Thursday, April 15, 2010

Tổng thống Nga Medvedev tuyên bố tại Washington: Stalin là tên giết người!


Medvedev và Putin mặc niệm các nạn nhân Ba Lan trong tai nạn máy bay - Ảnh: PAP

“Các sĩ quan Ba Lan bị sát hại ở Katyn năm 1940, đã bị giết theo lệnh của chính quyền Liên Xô, trong đó có Joseph Stalin” – Tổng thống Nga Dmitry Medvedev cho biết trong một cuộc phỏng vấn của đài truyền hình tiếng Anh, “Russia Today“.

Các nhà sử học Ba Lan và các chính trị gia xem tuyên bố này như là một bước tiến tới sự thật về sự kiện cách đây 70 năm.
Cuộc phỏng vấn được ghi âm trong phòng thu của đài truyền hình “Russia Today” tại Washington, nơi Tổng thống Nga Medvedev tham dự Hội nghị thượng đỉnh về an toàn hạt nhân và nội dung của nó cũng đã được đăng trên trang Web của Kremlin.

Stalin – Tên giết người
- “Nếu nói về Stalin và những người làm việc theo chỉ đạo của ông ta, tức là những người lãnh đạo của Liên Xô bấy giờ, thì họ đã thực hiện tội ác giết người. Điều này dễ hiểu và rõ ràng cho tất cả. Họ đã gây tội ác chống lại chính nhân dân của mình trước hết, và trong phạm trù nào đó đối với lịch sử” – Medvedev nói.

Tổng thống Medvedev không đồng ý với ý kiến cho rằng, ở Nga đang có một sự phục hưng chủ nghĩa Stalin. Ngoài ra ông phản đối sự so sánh nước Nga với Liên Xô. – “Có những người thích Stalin và mọi thứ liên đới với ông ta. Thượng đế sẽ phán xét họ. Nhưng trong xã hội trong sự đánh giá Stalin và khoảng thời gian đó, không có sự thay đổi nào được thực hiện” – Tổng thống Nga nhận định.

- “Nga không phải là Liên Xô và đứng đầu nhà nước Nga là những người mà tôi hy vọng, khác hẳn với Stalin và cộng sự của ông ta” – Medvedev nhấn mạnh..



Thảm sát Katyn 1940 - Ảnh: Khai quật năm 1943 - GW

Thảm kịch cho trật tự thế giới
Tổng thống Nga lại một lần nữa tuyên bố rằng, bi kịch tại sân bay Smolensk là “một thảm kịch nghiêm trọng với dân tộc Ba Lan, không những với các gia đình nạn nhân, mà còn là với trật tự thế giới” – “Khi tổng thống chết trong vụ tai nạn, cùng với một phần quan trọng các nhà lãnh đạo, đó là thử thách lớn cho công chúng, cũng như cho quan hệ quốc tế” – Ông nhấn mạnh.

Dmitry Medvedev khẳng định rằng, “chính vì như vậy đã có sự phản ứng của toàn bộ cộng đồng thế giới và của xã hội Nga và đối với thảm kịch này” – “Đây là một tai nạn đau buồn. Có một cái gì đó bí ẩn. Nhưng có những lý do hợp lý, mà phải điều tra và giải thích những gì xảy ra. Vì vậy, nó rất quan trọng” – Ông nói.

Kết thúc chủ nghĩa toàn trị không tên
Theo Giáo sư Ba Lan Jerzy Pomianowski, những lời nói của Tổng thống Nga là “một bước hướng tới sự thật” – “Tuyên bố của Tổng thống Medvedev là một sự phát triển tư tưởng của Thủ tướng Putin, người thừa nhận nhưng đã không đề cập đến tên Stalin, mà nói rằng, tội lỗi về thảm sát Katyn thuộc về Bộ Chính trị Xô viết” – Sử gia cho biết.

- “Những ghi nhận này cho thấy rằng, việc giải trình và làm rõ các tội ác của Stalin và Liên Xô đối với các vụ thảm sát sĩ quan Ba Lan tại Katyn và những nơi khác mà chúng ta vẫn chưa được biết đến, là sự xác nhận các vụ giết người không phải là của một “chủ nghĩa toàn trị” trừu tượng nào đó, mà cụ thể, Stalin và Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô” – Giáo sư Pomianowski nhấn mạnh.

- “Điều này có nghĩa rằng người Nga đang đi xa hơn về hướng giải thích một vấn đề nhạy cảm mà các nhà sử học, chính trị gia và các nhà lãnh đạo của chúng ta đã phải chiến đấu rất lâu dài. Tôi vui mừng, vì những lời của Thủ tướng Putin và Tổng thống Medvedev đã không phải là bước lùi, mà thêm một bước về phía trước, chắc chắn sẽ giúp chúng ta đối thoại trong các vấn đề hết sức quan trọng về kinh tế cũng như chính trị” – Giáo sư kết luận.

Việc chuyển đổi ý thức
- “Các nhà lãnh đạo Nga đã nói bấy nhiêu nhưng sẽ bao nhiêu cho phép chuyển đổi nhận thức của xã hội Nga. Có vẻ như nhận thức này đang chuyển đổi nhanh chóng trước mắt của chúng ta” – Phó Trưởng Ban đối ngoại quốc hội Ba Lan Robert Tyszkiewicz nhận xét.

- “Các nhà chức trách Nga đang chịu áp lực từ công chúng Nga muốn biết sự thật về Katyn. (…) Tôi nghĩ rằng, Medvedev cảm thấy không còn có thể phủ nhận sự thật về Katyn được nữa” – Ông nói.
Theo ông Tyszkiewicz, sự kiện bi thảm gây nên cái chết của Tổng thống Ba Lan Lech Kaczynski trong tai nạn máy bay gần Smolensk, đã làm vang lên tiếng nói đòi công khai lịch sử về cuộc thảm sát Katyn ở Nga. – “Chắc chắn sự hy sinh của giới ưu tú Ba Lan trong thảm kịch này không phải là vô ích” – Ông kết luận.

Mở khóa bi kịch?
- “Tôi hy vọng rằng, các nhà chức trách Nga sẽ mở khóa thảm kịch lớn này sau tai nạn máy bay của tổng thống gần Smolensk” – Dân biểu quốc hội Ba Lan Karol Karski nói sau khi nghe Medvedev phát biểu.

Khi được hỏi, nên chăng những lời của Tổng thống Nga phải được phát ra từ Thủ tướng Vladimir Putin trong buổi lễ tại Katyn với sự tham dự của Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk (hôm 7/04, hai ngày trước khi tai nạn xảy ra), ông Karski nói: “Chúng ta cần vui mừng trước những điều tốt đẹp và không cần nhấn mạnh tại sao những điều tốt đẹp đó lại không xảy ra sớm hơn”.
Theo ông Karski, Tổng thống Medvedev nói “lớn và rõ ràng” về cái điều mà từ lâu mọi người đã biết và chính quyền Nga và cũng như Liên Xô đã nói tới. – “Thực tế là cuộc thảm sát Katyn được thực hiện bởi Stalin, đã được Liên Xô xác nhận vài tháng trước khi sụp đổ. Tổng thống Nga Boris Yeltsin cũng đã cho biết. Yeltsin đã cung cấp một số tài liệu liên quan đến vụ thảm sát Katyn” – Vị dân biểu nói.

Báo chí Kremlin công bố trong ngày thứ Tư rằng, Tổng thống Dmitry Medvedev sẽ tham dự tang lễ của Tổng thống Lech Kaczynski và Phu nhân Maria vào Chủ nhật.

Hãng Thông tấn PAP – Lê Diễn Đức dịch
Nguồn: TVN24 ngày 14/04/2010

Trước phiên tòa phúc thẩm nhà văn Trần Khải Thanh Thủy

2010-04-15

Phiên phúc thẩm xét xử nhà văn đối kháng Trần Khải Thanh Thủy và chồng là ông Đỗ Bá Tân về tội danh “cố ý gây thương tích” dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 16 tháng Tư tại Hà Nội.

Photo courtesy of talawas.

Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy và ông Đỗ Bá Tân tại Tòa án Hà Nội hôm 5-2-2010.

Vụ án được sắp đặt

Trước phiên xử, Gia Minh hỏi chuyện ông Đỗ Bá Tân về những thông tin liên quan và được ông cho biết như sau:

Ông Đỗ Bá Tân: Vào ngày 1 tháng 4, cơ quan tòa án Hà Nội đã mang thông báo đến trực tiếp cho bản thân tôi.

Gia Minh: Như vậy đúng thời hạn qui trình kháng cáo?

Ông Đỗ Bá Tân: Sau gần hai tháng, bản kháng án được Tòa án quận Đống Đa gửi đến Tòa án thành phố Hà Nội, trong vòng 10 ngày họ đã thông báo cho gia đình biết phiên phúc thẩm sẽ tiến hành vào ngày 16 tháng tư.

Gia Minh: Sau khi nhận được thông báo, bản thân ông có gặp luật sư thế nào rồi?

Đối với phiên tòa sắp đến chúng tôi cũng rất hoang mang bởi đây là vụ án được sắp đặt, vợ chồng chúng tôi bị vu cáo tội danh hoàn toàn không có sự thật.

Ô. Đỗ Bá Tân

Ông Đỗ Bá Tân: Hiện gia đình còn gặp nhiều bất lợi, nguyện vọng của gia đình trong phiên phúc thẩm phải có luật sư. Lý do có tiếng nói của người có nghiệp vụ sẽ có trọng lượng và thuyết phục hơn.

Tuy nhiên đối với phiên tòa sắp đến chúng tôi cũng rất hoang mang bởi đây là vụ án được sắp đặt, vợ chồng chúng tôi bị vu cáo tội danh hoàn toàn không có sự thật mà cơ quan điều tra Quận Đống Đa cố tình dựng nên vụ việc và cố tình buộc tội chúng tôi.

Chúng tôi luôn khẳng định đây là một vụ án oan, cần được minh oan thế nhưng đây là vụ án có sự chỉ đạo từ cấp trên. Kết quả phiên sơ thẩm trước đây cũng khiến chúng tôi rất không hài lòng bởi đó cũng do chỉ thị cấp trên.

Đối với phiên phúc thẩm sắp tới chúng tôi cũng không có niềm tin gì khác lạ lắm; tuy nhiên dù sao trong phiên phúc thẩm tôi cũng đòi hỏi phải có luật sư. Nhưng đến giờ phút này tôi vẫn chưa tìm được. Lực lượng luật sư tại Hà Nội rất nhiều; tuy thế đứng ra bào chữa cho một vụ án ‘bất bình thường’ như vụ án của chúng tôi sẽ rất khó khăn đối với họ.

Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy. Photo courtesy of vietnamexodus.
Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy. Photo courtesy of vietnamexodus.
Gia đình chúng tôi hiện đang ‘bất cập’ trong vấn đề này. Có thể đến phút cuối chúng tôi sẽ có đơn xin tòa án hoãn phiên tòa cho đến khi nào chúng tôi tìm được luật sư sẽ tham gia phiên xử, tham gia tố tụng.


Chưa tìm được luật sư

Gia Minh: Tại phiên sơ thẩm Luật sư Trần Vũ Hải và Văn phòng Luật sư Trí Tuệ tham gia bào chữa, nhưng sao họ lại không tham gia vào phiên phúc thẩm?

Ông Đỗ Bá Tân: Đó là điều chúng tôi đã trả lời phỏng vấn trước đây. Trong phiên sơ thẩm, gia đình chúng tôi không được toại nguyện và luật sư bào chữa cho chúng tôi không thành công. Tuy vậy tôi cũng luôn tự hào vì luật sư dám nói lên sự thật bản chất phiên tòa, bản chất vụ án sai trái mà cơ quan điều tra đã vi phạm pháp luật; song Hội đồng Xét xử không ủng hộ ý kiến luật sư dẫn đến kết quả phiên xử bi đát với mức án không thể chấp nhận được. Trong phiên sơ thẩm luật sư cũng mong muốn bào chữa thành công để mang lại niềm vui cho chúng tôi nhưng rồi thực tế hoàn toàn ngược lại, điều đó khiến họ ít nhiều cũng nản chí. Gia đình tôi rất muốn họ tiếp tục bào chữa trong phiên phúc thẩm nhưng họ bận việc khác không thể nhận lời.

Có thể đến phút cuối chúng tôi sẽ có đơn xin tòa án hoãn phiên tòa cho đến khi nào chúng tôi tìm được luật sư sẽ tham gia phiên xử, tham gia tố tụng.

Ô. Đỗ Bá Tân

Gia Minh: Án trong phiên sơ thẩm đối với ông là án treo và vợ ông án tù, vậy trong thời gian qua tình hình của ông và vợ trong tù ra sao?

Ông Đỗ Bá Tân: Gia đình chúng tôi rất bức xúc về bản án do Hội hồng Xét xử kết tội chúng tôi. Chúng tôi phản ứng kịch liệt, và Trần Khải Thanh Thủy là người phản đối quyết liệt ở phiên tòa nên thẩm phán quyết định cách ly đưa Trần Khải Thanh Thủy ra khỏi phòng xử án và tống đạt bản án trong trại giam chứ không công bố trước phiên tòa. Đây là điều không bình thường và khiến vợ tôi vô cùng bức xúc.

Trong thời gian vợ ở trại giam tôi được vài lần đến thăm để động viên, an ủi.

Về điều kiện sức khỏe: thuốc thang không được chu đáo lắm, chế độ ăn uống nhà tù không đảm báo sức khỏe Trần Khải Thanh Thủy khi bị các bệnh như tiểu đường, bệnh mỡ máu, thiểu năng tuần hoàn não, cũng như…

Xin lỗi anh, cảnh sát khu vực đang gõ cửa, anh cho tôi dừng một chút.

Gia Minh: Vâng, cám ơn Ông.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Appeal-court-for-dissident-writer-t-k-thanh-thuy-and-her-husband-to-be-held-on-04-16-GMinh-04152010211736.html

Đổi sách cũ và câu chuyện cũ

2010-04-15

Chương trình “Đổi sách lấy túi thân thiện môi trường” với mục đích khuyến khích người dân hạn chế việc sử dụng túi nylon. Thế nhưng, chuyện bảo vệ môi trường đã làm dấy lên những trăn trở về một câu chuyện cũ khác.

Photo courtesy of Canon Vietnam

Các bạn trẻ đem sách cũ xếp hàng chờ đổi lấy túi thân thiện môi trường.

“Đổi sách lấy túi thân thiện môi trường” là một trong rất nhiều hoạt động mà công ty Canon thực hiện tại Việt Nam trong năm nay, trong khuôn khổ dự án “Canon – Vì một Việt Nam xanh”. Chương trình đổi sách cũ lấy túi xách được thực hiện trong hai tháng tại các trường phổ thông và đại học trên toàn quốc, bắt đầu từ trường Đại học Quốc Gia Hà Nội vào tháng 3.

Đổi sách lấy túi xách

Ngay từ những ngày trước khi chương trình bắt đầu, nhiều bạn trẻ Việt Nam đã kháo nhau về địa điểm và lịch đổi sách. Điều kiện trao đổi là 3 cuốn sách cũ đổi lấy một chiếc túi xách.

Mà bây giờ sử dụng túi sinh thái thì rất có lợi, chứ không như túi nylon bây giờ rất là nhiều và rất là rác. Cho nên, em nghĩ chương trình đó là khá hay.

Bạn Thái Hà

Vào ngày đầu chương trình, sân trường đại học đông sinh viên hơn bất cứ ngày học nào khác. Hàng dài rồng rắn các sinh viên hăm hở mang trên tay những cuốn sách cũ để đổi lấy túi sách đã được đưa lên trang mạng vnexpress. Ngoài sức hấp dẫn của tự thân chiếc túi xinh xắn, mục tiêu tốt đẹp của chương trình cũng là nguyên nhân thu hút nhiều sinh viên. Bạn Thái Hà, sinh viên trường Đại học Ngoại thương Hà Nội, rất ủng hộ mục tiêu tốt đẹp này:

Em nghĩ cái đấy là tốt. Nếu mà biết thì em cũng tham gia nhưng mà hơi tiếc là không biết chương trình đấy. Mà bây giờ sử dụng túi sinh thái thì rất có lợi, chứ không như túi nylon bây giờ rất là nhiều và rất là rác. Cho nên, em nghĩ chương trình đó là khá hay nhưng mà hơi tiếc vì không biết chương trình đấy.

Những cuốn sách được đem đi đổi nhiều nhất trong hai ngày đầu tiên của chương trình là sách về Triết học Mac Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Lịch sử Đảng, Kinh tế Chính trị… Đối với nhiều sinh viên Việt Nam, giáo trình của những môn học trên sẽ là lựa chọn đầu tiên trong những cuốn sách không cần giữ lại. Hiền, sinh viên năm 2 Đại học Ngoại thương, cho biết:

Các bạn trẻ đổi sách lấy túi thân thiện môi trường. Photo courtesy  of Canon Vietnam.
Các bạn trẻ đổi sách lấy túi thân thiện môi trường. Photo courtesy of Canon Vietnam.
Em chắc là chọn những môn như là Kinh tế chính trị, Lịch sử Đảng… như mọi người thôi vì đó là những môn em thực sự là ghét. Ai cũng ghét học vì học xong chẳng biết làm gì hết. Ở trong giới sinh viên có một câu là học những thứ của các ông đã chết rồi chẳng để làm gì, chẳng ứng dụng vào việc gì cho nên học chỉ để “qua” thôi. Môn kinh tế chính trị hoặc Lịch sử Đảng thì cô hay thầy dạy rất dở nên tụi em nghe mệt mỏi lắm, cảm tưởng như cứ giảng đều đều, sinh viên lăn quay ra ngủ hết. Ngẩng lên, hỏi hiểu gì không? Hiểu chết liền!!!

Câu chuyện về những môn học nhằm bồi dưỡng tư tưởng chính trị đã được bàn thảo nhiều lần. Nhiều “cải cách” cũng đã được đưa ra nhưng “đâu lại hoàn đấy”, sinh viên vẫn bị bắt buộc phải học những kiến thức mà theo lời một bạn lấy nick name co_ba_la90 là “mang tính hài hước rất cao, vì ta có thể kiểm chứng thực tế từ những gì nói trong đó, nó trả toàn ngược lại với thực tế khách quan”.

Mậu Thìn, sinh viên vừa tốt nghiệp của trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp, Hà Nội, tâm sự:

Môn kinh tế chính trị hoặc Lịch sử Đảng thì cô hay thầy dạy rất dở nên tụi em nghe mệt mỏi lắm, cảm tưởng như cứ giảng đều đều, sinh viên lăn quay ra ngủ hết.

Bạn Hiền

Đúng là những môn đó em ghét thật chị ạ. Em không thích những môn đấy tí nào. Em rất ít học những môn đấy và thực sự em không thể học nó nữa. Mà em chẳng hiểu tại sao Việt Nam mình cứ bắt học những môn đấy. Có trường nước ngoài người ta đặt tại Việt Nam chỉ vì không học “Tư tưởng Hồ Chí Minh” mà không được công nhận là trường đại học. Kinh tế chính trị thì kiến trúc thượng tầng, hạ tầng gì đấy… Thôi, chị đừng hỏi em được không?!

Câu chuyện cũ

Thỉnh thoảng, trên các diễn đàn vẫn xuất hiện những chủ đề mang tính động viên các bạn trẻ tìm hiểu và yêu thích các môn học về tư tưởng chính trị trên. Chẳng hạn, trang ketnooi.com có tạo một chuyên mục “Theo bạn, môn triết học Mac Lênin có gì tâm đắc nhất” với những lời hướng dẫn ban đầu nhằm mục đích hướng người thảo luận trình bày khía cạnh tốt đẹp của môn học. Thế nhưng, nỗ lực ấy đã bị dập tắt ngay từ ý kiến đầu tiên, rằng “tâm đắc thì không có mà toàn không tâm đắc không à. Chẳng hiểu sao người ta lại cho dạy môn này nữa nhỉ?”. Thậm chí, quyết định bắt buộc sinh viên thi các môn học này vào học kỳ cuối cùng trước khi ra trường của Bộ Giáo Dục Đào Tạo được nhiều sinh viên cho là “tuyệt chiêu” để đối phó với câu hỏi luôn được đặt ra là tại sao sinh viên chẳng nhớ gì những kiến thức họ đã học.

Các bạn trẻ đổi sách lấy túi thân thiện môi trường. Photo courtesy  of Canon Vietnam.
Các bạn trẻ đổi sách lấy túi thân thiện môi trường. Photo courtesy of Canon Vietnam.

Bạn Minh Hoàng, một cựu sinh viên tại TPHCM, tóm tắt những vấn đề của các môn học trên:

Thứ nhất, cái đó cũng hay nhưng việc dạy những môn đó thiên chủ quan quá, tức là nội dung được tách một phần quá nhỏ trong triết học như vậy. Cho nên nó là cái mình muốn học nhưng mình chỉ được học một mảng, giống như một múi cam trong quả cam vậy, mình đâu biết hết được. Thứ hai, việc giảng dạy của giảng viên cũng không phù hợp. Cho nên học sinh, sinh viên không hứng thú cũng là hợp lý. Thứ ba, việc học những môn đó thuộc thảo luận nhiều hơn, chứ không phải là học thuộc lòng, trong khi bên mình là học thuộc lòng nhiều hơn.

Theo Hoàng, một trong những nguyên nhân dễ thấy là:

Giảng viên cũng bị áp đặt chương trình, nội dung dạy và giống như là hướng môn đó bổ trợ cho chính trị vậy, bị chủ quan theo một hướng khác, chứ không còn là triết học đơn thuần nữa.

Bạn Minh Hoàng

Kể cả giảng viên cũng bị áp đặt chương trình, nội dung dạy và giống như là hướng môn đó bổ trợ cho chính trị vậy. Cho nên nó cũng bị chủ quan theo một hướng khác, chứ không còn là triết học đơn thuần nữa.

Có lẽ, câu chuyện cũ về tính khách quan và cần thiết của các môn học về tư tưởng chính trị cũng không đơn thuần chỉ là câu hỏi về mặt kiến thức, nhưng nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố ẩn giấu bên trong. TS. Đỗ Xuân Thọ, Đảng viên Đảng Cộng Sản, trong một lần trả lời phỏng vấn RFA, nói:

Thực chất của công cuộc đổi mới là chúng ta dám phá bỏ những luận điểm cơ bản nhất của chủ nghĩa Mac Lênin, đó là đấu tranh giai cấp, toàn bộ Mac là muốn giai cấp công nông là người đào mồ chôn chủ nghĩa tư bản, thì cái đó là chúng ta phản bội lại chủ nghĩa Mac Lênin trong thời đổi mới này, cho nên mới được như ngày hôm nay.

Thế thì, công cuộc đổi mới càng được tiến hành, tức là chúng ta càng phát triển nền kinh tế, nói là kinh tế XHCH nhưng mà thực chất là kinh tế Tư Bản Chủ Nghĩa. Có nghĩa là càng đổi mới thì càng phá bỏ chủ nghĩa Mac Lênin. Thế mà chủ nghĩa Mac Lênin vẫn ghi là nền tảng tư tưởng. Vì thế nên có mâu thuẫn. Đảng đã bị chia ra ít nhất là hai phe, phe thứ nhất là bảo vệ chủ nghĩa Mac Lênin, phe thứ hai là không quan tâm đến sự thắng thua của chủ nghĩa Mac Lênin mà tất cả vì dân giàu nước mạnh, tất cả vì dân tộc.

Xin mượn những ý kiến trên để khép lại câu chuyện vốn rất cũ, rất dai dẳng nhưng vẫn chưa được giải quyết tận gốc.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Old-book-exchange-campaign-raises-a-basic-question-of-the-communism-KhAn-04152010221247.html