Thời gian gần đây, trên mạng xuất hiện bài của bà Bích, có thể coi như là một trí thức của Việt Nam (căn cứ vào bảng lương bà được lãnh cho công việc bà đã làm) trong đó bà đã phê phán cái gọi là "tinh thần yêu nước có điều khiển" và "chủ nghĩa dân tộc cực đoan".
Tôi không đi sâu bàn về những nhận định về lịch sử của bà mà sau đó bà lý giải là bà chỉ đưa ra các câu hỏi mà thôi và việc đưa ra một câu hỏi, dù là bất cứ câu hỏi gì, cũng không hề là một điều ngu ngốc. Ở đây, tôi chỉ bàn xoay quanh hai khái niệm bà mới đưa ra là lòng "yêu nước theo điều khiển" và "chủ nghĩa dân tộc".
Trước tiên bà nhận xét là giới blogger 8X hiện nay có lẽ vẫn còn giữ tư duy mà Nhà nước đã nhào nặn trong những thập niên trước nên vẫn giữ thái độ không thân thiện với Trung Quốc, họ không thức thời, không kịp hiểu tình hình và họ đang làm tình hình bang giao hai nước xấu đi vì lòng yêu nước lỗi thời của họ. Theo tôi, đây quả là điểm khôi hài nhất trong bài của bà.
Nhà nước toàn trị, bao giờ cũng muốn áp đặt tư tưởng, văn hóa của giới lãnh đạo lên toàn bộ cá nhân nằm trong tầm ảnh hưởng của nhà nước đó nhưng việc họ có thành công hay không, và thành công ở mức độ nào là điều đáng bàn.
Xin dẫn chứng: không có tư tưởng nào được nhào nặn và áp đặt kỹ hơn chủ nghĩa Mác-Lenin trong giới trẻ Việt Nam. Người ta bắt buộc học chúng từ phổ thông, lên đến Đại học, Sau Đại học và cả sau khi đã đi làm mà muốn được cất nhắc cũng phải đi học trung cấp, cao cấp chính trị Mác-Lênin. Thế nhưng ngoài các giáo sư bộ môn này và các lãnh đạo, ai cũng hiểu là cái chủ thuyết này đã vứt sọt rác từ lâu! Hiện giờ còn có blogger 8X hay bất kỳ lứa tuổi nào khác giữ tư duy chủ nghĩa Mác-Lênin hay không? Hoàn toàn không! Không ai bị áp đặt lối giáo điều ấy cả, ngay cả hiện giờ họ vẫn đang bị nhồi nhét cái tư duy ấy vào đầu!
Thế thì luận điểm bảo là giới trẻ 8X vẫn nặng tư duy yêu nước theo kiểu cũ mà phê phán Trung Quốc thì quả là nực cười.
Thái độ của bà giống như bảo trẻ con : "Suỵt! Yên lặng! Chuyện quốc gia đại sự, trẻ con biết gì mà lao nhao! Hỏng việc người lớn!"
Xin hỏi bà, năm 1979, 1988, giới bloggers đã có chưa? Người dân trong nước có điều kiện trao đổi những thông tin thời sự với nhau không? Chắc chắn là không! Nhà nước toàn quyền hành xử theo ý riêng, không hề có những ý kiến trái chiều của các blogger kiểu mà bà cho là "phỉ báng, xúc phạm v.v.." ! Thế thì tại sao Việt Nam vẫn bị mất một số đảo ở Trường Sa? Như vậy ai làm hỏng đại sự lúc ấy, có phải lúc ấy chúng tôi đã im lặng nhưng đảo vẫn mất hay không?
Bà cho là đấy là đảo hoang, thế bà đã xem video clip chiếu trên truyền hình Trung Quốc về việc những chiến sĩ Việt Nam đứng giữ đảo, không hề nổ súng vào tàu Trung Quốc lúc ấy hay không? Họ không nổ súng vì họ đang chờ câu trả lời từ phía lãnh đạo: "Bạn hay thù?".
Thái độ phẫn nộ gần đây của người dân Việt và các blogger chính vì họ cảm thấy không gian sinh tồn cho chính bản thân đang bị các quyền lợi Trung Quốc bóp nghẹt: từ hàng loạt tàu đánh các bị đâm chìm, bắt giữ đòi tiền chuộc cho đến thực phẩm độc hại tuồn sang, sông Hồng , Mekong cạn dòng vì đập chắn bên kia biên giới ..v.v..
Họ phẫn nộ với Trung Quốc vì thái độ tham lam bẩn tưởi ngạo mạn của giới lãnh đạo độc tài toàn trị nước này đối với công dân Việt, đất nước Việt. Họ phẫn nộ với nhà cầm quyền Việt Nam vì đã dùng tiền thuế của họ mà không hề đưa ra biện pháp bảo vệ quyền lợi chính đáng hợp pháp của công dân mình.
Họ hoàn toàn không bị ảnh hưởng của cái gọi là quá tính của "lòng yêu nước xưa cũ" !
Luận điểm thứ hai bà đưa ra là bàn về sự tai hại mà theo bà nói là do "chủ nghĩa dân tộc". Kính thưa bà, chủ nghĩa dân tộc cực đoan không bao giờ bắt nguồn từ quần chúng cả mà chỉ từ giới lãnh đạo cầm quyền, khi họ muốn đạt một lợi ích riêng nào đó của họ. Lịch sử đã cho thấy điều đó: chủ nghĩa phát-xít Đức chỉ là để phục vụ cho sự thống trị của Hít-le và đảng Quốc xã, phong trào đuổi người Việt gốc Hoa về Trung Quốc những năm 1978... hoàn toàn là do chủ ý của nhà cầm quyền với sức mạnh quyền lực chứ không phải là do những hô hào của quần chúng thấp cổ bé miệng.
Như vậy sự phê phán chủ nghĩa dân tộc cực đoan phải dành cho giới lãnh đạo nào đã dùng để che đậy cho mục đích ý đồ riêng của họ mới đúng!
Một ý nữa, theo tôi là rất đáng để lưu tâm trong luận điểm của bà: Xưa bà cho là "vua Việt Nam coi vua Trung Quốc như cha, như anh", rồi đến chủ thuyết về chung nguồn gốc nhân chủng học, nay bà dùng thuyết thế giới phẳng để hòng xóa nhòa biên giới, đánh đồng hết mọi thứ bên kia và bên này biên giới. Điều đó có ý đồ xuyên suốt trong bài viết của bà.
Thuyết thế giới phẳng là có, mọi quốc gia, mọi người cùng có cơ hội, thế nhưng tại sao các doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải vất vả đối phó với các vụ kiện phá giá ở nước này nước khác? Điều đó chứng tỏ là quyền lợi quốc gia vẫn có và vẫn phải được xem trọng! Thế có phải là cực đoan không hay phải là dâng trọn mọi thứ thì mới không cực đoan?
0 comments:
Post a Comment