Saturday, April 24, 2010

Tội chính trị, phản động, tuyên truyền chống XHCN...

Vừa qua, Công an Sài gòn đã mời tôi đến trụ sở làm việc, hạch xách việc tôi đọc bản Thông điệp Phật đản 2553 của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) trong Lễ Phật đản tại chùa Giác Hoa. Công an cho rằng, trong bản Thông điệp đó có lồng vào một đoạn “Lời Kêu gọi Bất tuân Dân sự Bảo vệ Tổ quốc” của Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, Xử lý Viện Tăng thống kiêm Viện trưởng Viện Hóa đạo, GHPGVNTN, mà nội dung “Lời Kêu gọi” có tính cách chính trị, Thông bạch Phật đản không được dính vào chuyện thời sự đất nước...

Nghe Công an nói rằng Lời Kêu gọi có tính cách chính trị, tôi rất bất ngờ, nên hỏi lại: - Tại sao các anh cho rằng Lời Kêu gọi Bất tuân Dân sự Bảo vệ Tổ quốc của GHPGVNTN là chính trị? Trung Cộng sợ mất miếng mồi, nên nói xấu, xuyên tạc Lời Kêu gọi của GHPGVNTN đã đành, chứ các anh là người Việt Nam mà cũng nói như vậy à ? Theo ý tôi, việc lập đảng phái, tranh cử, giành chính quyền, điều hành đất nước, mới là làm chính trị, còn việc biểu tình, chống xâm lăng, bảo vệ đất nước của người dân, sao các anh lại cho là làm chính trị ? Đất nước đã bị Trung Cộng bành trướng, xâm chiếm biên giới phía Bắc và các hải đảo Trường Sa, Hoàng Sa ở biển Đông, nay lại bày chuyện khai thác bô-xít, âm mưu chiếm cứ Tây Nguyên của Việt Nam, các anh không thấy hay sao ? Vừa qua -tôi nói tiếp- các tướng lãnh, các nhà trí thức cũng đã lên tiếng phản đối việc Nhà cầm quyền Việt Nam cho Trung Cộng vào Tây nguyên khai thác bô-xít, gây ra nhiều nguy hại về môi trường, văn hóa, xã hội, không có lợi về kinh tế, và nhất là rất nguy hiểm cho quốc phòng. Các Dân biểu họp Quốc hội cũng cho rằng, nhà nước “lách luật” để khỏi phải hỏi ý kiến Quốc hội, trong việc cho Trung Cộng khai thác bô-xít ở Tây nguyên, các anh không thấy hay sao? Công an trả lời rằng: - Trung Cộng chiếm Hoàng Sa, Trường Sa thì có, chứ Tây Nguyên thì chưa, nhưng Trường Sa thì Việt Nam vẫn còn giữ một số… vài ba hòn đảo, còn việc khai thác Bô-xít là chính sách của Đảng và Nhà nước, tôn giáo không nên dính vào việc này….

Tôi giải thích cho họ biết rằng, Phật giáo Việt Nam có truyền thống từ hai nghìn năm nay, lúc nào cũng gắn liền với vận mạng thịnh suy của dân tộc. Phật giáo Việt Nam tuy không ra tranh giành quyền lực thế gian, nhưng không vì vậy mà chỉ lo tu hành cho riêng cá nhân mình, chỉ lo cho đạo giáo mình, mà bỏ mặc, không lo lắng đến sự tồn vong của dân tộc, đến sự đau khổ của dân sinh. Trái lại, Phật giáo luôn sát cánh cùng dân tộc trong việc dựng nước và giữ nước, cùng gánh vác, trang trải mọi sự thịnh suy, thăng trầm với dân tộc.

Trong Thư Chúc xuân Ất Dậu, năm 2005, gửi đến quí vị nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ và đồng bào, Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ đã minh định : “Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và trong cương vị Tăng sĩ, chúng tôi không làm chính trị, không tham gia chính trị. Nhưng chúng tôi phải có thái độ chính trị. Thái độ này thể hiện giáo lý nền tảng của đạo Phật, là cứu chúng sinh ra khỏi mọi nạn ách, khổ đau để tạo điều kiện giác ngộ. Hẳn nhiên thái độ ấy tùy thuộc các chính sách của Nhà nước có phục vụ quảng đại quần chúng nhân dân hay không”.Hòa thượng nhấn mạnh thêm : “Tuy không làm chính trị, nhưng Giáo hội ủng hộ mọi nỗ lực chính trị nhằm bảo vệ đất nước, bảo vệ truyền thống văn minh nòi giống, âu lo cho mỗi con người được sống đời no ấm, tự do, được hưởng trọn các quyền ghi trong Công ước quốc tế về Các quyền Dân sự và Chính trị mà Việt Nam tham gia ký kết tại LHQ từ năm 1982”. Trái lại, giới “nam nữ Cư sĩ Phật tử tại gia sống giữa xã hội có toàn quyền tham gia và đóng góp trên mọi lĩnh vực của đời sống như kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, kỹ thuật, chính trị, v.v... với tinh thần lợi tha bình đẳng”.

Gần đây, cá nhân tôi, cũng như nhiều Ban Đại diện GHPGVNTN các tỉnh, thành trong toàn quốc, đã phúc trình về, cho thấy rằng công an thường đem các tội “chính trị”, “phản động”, “nói xấu, tuyên truyền chống xã hội chủ nghĩa” để gán ghép, đe dọa các thành viên, các Phật tử, tín đồ thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Các đảng phái, các nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ, sinh viên học sinh, những người biểu tình chống Trung Cộng xâm lăng, những người vận động cho Tự do, Dân chủ, Nhân quyền cho Việt Nam cũng thường bị kết các bản án như vậy.

Ở Việt Nam, ai bị kết vào các tội “chính trị”, “phản động”, “tuyên truyền chống nhà nước xã hội chủ nghĩa”, bị bản án rất nặng. Từ khi Cộng sản nắm chính quyền, người dân trong nước, ai ai cũng khiếp sợ các bản án quái ác này. Nhưng, tội “chính trị”, “phản động”, “tuyên truyền chống xã hội chủ nghĩa” là gì mà lại bị kết án nặng?

1- Tội làm chính trị:

Làm chính trị tốt hay xấu? Ai được quyền làm chính trị? Nếu cho chính trị là xấu, ai làm chính trị phải bị tù, thì các đảng viên đảng Cộng sản phải bị tù trước, vì đảng Cộng sản, cũng là một đảng chính trị !

Hay là đảng Cộng sản được đặc quyền làm chính trị, còn 85 triệu người dân Việt Nam, bị đảng khống chế, mất quyền công dân, không có quyền làm chính trị ? Như vậy là nhà cầm quyền Cộng sản đã vi phạm Điều 50, Chương V của Bản Hiến pháp năm 1992: “Ở nước CHXHCN Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa và xã hội được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân và được qui định trong Hiến pháp và luật.”

Đã hơn 2 thế kỷ nay, tất cả các nước văn minh, người dân đã có Tự do, Dân chủ, Nhân quyền, được ứng cử, bầu cử người lãnh đạo đất nước một cách công khai, hợp pháp. Trong khi đó, Việt Nam, suốt 100 năm bị Thực dân đô hộ, rồi tiếp đến 60 năm bị Cộng sản cai trị, người dân vẫn không có tự do, dân chủ, nhân quyền, không có quyền ứng cử, bầu cử, lựa chọn người lãnh đạo cho đất nước mình. Người dân Việt Nam không có quyền phát biểu chính trị ?!

2- Tội “Tuyên truyền chống xã hội chủ nghĩa”.

- “Xã hội chủ nghĩa” là gì?

Sau khi cưỡng chiếm miền Nam, năm 1975, Nhà cầm quyền Cộng sản hô khẩu hiệu: “Tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên Xã hội chủ nghĩa”. Ở nông thôn, tiến hành cải cách ruộng đất. Tất cả ruộng đất đều phải vào hợp tác xã, không ai được phép làm riêng lẻ như trước. Ở thành thị, cải tạo công thương nghiệp, đánh tư sản, tư thương. Các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở buôn bán tư nhân đều bị tịch thu, nhà cầm quyền quản lý tất cả mọi dịch vụ từ sản xuất đến buôn bán, giao dịch. Những ai chống đối thì bị tù tội, tử hình. Sau hết đến chiến dịch đổi tiền, mỗi nhà chỉ được đổi một số tiền giới hạn rất ít. Không ai còn làm ăn buôn bán gì được nữa. Toàn dân bỗng chốc trở thành vô sản.

Nhưng cũng vì làm tập thể, cha chung không ai khóc, không ai có trách nhiệm, kinh tế cả nước dần đi đến chỗ kiệt quệ. Suốt trong 10 năm, từ 1975-1985, người dân cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, bệnh tật không có thuốc thang, cả dân tộc chìm đắm trong cảnh cơ hàn, tuyệt vọng.

Sau 10 năm “Tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên Xã hội chủ nghĩa”, thất bại về kinh tế, đưa đất nước đến chỗ kiệt quệ, nhà cầm quyền Cộng sản đành “đổi mới”, xét lại, trở về cách làm ăn theo kinh tế thị trường tư bản như trước năm 1975, kinh tế dần được hồi phục. Nhưng vì độc tài, độc đảng, không có cơ chế kiểm soát, nên đất nước lại sinh ra nạn tham nhũng, cắt xén, hối lộ tràn lan, trở thành quốc nạn, làm cho kinh tế chậm phát triển, văn hóa đạo đức suy đồi, xã hội băng hoại, đất nước càng ngày càng tụt hậu, tất cả mọi mặt đều thua kém các nước trong khu vực. Làm sao theo kịp các quốc gia văn minh trên thế giới ?

Trải qua 34 năm, qua hai giai đoạn, hai đường hướng kinh tế khác nhau, đối lập nhau. Giai đoạn đầu, theo vô sản, từ 1975-1985 và giai đoạn sau, theo kinh tế thị trường tư bản, từ 1986 đến nay. Không biết “Nhà nước Xã hội chủ nghĩa” là nhà nước nào ? ứng vào giai đoạn nào ? Nhà nước vô sản ? hay Nhà nước tư bản ? Nhà nước nào là “Nhà nước Xã hội chủ nghĩa” ? Không ai biết được “Nhà nước Xã hội chủ nghĩa” là gì, thì làm sao biết được tội danh “Tuyên truyền chống Nhà nước Xã hội chủ nghĩa” là tội gì ?

Một tội danh rất mờ ám, không rõ ràng ! Nhưng rất nhiều người bị tù tội vì cái tội danh ác độc này. Trong thế giới văn minh, không người nào phải chịu tội mà mình không biết là tội gì.

3-Tội “phản động”

Phản là ngược lại, động là làm, hoạt động, nghĩa là làm ngược lại, ngăn cản xu thế tiến hóa của nhân sinh, của vũ trụ, hoặc làm trái với chủ thuyết, tôn chỉ, mục đích của đảng phái, tổ chức, đoàn thể mình đề ra. Ví dụ như:

Đảng Cộng sản Việt Nam theo chủ thuyết vô sản Mác-Lênin, chủ trương kinh tế tập trung, nhưng ngược lại, các đảng viên làm kinh tế theo kiểu tư bản, đó là một hành vi phản động !

Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương xóa bỏ giàu nghèo, mọi người đều bình đẳng, nay đảng viên Cộng sản tham nhũng, hối lộ, giàu kếch xù, trở thành những nhà Tư bản đỏ, trong khi dân chúng vẫn đói rách, nghèo nàn, đó chính là phản động !

Đảng Cộng sản chủ trương không có người bóc lột người, nay mời các nhà tư bản vào làm ăn, nhưng lại không cho công nhân thành lập công đoàn độc lập để tự bảo vệ quyền lợi của mình, tạo cơ hội, điều kiện cho các nhà tư bản dễ dàng bóc lột công nhân, đó là hành vi phản động !

Tự do, Dân chủ, Nhân quyền là nguyện vọng, là mục đích theo duổi của toàn dân Việt trên một thế kỷ nay, đó cũng là xu thế chung của các dân tộc văn minh trên thế giới, vậy mà đảng Cộng sản Việt Nam lại viện lý do khác nhau về văn hóa, dân tộc, địa phương để phản đối, ngăn cản các ước mơ của dân tộc, đó chính là một hành vi phản động !

Chưa có một cuộc trưng cầu dân ý nào để tìm hiểu xem dân tộc Việt Nam có muốn đi theo chủ thuyết vô sản, độc tài toàn trị hay không. Tuy nhiên, qua 10 năm áp dụng hợp tác xã, làm chung, ăn chung, kinh tế xuống thấp rất rõ ràng, vì bị nhân dân tẩy chay, không hợp tác, việc đó là bằng chứng cho thấy 85 triệu người dân Việt Nam, trừ 3 triệu đảng viên Cộng sản, không ai muốn theo vô sản, độc tài cả. Con người, ai cũng muốn giàu có, muốn tự do, dân chủ, nhân quyền. Đó là xu thế chung của các dân tộc văn minh ngày nay. Ước muốn đó là tự nhiên, là đúng đắn, là đúng qui luật, không thể gọi là phản động. Đảng phái nào, tổ chức nào cản trở tiến trình tự do, dân chủ, nhân quyền, hạnh phúc, văn minh của Dân tộc mới là đảng phái hay tổ chức phản động !

Gần 3 trăm triệu dân của Liên xô cũ, 100 triệu dân các nước cựu Cộng sản Đông Âu đã từ bỏ chế độ độc tài, độc đảng, vô sản, vô thần, để đi theo con đường Tự do, Dân chủ, Nhân quyền, văn minh, tiến bộ, đều là phản động cả hay sao?

Với hệ thống thông tin tối tân, nhanh chóng ngày nay, thế giới quần tụ thân tình và gần nhau hơn. Tin tức, hình ảnh, thời sự hằng ngày trên khắp thế giới được trình chiếu trên truyền hình, trên mạng Internet, nên người dân đã hiểu biết thế nào là tự do, dân chủ, nhân quyền, thế nào là vinh quang, thế nào là tủi nhục.

Hoạt động chính trị của người dân, của các đảng phái trong các nước trên khắp thế giới là việc làm bình thường. Nhưng Việt Nam, nhà cầm quyền Cộng sản, lại cho là có tội, tội làm “chính trị”!

Chuyện chỉ trích, phê bình, bất đồng về việc làm của chính phủ, của đảng cầm quyền là chuyện bình thường trên khắp thế giới, thế mà Cộng sản Việt Nam lại gán việc đó vào tội “phản động” !

Nhà cầm quyền độc tài Cộng sản Việt Nam, từ năm 1986, đã từ bỏ vô sản chuyên chính, đi theo con đường kinh tế thị trường, không những mời tư bản vào khai thác, mà còn đưa nhân công đi làm thuê, làm mướn khắp thế giới, để cho tư bản mặc tình bóc lột, chẳng còn gì gọi là “Xã hội chủ nghĩa” nữa, sao lại bịa ra cái tội “tuyên truyền chống nhà nước Xã hội chủ nghĩa” ?

Cho nên các tội “chính trị”, “phản động”, “tuyên truyền chống nhà nước Xã hội chủ nghĩa”, chỉ có trong 4 nước độc tài CS còn sót lại mà thôi. Những quyền, đương nhiên, của người dân ở các quốc gia dân chủ lại biến thành tội ở các nước độc tài CS.

Người dân VN vốn mang nặng tình đồng bào, đoàn kết, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau. Đa số dân Việt lại là Phật tử, với lòng từ bi thương xót, cứu giúp chúng sanh, không thụ động ai lo phần nấy, bỏ mặc nhân sinh, bỏ mặc dân tộc, an phận riêng mình. Đó cũng là tinh thần Lục Độ Tập Kinh: “Bồ tát thấy dân kêu ca nên xông vào chốn lửa dữ để cứu chúng sanh thoát khỏi ách nạn lầm than”.

Thích Viên Định.

http://tudongonluan.atspace.com/79/toichinhtri.html

Tập Trung Quyền Lực Đảng Vào Chính Phủ Nhằm Cũng Cố Độc Tài Toàn Trị Tham Ô

Lý Đại Nguyên

Từ ngày Việt nam chính thức bước vào sinh hoạt mở rộng trên trường quốc tế, thì cái chế độ “nửa dơi, nửa chuột” Đảng lãnh đạo, Nhà Nước quản lý của Việt cộng tỏ ra quá lạc lõng, làm khó cho các nước Dân Chủ, nhưng lại là một ưu thế đối với Trung cộng. Chính phủ ở các nước Dân Chủ khi giao tiếp với Việt cộng thì chỉ có thể giao tiếp, cũng như ký kết các văn bản pháp lý với Chính Phủ quản lý nắm vai trò thừa hành, chứ không trực tiếp ký với Người Lãnh Đạo đảng là tổng bí thư, vì lãnh tụ đảng Việt cộng trong công pháp quốc tế không phải là người đại diện hợp pháp của quốc gia, mặc dù Hiến Pháp Việt Cộng ở Điều 4 đã tiếm quyền Quốc Dân, để quy định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với Nhà Nước, nhưng Hiến Pháp và Luật Pháp của Việt Cộng lại không quy định Tổng Bí Thư là Nguyên Thủ Qưốc Gia, có quyền lãnh đạo Nhà Nước. Thế nên những văn bản mà các nước Dân Chủ ký với Việt Cộng, hay chính phủ Việt Cộng ký vào các Công Ước Quốc Tế thường bị Việt Cộng không nghiêm chỉnh thi hành. Bởi vì thường bị lãnh đạo đảng lật lọng, xếp xó. Chỉ trừ Trung cộng khi nắm đầu được Tổng Bí Thư Việt Cộng rồi thì toàn đảng, chính phủ, quân đội, công an đều phải răm rắp tuân hành. Chính vì thế Việt Nam mới từ từ rơi vào vòng nô lệ cho Trung cộng.

Sau ngày Liên xô sụp đổ, hệ thống Cộng sản Quốc tế tan rã, sinh hoạt trên chính trường quốc tế mở rộng, sự giao hảo giữa các nước không phân biệt chế độ chính trị nữa, thì Trung cộng đã rút kinh nghiệm bang giao quốc tế, biết chủ động hợp pháp hóa vị thế của Tổng Bí Thư, bằng cách cho kiêm chức Chủ Tịch Nước, kể từ thời Giang Trạch Dân. Họ Giang đã tự xây dựng vị trí lãnh tụ của mình với chủ thuyết “Tam Cá Đại Biểu”. Đến Hồ Cẩm Đào thì đưa ra chủ thuyết “Xã Hội Hài Hòa”. Rồi đảng tiếp tục tạo ra người thừa kế. Loại bỏ chế độ “song trùng” quy về một mối đảng và chính phủ trở thành một, để độc quyền thống trị Quốc Dân và chủ động bang giao Quốc Tế. Mặc dù Việt cộng là học trò trung thành của Trung cộng, nhưng Trung cộng vẫn không để cho Việt cộng tập trung quyền lực giữa đảng và chính phủ, vẫn duy trì chế độ ‘song trùng’ bất lực tại Việt nam, để cho Việt cộng không thể chủ động có thực quyền điều hành đất nước, phát triển kinh tế, ngang hàng, hay qua mặt Trung cộng trên trường quốc tế.

Chế độ ‘song trùng’ trì trệ Việt cộng không những là gánh nặng cho ngân sách quốc gia, phải nuôi 2 hệ thống đảng và chính phủ song hành, còn tạo ra một hệ thống thực quyền mà vô trách nhiệm, tùy tiện tham ô, đứng trên luật pháp, tạo ra luật pháp, thi hành luật pháp, khống chế luật pháp, mà không bị bất cứ thế lực nào chế tài, kể cả công luận. Vì Việt nam hiện nay chỉ có một đảng Việt cộng độc quyền lãnh đạo cả Lập Pháp, Hành Pháp, Tư Pháp, báo chí, truyền thanh, truyền hình đều nằm trong tay đảng Việt cộng. Đảng lại còn muốn kiểm soát luôn thông tin trên mạng nữa. Đối với Quốc Dân thì đảng Việt cộng hiện nay đã là độc tài toàn trị. Nhưng dù sao cũng tự giới hạn bằng chế độ ‘song trùng’ lưỡng đầu của chính họ. Nội trị tuy tha hồ tùy tiện thao túng chính quyền, luật pháp, kinh tế… Khiến cho chức Thủ Tướng coi về quản lý hành chánh trở thành bù nhìn, không có quyền truất nhiệm viên chức dưới quyền, quyền đó thuộc về tổ chức đảng. Chính vì vậy, mặc dù Nguyễn Tấn Dũng hiện nay là chủ tịch chỉ đạo Ủy Ban Bài Trừ Tham Nhũng Quốc Gia, mà không dám động đến lông chân của bọn tham nhũng gộc. Trong đó lẽ cố nhiên có cả đương sự nữa. Nhưng đối với quốc tế thì vị thế của đảng không được coi trọng, hoặc cố ý không coi trọng để nâng vai trò đối tác của chính phủ lên ngang tầm với quốc tế..

Đó là lý do khiến Trung Ương Đảng Việt Cộng đưa ra chủ trương: Bí Thư kiêm Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân các cấp. Để nhất thể hóa chức danh Bí Thư và Chủ Tịch, nhằm làm bộ máy cai trị gọn nhẹ, việc điều hành nhanh chóng, kịp thời không bị, chồng chéo, ách tắc. Như vậy, không biết trong kỳ Đại Hội XI này, đảng Việt Cộng có dám chơi ngang tầm với quan thầy Bắc kinh là để Tổng Bí Thư kiêm Chủ Tịch Nước hay không? Hay vẫn chọn một viên Tổng Bí Thư bù nhìn kiểu Nông Đức Mạnh, một Chủ Tịch Nước đần độn như Nguyễn Minh Triết, một Thủ Tướng luồn lọt như Nguyễn Tấn Dũng, để cho 15 ủy viên Bộ Chính Trị thành ‘cá mè một lứa’. Rồi mọi quyết định quan trọng đến vận mệnh dân tộc đều do quan thầy Bắc kinh chỉ đạo? Chế độ Việt Cộng hiện nay tiếng là: “Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam”. Nhưng cộng hòa của thứ xã hội chủ nghĩa chết tiệt đó, không phải là thề chế Cộng Hòa Phổ Cập Toàn Dân, trong đó mọi công dân đều có quyền trực tiếp phổ thông đầu phiếu, bầu lên những nhà lãnh đạo chính quyền của mình, mà Việt Cộng chỉ áp dụng quy chế “đảng cử, dân bầu” ra Quốc Hội, và Hội Đồng Nhân Dân các cấp bù nhìn của đảng. Thế nên việc đảng chọn Tổng Bí Thư rồi đưa sang Quốc Hội bầu vào chức Chủ Tịch Nước, hoặc đảng bầu Bí Thư, rồi đưa cho Hội Đồng Nhân Dân các cấp thông qua thì quá nhẹ nhàng, không gì trở ngại.

Nhưng nhiều cựu viên chức cao cấp trong đảng lại muốn đi xa hơn nữa là góp ý “Dân Chủ Hóa đảng”. Một ngày, sau khi kết thúc Hội Nghị lần thứ 12 của Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng, ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó Ban Tổ Chức Trung Ương, cho đăng bài viết trên Việt Nam Net rằng: “Muốn chọn người tài đức thì không có cách nào khác hơn là thực hiện dân chủ”. “Dân chủ không áp đặt, không cảm tình thiên vị và không cố chấp là những điều đảng phải làm, nếu muốn có cán bộ tốt cho Đại Hội lần thứ XI”. Ông Hương cũng đưa ra đề nghị: “Nên có một danh sách người có đủ khả năng cho chức vụ Tổng Bí Thư, thay vì chỉ có một người được đề nghị bỏ phiếu thông qua… và không phân biệt vùng miền, từng là một trong những yếu tố quan trọng khi chọn người được cử giữ những vị trí quan trọng ở các kỳ đại hội trước đây”.

Một đảng gọi là lãnh đạo nhà nước, mà đảng viên không được bình quyền với nhau để ứng cử, bầu cử ra các người lãnh đạo của mình, như từ trước tới nay, thì đảng này chỉ là đảng giặc cướp, không thể gọi là Chính Đảng, hay Đảng Lãnh Đạo được nữa. Vì thế mà những đảng viên tự trọng, còn biết liêm sỉ và giác ngộ được quyền lợi của mình, không những phải đòi Dân Chủ Hóa đảng, mà còn phải có trách nhiệm đòi Dân Chủ Hóa chế độ cho toàn dân nữa mới đúng. Đối với những Người Đấu Tranh cho Tự Do Dân Chủ Nhân Quyền ở trong và ngoài Việt Nam hiện nay, thì tuyệt đối không để bị rơi vào bất cứ một giải pháp nào ở “Giai Đoạn Chuyển Tiếp” này. Vì ngay cả việc “Dân Chủ Hóa Đảng” cũng chỉ là sự Tập Trung Quyền Lực Đảng vào Chính Phủ để thống trị Quốc Dân, nếu Viêt nam chưa có Tự Do Ngôn Luận, Tự Do Tôn Giáo, Tự Do Chính Đảng, Tự Do Nghiệp Đoàn, để Quốc Dân có thực quyền, thực lực tự làm chủ lấy mình, kiểm soát chế độ chính trị và phục hồi chủ quyền đất nước.

Người Viết HS-TS-VN Là Một Thanh Niên Yêu Nước.

Nhận định: Làn sóng Hoàng Sa gắn kết tuổi trẻ Việt
(04/22/2010) Trong một bức thư gửi cho tờ Dân Luận, ghi ngày 18 tháng 4, một thanh niên ở Saigon ẩn danh tâm sự rằng anh đang cố gắng làm một cái gì đó, mang tính cá nhân, nhằm hưởng ứng cho công cuộc khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam, cho dù đây là là hành động được coi là nguy hiểm trong nước lúc này.
Hành động của người thanh niên này là đi khắp nơi, tìm đến những chỗ đông người qua lại và kẻ khẩu hiệu HS-TS-VN, có ý nghĩa là Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam. Ở bất cứ nơi nào trên thế giới, việc gắn mình dính liền với dòng chữ này là hoàn toàn vô hại, nhưng ở Việt Nam, rất nhiều người thanh niên, cụ già, trí thức…v.v đã bị tù tội, đánh đập, sách nhiễu và không còn an toàn trong đời sống thường nhật nữa, vì đã lên tiếng khẳng định như vậy.
Cùng chung một tiếng nói
Trong những tấm hình mà anh thanh niên này gửi lên blog và khắp nơi, nhằm chứng minh cho hành động của mình và cậy nhờ các cơ quan truyền thông bên ngoài yểm trợ, người ta nhìn thấy những nơi có khẩu hiệu này hết sức quen thuộc ở Saigon, ra đến tận Bình Dương.
Rất nhiều người cảm động cho tinh thần yêu nước của anh thanh niên này, và chỉ trong một vài ngày, nghĩa cử và các hình ảnh đó đã được chuyền đi khắp các trang blog. Kết quả là chỉ vài ngày sau, đã có thêm thư ẩn danh gửi đi, trên blog cũng như trên trang Dân luận, cho biết đã có thêm nhiều cá nhân nữa hưởng ứng và hành động tương tự để tỏ ý ủng hộ cho phong trào yêu nước này. Giờ thì ở Saigon, đi trên những con đường nội thành hay ngoại thành, người ta có thể dễ dàng bắt gặp nhiều khẩu hiệu như vậy mà giới công an CSVN thì hết sức khó xử: Cho người đi xóa thì mặc nhiên chứng tỏ đảo, biển đã mất và hành động bán nước của Hà Nội, còn không xóa thì hết sức gai mắt và càng làm dân chúng mỗi ngày hưởng ứng một nhiều hơn.
Cũng cần nhắc lại, chủ quyền của Việt Nam về Hoàng Sa và Trường Sa, vốn đang bị Trung Quốc xâm lược một phần và đe dọa nuốt trọn toàn bộ, đã trở thành một đề tài nhạy cảm vô cùng trong năm 2010 này, được gọi là năm hữu nghị Việt Trung.
Nhiều người, bao gồm nhóm hay cá nhân trong nước đã bị bỏ tù, sách nhiễu, tra tấn hay cô lập chỉ vì họ kêu gọi chủ quyền này, vốn đang có nhiều nghi vấn truyền tai nhau là Đảng CSVN đang im lặng dâng cho Trung Quốc để gán nợ trong cuộc chiến tranh Nam Bắc Việt Nam, mà sắp tới đây sẽ là kỷ niệm 35 năm ngày Cộng sản Bắc Việt cưỡng chiếm miền Nam Việt Nam Cộng Hòa.
Vào đầu năm nay, những người sống trong nước đến nhận áo và nón có in dòng chữ Trường Sa – Hoàng Sa – VN tại Hà Nội do Đảng Việt Tân tán phát công khai, kể lại rằng họ biết ngay cả việc nhận chiếc áo đó, dù không mặc, cũng có thể bị công an quấy rầy nhưng lòng yêu nước đã gắn kết tất cả những con người trẻ tuổi đó lại với nhau. “Đó là một kỷ niệm khó quên, tụi em không biết đó là những người Việt ở nước ngoài hay trong nước nhưng chỉ cần chung một ý chí chống sự xâm lược của Trung Quốc và hèn nhát của Nhà nước Việt Nam, thì điều đó có nghĩa rằng chúng ta là chiến hữu”, L., một cô gái sống ở quận Đống Đa, Hà Nội, nói như vậy khi giới thiệu hình chiếc áo mà cô được tặng, đăng trên trang facebook.
Tháng trước, ngay tại Hà Nội, người ta cũng tìm thấy khẩu hiệu này được viết và đưa đi khắp Hà Nội trên chiếc xe lam của thương phế binh Bắc Việt trong cuộc chiến chống Trung Quốc 1979. Vào đầu năm nay, một quán café lề đường tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, khi họ giăng tấm bạt che có hàng chữ Hoàng Sa Trường Sa Việt Nam cũng đã bị công an ập tới, đánh đập và bắt đi, hiện nay không biết những người này số phận ra sao.
Tại Saigon, nhà báo của CLB Nhà báo Điếu Cày, tức Nguyễn Hoàng Hải cũng đã bị kêu án 4 năm tù vì hoạt động chủ quyền của Việt Nam trước Trung Quốc. Song Chi, đạo diễn điện ảnh trong nước cũng vì thái độ này mà phải tị nạn chính trị tại Na Uy. Tại Nha Trang, Blogger có tên Mẹ Nấm cũng bị bắt giam vì in áo kêu gọi Hoàng Sa Trường Sa và chống khai thác bauxite.
Ai cũng hiểu, dù không cần nói ra: chống Trung Quốc xâm lược Việt Nam, đồng nghĩa với chống Nhà nước CS Việt Nam trong giai đoạn đầy nghi vấn bán nước dâng biển lúc này.
Không có ai “xúi giục”
Những luận điệu mà báo Công an TP hay tờ Nhân Dân vẫn lên giọng, rằng thanh niên trong nước đang bị “kích động và xúi giục” trong các cuộc biểu tình và giăng khẩu hiệu chống Trung Quốc và đòi Hoàng Sa Trường Sa. Nhưng gần đây, cách nói đó đã yếu dần và đầy lẩn tránh mỗi khi nhắc đến tình trạng ngư dân Việt Nam bị Hải quân Trung Quốc đánh đập, giết chết hay bị bắt làm con tin đòi tiền chuộc.
Ngược lại, trên các trang mạng, lý luận về tổ quốc và lòng yêu nước của thanh niên Việt Nam ngày càng mạnh mẽ hơn. Đáng chú ý rằng những trang mạng sinh hoạt xã hội chính trị trước đây một năm phân chia rất rõ thanh niên Việt trong nước và ngoài nước, giờ đây, sự phân biệt đó đã mờ hẳn, thay vào đó, lòng yêu nước và ý thức tự chủ của mỗi con người – hoàn toàn không có sự “xúi giục” nào – đã gắn kết thanh niên Việt ở mọi nơi với nhau.
Trường hợp gần đây bà nghiên cứu sinh ở Đại học Yale tự xưng là tiến sĩ, Đỗ Ngọc Bích, đưa ra lý luận Việt Nam nên hàng phục Trung Quốc, mà trên trang blog của mình, nhạc sĩ Tuấn Khanh (trong nước) mỉa mai đó là thuyết “nô lệ hiển nhiên”, đã tạo ra một làn sóng phản ứng mạnh mẽ từ Nam chí Bắc cũng như ở mọi cộng đồng Việt trên toàn thế giới, gắn kết thanh niên với nhau trong cùng một ý chí bảo vệ đất đai của tổ tiên.
Qua sự kiện này, người ta nhìn thấy rất rõ, lòng yêu nước là một bản năng tự phát cao quý nhất tự phát sinh, mà không cần, không bị ai “xúi giục” như hệ thống báo chí, truyền hình Nhà nước CSVN vẫn chỉ trích.
Hành động phối hợp trong và ngoài nước ngoài càng nhiều hơn
Sự kiện Đảng Việt Tân tổ chức phát áo có khẩu hiệu HSTS trong nước cho đến hành động cá nhân của nhiều bạn trẻ lúc này, cho thấy sự liên kết, ít nhất là về mặt tinh thần của thanh niên Việt khắp nơi, mỗi lúc một dày hơn, mạnh mẽ hơn.
Trong bản tin loan đi trên đài SBTN vào tháng trước, sự kiện phát áo đó, được một công an viên ở Hà Nội tiết lộ rằng qua kiểm tra băng ghi hình sự kiện, ngành an ninh lo ngại vì nhìn thấy có đầy đủ thanh niên Việt kiều lẫn thanh niên trong nước cùng hành động.
Chỉ cần kiểm tra qua các hình ảnh, ngôn luận được giới trẻ đưa lên Youtube hay Paltalk, sự kiện Hoàng Sa và ngư dân Việt hôm nay đã thống nhất lòng người thế hệ mới, sau 35 năm mà Nhà nước CSVN tìm đủ mọi cách để chia rẽ.
Gần nhất, một CD tranh đấu mang tên “Hoàng Sa Trường Sa là của ta”, được coi như là một trong những công việc phối hợp giữa giới trẻ trong và ngoài nước khá thành công. Nội dung nhấn mạnh biển đảo là tài sản quốc gia cũng như lòng yêu nước đã khiến 10 bài hát trong đó lan tràn nhanh chóng trên các trang mạng. Những người tổ chức giấu tên, cho biết rằng nhiều bài hát đã có sẵn trước đó, tự phát, và được thu thập lại, tập hợp thành một CD cùng với những bài hát mới nhất được sáng tác ở hải ngoại. “Trước đây CSVN hay nói tới phong trào “chuyển lửa về quê nhà” nhưng giờ thì khác rồi, chính ngọn lửa ở quê nhà khiến chúng tôi được hâm nóng mỗi ngày”, T., một thành viên tổ chức tập hợp những bài hát này nói.
Như lời nhận định của Tiến sĩ Nguyễn Nhã, người dành trọn đời để gìn giữ và nghiên cứu tư liệu về Hoàng Sa, “lòng yêu nước là cơ hội cuối cùng để thống nhất lòng người”. Và dường như thời cơ này đã tới. (P.V.Đ.)

Vụ gãy cầu Pháp Vân: LÝ GIẢI NHƯ VẬY KHÁC GÌ DÙNG “ VẢI THƯA CHE MẮT THÁNH”?

Sự sụp gãy của thanh dầm ở cầu Pháp Vân Thanh Trì làm cho chúng ta liên tưởng tới sự sụp vỡ của một thể chế chính trị nào đó. Đáng lý ra phải tìm ra nguyên nhân: do sự ruỗng nát, bất cập của kết cấu chịu lực bên trong khiến cho nó đến hồi sụp gãy như một thực tế khách quan lại đi tìm nguyên nhân từ những kẻ gây rối bên ngoài, những con tốt đen trên bàn cờ, đổ cho những con gà hay gáy sớm.
Phạm Viết Đào



LÝ GIẢI NHƯ VẬY KHÁC GÌ DÙNG “ VẢI THƯA CHE MẮT THÁNH”?


Ảnh: Dùng tấm nhựa nilong che dầm gãy...


Theo tin của báo Tuổi trẻ: “Tại cuộc họp diễn ra chiều tối 22-4 giữa các bên liên quan, các thành viên của Hội đồng nghiệm thu nhà nước, Ban quản lý dự án Thăng Long, đại diện Bộ GTVT, tư vấn giám sát và đại diện các nhà thầu đã thống nhất lý do xảy ra sự cố do việc gác dầm lên vị trí gối cao su ở trụ cầu không đảm bảo độ chính xác nên tạo sự biến dạng của gối cao su làm dầm nghiêng. Cùng với việc không có sự chống đỡ, liên kết tốt giữa các phiến dầm đã gây ra sự cố trên. Nguyên nhân sự cố do nhà thầu thi công không đúng quy trình dẫn đến không đảm bảo liên kết, gây mất ổn định vị trí các thanh dầm…”


Trao đổi với Tuổi Trẻ, GS Lê Văn Thưởng nói:” Hội đồng nghiệm thu nhà nước và các bên liên quan đã có cuộc họp với nhau và khẳng định nguyên nhân chủ yếu là do các gối cao su bản thép biến dạng không đồng đều. Quan sát thực tế cho thấy các phiến dầm có chỗ nghiêng ra và có chỗ hở ra nhìn thấy đường hở. Mặt khác, các gối cao su biến dạng không đều sẽ làm dầm nghiêng từ từ và đến lúc nghiêng quá thì bị đổ gây hiệu ứng domino ?


Lý giải với báo Tuổi trẻ về câu hỏi” Gối cầu mới dùng được năm tháng tại sao lại biến dạng sớm? Có khả năng lớp cao su bị phong hóa do thời tiết?” Gs Lê Văn Thưởng nổ tiếp:” Do biến dạng chứ không phải phong hóa. Các gối dầm cao su bản thép dùng cho cầu cạn Pháp Vân nhập từ Hãng OVM của Trung Quốc (gối bao gồm các lớp thép và cao su xen kẽ). Nếu đặt dầm đúng tâm gối thì gối biến dạng đều. Nhưng đặt lệch thì một bên chịu lực quá tải sẽ biến dạng nhiều hơn, tạo độ nghiêng làm dầm nghiêng dần kết hợp với hệ thống giằng chống không đảm bảo gây ra đổ dầm”…


Lý giải cho rằng: “gác dầm lên vị trí gối cao su ở trụ cầu không đảm bảo độ chính xác nên tạo sự biến dạng của gối cao su làm dầm nghiêng. Cùng với việc không có sự chống đỡ, liên kết tốt giữa các phiến dầm đã gây ra sự cố “ gãy, sập đối với nhịp cầu 73-74 của cầu Pháp Vân, Thanh Trì là một hình thức ngụy biện đùn đẩy trách nhiệm của tướng cho quân.


Lý giải như vậy có nghĩa sập dầm là do lỗi của tốp thợ thi công ẩu, không chuẩn dẫn tới nghiêng, sập chứ không do chất lượng của những tấm dầm có vấn đề?!


Xin lưu ý, dây là một tấm dầm dài 33 m và có trọng lượng theo thiết kế được tính toán là 60 tấn. Một khối bêtông có tải trọng lớn như vậy thì không có một thứ gối cao su nào có khả năng tạo nên sự đàn hồi điều chính khổi bêtông trên để làm cho nó khi được đặt, định vị không bị xô, vênh lệch, cân bằng. Phải khẳng định rằng bất cứ gối cao su loại gì chất lượng siêu đến đầu, dưới áp lực 60 tấn thì đều bị bẹp dí.


Theo chúng tôi, tấm cao su để lót đây để khi đặt tấm dầm nhằm mục đích để được êm, tránh va chạm gây nứt vỡ cục bộ, chứ với khối lượng 60 tấn thì không gối cao su nào có khả năng làm tấm đệm tạo sự đàn hồi, co giãn để giữ cân bằng cho tấm dầm !


Với một thanh dầm có trong lượng 60 tấn thì chỉ có động đất cấp 5 cấp 6 trở lên mới nhúc nhích được nó, mới làm cho nó xô lệch bật ra khỏi mố trụ, chứ gió mưa, phong hóa hay miếng cao su có dày mỏng cong vênh do nóng lạnh thì chẳng có ý nghĩa gì ?


Lý giải của Gs Lê Văn Thưởng thật sự “ cong vênh” với vị “trọng tài thời gian”; công trình được lắp đặt từ 4/12/2009 đến khi sập gần 3 tháng? Phải 3 tháng độ nghiêng của dầm mới đạt tới mức xô phá dẫn tới gẫy gập xuống ư? Điều này khó tin? Nếu quả có cái sự nghiêng, tức là không cân bằng ngay khi cẩu đặt lên thì chỉ mấy tiếng đồng hồ, với khối trọng lượng 60 tấn và với độ dài 33 m sẽ vật cổ chiếc dầm xuống đất, nó không nấn ná tới 3 tháng trời mới sụp gãy xuống như vừa qua?


Nếu cái khối bêtông 60 tấn này khi đã nghiêng, đã mất cân bằng thì không một thứ cột chống giằng nào có thể đỡ nổi nó. Việc nó đã đứng vững được trên 3 tháng chứng tỏ khi nó được đưa lên và được đặt ở vị trí cân bằng từ đầu, nếu không cân bằng sẽ sập ngay lập tức. Còn sau này nó không cân bằng nữa dẫn tới nghiêng, sập gẫy là do gối cao su không đạt chuẩn chất lượng và do đặt không cân là một sự giải thích vô lý và vô lối đùng đùng.


Chúng tôi vẫn cho rằng: thanh dầm bị sập gẫy là do kết cấu chịu tải, chịu lực của nó đã được thi công không đạt chuẩn, do vậy khi dầm gác lên, kết cấu bên trong mỏi, rạn dần và sau 3 thánh thì không còn chịu đựng được nữa nên mới sụp gãy !


Thế tại sao các cơ quan chức năng lại tìm cách “dùng màn vải thưa” này ngụy trang không dám nói ra cái lỗi chính dẫn tới sự sập gẫy này ? Đó là do lỗi của kết cấu bên trong thanh dầm không đảm bảo tải trọng thiết kế dẫn nên mới sập gẫy?


Nếu thú nhận điều này: tức là xác nhận kết cấu của thanh dầm được thi công không đảm bảo các tiêu chuấn thiết kế thì ngay lập tức hàng loạt câu hỏi sẽ đặt ra: Với hàng trăm thanh dầm đã lắp xong, sẽ còn có những thanh nào có tật bệnh tương tự như 3 thanh dầm vừa đổ ụp xuống ra trong tương lai: trong 3 tháng tới, trong 3 năm tới hay trong 30 năm tới... Nếu thú nhận ra sự thật này thì rầy rà và nguy to?


Cách lý giải của Giáo sư Lê Văn Thưởng theo chúng tôi vẫn là nhằm giải cứu cho một lề lối làm ăn thiếu trách nhiệm và ẩu trong thâm căn cố đế của cả một nền công nghệ nước nhà: làm láo báo cáo hay và tài ?

Sự lở loét, mục nát, han rỉ từ bên trong dầm...


Sự sụp gãy của thanh dầm ở cầu Pháp Vân Thanh Trì làm cho chúng ta liên tưởng tới sự sụp vỡ của một thể chế chính trị nào đó. Đáng lý ra phải tìm ra nguyên nhân: do sự ruỗng nát, bất cập của kết cấu chịu lực bên trong khiến cho nó đến hồi sụp gãy như một thực tế khách quan lại đi tìm nguyên nhân từ những kẻ gây rối bên ngoài, những con tốt đen trên bàn cờ, đổ cho những con gà hay gáy sớm. Nếu đi tìm nguyên nhân kiểu đó không bao giờ có ích cho việc xây cất những chiếc cầu có sức sống và tuổi thọ theo đúng nghĩa…


Phạm Viết Đào.


http://vn.360plus.yahoo.com/phamvietdaonv/article?mid=4788&prev=-1&next=4786

Lê Thị Công Nhân, Trần Khải Thanh Thuỷ, Phạm Thanh Nghiên - Những anh thư thời đại

Kim Châm


Ở khu vực Á Đông, hiếm có dân tộc nào phụ nữ lại đóng vai trò quan trọng trong xã hội như ở Việt Nam. Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, phụ nữ Việt Nam đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Ngay từ những buổi đầu lập nước, khi gặp nạn ngoại bang xâm lược, bà Trưng bà Triệu đã dấy binh khởi nghĩa đánh đuổi quân thù.

Đây được xem là cuộc cách mạng giải phóng Dân tộc đầu tiên của nước Việt (năm 39-43), chấm dứt 150 năm Bắc thuộc. Hình tượng Hai Bà Trưng đã được dân gian khắc ghi qua câu thơ bất hủ:

"Dù rằng quần vận yếm mang.
Anh thư ra sức dẹp tan quân thù".

Có thể nói, Hai Bà Trưng là người đầu tiên có công giữ nước, xây dựng nền độc lập, người đặt nền móng cho truyền thống đánh giặc ngoại xâm, ý thức tự lập, tự cường của dân tộc ta.

Tiếp đến là bà Triệu Thị Trinh với cuộc khởi nghĩa chống quân Ngô (năm 248). Người lưu tiếng muôn đời qua câu nói: "Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình biển đông, quét sạch bờ cõi, cứu dân ra khỏi nơi đắm đuối, chớ không thèm bắt chước thiên hạ, cúi đầu khom lưng làm tì thiếp người ta". Câu chuyện về bà Triệu anh hùng được dân gian lưu truyền cho đến tận bây giờ:

Phải đánh vì chưng giặc đến nhà.
Cờ đề chữ Triệu giục voi ra.
Giận nòi giống Việt về tay nó.
Cho tướng quân Ngô biết mặt bà”.

Ngày nay, khi nỗi ám ảnh của 1000 năm đô hộ giặc Tàu vẫn luôn thường trực trong tiềm thức người Việt. Hơn ai hết, những người phụ nữ Việt Nam, hậu duệ của Hai Bà Trưng, Bà Triệu lại có mặt khi nước nhà lâm nguy.

Người con gái khả ái Lê Thị Công Nhân, ngoài tư chất là một người con gái dịu dàng, xinh đẹp, thông thái, có học vấn, chị còn mang tư chất của một nhân vật của cộng đồng đau khổ và đang biết phản kháng, một thủ lĩnh tinh thần cho ngay cả lớp người đã có tuổi (*) đã sớm nhận thức rằng, đất nước Việt Nam đang ở dưới chế độ cai trị của một tập đoàn độc tài độc đoán, và chị nhận trách nhiệm của một người yêu nước, quyết tâm giành lại quyền làm người cho bản thân mình và cho hơn 83 triệu đồng bào ruột thịt. Ngay trong hoàn cảnh bị chế độ truy bức, đe doạ, chị đã nói dõng dạc trước cường quyền rằng:Tôi xin khẳng định bằng tất cả lương tâm, trách nhiệm và tình cảm của mình đối với đất nước Việt Nam và dân tộc Việt Nam là: Tôi sẽ chiến đấu tới cùng cho dù chỉ còn một mình tôi, trước hết là giành lấy nhân quyền cho chính mình, và giành lấy nhân quyền, dân chủ và tự do cho người Việt Nam.”

Nữ văn sĩ Trần Khải Thanh Thủy, người vừa mới bị bạo quyền Hà Nội ra tay trấn áp trong phiên tòa trí trá, nhạo báng luật pháp ngày 05-02-2010, chỉ vì chị đã đồng cảm được với nỗi khổ đau của tầng lớp dân oan phải chịu đựng dưới chế độ bất công, hiểm ác, cũng như cảm được nỗi đau của một người dân khi thấy đất nước đang dần dần bị ngoại bang xâm lấn. Và chị đã không ngần ngại đứng lên để chống lại thái độ “hèn với giặc – ác với dân” và những nguyên nhân đưa đến những thảm cảnh nêu trên. Chị đã viết:

"Nếu tôi chết xin ghi lên huyệt mộ
Rằng đây là người yêu nước thương dân."

Chị Trần Khải Thanh Thủy không có phép thần nào để cứu đồng bào của chị. Chị chỉ có một tấm lòng và ngòi bút, và chị đã chép xuống nhiều ngàn trang giấy tất cả những gì chị có, và đặt cả trên giấy là sinh mạng của chị và rất nhiều nỗi gian nan cho toàn gia quyến.

"Giặc đến nhà, đàn bà phải đánh". Giặc nội xâm, thứ giặc hiếm khi thấy trong lịch sử dân tộc, chính là sự phản bội của những người đang lãnh đạo đất nước. Bên cạnh thái độ quị lụy với giặc và hùng hổ với đồng bào mình, bọn giặc nội xâm này cũng đang đưa đất nước vào những tai hoạ khôn lường để đổi lấy chỗ dựa cho quyền lực của họ. Trước bộ máy bạo hành khổng lồ của bọn giặc nội xâm đang dần dần nghiền nát cả đất nước và dân tộc Việt, người con gái nhỏ nhắn mang tên Phạm Thanh Nghiên vẫn không bị khuất phục. Bộ máy công an trị với toà án lưu manh làm công cụ khủng bố tuy có thể giam cầm thân xác chị nhưng chắc chắn không thể giam cầm ý chí kiên cường của dòng máu Trưng Triệu. Và hẳn là nhà cầm quyền ươn hèn một lần nữa phải muối mặt trước những lời lẽ đanh thép của chị Phạm Thanh Nghiên:

Nếu tôi bị bắt giam thì chắc chắn "tội" của tôi - và đó là tội duy nhất của tôi - là đã dám công khai báy tỏ lòng yêu nước của mình. Và nếu vì yêu nước mà bị giam cầm thì tôi rất sẵn sàng và hãnh diện đón nhận bản án tù ấy bất cứ lúc nào”.

Những người như Trần Khải Thanh Thủy, Lê Thị Công Nhân, Phạm Thanh Nghiên đã theo gương anh hùng của những phụ nữ bất khuất trong lịch sử dân tộc như Trưng Trắc, Trưng Nhị, Triệu Trinh Nương hay gần hơn là dòng máu của Bùi Thị Xuân, Cô Bắc, Cô Giang. Các chị đã đem lại vinh dự cho hàng ngũ phụ nữ Việt Nam, bên cạnh những nam nhi ưu tú khác, đang dấn thân đấu tranh cho cùng mục tiêu giải phóng quê hương khỏi chế độ bạo tàn, bán nước, để dân tộc được sống với đầy đủ nhân phẩm và có thể vươn lên cùng nhân loại.

(*) Bài viết “Hãy làm một cái gì để không ân hận” của nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, Tập san Tổ Quốc số 13.