Monday, April 26, 2010

Làm sao chúng tôi tin…

Gần đây Bộ Ngoại Giao Việt Nam có những lời phản đối Trung Quốc giành chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; có nhiều cố gắng ngoại giao để quốc tế hoá các tranh chấp vùng biển Đông; nhà nước ký hợp đồng mua tàu ngầm và máy bay tối tân của Nga Xô như để bảo vệ lãnh hải.


Những hành động đó rất tích cực so với thái độ thụ động và yếu ớt trước đây. Tuy nhiên nhà cầm quyền có thể thực hiện hai điều đơn giản để thu phục lòng tin của dân chúng trong và ngoài nước:


  1. Trả tự do cho nhà báo Điếu Cày và cô Phạm Thanh Nghiêm là hai người bị bỏ tù chỉ vì nói lên sự thật “Hoàng Sa Trường Sa là của Việt Nam”
  2. Cho phép thanh niên sinh viên biểu tình trong nước để phản đối chính sách xâm lấn của Trung Quốc.


Nếu nhà nước e ngại nhiều biến động ảnh hưởng đến mối liên hệ với Bắc Kinh – chúng tôi hiểu thế khó khăn của nước nhỏ chỉ mong muốn hoà bình như cha ông ta đã nhẫn nhịn (nhưng không khuất phục) hàng ngàn năm nay – riêng tôi không phản đối giới hạn các cuộc biểu tình trong vòng 20, 30 chục người cho tránh gây xáo trộn. Cũng không cần phải tổ chức trước toà Đại Sứ hay Lãnh Sự của Trung Quốc để tránh những khiêu khích không cần thiết, mà chỉ trong khuông viên trường học hay ngoài đường phố cũng đủ.

Chúng tôi chỉ tin nhà nước Việt Nam có thực tâm và khả năng bảo vệ lãnh hải khi để dân chúng được quyền bày tỏ lòng yêu nước!

Chúng ta không thể trông cậy vào ngoại lực: Hoa Kỳ, các nước Đông-Á không chịu áp lực trực tiếp từ Trung Quốc như Việt Nam, và họ có thể thay đổi chính sách tuỳ theo mối tương quan với Trung Quốc.


Chúng ta không thể trông cậy vào vũ khí: phương tiện quân sự của Trung Quốc chiếm ưu thế tuyệt đối ngoài biển Đông ngay cả sau khi Quân Đội Nhân Dân canh tân trong nhiều năm nữa.

Tất nhiên chúng ta vẫn phải vận động sự hậu thuẩn của quốc tế và tăng cường quốc phòng cho dù thế yếu. Nhưng chỉ có một sức mạnh duy nhất và không bao giờ thay đổi là lòng yêu nước của dân tộc Việt. Nhà cầm quyền hãy để dân chúng bày tỏ lòng yêu nước và tình đoàn kết để bảo vệ và xây dựng đất nước.


Riêng tôi đã nghe người dân trong nước nói: “Bảo vệ Trường Sa Hoàng Sa để làm gì (!) Có giành được rồi thì mấy “ổng” cũng đem bán và chia chác nhau ăn hết chớ làm gì đến dân”

Đất nước này không phải của riêng ai. Chỉ có tình đoàn kết và lòng yêu nước của toàn dân mới giữ vững giang sơn.


© Đoàn Hưng Quốc


http://www.danchimviet.com/archives/7349

Tư duy "Yêu nước theo điều khiển" và "Ôm chân ngoại bang tự phát", cái nào tốt hơn?

Gia Huy

Thời gian gần đây, trên mạng xuất hiện bài của bà Bích, có thể coi như là một trí thức của Việt Nam (căn cứ vào bảng lương bà được lãnh cho công việc bà đã làm) trong đó bà đã phê phán cái gọi là "tinh thần yêu nước có điều khiển" và "chủ nghĩa dân tộc cực đoan".

Tôi không đi sâu bàn về những nhận định về lịch sử của bà mà sau đó bà lý giải là bà chỉ đưa ra các câu hỏi mà thôi và việc đưa ra một câu hỏi, dù là bất cứ câu hỏi gì, cũng không hề là một điều ngu ngốc. Ở đây, tôi chỉ bàn xoay quanh hai khái niệm bà mới đưa ra là lòng "yêu nước theo điều khiển" và "chủ nghĩa dân tộc".

Trước tiên bà nhận xét là giới blogger 8X hiện nay có lẽ vẫn còn giữ tư duy mà Nhà nước đã nhào nặn trong những thập niên trước nên vẫn giữ thái độ không thân thiện với Trung Quốc, họ không thức thời, không kịp hiểu tình hình và họ đang làm tình hình bang giao hai nước xấu đi vì lòng yêu nước lỗi thời của họ. Theo tôi, đây quả là điểm khôi hài nhất trong bài của bà.

Nhà nước toàn trị, bao giờ cũng muốn áp đặt tư tưởng, văn hóa của giới lãnh đạo lên toàn bộ cá nhân nằm trong tầm ảnh hưởng của nhà nước đó nhưng việc họ có thành công hay không, và thành công ở mức độ nào là điều đáng bàn.

Xin dẫn chứng: không có tư tưởng nào được nhào nặn và áp đặt kỹ hơn chủ nghĩa Mác-Lenin trong giới trẻ Việt Nam. Người ta bắt buộc học chúng từ phổ thông, lên đến Đại học, Sau Đại học và cả sau khi đã đi làm mà muốn được cất nhắc cũng phải đi học trung cấp, cao cấp chính trị Mác-Lênin. Thế nhưng ngoài các giáo sư bộ môn này và các lãnh đạo, ai cũng hiểu là cái chủ thuyết này đã vứt sọt rác từ lâu! Hiện giờ còn có blogger 8X hay bất kỳ lứa tuổi nào khác giữ tư duy chủ nghĩa Mác-Lênin hay không? Hoàn toàn không! Không ai bị áp đặt lối giáo điều ấy cả, ngay cả hiện giờ họ vẫn đang bị nhồi nhét cái tư duy ấy vào đầu!

Thế thì luận điểm bảo là giới trẻ 8X vẫn nặng tư duy yêu nước theo kiểu cũ mà phê phán Trung Quốc thì quả là nực cười.

Thái độ của bà giống như bảo trẻ con : "Suỵt! Yên lặng! Chuyện quốc gia đại sự, trẻ con biết gì mà lao nhao! Hỏng việc người lớn!"

Xin hỏi bà, năm 1979, 1988, giới bloggers đã có chưa? Người dân trong nước có điều kiện trao đổi những thông tin thời sự với nhau không? Chắc chắn là không! Nhà nước toàn quyền hành xử theo ý riêng, không hề có những ý kiến trái chiều của các blogger kiểu mà bà cho là "phỉ báng, xúc phạm v.v.." ! Thế thì tại sao Việt Nam vẫn bị mất một số đảo ở Trường Sa? Như vậy ai làm hỏng đại sự lúc ấy, có phải lúc ấy chúng tôi đã im lặng nhưng đảo vẫn mất hay không?

Bà cho là đấy là đảo hoang, thế bà đã xem video clip chiếu trên truyền hình Trung Quốc về việc những chiến sĩ Việt Nam đứng giữ đảo, không hề nổ súng vào tàu Trung Quốc lúc ấy hay không? Họ không nổ súng vì họ đang chờ câu trả lời từ phía lãnh đạo: "Bạn hay thù?".

Thái độ phẫn nộ gần đây của người dân Việt và các blogger chính vì họ cảm thấy không gian sinh tồn cho chính bản thân đang bị các quyền lợi Trung Quốc bóp nghẹt: từ hàng loạt tàu đánh các bị đâm chìm, bắt giữ đòi tiền chuộc cho đến thực phẩm độc hại tuồn sang, sông Hồng , Mekong cạn dòng vì đập chắn bên kia biên giới ..v.v..

Họ phẫn nộ với Trung Quốc vì thái độ tham lam bẩn tưởi ngạo mạn của giới lãnh đạo độc tài toàn trị nước này đối với công dân Việt, đất nước Việt. Họ phẫn nộ với nhà cầm quyền Việt Nam vì đã dùng tiền thuế của họ mà không hề đưa ra biện pháp bảo vệ quyền lợi chính đáng hợp pháp của công dân mình.

Họ hoàn toàn không bị ảnh hưởng của cái gọi là quá tính của "lòng yêu nước xưa cũ" !

Luận điểm thứ hai bà đưa ra là bàn về sự tai hại mà theo bà nói là do "chủ nghĩa dân tộc". Kính thưa bà, chủ nghĩa dân tộc cực đoan không bao giờ bắt nguồn từ quần chúng cả mà chỉ từ giới lãnh đạo cầm quyền, khi họ muốn đạt một lợi ích riêng nào đó của họ. Lịch sử đã cho thấy điều đó: chủ nghĩa phát-xít Đức chỉ là để phục vụ cho sự thống trị của Hít-le và đảng Quốc xã, phong trào đuổi người Việt gốc Hoa về Trung Quốc những năm 1978... hoàn toàn là do chủ ý của nhà cầm quyền với sức mạnh quyền lực chứ không phải là do những hô hào của quần chúng thấp cổ bé miệng.

Như vậy sự phê phán chủ nghĩa dân tộc cực đoan phải dành cho giới lãnh đạo nào đã dùng để che đậy cho mục đích ý đồ riêng của họ mới đúng!

Một ý nữa, theo tôi là rất đáng để lưu tâm trong luận điểm của bà: Xưa bà cho là "vua Việt Nam coi vua Trung Quốc như cha, như anh", rồi đến chủ thuyết về chung nguồn gốc nhân chủng học, nay bà dùng thuyết thế giới phẳng để hòng xóa nhòa biên giới, đánh đồng hết mọi thứ bên kia và bên này biên giới. Điều đó có ý đồ xuyên suốt trong bài viết của bà.

Thuyết thế giới phẳng là có, mọi quốc gia, mọi người cùng có cơ hội, thế nhưng tại sao các doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải vất vả đối phó với các vụ kiện phá giá ở nước này nước khác? Điều đó chứng tỏ là quyền lợi quốc gia vẫn có và vẫn phải được xem trọng! Thế có phải là cực đoan không hay phải là dâng trọn mọi thứ thì mới không cực đoan?

"Chúng nó không quan tâm? Vậy thì mình thuê chúng nó quan tâm!"

Joyce Anne Nguyen
Chúng ta là con người. Con người có suy nghĩ có lương tri. Con người không chỉ ngoan ngoãn phục tùng. Con người không chỉ tin 100% không thắc mắc. Hãy đọc nhiều luồng thông tin khác nhau, nhiều cách nghĩ khác nhau. Hãy so sánh và nhìn vào thực tế.

Đây là 1 câu nói đùa của bác Vũ Thư Hiên khi vừa rồi tôi có dịp gặp tại Đức khi cùng đến tham dự buổi lễ tưởng niệm 20 năm bức tường Berlin sụp đổ. Chỉ là đùa thôi, nhưng tôi thấy buồn thực sự. Vì tôi thấy mọi người không còn quan tâm. Người người từ chối không quan tâm. Nhà nhà đóng cửa không muốn quan tâm. Không còn ai quan tâm.

Việc người dưng.

Việc lớn lao to tát.

Ko phải việc của họ. Cứ để nhà nước lo. Bằng không để người khác lo. không phải họ. Họ không muốn quan tâm.

Quan tâm cái gì?

Quan tâm đến tình hình chính trị đất nước, về Đảng, nhà nước, các chính sách, quyết định, đường lối, những gì đang xảy ra xung quanh, xảy ra trong xã hội này.

Quan tâm đến cuộc sống và những người xung quanh, họ đang sống ra sao, và bản thân cuộc sống chúng ta, có được tự do phát biểu ý kiến và phản đối những điều ta không thích, chúng ta có được tôn trọng hay ko, sức khoẻ và tính mạng của chúng ta có được đảm bảo hay mỗi ngày ra đường đều có cái án treo lơ lửng trên đầu với mối lo sợ về hàng trăm hàng ngàn cách chết khác nhau bởi môi trường và điều kiện sống.

Quan tâm đến vấn đề lãnh thổ và an ninh đất nước, nước ta đang sống có thể tiếp tục tồn tại hay sẽ hoàn toàn biến mất trên bản đồ để trở thành 1 tỉnh của 1 nước lớn (đầy tham vọng bá quyền) chỉ vì sự ích kỷ của những kẻ bán nước và sự hèn hạ khiếp nhược đi đôi với chấp nhận không tranh đấu của những người xung quanh, những người không muốn quan tâm.

Ta là ai?

Ta ở đâu?

Ta mang dòng máu gì?

Ta đến từ đâu?

Ta đang ở đâu?

Ta tồn tại vì cái gì?

Ta sống và chết cho điều gì?

Ta tranh đấu cho điều gì?

Ta muốn gì và mơ ước gì?

Anh bảo đó không phải việc của anh và anh không muốn quan tâm, bảo tôi đừng gửi cái gì cho anh. Anh bảo anh có muốn cũng không làm được gì, nên anh không muốn biết. Anh nói anh không thích chính trị và anh muốn sống cuộc đời phi chính trị. Anh nói anh là người đơn giản không đòi hỏi nhiều và tranh chấp nhận cuộc sống này. Anh nói anh không cần biết điều gì đang diễn ra và là 1 công dân anh muốn tin tưởng tuyệt đối vào ban lãnh đạo trên đất nước anh, rằng họ đều là những người tốt muốn đất nước trở nên khá hơn. Anh nói anh là 1 người yêu nước, yêu Tổ quốc quê hương và anh yêu cả Đảng và nhà nước. Anh nói có thể anh không biết gì hết nhưng anh không muốn biết và anh hơn tôi vì anh có lòng biết ơn, biết ơn Đảng đã nuôi dưỡng anh trở thành người như ngày hôm nay, anh không phải là kẻ phản phúc như tôi. Và anh không cần biết. không cần quan tâm.

Đây là câu trả lời của tôi: Đảng, nhà nước và Tổ quốc, quê hương là 2 khái niệm thường bị đánh đồng thành một ở những nước như VN. Trong thực tế đó là 2 khái niệm riêng rẽ tách bạch. Yêu nước không có nghĩa phải yêu chế độ. Phản đối chế độ không có nghĩa là kẻ phản động vô ơn không yêu nước. Quê hương đất nước là cái trường tồn vĩnh viễn. Chế độ là cái ngắn hạn, dù có kéo dài vài chục năm cũng chỉ là 1 thời gian ngắn so với khái niệm đất nước quê hương. Chế độ này sụp chế độ khác thay, Tổ quốc mãi mãi ở đó.

Một nhà nước được lập ra để đại diện cho nhân dân, không phải để ép buộc điều khiển nhân dân, coi nhân dân như con cái và sẵn sàng trừng trị « những đứa con hư không biết vâng lời ». Nhà nước tồn tại nhờ thuế dân đóng, nhân dân có quyền đòi hỏi cho tự do và quyền lợi. Nhân dân không phải là những con bò để nhà nước chăn dắt. Tôi sinh ra và lớn lên trong xã hội VN không có nghĩa là tôi phải làm 1 con bò chỉ biết nhai lại và vâng lời làm việc không được phản kháng và đòi hỏi. Cái lý luận « Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta mà hãy hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc » tôi đã nghe qua hàng trăm hàng ngàn lần. Tôi có thể làm gì cho Tổ quốc khi tôi không có tự do phát biểu những góp ý của tôi? Tôi có thể làm gì cho Tổ quốc khi nhà nước hoàn toàn không đếm xỉa tới bản kiến nghị phản đối 1 dự án huỷ hoại toàn bộ đất nước như dự án bauxite và vẫn tiến hành? Tôi có thể làm gì cho Tổ quốc khi tôi học rồi đi làm, cày lưng đóng thuế nuôi ban lãnh đạo ngày càng giàu có ăn sung mặc sướng, còn những người nghèo khổ ngày càng đói rách vì giá cả liên tục tăng?

Các vị bảo các vị không quan tâm, thế tôi hỏi các vị. Các vị là ai? Các vị đang sống ở đâu? Dòng máu gì đang chảy trong huyết quản các vị?

Đất nước này là của ai? Đất nước này của riêng Đảng và 15 ông trong Bộ chính trị hay của tất cả chúng ta, tất cả những người mang dòng máu Việt sống trong chính VN và ở nhiều nơi khác trên TG?

TQ đã lấy Hoàng Sa, Trường Sa của ta và đi khắp nơi trên TG ta thấy bản đồ lưỡi bò khoanh toàn bộ khu vực biển Đông với chú thích South China sea.

TQ đã lấy khu vực phía Bắc với thác Bản Dốc của ta.

Ngoài biển kia, TQ thản nhiên bắt và cướp bóc ngư dân VN ta ngay trên chính biển ta và đăng trên đài TH chính thức của TQ 1 cách khiêu khích hình ảnh ngư dân ta chắp tay lại trước hải quân TQ. Và nhân dân TQ viết trên tờ báo chính thống rằng 1 nước nhỏ như VN chúng ta lại hung hăng ỷ vào sự nhường nhịn của TQ và muốn ức hiếp, cướp đất TQ hoặc không biết ơn sự giúp đỡ của đàn anh TQ bao lâu nay.

Giữa lòng Tây Nguyên, TQ kéo dân sang tiến hành dự án bauxite huỷ hoại môi trường sống của ta và cuộc sống của nhân dân ta.

À vâng, nghe đến điều này có nhiều người sẽ không tin và đề nghị tôi đưa ra bằng chứng, cứ tìm trong những link tôi đã post bao lâu nay. Tôi chỉ hỏi, tại sao tôi đưa ra những thông tin này các bạn lại không tin và nghi ngờ đòi hỏi bằng chứng xác thực nhưng có thể tin tuyệt đối những gì đã được học trong trường lớp, trên báo chí và truyền hình chính thức của nhà nước không cần nghi vấn? Vì bạn cho rằng nhà nước không thể sai và những gì Đảng nói là chân lý?

Chúng ta là con người. Con người có suy nghĩ có lương tri. Con người không chỉ ngoan ngoãn phục tùng. Con người không chỉ tin 100% không thắc mắc.

Hãy đọc nhiều luồng thông tin khác nhau, nhiều cách nghĩ khác nhau.

Hãy so sánh và nhìn vào thực tế.

Hãy đặt câu hỏi và trả lời những câu hỏi người khác hoặc chính mình đặt ra.

Và rút ra kết luận, với cách nhìn của riêng mình, bằng chính óc phán xét của mình.

Ta tư duy, đấy là ta tồn tại.

Nhiều người bảo không thích chính trị và không muốn quan tâm đến chính trị. Chính trị là gì đó xa vời họ không với đến và không muốn nghĩ đến. Nhưng chính trị là nguồn gốc của mọi thứ trong xã hội. Suy ra tận cùng cái gì cũng là chính trị. Điều kiện sống của bạn, nền giáo dục bạn đang học... rút cuộc cũng thuộc về chế độ, nằm trong chính sách đường lối của chế độ. Ấy là chính trị.

Tôi sinh ra quá trễ để có thể hiểu về chiến tranh và lịch sử. 16 tuổi, tôi có quyền không nghĩ ngợi và cứ tận hưởng cuộc sống như những người 16 tuổi khác, đi học, về nhà làm bài, xem film, nghe nhạc, đọc sách, tán dóc những chuyện bình thường không thuộc chủ đề «nhạy cảm »... Nhưng tôi không thể không quan tâm vì những điều ấy đang xảy ra ngay trong chính đất nước tôi. Lãnh thổ nước tôi đang bị xâm phạm và nhân dân nước tôi đang bị đàn áp. Tôi không còn sống ở VN nhưng dù tôi có sống ở đâu, mang quốc tịch gì, tên họ gì.. dòng máu Việt vẫn đang chảy trong huyết quản tôi và tôi không thể dứt bỏ. Tôi rời VN vì tôi không thể sống dưới sự cai trị của nhà nước VN, nhưng điều đó không có nghĩa là tôi có thể nói tôi không còn liên hệ đến VN nữa.

Vậy tại sao các bạn, những người VN đang sống ngay trong chính VN có thể vô tình nói các bạn không quan tâm đến an ninh, lãnh thổ đất nước, không quan tâm đến tình hình chính trị, xã hội của đất nước bằng cách nguỵ biện các bạn còn trẻ hoặc bận rộn và đó là việc người lớn hoặc việc lớn lao to tát nhà nước lo không cần các bạn để ý đến?

Vâng, các bạn bảo không quan tâm nhưng đến khi thấy tôi viết vài dòng trái ý, các bạn bắt đầu nhảy vào nói tôi thế này thế nọ và giảng giải tôi nghe giọng điệu trong sgk Sử và GDCD.

Mọi người đều không quan tâm.

Không ai quan tâm.

Tôi đang sống tại Na Uy. Tôi đã ghé qua Pháp, Đức, Tiệp Khắc và Ba Lan. Đã ghé qua cộng đồng người Việt, và nhận ra không hiểu vì lý do gì người Việt e sợ mọi thứ liên quan đến chính trị. Một bộ phận rất lớn sống co cụm trong cộng đồng, tự cung tự cấp, sống trên nước khác không muốn học tiếng, chỉ quanh quẩn trong cộng đồng Việt và nói với nhau bằng tiếng Việt, mua thức ăn Việt, hàng hoá Việt. Họ không quan tâm đến đất nước họ đang sống và điều duy nhất họ để ý đến là cơm áo gạo tiền, là mưu sinh để tiếp tục tồn tại. Họ tự xây cho mình bức tường và những gì diễn ra bên kia bức tường không phải việc của họ. Nhưng đồng thời họ cũng không quan tâm đến VN. Vì họ đã rời VN. Họ nghĩ họ xem VTV4 và Paris by night, thế đã đủ.

Ngay cả trong nước, những người đang sống giữa xã hội VN và chịu ảnh hưởng trực tiếp từ những mục ruỗng thối nát của VN và đứng trước nguy cơ bị đồng hoá (trong tình huống xấu nhất) còn không quan tâm.

Đừng lạc quan chờ đợi sự can thiệp từ bất kỳ nước nào vì không quốc gia nào sẽ nhúng tay giúp đỡ 1 dân tộc mà bản thân họ còn không quan tâm đến số phận dân tộc họ.

Đừng nguỵ biện rằng VN quá nhỏ nên phải nhún nhường cam chịu mất đất mất đảo trước 1 nước lớn như TQ mà hãy nhìn qua Singapore, Thái Lan, Đài Loan...

Đừng bảo rằng đất nước đang ngày càng tiến bộ và phát triển vì 1 tờ báo chính thức của nhà nước từng viết, VN mất khoảng 175 năm để đuổi kịp Singapore với điều kiện Singapore đứng yên.

Đừng bảo rằng các ông lãnh đạo đang muốn thay đổi và góp phần xây dựng xã hội khi các ông hoàn toàn lơ phắt bản kiến nghị phản đối dự án bauxite, vẫn chấp bút ký đồng ý tiến hành, và có thể sang Cuba để nói những lời sáo rỗng về việc thay nhau canh giữ hoà bình thế giới nhưng đình chỉ 1 tờ báo vì «tội » khẳng định chú quyền của VN đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, cấm nhân dân biểu tình chống đối TQ, không cho nhân dân nhắc đến với lý do đó là vấn đề « nhạy cảm » và cấm cả việc nhắc đến Hoàng Sa, Trường Sa trên game online.

Đừng tìm kiếm lý do biện minh để trả lời cho xong các câu hỏi của những người như tôi, thay vào đó hãy tìm kiếm giải pháp và đứng lên cho quyền sống, cho tự do và được tôn trọng.

Đừng cam chịu, hãy đấu tranh.

Đừng ngoan ngoãn vâng lời và tin tưởng tuyệt đối không thắc mắc, hãy đọc qua nhiều cách nghĩ khác nhau để so sánh đối chiếu với thực tế và rút ra kết luận của riêng mình. Hãy nghĩ đến việc có rất nhiều người đang đấu tranh dân chủ có nguồn gốc từ trong chính gia đình cộng sản. Hãy nghĩ vì sao họ thay đổi. Hãy nghĩ vì sao rất nhiều người đã rời khỏi nước, trong suốt 34 năm, bằng rất nhiều cách khác nhau... Hãy nghĩ vì sao 1 chế độ ưu việt và hoàn hảo lại sụp đổ ở hàng loạt các nước, chỉ còn tồn tại 4 nước TQ, VN, Cuba, Bắc Hàn. Hãy nghĩ xem chế độ này có đi theo đúng mô hình chủ nghĩa xã hội lý tưởng các bạn đã được học không hay chỉ là nền k/tế tư bản công nghiệp hoá hiện đại hoá khuyến khích ngta làm giàu.

Tại các nước Đông Âu, họ không thể chịu đựng sự kìm kẹp thiếu tự do, họ đã đứng dậy đấu tranh và quyết định số phận cho dân tộc họ. Nhìn cách họ tưởng niệm ngày bức tường Berlin sụp đổ 1 cách rất trân trọng và xúc động, tôi tự hỏi điều gì đã giết chết khao khát tự do và mong muốn 1 cuộc sống tốt đẹp hơn cho nhân dân VN. Hay cuối cùng 1 nỗi sợ vô hình khiến họ chỉ có thể làm được 1 điều là bỏ đi nước ngoài và không nghĩ đến nữa?

Chúng ta luôn nói với nhau 1 cách tự hào về lòng yêu nước và tinh thần đấu tranh bền bỉ bất khuất, nhưng cuối cùng những gì tôi thấy là những con người vô cảm không quan tâm và nói tôi không cần quan tâm vì VN chẳng cần những người như tôi. (Thế VN cần gì? Cần những con người sống vô tình và phi chính trị? Cần những người ưng rao giảng lý lẽ trong sgk và tìm kiếm lý do nguỵ biện?)

Ội những con cừu non ngây thơ trong sáng.

Ôi những con bò cam chịu tuân lời và nhai lại.

Ôi những chiếc máy casette tua đi tua lại 1 cuộn băng.

Ôi những con rối vô tri để người đời giật dây.

Ôi những con vẹt đua nhau lặp lại những gì được dạy 1 cách sáo rỗng.

À vâng, là đồng loại chúng ta đều là những con chó khốn nạn. Nhưng tôi là 1 con chó khốn nạn thà chết chứ không muốn đeo rọ mõm.

Joyce Anne Nguyen

1g31ph sáng ngày 18/11/2009 tại Warsaw, Ba Lan.

http://danluan.org/node/3332