Saturday, April 24, 2010

Người Viết HS-TS-VN Là Một Thanh Niên Yêu Nước.

Nhận định: Làn sóng Hoàng Sa gắn kết tuổi trẻ Việt
(04/22/2010) Trong một bức thư gửi cho tờ Dân Luận, ghi ngày 18 tháng 4, một thanh niên ở Saigon ẩn danh tâm sự rằng anh đang cố gắng làm một cái gì đó, mang tính cá nhân, nhằm hưởng ứng cho công cuộc khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam, cho dù đây là là hành động được coi là nguy hiểm trong nước lúc này.
Hành động của người thanh niên này là đi khắp nơi, tìm đến những chỗ đông người qua lại và kẻ khẩu hiệu HS-TS-VN, có ý nghĩa là Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam. Ở bất cứ nơi nào trên thế giới, việc gắn mình dính liền với dòng chữ này là hoàn toàn vô hại, nhưng ở Việt Nam, rất nhiều người thanh niên, cụ già, trí thức…v.v đã bị tù tội, đánh đập, sách nhiễu và không còn an toàn trong đời sống thường nhật nữa, vì đã lên tiếng khẳng định như vậy.
Cùng chung một tiếng nói
Trong những tấm hình mà anh thanh niên này gửi lên blog và khắp nơi, nhằm chứng minh cho hành động của mình và cậy nhờ các cơ quan truyền thông bên ngoài yểm trợ, người ta nhìn thấy những nơi có khẩu hiệu này hết sức quen thuộc ở Saigon, ra đến tận Bình Dương.
Rất nhiều người cảm động cho tinh thần yêu nước của anh thanh niên này, và chỉ trong một vài ngày, nghĩa cử và các hình ảnh đó đã được chuyền đi khắp các trang blog. Kết quả là chỉ vài ngày sau, đã có thêm thư ẩn danh gửi đi, trên blog cũng như trên trang Dân luận, cho biết đã có thêm nhiều cá nhân nữa hưởng ứng và hành động tương tự để tỏ ý ủng hộ cho phong trào yêu nước này. Giờ thì ở Saigon, đi trên những con đường nội thành hay ngoại thành, người ta có thể dễ dàng bắt gặp nhiều khẩu hiệu như vậy mà giới công an CSVN thì hết sức khó xử: Cho người đi xóa thì mặc nhiên chứng tỏ đảo, biển đã mất và hành động bán nước của Hà Nội, còn không xóa thì hết sức gai mắt và càng làm dân chúng mỗi ngày hưởng ứng một nhiều hơn.
Cũng cần nhắc lại, chủ quyền của Việt Nam về Hoàng Sa và Trường Sa, vốn đang bị Trung Quốc xâm lược một phần và đe dọa nuốt trọn toàn bộ, đã trở thành một đề tài nhạy cảm vô cùng trong năm 2010 này, được gọi là năm hữu nghị Việt Trung.
Nhiều người, bao gồm nhóm hay cá nhân trong nước đã bị bỏ tù, sách nhiễu, tra tấn hay cô lập chỉ vì họ kêu gọi chủ quyền này, vốn đang có nhiều nghi vấn truyền tai nhau là Đảng CSVN đang im lặng dâng cho Trung Quốc để gán nợ trong cuộc chiến tranh Nam Bắc Việt Nam, mà sắp tới đây sẽ là kỷ niệm 35 năm ngày Cộng sản Bắc Việt cưỡng chiếm miền Nam Việt Nam Cộng Hòa.
Vào đầu năm nay, những người sống trong nước đến nhận áo và nón có in dòng chữ Trường Sa – Hoàng Sa – VN tại Hà Nội do Đảng Việt Tân tán phát công khai, kể lại rằng họ biết ngay cả việc nhận chiếc áo đó, dù không mặc, cũng có thể bị công an quấy rầy nhưng lòng yêu nước đã gắn kết tất cả những con người trẻ tuổi đó lại với nhau. “Đó là một kỷ niệm khó quên, tụi em không biết đó là những người Việt ở nước ngoài hay trong nước nhưng chỉ cần chung một ý chí chống sự xâm lược của Trung Quốc và hèn nhát của Nhà nước Việt Nam, thì điều đó có nghĩa rằng chúng ta là chiến hữu”, L., một cô gái sống ở quận Đống Đa, Hà Nội, nói như vậy khi giới thiệu hình chiếc áo mà cô được tặng, đăng trên trang facebook.
Tháng trước, ngay tại Hà Nội, người ta cũng tìm thấy khẩu hiệu này được viết và đưa đi khắp Hà Nội trên chiếc xe lam của thương phế binh Bắc Việt trong cuộc chiến chống Trung Quốc 1979. Vào đầu năm nay, một quán café lề đường tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, khi họ giăng tấm bạt che có hàng chữ Hoàng Sa Trường Sa Việt Nam cũng đã bị công an ập tới, đánh đập và bắt đi, hiện nay không biết những người này số phận ra sao.
Tại Saigon, nhà báo của CLB Nhà báo Điếu Cày, tức Nguyễn Hoàng Hải cũng đã bị kêu án 4 năm tù vì hoạt động chủ quyền của Việt Nam trước Trung Quốc. Song Chi, đạo diễn điện ảnh trong nước cũng vì thái độ này mà phải tị nạn chính trị tại Na Uy. Tại Nha Trang, Blogger có tên Mẹ Nấm cũng bị bắt giam vì in áo kêu gọi Hoàng Sa Trường Sa và chống khai thác bauxite.
Ai cũng hiểu, dù không cần nói ra: chống Trung Quốc xâm lược Việt Nam, đồng nghĩa với chống Nhà nước CS Việt Nam trong giai đoạn đầy nghi vấn bán nước dâng biển lúc này.
Không có ai “xúi giục”
Những luận điệu mà báo Công an TP hay tờ Nhân Dân vẫn lên giọng, rằng thanh niên trong nước đang bị “kích động và xúi giục” trong các cuộc biểu tình và giăng khẩu hiệu chống Trung Quốc và đòi Hoàng Sa Trường Sa. Nhưng gần đây, cách nói đó đã yếu dần và đầy lẩn tránh mỗi khi nhắc đến tình trạng ngư dân Việt Nam bị Hải quân Trung Quốc đánh đập, giết chết hay bị bắt làm con tin đòi tiền chuộc.
Ngược lại, trên các trang mạng, lý luận về tổ quốc và lòng yêu nước của thanh niên Việt Nam ngày càng mạnh mẽ hơn. Đáng chú ý rằng những trang mạng sinh hoạt xã hội chính trị trước đây một năm phân chia rất rõ thanh niên Việt trong nước và ngoài nước, giờ đây, sự phân biệt đó đã mờ hẳn, thay vào đó, lòng yêu nước và ý thức tự chủ của mỗi con người – hoàn toàn không có sự “xúi giục” nào – đã gắn kết thanh niên Việt ở mọi nơi với nhau.
Trường hợp gần đây bà nghiên cứu sinh ở Đại học Yale tự xưng là tiến sĩ, Đỗ Ngọc Bích, đưa ra lý luận Việt Nam nên hàng phục Trung Quốc, mà trên trang blog của mình, nhạc sĩ Tuấn Khanh (trong nước) mỉa mai đó là thuyết “nô lệ hiển nhiên”, đã tạo ra một làn sóng phản ứng mạnh mẽ từ Nam chí Bắc cũng như ở mọi cộng đồng Việt trên toàn thế giới, gắn kết thanh niên với nhau trong cùng một ý chí bảo vệ đất đai của tổ tiên.
Qua sự kiện này, người ta nhìn thấy rất rõ, lòng yêu nước là một bản năng tự phát cao quý nhất tự phát sinh, mà không cần, không bị ai “xúi giục” như hệ thống báo chí, truyền hình Nhà nước CSVN vẫn chỉ trích.
Hành động phối hợp trong và ngoài nước ngoài càng nhiều hơn
Sự kiện Đảng Việt Tân tổ chức phát áo có khẩu hiệu HSTS trong nước cho đến hành động cá nhân của nhiều bạn trẻ lúc này, cho thấy sự liên kết, ít nhất là về mặt tinh thần của thanh niên Việt khắp nơi, mỗi lúc một dày hơn, mạnh mẽ hơn.
Trong bản tin loan đi trên đài SBTN vào tháng trước, sự kiện phát áo đó, được một công an viên ở Hà Nội tiết lộ rằng qua kiểm tra băng ghi hình sự kiện, ngành an ninh lo ngại vì nhìn thấy có đầy đủ thanh niên Việt kiều lẫn thanh niên trong nước cùng hành động.
Chỉ cần kiểm tra qua các hình ảnh, ngôn luận được giới trẻ đưa lên Youtube hay Paltalk, sự kiện Hoàng Sa và ngư dân Việt hôm nay đã thống nhất lòng người thế hệ mới, sau 35 năm mà Nhà nước CSVN tìm đủ mọi cách để chia rẽ.
Gần nhất, một CD tranh đấu mang tên “Hoàng Sa Trường Sa là của ta”, được coi như là một trong những công việc phối hợp giữa giới trẻ trong và ngoài nước khá thành công. Nội dung nhấn mạnh biển đảo là tài sản quốc gia cũng như lòng yêu nước đã khiến 10 bài hát trong đó lan tràn nhanh chóng trên các trang mạng. Những người tổ chức giấu tên, cho biết rằng nhiều bài hát đã có sẵn trước đó, tự phát, và được thu thập lại, tập hợp thành một CD cùng với những bài hát mới nhất được sáng tác ở hải ngoại. “Trước đây CSVN hay nói tới phong trào “chuyển lửa về quê nhà” nhưng giờ thì khác rồi, chính ngọn lửa ở quê nhà khiến chúng tôi được hâm nóng mỗi ngày”, T., một thành viên tổ chức tập hợp những bài hát này nói.
Như lời nhận định của Tiến sĩ Nguyễn Nhã, người dành trọn đời để gìn giữ và nghiên cứu tư liệu về Hoàng Sa, “lòng yêu nước là cơ hội cuối cùng để thống nhất lòng người”. Và dường như thời cơ này đã tới. (P.V.Đ.)

0 comments:

Post a Comment