SANTA ANA (NV) - Ngồi kể chuyện cho phóng viên trong sân chùa, ông Trần Văn Minh có phong cách rất bình dân, thậm chí bình thường. Ông không có vẻ gì của một người từng cầm đầu công ty lớn nhất tỉnh Hà Tĩnh, từng đi đi về về ngoại quốc như đi chợ, từng khiến một bí thư tỉnh ủy phải mất chức, và từng khiến dư luận một thời xôn xao về công ty của ông.
Ông Trần Văn Minh, từng là nhân vật nổi bật ở Hà Tĩnh, nay ở nhờ một ngôi chùa ở Santa Ana
và chờ kháng án di trú. (Hình: Triết Trần/Người Việt)
Tới ngày hôm nay, ông Minh vẫn khẳng định công ty GETRADIMEX không hề thua lỗ, mà cái gọi là thua lỗ chỉ là cái cớ, do phía đối thủ của ông bịa ra để ép đóng cửa công ty. Và từ chuyện ép đóng cửa công ty này mà dẫn tới việc ông chạy qua Mỹ và hiện đang phải theo đuổi một vụ án di trú kéo dài.
Người bị ông Minh cho là cố tình phá GETRADIMEX là ông Trần Quốc Thại, cựu bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh. Như kể trong kỳ 1, ông Minh tố cáo ông Thại để cho con rể là Nguyễn Quốc Anh buôn lậu bằng tàu viễn dương, nên ông Thại bị mất chức, bị đưa ra Hà Nội làm cán bộ Ban Tổ Chức Trung Ương Ðảng ngồi chơi xơi nước. Nhưng rồi từ vị trí đó, ông Thại đập lại ông Minh, trong 6 năm công ty bị 40 đoàn thanh tra từ bộ, ngành, tới liên ngành, cho tới khi công ty bị đóng cửa.
Một gia đình quyền thế
Ông Trần Quốc Thại không phải là người thường. Tầm cỡ ô dù của ông Thại rất lớn, và những giai thoại về sự tham nhũng của ông thì cũng rất nhiều.
Trên trang blog Tú Mỡ, có câu chuyện kể 1978 hay 1979, khi một chuyên gia của tổ chức viện trợ quốc tế FAM đến thăm tỉnh Nghệ Tĩnh, người chuyên gia này bày ra mấy cái tem của các chai dầu ăn do họ viện trợ, rồi hỏi mọi người: “có ai biết cái tem này là gì không?”
Blogger này, khi đó có mặt tại chỗ, viết: “Ông Trần Quốc Thại - chủ tịch Nghệ Tĩnh - đã nhanh nhảu trả lời, ồ cái này là mác của loại dầu ăn hạt cải của các ông viện trợ đó, ngon lắm, ngon lắm.
“Trời đất! mấy cái thứ này là của FAM viện trợ cho Việt Nam dùng cho các bà mẹ mang thai, trẻ em suy dinh dưỡng, nhân công đi đào sông Tô Lịch, trồng rừng, đắp đê cơ mà!....
“Vậy mà mấy thứ ngon thì các bố nhà ta đem ra chia nhau chén sạch.”
Ông Trần Ðình Ðàn trong tấm hình chụp năm 2009. (Hình: báo Dân Trí)
Con ông Thại là Trần Ðình Ðàn, xấp xỉ tuổi ông Minh, được cất nhắc vun vút từ huyện đoàn Ðức Thọ lên bí thư tỉnh đoàn, phó chủ tịch rồi chủ tịch tỉnh, rồi bí thư tỉnh ủy, được bầu vào Ban Chấp Hành Trung Ương Ðảng Cộng Sản. Tới năm 2007 ông Ðàn được bầu vào Quốc Hội và được làm Chủ Nhiệm Văn Phòng Quốc Hội.
Chính trong chức vụ này mà ông Ðàn làm một việc nổi tiếng khắp nơi: Vào năm 2009, khi Quốc Hội đang chuẩn bị hội họp và đưa dự án bô-xít ra bàn thảo, trong lúc Quốc Hội còn chưa khai mạc, ông Ðàn đã hùng hồn tuyên bố “Quốc Hội hoàn toàn ủng hộ chủ trương lớn [khai thác bô-xít] này.”
Ông Ðàn còn đe nạt 500 đại biểu còn lại: “Bộ Chính Trị đã ra thông báo về chủ trương ... Chắc chắn Quốc Hội sẽ hoàn toàn ủng hộ.”
Con ông Ðàn, tức cháu ông Thại, là Trần Nhật Tân. Tuy mới 33 tuổi, sinh năm 1977, nhưng ông Tân đã từng là phó hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Việt-Ðức Hà Tĩnh, và tới nay là phó chủ tịch huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh.
Ông Thại đánh, ông Minh thua
Trong những giai thoại về tầm cỡ tham nhũng của ông Thại, có nhiều nguồn nối liền ông Thại với ông Minh. Như trang DCVonline.com, bài viết của tác giả Minh Tâm cho rằng:
“Ông Trần Quốc Thại, người nổi tiếng Hà Tĩnh với nhiều vụ việc, nhất là vụ 'Minh nhớp' khi ông làm quan đầu tỉnh, nay (Trần Văn) Minh đã 'chạy trốn' (?)qua Canada vi vu với một đống tài sản bị 'thất thoát'? Còn ông Thại đã hồi hưu hạ cánh ra Hà Nội với những tài sản có được thời ông làm ‘đầy tớ’ dân Hà Tĩnh.”
Tuy nhiên, ông Minh khẳng định ông Thại chính là người làm hại ông.
Một chi tiết trong bài viết của tác giả Minh Tâm không chính xác, là chuyện ông Minh chạy qua Canada: Ông Minh có đi đâu, vào đâu, là đều có ghi lại trong hồ sơ di trú của ông.
Luật Sư Trần Kinh Luân là người đại diện miễn phí cho ông Minh cùng với một luật sư của hội từ thiện Legal AidFoundation of Los Angeles. Người luật sư của Legal Aid yêu cầu không tiết lộ danh tánh. Luật Sư Luân tiết lộ với báo Người Việt: “Không có. Trong hồ sơ ông Minh không có gì về việc ông đi Canada hết. Ông Minh qua Mỹ trực tiếp từ Cambodia.”
Cambodia là đường tẩu thoát của ông Minh trên đường tới Mỹ. Năm 1999, sau 7 năm bị phe ông Thại tấn công, ông Minh thua và Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương ra lệnh giải tán GETRADIMEX. Dấu vết của trận đấu đá này tới nay còn đọng lại trong một bài nghiên cứu năm 2007 của Viện Khoa Học Thanh Tra, trong đó ông Nguyễn Khắc Hường, phó vụ trưởng Vụ Thanh Tra Kinh Tế II, viết:
“Trong quá trình hoạt động của công ty (GETRADIMEX), nội bộ lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh thường xuyên có nhận định, đánh giá khác nhau về công ty này, có một số ý kiến cho rằng công ty này làm ăn giỏi, có hiệu quả cần được biểu dương, thậm chí có ý kiến còn cho rằng giám đốc công ty này cần đưa lên làm lãnh đạo của tỉnh Hà Tĩnh. Có những ý kiến khác lại cho rằng công ty này làm ăn kém hiệu quả, có nhiều sai phạm, tiêu cực, tham nhũng.”
Cuộc tranh giành liên quan tới công GETRADIMEX cao tới mức, theo ông Hường, “nội bộ ban lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh mất đoàn kết nghiêm trọng, không thể tiến hành Ðại Hội Ðảng Bộ Tỉnh theo kế hoạch để chuẩn bị cho Ðại Hội Ðảng Toàn Quốc lần thứ VIII (1996).”
Cùng năm 1999 khi công ty GETRADIMEX bị giải thể, ông Minh bị phát hiện có bệnh ung thư. Ông đi mổ, mà chính quyền cũng không để ông yên.
“Lúc tôi nằm viện thế này thì an ninh bao vây bệnh viện. Họ không cho tôi đi đâu cả. Bạn bầu cảnh cáo tôi, bảo tôi phải cẩn thận nếu không có thể bị thủ tiêu,” ông Minh nói.
Bỏ trốn
Nhưng có lẽ một người như ông Minh thì đã sẵn biết điều này rồi, không cần phải dặn. Không những thế, ông đã có sẵn kế hoạch thoát thân từ trước khi bị giải thể công ty.
Ông nhờ bạn sắp xếp cho ông được chuyển từ bệnh viện K qua bệnh viện Ðông Y Dân Tộc của quân đội. Mục đích, theo ông Minh giải thích với Người Việt, là “để làm sao mình di chuyển, mình di chuyển mới có dịp trốn, chứ nằm một chỗ bị bao vây thì không có cách nào trốn được.”
Từ đó, cứ ban ngày ông đi qua bệnh viện Ðông Y để chữa bệnh, tối lại về nằm bệnh viện K. Rồi một hôm, từ bệnh viện K, ông được đưa thẳng lên Nội Bài, mua vé bay vào Sài Gòn.
Ở Sài Gòn, theo ông kể: “tôi đưa sẵn cho bạn tôi giữ giấy tờ, passport, với 5,000 đô. Visa vào Mỹ tôi cũng đã từng có rồi, từ trước khi công ty giải thể.”
Bạn ông giao ông giấy tờ, tiền, passport, rồi chở ông lên Tây Ninh. Từ đó, ông băng biên giới qua Cambodia, “vừa đi bộ vừa đi xe ôm vào Phnom Penh, lấy máy bay đi Mỹ.”
Trên đất Mỹ
Theo hồ sơ tại tòa di trú, ông Minh tới Mỹ tháng 10 năm 1999, vào phi trường LAX bằng visa thương mại B1. Không biết làm gì, ông ở lang thang. Ông khai tại tòa là ông ngủ ở công viên, ăn đồ thừa, và sống như một người vô gia cư. Cho tới khi ông gặp lại một người phụ nữ ông từng gặp nhiều lần trước đây trong những chuyến đi Mỹ. Trong những chuyến đi trước đây, gia đình bà đã nhiều lần nhờ ông mang thư, mang quà cho bà này. Tình cảm nảy nở giữa hai bên, và lần này hai người kết hôn.
Ông tới gặp một luật sư ở vùng Little Saigon, có bằng chuyên môn về di trú, và nhờ ông này làm đơn tỵ nạn chính trị, diện political asylum. Tuy nhiên, người luật sư này khuyên ông làm đơn theo diện kết hôn. Ông nghe theo.
Luật sư nộp đơn xin thẻ xanh theo diện kết hôn, và nộp theo đó bản sao giấy ly dị ở Việt Nam. Phía sở Di Trú bèn cho người liên lạc với công an Việt Nam hỏi về giấy tờ ly dị của ông Trần Văn Minh, và mọi việc rách ra từ đó.
(Còn tiếp kỳ tới: Vụ án di trú)
Tòa di trú xử người bị Việt Nam truy nã
(Tiếp theo kỳ trước)
-
Vũ Quí Hạo Nhiên/Người Việt
SANTA ANA (NV) - Nếu ông Trần Văn Minh đã thoát được vòng vây của an ninh Việt Nam canh giữ ông lúc nằm bệnh viện để tới được Mỹ, thì hồ sơ di trú của ông lại khiến cho phía Việt Nam tìm ra ông và tiếp tục quấy nhiễu gia đình và truy nã ông.
Ông Minh từng là giám đốc công ty GETRADIMEX lớn nhất tỉnh Hà Tĩnh, nhưng không có nghĩa ông không biết mùi đàn áp của cộng sản. Ông nội, cha mẹ ông từng bị giết, bị hành hạ trong cải cách ruộng đất. Tài sản gia đình ông từng bị tịch thu. Ông từng bị đưa đi làm khuân vác và tháo gỡ bom mìn trong chiến tranh.
Ông Trần Văn Minh hiện ở nhờ trong chùa ở Santa Ana, chung phòng với một thầy ở đó.
(Hình: Triết Trần/Người Việt)
Gia đình ông, những người còn ở lại Việt Nam, đang bị quấy nhiễu và bủa vây. Theo lời khai ghi trong hồ sơ tòa Di Trú, sau khi biết ông Minh trốn mất, công an tới bao vây gia đình ông, bắt trói đánh đập vợ con ông để họ khai ra nơi ông trốn. Nhưng dĩ nhiên là họ không thể khai - vì họ không biết, và ông cũng chẳng trốn ở đâu mà đã vượt biên qua Cambodia và bay tới Mỹ rồi.
Qua Mỹ, ông kết hôn với một phụ nữ từng quen biết trước. Theo lời khuyên của một luật sư có bằng chuyên môn về di trú, ông không làm đơn tỵ nạn chính trị, diện political asylum, mà xin thẻ xanh theo diện kết hôn.
Luật sư nộp đơn, và nộp theo đó bản sao giấy ly dị ở Việt Nam. Phía sở Di Trú bèn cho người liên lạc với công an Việt Nam hỏi về giấy tờ ly dị của ông Trần Văn Minh, và từ đó công an Việt Nam tìm ra tung tích ông Minh.
Công an Việt Nam, qua Interpol, báo với phía Mỹ là họ không tìm ra giấy tờ ly dị của ông Minh. Sở Di Trú bèn bác đơn thẻ xanh của ông, bắt ông vào tháng 9, 2007. Ngày 17 tháng 9, 2007, Sở Di Trú khởi tố vụ án trục xuất ông về Việt Nam.
‘Tôi về là nó bắt’
“Tôi không thể nào về Việt Nam được, về là nó bắt ngay,” ông Minh nói với phóng viên Người Việt về điều mà ai cũng có thể đoán được. Ðiều hiển nhiên này cũng được tòa Di Trú sau này ghi nhận. Tòa ghi trong phán quyết là tòa tin lời khai của ông rằng “sẽ bị bắt, bị tra tấn, bị giết,” và sẽ phải “bị buộc khai ra những người đã giúp ông trốn khỏi Việt Nam.”
Ông Minh cũng nói ra với nhân viên Sở Di Trú điều này sau khi ông bị bắt. Hồ sơ trong tòa Di Trú cho thấy ông Minh nói ông đang bị Cộng Sản Việt Nam truy nã và sẽ bị bắt, bị tra tấn, bị giết.
Trong lúc ông Minh đang ở trong tù di trú ở Los Angeles, một sinh viên luật khoa, đang làm tình nguyện cho hội từ thiện Legal Aid Foundation of Los Angeles, gặp ông trong tù. Người sinh viên này giúp tìm cho ông một người luật sư miễn phí.
“Nhưng đúng lúc đó thì tôi bị chuyển qua tù ở Texas. Luật sư thì không biết tiếng Việt, tôi thì không biết tiếng Anh, mỗi lần liên lạc đều rất khó,” ông kể lại.
Ông Minh đưa cho xem những bức thư của luật sư gởi cho ông. Một trong những bức đầu tiên, bằng tiếng Việt, có đoạn viết: “Tôi dùng phương tiện trên mạng Internet để dịch ra tiếng Việt, hy vọng bạn hiểu được.”
Mối giao dịch qua lại, qua trung gian một máy computer dịch thuật nào đó trên Internet, khiến vụ án của ông bị trì trệ. Mà càng trì trệ thì ông ở tù càng lâu, trong lúc ông vẫn còn mang trong người căn bệnh ung thư.
“Trong tù không cho gặp bác sĩ, chỉ gặp y tá,” ông kể. “Phải đấu tranh mới được gặp bác sĩ, mà bác sĩ thì không cho thuốc ung thư, chỉ có đau thì cho thuốc đau, mất ngủ thì cho thuốc ngủ, toàn mấy thứ chết người.”
Ðến khi ông được chuyển về lại tù ở California, thì người sinh viên luật năm xưa đã tốt nghiệp và đã trở thành luật sư. Người luật sư mới ra trường này, nay tiếp tục làm việc cho Legal Aid, hỏi ông Minh có muốn một luật sư Việt Nam không. Ông mừng, đồng ý ngay. Cùng với Luật sư Trần Kinh Luân làm việc miễn phí, người luật sư của Legal Aid - yêu cầu không tiết lộ danh tánh vì còn gia đình ở Việt Nam - bắt đầu đại diện cho ông Minh.
Di trú Hoa Kỳ nhờ công an Việt Nam giúp đỡ
Trong khi đó, Sở Di Trú muốn chứng minh ông Minh chưa ly dị ở Việt Nam - vì nếu vậy sẽ chứng minh được hôn nhân của ông ở Mỹ là bất hợp pháp, và đơn thẻ xanh theo diện kết hôn cũng bất hợp pháp theo. Và họ làm việc này bằng cách nhờ an ninh Việt Nam giúp đỡ.
Luật sư của Sở Di Trú trong vụ này là Luật Sư Tracy Nguyễn. Tháng 10 năm 2007, Luật Sư Tracy Nguyễn yêu cầu văn phòng điều tra của Sở Di Trú tìm giấy ly dị của ông Minh. Sở Di Trú ở California chuyển qua cho tùy viên di trú trong Tòa Tổng Lãnh Sự tại Sài Gòn. Ông này chuyển cho Dũng Bạch, một điều tra viên di trú Hoa Kỳ thường trú tại Việt Nam.
Ông Dũng bèn liên lạc với Ðại Tá Ðặng Xuân Khang, phó chánh văn phòng Interpol Việt Nam.
Ngày 24 tháng 10, 2007, Interpol Việt Nam trả lời ông Dũng, cho biết họ đã không tìm được bản lưu giấy ly dị của ông Minh.
Interpol Việt Nam cũng cho ông Dũng biết họ đã “phỏng vấn” gia đình ông Minh - theo bản khai của ông Dũng được nộp cho tòa.
Tháng 9 năm 2008, Luật Sư Tracy Nguyễn lại yêu cầu điều tra viên về tỉnh Hà Tĩnh để tìm hiểu. Ông Dũng lại liên lạc với Interpol Việt Nam, nhờ một viên công an là Nguyễn Anh Tuấn tìm hộ.
“Ông Nguyễn Anh Tuấn là một công an của Interpol, được giao phụ trách hồ sơ ông Trần (Văn Minh). Tôi liên lạc với Nguyễn Anh Tuấn mỗi khi nhận được yêu cầu của Sở Di Trú Los Angeles,” ông Dũng Bạch viết trong bản khai tại tòa.
Một tuần sau, viên công an Nguyễn Anh Tuấn trả lời, trao cho ông Dũng một văn thư của phó chánh án huyện Nghi Xuân Nguyễn Thị Vân. Trong văn thư này, không những bà Vân nói không tìm thấy giấy tờ ly dị của ông Minh, bà còn nói bà không tìm thấy cả giấy tờ kết hôn của ông nữa.
Trong khi đó, trong tay ông Minh có cầm một bản sao giấy ly dị năm 1999, do Chánh Án Hoàng Văn Nuôi ký. Ông Nuôi nghỉ hưu năm 2000. Phía Việt Nam không đưa ông Nuôi ra, và nói ông Nuôi bị bệnh.
Sự hợp tác chặt chẽ giữa Sở Di Trú và Interpol Việt Nam để điều tra ông Minh, một người đang xin tỵ nạn chính trị theo diện political asylum, khiến luật sư của ông Minh phản ứng mạnh mẽ. Họ tố cáo phía Sở Di Trú đã vi phạm quyền bảo mật của ông Minh.
“Không có lý nào mà một người đang muốn được Hoa Kỳ bảo vệ đối với một chính quyền Cộng Sản, mà Hoa Kỳ lại đi tìm đến chính nước đó để nhờ họ điều tra giùm,” Luật Sư Luân nói với Người Việt.
Báo Người Việt liên lạc Luật Sư Tracy Nguyễn để phỏng vấn, nhưng tùy viên báo chí của văn phòng sở Di Trú Los Angeles là bà Lori Halley để lại lời nhắn, “Sở Di Trú không trả lời báo chí cho những vụ còn chưa kết thúc.”
Tin về những lời khai của ông Minh lọt về tai công an Việt Nam. Trong một văn thư đề ngày 24 tháng 10, 2007, gởi cho người quyền phó tùy viên di trú Hoa Kỳ tại Sài Gòn, viên đại tá công an Ðặng Xuân Khang viết:
“Theo tình báo chúng tôi nhận được, sau khi bị bắt tại Hoa Kỳ, Trần Văn Minh không muốn bị trục xuất về Việt Nam và ông nói ông có thể bị giết nếu bị trục xuất về Việt Nam.”
Luật sư của ông Minh nộp cho tòa bản khai của cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Ðông Timor là ông Grover Rees. Ông Grover Rees từng là luật sư trưởng Sở Di Trú.
Ông viết, 'Tôi đã từng phải nhắc nhở luật sư của Sở Di Trú không liên lạc với chính quyền ngoại quốc trong các vụ xin tỵ nạn chính trị, kể cả khi các nước này nói người bị đơn có can tội hình sự.'
Ông cũng từng là luật sư trưởng của Tiểu ban Nhân quyền Hạ Viện Hoa Kỳ, và ông cho biết tiểu ban này từng phải can thiệp vào những vụ Interpol Việt Nam dùng trát quốc tế để truy nã các nhà đấu tranh dân chủ tại ngoại quốc. Ông kể về một nhà dân chủ, cựu tù cải tạo, đang đi từ Tiệp qua Paris dự hội thảo nhân quyền thì bị cảnh sát Ðức bắt giữ vì trát truy nã của Interpol Việt Nam.
Ông Rees viết thêm, “Văn phòng Interpol tại Việt Nam thuộc sự quản lý của công an, một phần của Bộ Công An. Mọi liên lạc với Interpol Việt Nam là liên lạc với hệ thống an ninh của chính quyền Việt Nam.”
‘Tù hình sự được đủ nhân quyền’
Vẫn muốn trục xuất ông Minh, Sở Di Trú tìm đến một học giả để chứng minh ông Minh sẽ không bị ngược đãi khi về nước. Họ nhờ Luật sư, Giáo sư Tạ Văn Tài làm chứng như một chuyên gia về luật lệ tại Việt Nam.
Giáo Sư Tài không xa lạ với người Việt Nam. Ông là cựu Giáo Sư Luật Khoa Sài Gòn, là một trong những người Việt Nam đầu tiên có bằng hành nghề luật sư tại Hoa Kỳ, và là một giảng viên Ðại Học Luật Harvard. Cùng với cố Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy, Giáo Sư Tạ Văn Tài viết một bộ sách khảo cứu lớn, 3 quyển, về bộ luật Hồng Ðức, do đại học Ohio University Press xuất bản.
Khi báo Người Việt liên lạc Giáo Sư Tài để phỏng vấn, ông từ chối vì đã cam kết bảo mật với Sở Di Trú.
Giáo Sư Tài làm chứng và cho ý kiến là “Ông Trần (Văn Minh) sẽ phải qua thủ tục tố tụng hình sự bình thường tại Việt Nam, và thủ tục này không nhất thiết vi phạm nhân quyền để tìm ra dữ kiện và đi đến phán quyết công bằng. Thủ tục tố tụng đó, trên thực tế, có bảo vệ đầy đủ nhân quyền.”
Giáo Sư Tài cũng cho ý kiến là ông Minh sẽ, “rất có thể, không bị tra tấn, căn bản vì ông không phải là một 'trái bom nổ chậm' khiến công an làm việc đó (tra tấn), nhưng ông là một tù hình sự bình thường có rất nhiều cơ hội để trưng bày giấy tờ công ty để biện hộ cho mình với một luật sư giỏi.”
Tại tòa ngày 23 tháng 9, 2009, Giáo Sư Tài làm chứng là “Ở Việt Nam, có khi có người bị tra tấn, nhất là tù chính trị.” Tuy nhiên, ông cho rằng ông Minh sẽ không bị tra tấn vì “chính quyền Việt Nam rất ngại mang tiếng với thế giới.”
Luật Sư Tracy Nguyễn đưa Giáo Sư Tài xem bài báo Hà Tĩnh viết lúc ông Minh ra ứng cử tự do cho Quốc Hội Việt Nam. Trong bài báo, phóng viên viết về lúc gặp ông Minh: “Tôi vui vẻ: - Chào ‘đồng chí Quốc Hội’!” Hỏi câu này có nghĩa gì, Giáo Sư Tài nói nếu gọi nhau là đồng chí thì là cộng sản.
Khi luật sư của ông Minh trích dẫn bản tường trình nhân quyền của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, trong đó đoạn viết về công an ép cung, Giáo Sư Tài cho rằng những việc làm đó “chưa phải là tra tấn.”
Ông nói thêm, “Nếu bị cáo có luật sư giỏi, bị cáo có thể có kết quả công bằng. Bị cáo hình sự nếu bị vi phạm quyền lợi có thể kiện ngược lại người vi phạm quyền lợi của mình.”
Tòa: Việt Nam sẽ vi phạm nhân quyền
Ngày 9 tháng 2, 2010, tòa Di Trú công bố quyết định trong vụ án trục xuất ông Minh, trong bản phán quyết dài 43 trang. Thẩm phán di trú Sitgraves viết bà không đồng ý với ý kiến của Giáo Sư Tạ Văn Tài, mà thiên hơn về ý kiến của nhân chứng cho ông Minh là Tiến Sĩ Nguyễn Ðình Thắng, Boat People - SOS.
Thẩm phán Sitgraves viết, “Với những sự quấy rối của chính quyền đối với bị đơn sau khi ông ra ứng cử tự do, chính quyền Việt Nam sẽ rất có thể đối xử với ông như là một người bất đồng chính kiến, hơn là một tù hình sự bình thường nếu ông bị trả về Việt Nam.”
Bà viết thêm, “Là người bất đồng chính kiến bị trả về Việt Nam, bị đơn rất có thể sẽ bị tra tấn và bị vi phạm những quyền căn bản.” Kết luận này, bà viết, “được ủng hộ bởi bản tường trình nhân quyền Việt Nam 2007 (của Bộ Ngoại Giao), trong đó nói 'tình trạng tùy nghi bắt bớ, nhất là đối với người hoạt động chính trị, là một vấn nạn.’”
Phán quyết viết, “Ðảng Cộng Sản Việt Nam nắm trọn hệ thống tòa án, đầy rẫy tham nhũng, và mặc dù bị cáo hình sự có quyền được có luật sư, trên thực tế, điều này hiếm khi xảy ra.”
Tòa Di Trú bác bỏ lệnh trục xuất của Sở Di Trú. Ông Minh được ở lại Hoa Kỳ hợp pháp, sẽ được đi làm sau khi có giấy phép. Nhưng tòa cũng bác đơn tỵ nạn chính trị của ông, một phần do không xin nội trong 1 năm sau khi tới Mỹ. Ðó là phần mà phía luật sư ông Minh đang kháng cáo.
Vì không có quy chế tỵ nạn, ông Minh sẽ không bao giờ vào công dân Mỹ, điều mà ông hy vọng sẽ dùng để tự bảo vệ nếu ông muốn quay lại Việt Nam.
“Chứ như này, bị truy nã, bị bao vây, mà mình thì quốc tịch Việt Nam, thì ai cũng sợ liên lụy,” ông nói. “May mà có luật sư thiện nguyện giúp. May mà có chùa cho tá túc.”
“Bạn bầu người quen biết, thì trốn hết,” ông trầm ngâm.
“Mà người lạ thì giúp,” ông kết luận.
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=110948&z=75