn nữa. Cơ quan tình báo là cơ quan bí mật nhất, quan trọng nhất đối với an ninh quốc gia mà mọi sự cứ “bùng nhùng” những chuyện nổi cộm hết năm này đến năm khác là do đâu? Chẳng lẽ, tình báo, quân đội mà quanh năm chỉ lo giải quyết những sản phẩm “tồn kho” từ lâu để lại liên quan đến uy tín quân đội và cả vận mạng đất nước mà cũng chẳng dứt điểm cho xong? Vậy an ninh quốc gia, an toàn lãnh thổ, nền độc lập của đất nước phải “xếp hàng” sau mấy cái vụ nhức đầu của những cá nhân nào đấy thôi ư? Cá nhân, dù to đến cỡ nào, nếu lạm dụng quyền hành, gây phương hại đến an ninh thì nhất thiết phải xử lý ngay và xử lý triệt để. Phải đưa vụ việc ra tòa án, phải công bố sự thật để dân chúng an lòng, để mang lại niềm tin cho sĩ quan và binh lính.

3. 27.5 thả ngư dân bị bắt, sau khi đã trấn lột hơn nửa tỷ đồng tài sản của ngư dân ta, ông Hồ Cẩm Đào nói rằng đã tìm được giải pháp “thỏa đáng” cho Biển Đông. Lời ông Hồ nói gió chưa kịp thổi bay thì 29.5, ông ta xấc xược và côn đồ khi ngang nhiên ban hành ‘lệnh’ cấm đánh bắt cá ở Biển Đông – phần lớn thuộc chủ quyền của Việt Nam, từ ngày 16.5 đến 1.8.2010!? Năm ngày sau, ngày 4.5, lính Trung Quốc lại bắt giữ tàu QNg-0281 với 12 ngư dân và đòi tiền chuộc 70 vạn nhân dân tệ (nghe đâu người ta đang chuẩn bị đổi tên đồng tiền của nước nào đó thành “đảng tệ”)(!)

Đến như vậy mà còn nhắm mắt, đưa chân tin vào “năm hữu nghị”, “cung hữu nghị” thì quả thật, hàng chục năm đọc sách, nghiên cứu sử học của tôi chỉ đáng vất vào sọt rác. Tôi không hiểu những người lãnh đạo có trách nhiệm với dân tộc, đất nước hiện nay đang muốn làm gì khi cứ cúi đầu thấp hơn nữa? Điện Biên Phủ ở đâu? Hào khí Bạch Đằng, Chương Dương, Hàm Tử… ở đâu, hay đang rủ nhau cùng trốn chạy trong cái góc khuất lụy tăm tối đớn hèn nào đó? Nói thật, dù đã U60, nhưng tôi vẫn sẵn sàng làm “người lính già đầu bạc”, nếu Tổ Quốc cần! Chẳng lẽ bà Nguyễn Phương Nga cứ tiếp luồng “tư tưởng” cho ông Phạm Bình Minh theo nguyên tắc phụ tùy phu xướng mãi hoài sao? Tại sao không vì dân tộc, giảm bớt quyền, bổng cá nhân, lợi ích nhóm, để có đồng minh? Tại sao không thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ? Chúng ta học Tư tưởng Hồ Chí Minh ở điểm nào là đáng học nhất?… Khi Đại Hán mặt dày, mày trợn, lòng dạ tham lam, hành xử như côn đồ, gây ra bao tội ác khiến ngư dân và trái tim, khối óc của gần 90 triệu con dân Việt đau và nhức nhối không cùng như thế, thì nhẫn nhục hơn nữa, đồng nghĩa với tội ác. Hãy cứ nhìn xem Quân hạm và phi cơ chiến đấu Malaysia vừa đuổi theo tàu Ngư Chính của bọn hải tặc xâm phạm vùng biển Trường Sa, bám sát trong 17 giờ liền khiến chúng phải cụp đuôi bỏ chạy, mà không thấy nhục sao?

Nhiều và rất nhiều những nỗi đau buộc phải viết ngay trước ánh bình minh của ngày 7.5. Đó là Ngày mà cách đây 56 năm, cả dân tộc Việt Nam đã tạo nên kỳ tích làm rung chuyển cả năm châu và vang dội cả địa cầu. Trong đầu tôi đang vọng đến tiếng “thì thầm” của E. Hemingway: “Let’s The Day Perish” – Hãy để Ngày ấy Lụi tàn (tên một cuốn sách). Không lẽ trong mỗi trái tim và tấm lòng Việt, chẳng còn Tinh thần Điện Biên, sức mạnh Phù Đổng nữa?

Huế, 7.5.2010

HVT

HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập