Tuesday, April 27, 2010

Răn đe và hữu nghị

Trân Văn, phóng viên RFA

Vị trí của Bạch Long Vĩ (điểm màu vàng). RFA screen capture

Vị trí của Bạch Long Vĩ (điểm màu vàng). RFA screen capture

Tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam và đoàn đại biểu quân sự cao cấp của Việt Nam hiện đang ở Trung Quốc.

Trên số ra ngày 22 tháng 4, tờ Quân đội nhân dân dẫn tuyên bố của tướng Phùng Quang Thanh, giải thích chuyến thăm Trung Quốc, đã bắt đầu từ ngày 21 tháng 4 và sẽ kéo dài cho đến ngày 28 tháng 4, nhằm giúp Quân đội nhân dân Việt Nam và Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc tăng cường hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, cùng nhau bàn bạc các giải pháp về quản lý, bảo vệ biên giới…

Những tuyên bố này có vẻ khác rất xa với thực tế vừa mới xảy ra cách nay chưa đầy một tháng. Mời quý vị nghe Trân Văn tổng hợp và tường trình…

Hữu nghị là thích thì đòi?

Cách nay vài tuần, công luận trong và ngoài Việt Nam xôn xao trước những thông tin, ý kiến được đăng trên một số tờ báo của Trung Quốc, theo đó, Trung Quốc không thừa nhận chủ quyền của Việt Nam đối với đảo Bạch Long Vĩ. Điểm đáng chú ý là thông tin này còn được Nhân dân nhật báo của Trung Quốc đưa công khai trên số ra ngày 6 tháng 4.

Vì sao? Giới quan sát thời sự cho rằng, động thái này nhằm dằn mặt ông Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ra thăm nói chuyện với thanh niên  xung phong ở đảo Bạch Long Vĩ. Courtesy baotuyenquang online

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ra thăm nói chuyện với thanh niên xung phong ở đảo Bạch Long Vĩ. Courtesy baotuyenquang online

Hồi cuối tháng 3, ông Triết ra thăm đảo Bạch Long Vĩ và tuyên bố rằng, Việt Nam mong muốn hòa bình để nhân dân có cuộc sống ổn định nhưng không để cho ai xâm lấn bờ cõi, biển đảo của mình, dù là một tấc đất cũng không nhân nhượng.

Để thính giả có thêm thông tin về những vấn đề xoay quanh sự kiện này, chúng tôi đã trao đổi với Tiến sĩ Dương Danh Huy, thành viên Quỹ Nghiên cứu biển Đông:

Trân Văn: Công chúng đang bàn tán sôi nổi về việc Trung Quốc muốn phủ nhận chủ quyền của Việt Nam đối với đảo Bạch Long Vĩ.

Là một người chuyên nghiên cứu về biển Đông, ông thấy Hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ có đủ cơ sở để minh xác đảo Bạch Long Vĩ là của Việt Nam hay không?

Ông Dương Danh Huy: Về đảo Bạch Long Vĩ, thứ nhất, mặc dù Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ không nói cụ thể rằng đảo Bạch Long Vĩ là của Việt Nam, chúng ta vẫn có cơ sở để khẳng định rằng theo hiệp định đó, ít nhất có nghĩa rằng đảo Bạch Long Vĩ khó có thể là của Trung Quốc.

Lý do là với Hiệp định Vịnh Bắc Bộ như thế, nếu đảo Bạch Long Vĩ là của Trung Quốc thì sẽ rất bất thường so với các quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, còn nếu là của Việt Nam thì sẽ rất bình thường.

Thứ nhì, nếu trong đàm phán, Việt Nam và Trung Quốc đã đối xử với đảo Bạch Long Vĩ như của Việt Nam thì đó cũng là cơ sở để khẳng định rằng đảo Bạch Long Vĩ là của Việt Nam.

Theo thông tin chính thức của Việt Nam thì đúng là như thế nhưng trên thực tế, chúng ta không biết biên bản đàm phán đã ghi nhận gì hay không ghi nhận gì.

Ngoài ra, chúng ta cũng có thể lập luận rằng, việc Trung Quốc trao trả đảo Bạch Long Vĩ cho Việt Nam vào năm 1957 mà Trung Quốc lại không bảo lưu chủ quyền gì thì điều đó có nghĩa là Trung Quốc đã chấp nhận rằng đảo Bạch Long Vĩ là của Việt Nam.

Dằn mặt Chủ tịch Nhà nước Việt Nam?

Trân Văn: Hiện đang có một số ý kiến khẳng định rằng, theo Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ mà Việt Nam đã ký với Trung Quốc năm 2000, đảo Bạch Long Vĩ nằm bên trong đường phân định Vịnh Bắc Bộ, nên đương nhiên là thuộc Việt Nam.

Tham khảo bản đồ Vịnh Bắc Bộ theo Hiệp định vừa kể thì ý kiến đó không sai nhưng về mặt pháp lý, lập luận này đã đủ vững để minh xác rằng, Trung Quốc đã chính thức thừa nhận đảo Bạch Long Vĩ thuộc chủ quyền của Việt Nam hay không?

Ông Dương Danh Huy: Lập luận đó có lẽ là của anh Phạm Phan Long từ nhóm Việt Echology. Lập luận đó chủ yếu là đúng nhưng theo tôi, lập luận đó chưa đầy đủ về chi tiết.

Fact box

- Bạch Long Vĩ là một huyện đảo thuộc Hải Phòng, nằm trên hòn đảo cùng tên với diện tích vào khoảng 2,5 km² khi có thủy triều lên và khoảng 4 km² khi thủy triều xuống.

- Theo Công ước Pháp-Thanh 1887, Bạch Long Vĩ thuộc về nước An Nam.

- Ngày 09/12/1992, Việt Nam ra Nghị định số 15/NĐ/CP quy định thành lập huyện đảo Bạch Long Vĩ thuộc thành phố Hải phòng.

Lý do là giả sử như Hiệp định đó có ghi nhận rằng, Trung Quốc bảo lưu chủ quyền đối với đảo Bạch Long Vĩ thì đường phân định đó, không có nghĩa là đảo Bạch Long Vĩ không thể là của Trung Quốc nhưng trên thực tế thì khi ký kết hiệp định, Trung Quốc đã không bảo lưu quyền của họ đối với đảo Bạch Long Vĩ, cộng với sự kiện là đảo Bạch Long Vĩ nằm phía Việt Nam của đường phân định.

Sự không bảo lưu đó có nghĩa Trung Quốc không thể có lãnh hải hay vùng đặc quyền kinh tế phía bên Việt Nam của đường phân định. Nếu như vậy thì ý kiến hợp lý nhất là đảo Bạch Long Vĩ khó có thể của Trung Quốc. Bạch Long Vĩ của Việt Nam là hợp lý nhất.

Trân Văn: Thưa ông, qua sự kiện đảo Bạch Long Vĩ, ông nghĩ gì về việc ký kết Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ? Vào lúc này, Việt Nam và Trung Quốc đang tiếp tục chuẩn bị ký kết những văn bản khác liên quan đến chủ quyền trên biển Đông, theo ông, phía Việt Nam cần quan tâm đến những yếu tố nào để có thể tránh tình trạng, tuy đã ký các hiệp định phân định lãnh thổ, lãnh hải song chủ quyền quốc gia vẫn là yếu tố mơ hồ, thiếu rõ ràng, không thể loại trừ những tranh chấp, yêu cầu đòi chủ quyền?

Vùng biển quanh đảo Bạch Long Vĩ

Vùng biển quanh đảo Bạch Long Vĩ

Ông Dương Danh Huy: Hiệp định Vịnh Bắc Bộ là một hiệp định có nhiều khía cạnh khác nhau và những khía cạnh này có thể phức tạp. Hiệp định Vịnh Bắc Bộ đã gây ra rất nhiều tranh cãi trong người Việt, kể từ khi đường phân định trong Hiệp định đó được công bố.

Tôi có ý kiến riêng của tôi về Hiệp định Vịnh Bắc Bộ và ý kiến này có thể khác với ý kiến chính thức của Chính phủ Việt Nam và cũng có thể khác với những phê phán về Hiệp định này mà chúng ta thường được nghe nhưng có lẽ trong tương lai, tôi sẽ trình bày ý kiến của tôi sau.

Về đảo Bạch Long Vĩ thì trước nhất chúng ta nên nhớ rằng, thật ra không có sự tranh chấp chủ quyền, vì Trung Quốc chưa bao giờ chính thức tranh chấp chủ quyền đối với Việt Nam.

Câu hỏi đặt ra là tại sao Nhân dân nhật báo lại viết là Trung Quốc không công nhận chủ quyền của Việt Nam đối với đảo Bạch Long Vĩ? Theo ý kiến của tôi thì đó chỉ là sự ham muốn lãnh thổ một cách quá đáng ở cấp dưới. Câu hỏi là tại sao điều đó lại được đăng trên Nhân dân nhật báo, vì chúng ta khó có thể tưởng tượng được là báo Nhân dân của Việt Nam đăng một câu nói là Việt Nam không công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với đảo Vị Châu trong Vịnh Bắc Bộ?

Tôi nghĩ cấp trên của Trung Quốc đã cố ý dung túng cho Nhân dân nhật báo. Câu nói đó như một thứ áp lực hay là sự răn đe, dọa nạt, hay là Trung Quốc muốn gửi một thông điệp nào đó cho Việt Nam. Sở dĩ họ làm vậy vì đó có thể là một biện pháp để đối phó với lập trường cứng rắn hơn của Việt Nam ở biển Đông.

Câu nói đó như một thứ áp lực hay là sự răn đe, dọa nạt, hay là Trung Quốc muốn gửi một thông điệp nào đó cho Việt Nam. Sở dĩ họ làm vậy vì đó có thể là một biện pháp để đối phó với lập trường cứng rắn hơn của Việt Nam ở biển Đông.

TS Dương Danh Huy

Về biển Đông và về các hiệp định ở biển Đông, tôi nghĩ hoàn cảnh của biển Đông khác với hoàn cảnh khi đàm phán Hiệp định Vịnh Bắc Bộ vì khi đàm phán Hiệp định Vịnh Bắc Bộ, các đảo trong Vịnh Bắc Bộ không phải là đối tượng của sự tranh chấp.

Giống như chúng ta thường hiểu, Trung Quốc không tranh chấp đảo Bạch Long Vĩ của Việt Nam, cũng như Việt Nam không tranh chấp đảo Vị Châu của Trung Quốc. Trong hoàn cảnh đó thì Hiệp định Vịnh Bắc Bộ không cần phải nói tới hai hòn đảo này, trừ khi Trung Quốc muốn cải một cách vô lý.

Dù sao đi nữa, chúng ta vẫn phải cảnh giác. Thí dụ như đường lưỡi bò vô lý nhưng Trung Quốc cũng ngang nhiên đòi và không ngại gửi cho Ủy ban Ranh giới. Và Trung Quốc cũng dùng phương cách “đòi nhưng không chính thức” đối với đường lưỡi bò.

Hoàn cảnh ở biển Đông thì khác vì các đảo ở biển Đông đang trong tình trạng tranh chấp chủ quyền. Nếu Việt Nam có thỏa thuận nào đối với Trung Quốc ở biển Đông thì điều quan trọng là chúng ta phải cẩn thận trong hành động và trong câu chữ, hay là trong đàm phán. Chúng ta phải tuyệt đối tránh những gì mà Trung Quốc có thể nói là Việt Nam đã công nhận Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Quốc.

Ba tuần đã trôi qua sau khi báo giới Trung Quốc loan báo Trung Quốc không thừa nhận chủ quyền của Việt Nam đối với đảo Bạch Long Vĩ, Nhà nước Việt Nam vẫn chưa nêu bất kỳ ý kiến nào về vấn đề này.

Nếu truyền thông Trung Quốc có thể tự do đưa ra các ý kiến về Việt Nam thì tại sao hệ thống truyền thông Việt Nam phải gọi tàu Trung Quốc là “tàu lạ”?

TV

Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Deterrence-and-friendship-tvan-04252010145936.html


http://boxitvn.wordpress.com/2010/04/27/ran-de-va-huu-nghi/

Trung Quốc tăng áp lực với Việt Nam - Tuần tra thường xuyên ở Trường Sa

Tuần tra thường xuyên ở Trường Sa

HÀ NỘI (TH) - Một bản tin từ Hà Nội dẫn nguồn tin từ báo chí Trung Quốc nói rằng “Cục Quản Lý Nghề Cá Trung Quốc” ngày 25 tháng 4, 2010 loan báo bắt đầu tuần tra thường xuyên ở Biển Ðông.

Báo điện tử Vitinfo ở Hà Nội thuật tin báo Trung Quốc cho hay như vậy khi Bắc Kinh điều động hai tàu thay thế hai tàu khác làm nhiệm vụ hộ tống các tàu đánh cá của Trung Quốc trong khu vực.

Các tàu Trung Quốc đang thao dượt. (Hình: jamestown)

Sự hộ tống chỉ là một hình thức nghênh cản, đe dọa tàu đánh cá cũng như các loại tàu khác của các nước trong đó có Việt Nam đánh cá hay hoạt động ở khu vực biển Trường Sa.

“Tàu ngư chính 301 và 302 Trung Quốc sẽ thay thế tàu ngư chính 311 và 202, đảm nhận nhiệm vụ tuần tra khu vực biển quần đảo Trường Sa kể từ 1 tháng 4,” Wu Zhuang, giám đốc Cục Ngư Nghiệp và Quản Lý Cảng Cá Biển Ðông thuộc Bộ Nông Nghiệp Trung Quốc nói như vậy được dịch thuật lại trên Vitinfo.

Nguồn tin dẫn lời ông Wu, các tàu tuần tra được điều động để hộ tống tàu cá Trung Quốc hoạt động tại Biển Ðông và gia tăng quyền đánh bắt cá ở vùng biển quanh Trường Sa. Hai tàu trên đã rời Tam Á, thành phố biển của tỉnh Hải Nam, Trung Quốc vào hôm qua.

Ðược biết, quần đảo Trường Sa đang là một trong những điểm nóng về tranh chấp chủ quyền biển đảo trên biển Ðông giữa Việt Nam, Trung Quốc, Phi Luật Tân, Mã Lai và cả Ðài Loan. Việt Nam là nước hiện đang nắm quyền kiểm soát nhiều đảo nhất trong số các nước tranh chấp. Tất cả các nước cũng đều thiết lập cơ sở, công sự trên một số đảo.

Năm 2002, các nước Ðông Nam Á và Trung Quốc ký bản thỏa ước “Nguyên Tắc Ứng Xử trên Biển Ðông” để tránh đụng độ quân sự. Cuộc họp thượng đỉnh ASEAN hồi đầu tháng cũng lập lại quân điểm này.

Hà Nội rất nhiều lần tuyên bố, “khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.” Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Hà Nội cũng từng ra tuyên bố việc Trung Quốc cử tàu ngư chính đi tuần tra tại khu vực quần đảo Trường Sa là “vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam” đối với các quần đảo này.

Hôm 5 tháng 4, 2010, phản ứng trước hành động Trung Quốc cử tàu Ngư Chính tuần tra ở khu vực Trường Sa, bà Nguyễn Phương Nga, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Hà Nội đã lên tiếng yêu cầu Trung Quốc “chấm dứt ngay” hành động này.

“Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt ngay hoạt động này, không tiếp tục có các hành động gây căng thẳng và làm phức tạp thêm tình hình tại Biển Ðông, làm ảnh hưởng đến việc duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực.”

Nay thì Trung Quốc tiếp tục cử thêm đoàn tàu khác tới và Việt Nam cũng chưa thấy có lời tuyên bố suông nào tiếp theo.

Khi loan báo đưa đoàn tàu khác tới khống chế khu vực biển Trường Sa, Bắc Kinh tiếp Bộ Trưởng Quốc Phòng CSVN Phùng Quang Thanh.

Thông tấn xã Việt Nam ngày 23 tháng 4, 2010 đưa tin, khi đến Bắc Kinh ông Thanh nêu rõ, “Ðảng, Nhà nước, Chính phủ, Quân đội và nhân dân Việt Nam luôn khẳng định mối quan hệ trước sau như một với Ðảng, Nhà nước, Chính phủ, Quân đội và nhân dân Trung Quốc; thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển theo phương châm ‘16 chữ’ và tinh thần ‘4 tốt’ đã được lãnh đạo cấp cao hai nước xác định. Quan hệ quốc phòng là một nội dung rất quan trọng trong quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc. Quan hệ đó ngày càng được củng cố, phát triển, góp phần quan trọng vào việc giữ vững hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực.”

Hãng tin Tân Hoa Xã, cũng ngày 23 tháng 4, 2010, thì giản dị đưa tin Từ Tài Hậu, phó Quân Ủy Trung Ương Trung Quốc “cam kết hợp tác với Việt Nam để tăng cường trao đổi và hợp tác hữu nghị giữa quân đội giữa hai nước.”

Nhưng lời nói và việc làm của Bắc Kinh hoàn toàn trái ngược nhau và lời tuyên bố của bà Nguyễn Phương Nga không có một tác dụng gì. Ngư dân Việt Nam ngày càng bị tước đoạt mất nguồn sống vì ngư trường bị Bắc Kinh lấn dần.