Tuesday, April 13, 2010
Bao nhiêu quan chức ở Hà Giang mua dâm nữ sinh?
Trân Văn, phóng viên RFA
2010-04-12
Năm ngoái, vụ án “mua dâm người chưa thành niên”, xảy ra tại trường trung học Việt Lâm, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, từng khiến công chúng bàng hoàng.
AFP photo/Hoang Dinh Nam
Một học sinh đạp xe ngang qua pano có ghi "Xâm hại tình dục trẻ em là tội ác" trên đường phố Vũng Tàu.
Hủy án sơ thẩm
Năm nay, công chúng sửng sốt hơn khi toà án cấp phúc thẩm tuyên hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại từ đầu, vì toàn bộ quá trình điều tra, truy tố, xét xử ở cấp sơ thẩm được nhận định là có nhiều sai sót.Có nhiều dấu hiệu cho thấy, những sai sót đó là cố tình, nhằm bao che hành vi “mua dâm người chưa thành niên” của hàng chục viên chức, trong đó có ông Nguyễn Trường Tô, Chủ tịch tỉnh Hà Giang.
Thậm chí có cả những dấu hiệu cho thấy, đã có hai nạn nhân là nữ sinh Nguyễn Thị Thanh Thúy và nữ sinh Nguyễn Thị Hằng bị biến thành tội phạm để che đậy cho những tội phạm khác.
Về phía tôi, đây là vụ án không có căn cứ để truy tố hai cháu về tội môi giới mãi dâm. Căn cứ vào tính nhân đạo trong luật pháp Việt Nam thì không nên áp dụng biện pháp tạm giam đối với các cháu.Sau hai tháng được “điều tra lại từ đầu”, vụ án này đang diễn tiến thế nào?
Luật sư Trần Đình Triển
Vẫn bị tạm giam
Trân Văn phỏng vấn Luật sư Trần Đình Triển, Trưởng Văn phòng Luật sư Vì Dân, nơi nhận bào chữa miễn phí cho nữ sinh Nguyễn Thị Thanh Thúy và nữ sinh Nguyễn Thị Hằng.
Ông kể: “Sau khi Tòa án Nhân dân tỉnh Hà Giang hủy án, trả hồ sơ điều tra lại từ đầu, công an của huyện Vị Xuyên đã trực tiếp điều tra nhưng cách đây khoảng chừng một tháng thì công an tỉnh Hà Giang đã rút vụ án lên để trực tiếp điều tra.
Về phía tôi, mặc dầu rất bận nhưng cũng đành phải chấp nhận theo vụ án này đến cùng, cho dù có thể tốn kém, có thể vất vả, tôi đã chấp nhận làm việc miễn phí cho cả hai cháu: cháu Thúy và cháu Hằng.
Cách đây hai tuần thì tôi đã làm việc với Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra của công an tỉnh, có vào trại tạm giam cùng với điều tra viên để gặp hai cháu.
Tôi hỏi các cháu, lần này, trong quá trình tiến hành điều tra lại thì các điều tra viên xét hỏi có gì mà các cháu cảm thấy không hài lòng không?
Các cháu trình bày là các điều tra viên mới, tiến hành điều tra lại vụ này thì họ lấy lời khai của các cháu đúng pháp luật, ghi chép rất đầy đủ ý kiến của các cháu.
Trong công tác tạm giam thì cháu Hằng không có việc gì, riêng cháu Thúy, sau phiên tòa, cháu không được giải quyết cho gia đình thăm nuôi cũng như không cho gia đình gặp, với lý do là cháu làm mất trật tự trong trại tạm giam. Tôi có hỏi mất trật tự thế nào, thì cháu nói là trong trại, người ta nhắn từ phòng nọ sang phòng kia, để đi cung hay là ra xét xử thì không bị làm sao, riêng cháu thì lại bị xử lý là không được thăm nuôi.
Hai nữa là tình hình bệnh tật của cháu cũng rất là phức tạp, bệnh xá thì không đủ khả năng để khám bệnh mà không đưa cháu đi ra bệnh viện bên ngoài để chữa chạy cho cháu.
Tôi cũng đã làm việc với điều tra. Nếu đã trả hồ sơ điều tra lại thì người ta phải xem xét lại từ đầu để xem có tội hay không có tội, áp dụng biện pháp ngăn chận hay không áp dụng biện pháp ngăn chận.
Về phía tôi, đây là vụ án không có căn cứ để truy tố hai cháu về tội môi giới mãi dâm, thứ hai nữa là sau khi hủy án thì cơ quan điều tra đã có vài ba tháng để làm việc và cũng đã lấy lời khai tương đối rồi. Thứ ba nữa là căn cứ vào tính nhân đạo trong luật pháp Việt Nam thì không nên áp dụng biện pháp tạm giam đối với các cháu. Gia đình của hai cháu đã làm đơn bảo lãnh để cho hai cháu được tại ngoại.”
Trân Văn: Kết quả thế nào ạ?
Luật sư Trần Đình Triển: “Kết quả đến bây giờ là các cháu vẫn chưa được tạm tha.
Văn bản kiến nghị của tôi đã được một số đồng chí lãnh đạo các cơ quan có chức năng của đảng và nhà nước quan tâm, đó là ý kiến của đồng chí Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, Ủy ban Tư pháp Quốc Hội đã có văn bản cho Bộ Công an, Tòa án Nhân dân Tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.
Vừa qua tôi được biết là phía Tòa án Nhân dân Tối cao cũng đã có văn bản do ông Đặng Văn Phương, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao ký, gửi cho Viện Kiểm sát Tối cao, đề nghị kiểm sát điều tra và xem xét.
Tôi cũng được biết là một số cơ quan trung ương đã lên Hà Giang và đang tiến hành xem xét vụ việc.
Về phía tôi thì tôi cho rằng dù xem xét gì nữa thì cơ quan trung ương phải tiến hành, còn nếu để cơ quan địa phương làm thì tôi cho rằng sẽ không đảm bảo tính khách quan và sẽ có nhiều điều không thuận lợi xảy ra.”
Dễ bỏ sót tội phạm
Trân Văn: Thưa anh Triển, theo một vài nguồn tin mà chúng tôi có thì đã có một số áp lực đối với nhân chứng, đối với gia đình của cô Hằng và cô Thúy, thậm chí là cũng đã có những biểu hiện không bình thường, nhằm gây áp lực đối với luật sư tham gia bảo vệ quyền lợi cho hai bị cáo vị thành niên là anh.
Anh có thể cho thính giả của chúng tôi biết những tin đồn đó là như thế nào không?
Bây giờ chúng ta phải khách quan, nếu cơ quan trung ương không làm thì rất khó để làm. Tôi cho rằng không phải chỉ có 15 cháu này và mấy ông ấy đâu, mà còn rất nhiều nữa.
Luật sư Trần Đình Triển
Luật sư Trần Đình Triển: “Những áp lực, thậm chí đe dọa, thậm chí mua chuộc, thậm chí dùng những lời lẽ không hay, hay là phân tích ngược lại đối với gia đình hai cháu bé, cũng như việc gặp gỡ các nhân chứng, đặc biệt là nhiều sự kiện chứng minh sự việc đó và kể cả bản thân tôi...
Tất cả những điều đó tôi nghe nhưng anh cũng phải thông cảm cho tôi là tôi đang nghe, tôi mới được nghe và nghe qua nguồn nọ, qua người kia, kể cả gia đình của các cháu cũng có gọi điện nói với tôi, và nhiều người khác cũng nói với tôi những lời như vậy.
Tuy nhiên, tôi chưa có bằng chứng xác thực để kết luận. Do đó về phía tôi thì cũng chỉ đặt giả thuyết là phòng ngừa, trong công việc phải phòng ngừa để làm cho đúng, cho tốt, theo đúng pháp luật. Tôi là một luật sư thì tôi nghe và chưa có bằng chứng thì tôi chưa dám kết luận về vấn đề đó.”
Trân Văn: Thưa anh Triển, với kinh nghiệm của một luật sư chuyên về tranh tụng, theo anh, liệu là những áp lực từ dư luận, những tin mà theo anh là chưa kiểm chứng cho nên chưa thể tường thuật chi tiết, chưa thể kết luận, có thể tác động đến các nhân chứng, đến gia đình của các bị cáo và nó có thể khiến cho vụ án chuyển dịch theo một hướng hoàn toàn khác, không đúng với sự thật khách quan hay không?
Luật sư Trần Đình Triển: Đấy là vấn đề. Để giải quyết vấn đề đó, tôi đã vào trại tạm giam, có chứng kiến của Phó Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Giang, vì khi đó có dư luận cho rằng, các cháu vu khống và thứ hai là chỉ theo lời khai của các cháu thì chưa đủ căn cứ để kết luận về cái gọi là "danh sách đen".
Đối với cháu Hằng thì cháu Hằng tự nguyện, đó có thể là quan hệ tình dục với vị thành niên, nhưng đối với cháu Thúy thì có những dấu hiệu là một vụ cưỡng dâm có tổ chức.
Hôm đó, cháu Thúy khai là ngày mai thi thì hôm nay ông Sầm Đức Xương gọi cho cháu, ra lệnh cho cháu phải nghe và thực hiện theo lời của một phụ nữ. Cháu bảo rằng ngày mai thi rồi cho nên không thể đi được thì thầy Xương nói rằng, nếu không đi thì kể cả học cũng không đậu, còn đi thì không học cũng đậu.
Cháu buộc phải nghe, đến khách sạn để gặp một phụ nữ chính là người lễ tân của khách sạn. Ngoài người phụ nữ đó thì gặp anh Sáng là Phó bí thư của Huyện đoàn Vị Xuyên - người cháu rất biết vì cháu là cán bộ đoàn của trường.
Phó Bí thư Huyện đoàn đưa cháu lên phòng gặp một người và giới thiệu đó là ông Nguyễn Trường Tô, chủ tịch tỉnh. Sau đó thì ông Nguyễn Trường Tô quan hệ với cháu và ra về.
Tình tiết này thì không phải là quan hệ tình dục với vị thành niên nữa mà ở đây là một vụ cưỡng dâm và có tổ chức.
Cái này rất dễ để xác minh, rất nhiều giải pháp để làm. Tôi lấy ví dụ, yêu cầu cơ quan viễn thông cung cấp các số điện thoại giao dịch với nhau trong ngày mà các cháu khai.
Bây giờ chúng ta phải khách quan, nếu cơ quan trung ương không làm thì rất khó để làm. Tôi cho rằng không phải chỉ có 15 cháu này và mấy ông ấy đâu, mà còn rất nhiều nữa. Theo như tôi biết là còn nữa.
Ngay tại tòa, ông Sầm Đức Xương cũng đã nói rằng, Bí thư Đoàn trường nói rằng, một số quan chức của tỉnh thường lấy xe đón các cháu ở cổng trường. Ai ở phiên tòa hôm đó cũng nghe ông Sầm Đức Xương nói như vậy.
Rõ ràng ở đây không phải chỉ có một người mà còn những người khác. Chúng ta chưa khai thác hết tất cả những nguồn thông tin của các cháu thôi.
Do đó nếu trung ương không vào cuộc thì tôi cho rằng thông tin sẽ bị bưng bít, bởi nó liên quan không chỉ ông Tô mà dây mơ rễ má đến ông nọ, ông kia, con ông nọ, cháu bà kia, có cơ sở để mà nói rằng không có thì sẽ tạo khó khăn trong công tác điều tra.”
Trân Văn: Cảm ơn anh Triển. Chúc anh khỏe và bình an.
http://www.rfa.org/vietnamese/
Tôi yêu Tổ quốc tôi mà tôi bị bắt
Những ngày này
Tổ quốc là cá nằm trên thớt
Tổ quốc là con giun đang bị xéo quằn
giặc chiếm Hoàng Sa, Trường Sa
Biển đông bị bóp cổ
Sóng bạc đầu nhe nanh sư tử
biển đập nát bờ
Hồng Hà, Cửu Long giãy giụa thở ra máu
Tuổi trẻ mít-tinh
đả đảo Trung Quốc xâm lược!
Sông Bạch Đằng tràn lên phố biểu tình
Sông Bạch Đằng bị bắt
ải Chi Lăng theo tuổi trẻ xuống đường
ải Chi Lăng bị bắt
gò Đống Đa nơi giặc vùi xương
sẽ bị bắt nếu biểu tình chống giặc!
Có nơi đâu trên thế giới này
như Việt Nam hôm nay
Yêu nước là tội ác
biểu tình chống xâm lăng bị “Nhà Nước” bắt?
Các anh hùng dân tộc ơi!
Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo ơi!
nếu sống dậy, các Ngài sẽ bị bắt!
ai cho phép các Ngài đánh giặc phương Bắc?
sao vua Trung Hoa lại chiếm nước Trung Hoa:
“Bên kia biên giới là nhà
Bên đây biên giới cũng là quê hương”
Thơ Tố Hữu năm nào từng xóa dấu biên cương!
Đường ra biển dân tộc ta đang bị tắc
Phải giành lại Hoàng Sa từ anh bạn Thiên triều
tôi yêu Tổ Quốc tôi mà tôi bị bắt!
Tổ Quốc yêu Người phải lấy máu mà yêu!
Trần Mạnh Hảo
http://www.hoilatraloi.blogspot.com/
Văn hóa blog: Cuộc khởi nghĩa của đám đông
Trong bất cứ trường hợp nào, thì blog, nơi chứng kiến các cuộc đồng khởi của các độc giả vốn thầm lặng, vẫn là một diễn tập tốt, từ đó, chúng ta hy vọng nhìn thấy sự hình thành và phát triển của một thứ văn hoá dân chủ, vốn là một trong những điều chúng ta cần nhất hiện nay.
Nguyễn Hưng Quốc
Gần đây, mỗi lần tôi nói chuyện với bạn bè hay có khi chỉ là người quen tình cờ gặp gỡ đâu đó, đề tài hầu như bao giờ cũng xoay quanh các bài viết của tôi trên blog này. Thì cũng bình thường. Trước kia, cũng thế. Phần lớn các bài viết của tôi đăng hoặc trên báo in hoặc trên website đều có khá nhiều phản hồi và cũng là đề tài trong các buổi chuyện gẫu. Nhưng từ ngày tôi viết trên blog thì khác. Người ta không chỉ nói về bài viết của tôi. Mà còn, có khi, nhiều hơn, về các ý kiến phản hồi ở dưới mỗi bài. Nhiều người khoe là mỗi ngày họ vào blog không phải một mà là hai, ba, hoặc, thậm chí, năm bảy lần. Dĩ nhiên không phải để đọc lại bài viết của tôi. Mà là để theo dõi các ý kiến đóng góp của bạn đọc. Và người ta nhớ tên một số người thường đóng góp ý kiến. Người ta bình luận. Người ta phân tích không những cái đúng cái sai mà còn cả các hậu ý, có khi là hậu ý chính trị, đằng sau các ý kiến ấy. Nhiều buổi nói chuyện để lại trong tôi ấn tượng là người ta không quan tâm mấy đến bài viết của tôi mà chỉ tập trung vào các ý kiến của người đọc.
Đó là điều lạ.
Tôi làm báo từ lâu, ngay từ lúc mới rời Việt Nam sang định cư tại Pháp. Sang Úc, tôi cũng làm tờ Việt (1998-2001), tờ tạp chí văn học tiếng Việt thực sự chuyên nghiệp đầu tiên tại Úc. Ngoài ra, bài vở của tôi cũng được đăng tải trên hầu hết các tạp chí văn học ở hải ngoại. Rồi tôi viết sách. Viết khá nhiều. Và tất cả, theo các nhà xuất bản, đều thuộc loại bán được. Có thể nói, sau hơn hai mươi năm cầm bút, tôi có một lượng độc giả nhất định, chắc chắn không ít hơn bất cứ một cây bút chuyên về lý luận hay phê bình văn học nào. Vậy mà, trong một thời gian rất dài, tất cả các độc giả ấy đều giấu mặt, xa cách, vô danh, có cảm tưởng không hề hiện hữu bao giờ.
Thì, thật ra, cũng có một số người lên tiếng đâu đó. Một số người viết thư hoặc gửi email đến tôi để bày tỏ cảm nghĩ này nọ. Nhưng, thứ nhất, con số ấy không nhiều; thứ hai, họ vẫn lên tiếng với tư cách cá nhân, thứ ba, hầu hết, nếu không nói là tất cả, đều là những người tán đồng hoặc ít nhiều mến mộ tôi; và thứ tư, họ vẫn là những độc giả cô đơn, khuất lánh: Tôi nghe họ như nghe những tiếng thầm thì, từ xa. Có khi xa lắc. Và chậm. Có khi thật chậm, nhiều lúc cả mấy năm, thậm chí, hàng chục năm sau khi bài viết đã đăng hoặc sách đã xuất bản. Nghe như những tiếng vọng muộn màng của một hòn đá ném vào hư không. Thăm thẳm.
Bây giờ thì khác. Độc giả không còn là một đám đông vô danh và thầm lặng nữa. Và không phải chỉ có những người ái mộ. Sau mỗi bài viết có khi có cả hàng chục, hay hàng trăm người phát biểu. Trong số đó, có một số người tôi biết; còn lại: hoàn toàn không. Không phải ai cũng đồng ý với tôi. Nhiều người phản bác, thậm chí, lúc nào cũng phản bác. Không phải ai cũng dịu dàng, lịch sự. Nhiều người rất sân si, đầy những hằn học. Điều thú vị là không phải ai cũng góp ý với tôi. Người ta còn góp ý với nhau. Cãi cọ nhau. Vô tình hình thành một trận tuyến giữa các độc giả.
Trên sân khấu văn học ngày xưa, giữa các tạp chí và sách, chỉ có một mình tác giả. Nói là “sân khấu”, nhưng sân khấu ấy lại chìm khuất trong bóng tối. Người ta viết văn một mình. Lúc nào cũng một mình. Ngay cả khi, trong một số tác phẩm nào đó, viết chung với bạn bè hay đồng nghiệp, thì mỗi người vẫn viết một mình. Mỗi người ngồi trước một computer hay laptop. Chung quanh là sách. Chỉ có sách. Bài viết hay sách in ra, có khi chìm lỉm trong im lặng mênh mông. Tôi biết nhiều người cầm bút thèm nghe một hồi âm, kể cả một tiếng chửi: Cũng không có. Người ta băn khoăn: Độc giả ở đâu rồi nhỉ?
Độc giả vẫn có đấy chứ. Đông nữa là khác. Hàng triệu, hàng chục triệu người. Nhưng họ chỉ là một đám đông vô danh và vô thanh. Có thể thấy điều đó ngay trong tiếng Việt: chữ “tác giả” bao giờ chỉ hàm ý số ít. Muốn nhấn mạnh đến số nhiều, chúng ta phải thêm số đếm (1,2,3..) hay các chữ “các”, “những”… phía trước. Chữ “độc giả”, ngược lại, bao giờ cũng hàm ý chỉ số nhiều. Muốn nhấn mạnh đến số ít, chúng ta phải thêm chữ “một” phía trước. Như vậy, có một nghịch lý: tác giả là một cá nhân nhưng lại là một công chúng (public) sừng sững trên sân khấu, trở thành trung tâm của mọi sự chú ý, trong khi công chúng thực sự, tức đám đông độc giả, thì lại là những gì hết sức riêng tư (private), hết sức âm thầm và lặng lẽ. Không ai nghe tiếng của họ cả.
Bây giờ thì khác.
Bây giờ, trên các trang blog, độc giả đồng khởi. Đúng là một cuộc khởi nghĩa của đám đông, vốn cả hàng ngàn năm nay, bị xem là thầm lặng, vô danh và vô thanh. Đọc xong, người ta không còn thụ động gật gù hay lắc đầu thở ra. Người ta có thể lên tiếng ngay. Đang ngồi trước computer nối mạng, chỉ cần vài ba động tác nhanh gọn, ý kiến của họ xuất hiện, có khi gần như ngay tức khắc. Và, điều đáng nói là, những ý kiến ấy cũng được đọc không kém gì các bài viết chính của các blogger. Họ cũng có người đọc của họ. Ý kiến của họ có khi cũng trở thành đề tài để bàn tán sôi nổi, trên blog cũng như ngoài xã hội. Như vậy, trên blog, không những tác giả mà cả độc giả cũng có độc giả.
A! Đó mới chính là điều lý thú: Độc giả cũng có độc giả.
Trước, những tưởng độc giả là đặc quyền của tác giả. Chỉ có tác giả mới có độc giả. Chỉ có những tác giả nổi tiếng mới có nhiều độc giả. Và chỉ có những tác giả lớn, thật lớn, mới có những độc giả trung thành, lâu dài, thuộc nhiều thế hệ. Bây giờ, trên blog, lạ chưa, ngay cả độc giả cũng có thể có độc giả của họ. Điều đó không những có thể làm cho các cụ Nguyễn Trãi hay Nguyễn Du sửng sốt. Mà ngay các vị vừa mới qua đời cách đây không lâu, từ Nguyễn Tuân đến Mai Thảo, từ Trần Dần đến Thanh Tâm Tuyền, có lẽ không thể nào tưởng tượng nổi.
Khi độc giả cũng có độc giả, ranh giới giữa tác giả và độc giả có còn không? Còn, dĩ nhiên. Nhưng rất mờ. Trên nhiều blog, kể cả blog của tôi, một số độc giả cũng lưu lại trong ký ức các độc giả khác một dấu ấn nhất định. Họ cũng trở thành những tên tuổi nhất định. Dĩ nhiên chỉ là tên tuổi ảo. Những tên tuổi ấy còn đọng lại trong ký ức tập thể lâu hay mau thì còn tuỳ. Chưa thể biết được. Có thể đó là điểm khác nhau giữa một tác giả-độc giả và một tác giả thực sự.
Nhưng trước mắt thì chúng ta có thể nhìn thấy có một cái gì giống như một diễn đàn hết sức dân chủ trên mạng lưới internet, ở đó, viết văn thực sự là tiến hành một cuộc đối thoại. Là đối thoại, mọi tiếng nói đều bình đẳng. Tác giả chỉ còn là người gợi đề tài và gợi ý chứ không phải là người quyết định. Chính vì vậy mà nhiều nhà nghiên cứu cho hai đặc điểm nổi bật nhất của blog là tính chất phi tâm (non-centralized) và phi-đẳng cấp (non-hierarchical). Và cũng chính vì thế, tôi tin blog là nơi diễn tập của tinh thần dân chủ.
Người ta hay nói các chế độ dân chủ ở phương Tây vững mạnh vì văn hoá dân chủ đã được bén rễ sâu rộng không phải chỉ trong giới làm chính trị hay quản trị mà còn cả trong quần chúng: Mọi người đều biết các quyền và giới hạn của các quyền mà mình có. Quan cũng như dân. Và một số người lo lắng: Việt Nam, nếu có được một chế độ dân chủ thì chưa chắc đã đứng vững được khi chính người dân, hầu hết người dân, chưa bao giờ được rèn luyện trong một nền văn hoá dân chủ.
Những quan niệm như vậy còn có thể tranh luận dài dài. Cũng như chuyện con gà và cái trứng, cái nào có trước?
Nhưng theo tôi, trong bất cứ trường hợp nào, thì blog, nơi chứng kiến các cuộc đồng khởi của các độc giả vốn thầm lặng, vẫn là một diễn tập tốt, từ đó, chúng ta hy vọng nhìn thấy sự hình thành và phát triển của một thứ văn hoá dân chủ, vốn là một trong những điều chúng ta cần nhất hiện nay.
Và mai sau nữa.
Nhìn vấn đề như thế, chúng ta cũng sẽ thấy dễ hiểu là tại sao chính quyền, các chính quyền độc tài, lại sợ các blog.
Mà sợ cũng phải.
Bạn có đồng ý vậy không?
http://www1.voanews.com/vietnamese/blogs/quoc/blog-cuoc-khoi-nghia-04-12-2010-90627004.html
Tin khẩn: Tạ Phong Tần bị bắt
VRNs (13.04.2010) – Saigon – Lúc 8:00 am, ngày 13/04/2010, cô Tạ Phong Tần vừa ra khỏi nhà, bị một nhóm công an không mặc sắc phục áp đến bắt giải đi đâu không ai biết. Có người nhận diện được, những người này là công an tp. HCM. Nguồn tin nay do chủ nhà nơi cô Tạ Phong Tần trọ cho biết.
Được biết cô Tạ Phong Tần trước đây là công an, sau đó giải nghệ học luật để làm luật sư. Từ tháng 8/2008, khi cô là phụ tá cho luật sư Lê Trần Luật trong vụ tám giáo dân bị bắt oan của giáo xứ Thái Hà, cô đã nhận ra sự hiện diện can trường của Chúa nơi các dân oan. Cô đã gia nhập Công giáo và được nhận bí tích thanh tẩy năm 2009.
Xin anh chị em cầu nguyện cho cô Maria Tạ Phong Tần được Chúa giữ gìn trong những lúc gặp nạn này.
NĐT
http://www.chuacuuthe.com/