Khánh An, phóng viên RFA
2010-04-15
Chương trình “Đổi sách lấy túi thân thiện môi trường” với mục đích khuyến khích người dân hạn chế việc sử dụng túi nylon. Thế nhưng, chuyện bảo vệ môi trường đã làm dấy lên những trăn trở về một câu chuyện cũ khác.
“Đổi sách lấy túi thân thiện môi trường” là một trong rất nhiều hoạt động mà công ty Canon thực hiện tại Việt Nam trong năm nay, trong khuôn khổ dự án “Canon – Vì một Việt Nam xanh”. Chương trình đổi sách cũ lấy túi xách được thực hiện trong hai tháng tại các trường phổ thông và đại học trên toàn quốc, bắt đầu từ trường Đại học Quốc Gia Hà Nội vào tháng 3.
Đổi sách lấy túi xách
Ngay từ những ngày trước khi chương trình bắt đầu, nhiều bạn trẻ Việt Nam đã kháo nhau về địa điểm và lịch đổi sách. Điều kiện trao đổi là 3 cuốn sách cũ đổi lấy một chiếc túi xách.
Mà bây giờ sử dụng túi sinh thái thì rất có lợi, chứ không như túi nylon bây giờ rất là nhiều và rất là rác. Cho nên, em nghĩ chương trình đó là khá hay.
Bạn Thái Hà
Vào ngày đầu chương trình, sân trường đại học đông sinh viên hơn bất cứ ngày học nào khác. Hàng dài rồng rắn các sinh viên hăm hở mang trên tay những cuốn sách cũ để đổi lấy túi sách đã được đưa lên trang mạng vnexpress. Ngoài sức hấp dẫn của tự thân chiếc túi xinh xắn, mục tiêu tốt đẹp của chương trình cũng là nguyên nhân thu hút nhiều sinh viên. Bạn Thái Hà, sinh viên trường Đại học Ngoại thương Hà Nội, rất ủng hộ mục tiêu tốt đẹp này:
Em nghĩ cái đấy là tốt. Nếu mà biết thì em cũng tham gia nhưng mà hơi tiếc là không biết chương trình đấy. Mà bây giờ sử dụng túi sinh thái thì rất có lợi, chứ không như túi nylon bây giờ rất là nhiều và rất là rác. Cho nên, em nghĩ chương trình đó là khá hay nhưng mà hơi tiếc vì không biết chương trình đấy.
Những cuốn sách được đem đi đổi nhiều nhất trong hai ngày đầu tiên của chương trình là sách về Triết học Mac Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Lịch sử Đảng, Kinh tế Chính trị… Đối với nhiều sinh viên Việt Nam, giáo trình của những môn học trên sẽ là lựa chọn đầu tiên trong những cuốn sách không cần giữ lại. Hiền, sinh viên năm 2 Đại học Ngoại thương, cho biết:
Em chắc là chọn những môn như là Kinh tế chính trị, Lịch sử Đảng… như mọi người thôi vì đó là những môn em thực sự là ghét. Ai cũng ghét học vì học xong chẳng biết làm gì hết. Ở trong giới sinh viên có một câu là học những thứ của các ông đã chết rồi chẳng để làm gì, chẳng ứng dụng vào việc gì cho nên học chỉ để “qua” thôi. Môn kinh tế chính trị hoặc Lịch sử Đảng thì cô hay thầy dạy rất dở nên tụi em nghe mệt mỏi lắm, cảm tưởng như cứ giảng đều đều, sinh viên lăn quay ra ngủ hết. Ngẩng lên, hỏi hiểu gì không? Hiểu chết liền!!!
Câu chuyện về những môn học nhằm bồi dưỡng tư tưởng chính trị đã được bàn thảo nhiều lần. Nhiều “cải cách” cũng đã được đưa ra nhưng “đâu lại hoàn đấy”, sinh viên vẫn bị bắt buộc phải học những kiến thức mà theo lời một bạn lấy nick name co_ba_la90 là “mang tính hài hước rất cao, vì ta có thể kiểm chứng thực tế từ những gì nói trong đó, nó trả toàn ngược lại với thực tế khách quan”.
Mậu Thìn, sinh viên vừa tốt nghiệp của trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp, Hà Nội, tâm sự:
Môn kinh tế chính trị hoặc Lịch sử Đảng thì cô hay thầy dạy rất dở nên tụi em nghe mệt mỏi lắm, cảm tưởng như cứ giảng đều đều, sinh viên lăn quay ra ngủ hết.
Bạn Hiền
Đúng là những môn đó em ghét thật chị ạ. Em không thích những môn đấy tí nào. Em rất ít học những môn đấy và thực sự em không thể học nó nữa. Mà em chẳng hiểu tại sao Việt Nam mình cứ bắt học những môn đấy. Có trường nước ngoài người ta đặt tại Việt Nam chỉ vì không học “Tư tưởng Hồ Chí Minh” mà không được công nhận là trường đại học. Kinh tế chính trị thì kiến trúc thượng tầng, hạ tầng gì đấy… Thôi, chị đừng hỏi em được không?!
Câu chuyện cũ
Thỉnh thoảng, trên các diễn đàn vẫn xuất hiện những chủ đề mang tính động viên các bạn trẻ tìm hiểu và yêu thích các môn học về tư tưởng chính trị trên. Chẳng hạn, trang ketnooi.com có tạo một chuyên mục “Theo bạn, môn triết học Mac Lênin có gì tâm đắc nhất” với những lời hướng dẫn ban đầu nhằm mục đích hướng người thảo luận trình bày khía cạnh tốt đẹp của môn học. Thế nhưng, nỗ lực ấy đã bị dập tắt ngay từ ý kiến đầu tiên, rằng “tâm đắc thì không có mà toàn không tâm đắc không à. Chẳng hiểu sao người ta lại cho dạy môn này nữa nhỉ?”. Thậm chí, quyết định bắt buộc sinh viên thi các môn học này vào học kỳ cuối cùng trước khi ra trường của Bộ Giáo Dục Đào Tạo được nhiều sinh viên cho là “tuyệt chiêu” để đối phó với câu hỏi luôn được đặt ra là tại sao sinh viên chẳng nhớ gì những kiến thức họ đã học.
Bạn Minh Hoàng, một cựu sinh viên tại TPHCM, tóm tắt những vấn đề của các môn học trên:
Thứ nhất, cái đó cũng hay nhưng việc dạy những môn đó thiên chủ quan quá, tức là nội dung được tách một phần quá nhỏ trong triết học như vậy. Cho nên nó là cái mình muốn học nhưng mình chỉ được học một mảng, giống như một múi cam trong quả cam vậy, mình đâu biết hết được. Thứ hai, việc giảng dạy của giảng viên cũng không phù hợp. Cho nên học sinh, sinh viên không hứng thú cũng là hợp lý. Thứ ba, việc học những môn đó thuộc thảo luận nhiều hơn, chứ không phải là học thuộc lòng, trong khi bên mình là học thuộc lòng nhiều hơn.
Theo Hoàng, một trong những nguyên nhân dễ thấy là:
Giảng viên cũng bị áp đặt chương trình, nội dung dạy và giống như là hướng môn đó bổ trợ cho chính trị vậy, bị chủ quan theo một hướng khác, chứ không còn là triết học đơn thuần nữa.
Bạn Minh Hoàng
Kể cả giảng viên cũng bị áp đặt chương trình, nội dung dạy và giống như là hướng môn đó bổ trợ cho chính trị vậy. Cho nên nó cũng bị chủ quan theo một hướng khác, chứ không còn là triết học đơn thuần nữa.
Có lẽ, câu chuyện cũ về tính khách quan và cần thiết của các môn học về tư tưởng chính trị cũng không đơn thuần chỉ là câu hỏi về mặt kiến thức, nhưng nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố ẩn giấu bên trong. TS. Đỗ Xuân Thọ, Đảng viên Đảng Cộng Sản, trong một lần trả lời phỏng vấn RFA, nói:
Thực chất của công cuộc đổi mới là chúng ta dám phá bỏ những luận điểm cơ bản nhất của chủ nghĩa Mac Lênin, đó là đấu tranh giai cấp, toàn bộ Mac là muốn giai cấp công nông là người đào mồ chôn chủ nghĩa tư bản, thì cái đó là chúng ta phản bội lại chủ nghĩa Mac Lênin trong thời đổi mới này, cho nên mới được như ngày hôm nay.
Thế thì, công cuộc đổi mới càng được tiến hành, tức là chúng ta càng phát triển nền kinh tế, nói là kinh tế XHCH nhưng mà thực chất là kinh tế Tư Bản Chủ Nghĩa. Có nghĩa là càng đổi mới thì càng phá bỏ chủ nghĩa Mac Lênin. Thế mà chủ nghĩa Mac Lênin vẫn ghi là nền tảng tư tưởng. Vì thế nên có mâu thuẫn. Đảng đã bị chia ra ít nhất là hai phe, phe thứ nhất là bảo vệ chủ nghĩa Mac Lênin, phe thứ hai là không quan tâm đến sự thắng thua của chủ nghĩa Mac Lênin mà tất cả vì dân giàu nước mạnh, tất cả vì dân tộc.
Xin mượn những ý kiến trên để khép lại câu chuyện vốn rất cũ, rất dai dẳng nhưng vẫn chưa được giải quyết tận gốc.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Old-book-exchange-campaign-raises-a-basic-question-of-the-communism-KhAn-04152010221247.html
0 comments:
Post a Comment