Wednesday, April 7, 2010

Nghe RFI phỏng vấn Luật sư Lê Thị Công Nhân - Khối 8406 kỷ niệm 4 năm ngày thành lập

Khối 8406 kỷ niệm 4 năm ngày thành lập
Các thành viên của khối 8406 (DR)
Thanh Phương

Cách đây 4 năm, ngày 8/4/ 2006, một phong trào đấu tranh dân chủ cho Việt Nam đã ra đời, mang tên Khối 8406, mà linh mục Nguyễn Văn Lý là một trong những người sáng lập.


Phỏng vấn luật sư Lê Thị Công Nhân
(14:34)
07/04/2010
by Thanh Phương
Ban đầu có 118 thành viên, khối 8406 đã nhanh chóng nhận được sự ủng hộ và tham gia của hàng chục ngàn người trong nước lẫn hải ngoại, trong số này có luật sư Lê Thị Công Nhân, nhà bất đồng chính kiến vừa mãn hạn tù 3 năm và nay đang trong thời gian bị quản thúc 3 năm. Hôm nay, chúng tôi xin mời quý nghe phần phỏng vấn với luật sư LS Lê Thị Công Nhân.

http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20100407-khoi-8406-ky-niem-4-nam-ngay-thanh-lap

Quản lý không khéo, đất Hà Nội sẽ rơi vào tay các “đại gia” và chỉ vài năm nữa là hết

Tháng Tư 7, 2010

“Quỹ đất Hà Nội mở rộng rất nhiều, nhưng nếu quản lý không khéo, sẽ rơi vào tay các “đại gia” và chỉ vài năm nữa là hết”, Nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mại cảnh báo. Ông đề nghị, phải có một nghị định riêng về quản lý đất Hà Nội.

Ý kiến trên của ông Nguyễn Mại được nêu lên trong buổi hội thảo về dự thảo Luật Thủ đô tại Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, ngày 6/4.

Ông Nguyễn Mại thẳng thắn cho rằng, ông chưa thỏa mãn với dự thảo Luật Thủ đô. Theo ông, không thể nói áp lực thời gian để làm vội Luật, bởi thực hiện như vậy có thể lặp lại sự không hiệu quả của Pháp lệnh Thủ đô – ra đời từ 2001, nhưng đến nay nhiều người chưa biết tới.

Cũng theo ông Mại, dự thảo luật chưa thể hiện rõ mô hình phát triển thủ đô, chưa vẽ ra mục tiêu phát triển kinh tế, khoa học, văn hóa… Về quyền cho Thủ đô, luật cũng chưa mở cho Hà Nội các cơ chế để thu hút các nguồn lực xây dựng, trong khi theo tính toán trong vòng 20 năm tới, mỗi năm Hà Nội cần tới 6 -7 tỷ USD vốn đầu tư.

Đặc biệt, theo ông Mại, Hà Nội đang trong quá trình đô thị hóa nên có 2 vấn đề đang đặt ra: dân cư đô thị tăng lên rất nhanh, cơ cấu dân cư biến động, di cư cơ học từ nông thôn ra thành thị diễn ra hàng ngày; đất đai được chuyển đổi mục tiêu từ đất canh tác thành đất phi nông nghiệp, xảy ra tình trạng khan hiếm đất, giá đất tăng lên rất nhanh cùng với nạn đầu cơ đất đai.

Tuy nhiên, các vấn đề của quá trình đô thị hoá trên chỉ được đề cập sơ sài trong dự thảo Luật.

Nguyên Phó Chủ tịch UBND TP đề nghị, phải có một nghị định, một quy chế quản lý đất đai của Hà Nội trong tương lai. “Quỹ đất Hà Nội mở rộng rất nhiều, nhưng nếu quản lý không khéo, sẽ rơi vào tay các “đại gia” và chỉ vài năm nữa là hết”, ông Mại cảnh báo.

Dự thảo luật đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp thẳng thắn tại hội thảo

Nguyên Kiến trúc sư trưởng, Đào Ngọc Nghiêm góp ý, Dự thảo luật còn sử dụng nhiều khái niệm mơ hồ, lạc hậu và dẫn chứng là “nội đô”, “ngoại đô”, “khu phố cổ tiêu biểu”… Theo ông Nghiêm, nếu dùng “nội đô” theo nghĩa là các quận nội thành, ngoại đô là các vùng còn lại thì tới đây các đô thị vệ tinh như Sơn Tây chẳng nhẽ bị xếp vào “ngoại đô”!

“Các khái niệm chuyên môn phải được các nhà chuyên môn chấp nhận, không nên dùng các khái niệm không thể định nghĩa được”, ông Nghiêm góp ý.

Cũng theo ông Nghiêm, dự thảo luật vẫn coi trọng người ở thành phố đi xe ô tô hơn người dân ở các khu vực bên ngoài. Cụ thể, vấn đề vành đai xanh cùng các vấn đề của khu vực nông thôn với số lượng dân rất lớn còn chưa được đề cập đầy đủ…

Chuyển sang vấn đề quản lý kiến trúc, cảnh quan đô thị, ông Nghiêm cho rằng, quy định quy hoạch kiến trúc, cảnh quan đô thị ở khu vực trung tâm do Thủ tướng phê duyệt là không phù hợp. Thực hiện như vậy Thủ tướng sẽ ký không xuể nên cần quy định theo hướng, các khu vực đặc thù mới thuộc thẩm quyền của Thủ tướng.

Liên quan đến vấn đề thẩm quyền chấp thuận, quyết định đầu tư, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Trần Ngọc Hùng vẫn bày tỏ sự “băn khoăn” với vấn đề phân cấp. Ông Hùng cho biết, ông rất lo ngại về việc đã có sự hình thành các khu vành đai riêng, “tô giới” riêng, chẳng hạn một số khu đô thị do thành phố cấp phép cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư.

Về vấn đề khoa học, giáo dục, GS. TS Trần Ngọc Hiên cho rằng, dự thảo luật cần đặt vấn đề, các trung tâm khoa học, các đại học danh tiếng phải nằm ở Hà Nội. “Yếu tố văn minh, hiện đại phải có ở Thủ đô và đến Thủ đô là thấy được điều đó”, ông Hiên nói.

Cấn Cường

http://dantri.com.vn/c20/s20-389051/quan-ly-khong-kheo-dat-ha-noi-vai-nam-nua-la-het.htm

http://freelecongdinh.wordpress.com/2010/04/07/%E2%80%9Cqu%E1%BA%A3n-ly-khong-kheo-d%E1%BA%A5t-ha-n%E1%BB%99i-vai-nam-n%E1%BB%AFa-la-h%E1%BA%BFt%E2%80%9D/

Trung Quốc tranh chấp đảo Bạch Long Vĩ với Việt Nam?

2010-04-07

Như chúng ta đã biết, Đảo Bạch Long Vĩ nằm trong Vịnh Bắc Bộ, thuộc thành phố Hải Phòng của Việt Nam. Vị trí đảo Bạch Long Vĩ được cho là rất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, an ninh và quốc phòng ở khu vực Vịnh Bắc Bộ.

Photo: RFA

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ra thăm nói chuyện với Thanh niên xung phong ở đảo Bạch Long Vĩ.Courtesy baotuyenquang online

Thế nhưng, tin tức gần đây cho thấy có lẽ Trung Quốc đang tranh chấp với Việt Nam về hòn đảo này. Mời quý thính giả cùng Ngọc Trân tìm hiểu thêm.

Giới trẻ khó tiếp cận thông tin “nóng”?


Khánh An, phóng viên RFA
2010-04-06

Giới trẻ Việt Nam ít quan tâm những vấn đề “nóng” của đất nước, hay chỉ vì các bạn trẻ không thể tiếp cận thông tin “nóng” qua các phương tiện thông tin đại chúng?

Khánh An chào đón quý vị và các bạn đến với chương trình Cafe Wifi. Hôm nay, chúng ta sẽ tiếp tục câu chuyện lần trước về mối quan tâm của các bạn trẻ hiện nay đối với những vấn đề nóng của đất nước, cũng với 3 bạn: Hải ở Việt Nam, Quân hiện đang ở Mỹ và Nam đang sống tại Pháp.


Ngăn chặn thông tin

Hôm trước, Nam có đề cập tới nguyên nhân các bạn trẻ ở Việt Nam ít quan tâm đến những vấn đề của đất nước là do công tác tuyên truyền tại Việt Nam.

Nam: Người ta không thấy được điều đấy, mà Việt Nam thì mình nghĩ một điều rất quan trọng là tuyên truyền. Trong khi báo chí không nói về những vấn đề như vậy, không đưa tin một cách nóng bỏng, không bàn luận một cách nóng bỏng để những người dân Việt Nam gọi là có thể thấy được điều đó, thì chắc chắn rằng vĩnh viễn không bao giờ họ có thể thấy đâu. Nó chỉ trôi nổi trên các diễn đàn mà thôi, không thể đi xa được.


Khánh An: Nếu mà nói như Nam thì mình sẽ nhìn thấy đó là một cái vòng, những vấn đề này là những vấn đề quan trọng, phải không? Và ở Việt Nam, như Nam nói, cái quan trọng là phải tuyên truyền, phải cho mọi người biết, mà vấn đề ở Việt Nam là báo chí không đưa hoặc không làm cho vấn đề lan rộng ra trong cộng đồng. Vậy thì theo các bạn, tại sao những vấn đề nó quan trọng như thế này mà lại không đưa ra cho người dân được biết?

Nam: Vì họ không có khả năng.

Khánh An: Ai không có khả năng ạ?

Nam: Những người cầm bút.

Khánh An: Vậy tại sao họ lại bị chặn như vậy?

Nam: Thì tại báo chí trực thuộc nhà nước.

Khánh An: Như vậy có thể nói nhà nước là những người lãnh đạo của báo chí?

Nam: Vâng.

Chính phủ Việt  Nam đã ngăn chặn truy cập trang Facebook. Hình RFA  chụp từ website.
Chính phủ Việt Nam đã ngăn chặn truy cập trang Facebook. Hình RFA chụp từ website.

Khánh An: Tại sao nhà nước lại không muốn cho người dân biết được những vấn đề mà đúng ra phải rất nóng vì nó liên quan đến chủ quyền mà? Mà đó là những vấn đề thuộc về trách nhiệm của những người đó mà, phải không?

Nam: Vâng, đúng vậy.

Quân: Như vậy hiện nay, vấn đề là phong trào dân báo sẽ thay thế cho những tờ báo truyền thống. Đó là một điều cần phải khuyến khích để những thông tin được đến với những người khác.

Khánh An: Như vậy như các bạn thấy, đó là cuối cùng thì chính là người Việt Nam mình đã tự chia rẽ nhau rồi. Nếu như mà …

Nam: Cái này chỉ là vấn đề của nhà nước thôi chứ. Nếu mà người dân người ta biết như vậy thì mình nghĩ người dân ai cũng lên tiếng, vì ngay như ngày xưa là thời chiến tranh, tuyên truyền rất quan trọng. Chính nhờ tuyên truyền mà mình mới có khả năng tập trung tất cả người dân đứng lên để mà giành lại chủ quyền đất nước, cũng chỉ là do tuyên truyền. Bây giờ tuyên truyền yếu thành ra nó vậy.

Khánh An: Tuyên truyền yếu hay là không tuyên truyền? Hai cái đó rất khác nhau.

Nam: Cái này khó nói. Nếu mà không tuyên truyền thì chả nói gì về vấn đề chính trị cả. Thực ra báo chí vẫn có nói nhưng mà mình nghĩ nó không thành vấn đề nóng bỏng nhất thôi.


Tạo sự ngăn cách

Khánh An: Như vậy, Khánh An nói rằng người Việt Nam mình tự chia rẽ nhau không phải là người dân nhưng vấn đề ở đây, nếu theo như những gì từ nãy tới giờ tụi mình nói với nhau, thì mình thấy rằng một bên là các bạn trẻ ở nước ngoài, các bạn tiếp nhận rất là nhiều những thông tin liên quan đến đất nước, còn các bạn trẻ ở trong nước, chính là lực lượng bạn trẻ Việt Nam lớn nhất, đông đảo nhất và cần phải được quan tâm nhất thì các bạn lại không được tiếp xúc nhiều với những thông tin mà nó mang tính gọi là “nhạy cảm”. Như ngay từ lúc đầu Nam nói, khi mà các bạn muốn trao đổi với nhau thì giữa hai người đã có một sự ngăn cách, phải không?

Vì những bạn trong nước nghĩ rằng “ồ, các bạn đi ra nước ngoài, các bạn tiếp xúc với những thông tin như thế này là các bạn trở thành phản động, trở thành những người xấu, không yêu nước, chống phá đất nước”, ví dụ là như vậy. Thì rõ ràng thực tế như vậy đã tạo ra một hàng rào ngăn cản giữa người trẻ Việt Nam ở trong nước với những người trẻ Việt Nam ở ngoài nước, mặc dù tất cả họ – những người Việt trẻ đó – đều là những người rất tâm huyết, trái tim họ vẫn hướng về đất nước.

Nam: Những thế hệ trẻ bây giờ họ không có khái niệm gì về vấn đề này thì đúng hơn, nghĩa là trong đầu họ không hề nghĩ gì về vấn đề này. Đất nước lúc nào cũng tồn tại, luôn luôn tồn tại và sẽ là như thế. Khái niệm đã không có rồi chứ đừng nói gì về bàn với luận.

Khánh An: Hải ở trong nước, Hải nghĩ như thế nào? Hải đồng ý không?

Hải: Theo mình, khi mà các bạn trẻ không muốn tìm hiểu thì dù có cung cấp các thông tin thì các bạn đó cũng rủ nhau ừ đọc cho biết, đọc cho qua, thế thôi. Còn nếu các bạn đã thực sự muốn tìm hiểu thì các bạn có nhiều phương tiện để tìm hiểu, chẳng hạn như trang web của Đài BBC hiện nay ở Việt Nam vẫn có thể truy cập được, nó vẫn là thông tin đa chiều trên internet. Một điều là các bạn trẻ đó phải có cái gì đó thì các bạn mới tìm hiểu, chứ nếu các bạn không có cái gì thì làm sao các bạn tìm hiểu được.

Khánh An: Cái gì đó, Hải muốn nói là cái gì?

Hải: Tức là các bạn đó phải có một tình cảm, phải có lòng đam mê hay là tinh thần muốn tìm hiểu, muốn hiểu biết vấn đề đó thì các bạn mới có thể phát hiện được. Chứ bây giờ nói khơi khơi, có nhiều bạn nghe xong rồi bỏ, cũng chẳng để làm gì.

Trang web  BauxiteVietNam, một diễn đàn nơi có thể tìm kiếm những  thông tin  "nóng". Hình RFA chụp từ website.
Trang web BauxiteVietNam, một diễn đàn nơi có thể tìm kiếm những thông tin “nóng”. Hình RFA chụp từ website.

Khánh An: Tại sao lại có tình trạng như vậy?

Nam: Tại vì có nhiều thứ quan trọng hơn mà họ phải lo, mình nghĩ vậy.

Hải: Tại vì hiện nay nếu mà nói thì giới trẻ hầu như sống khá thực dụng. Các bạn chỉ biết đến tiền, tiền, tiền. Các bạn không quan tâm đến bất cứ cái gì hết.

Khánh An: Và các bạn nghĩ rằng là những vấn đề đó quan trọng hơn? Đúng không?

Hải: Vâng. Mình nghĩ là như vậy.

Khánh An: Và như vậy, tình trạng giữa các bạn trẻ Việt Nam ở trong nước và ngoài nước khi mà quan điểm hay cái nhìn khác nhau thì nó tạo ra một sự ngăn cách, phải không?

Hải: Theo mình thì không. Theo mình thì cái đó là do cái ý thức của các bạn. Hiện nay, mình vẫn có một số bạn ở nước ngoài như ở Đức hay ở Pháp. Mình và các bạn vẫn trao đổi một cách bình thường trong vấn đề nhận thức và bọn mình vẫn có những mâu thuẫn với nhau về quan điểm. Từ đó, mình mới tranh cãi, tranh luận để có thể tìm ra được những cái điểm đồng thuận của mình.

Khánh An: Các bạn đồng thuận với nhau ở những điểm như thế nào và không đồng thuận với nhau ở những điểm nào? Ví dụ?

Hải: Ví dụ như dự thảo luật buộc du học sinh phải báo cáo thì bọn mình đồng ý là chế độ đó sẽ áp dụng cho du học sinh được nhà nước tài trợ, nhưng còn với những du học sinh tự túc thì họ cần gì phải báo cáo vì họ tự bỏ tiền ra. Rồi có những điểm mình không đồng thuận là bạn đó nói rằng chắc là “cào bằng” hay là gì đó, thì theo mình nghĩ có thể những người đưa ra dự án luật họ chưa tiếp xúc hết hay họ theo ý kiến chủ quan của họ chứ chưa dựa vào thực tế. Rồi bạn đó nói là do ý kiến, tư tưởng của họ như vậy thì mình không nghĩ như vậy, cho nên bọn mình vẫn chưa đồng thuận ở những điểm đó.


Cần sự đồng thuận

Khánh An: Bây giờ quay trở lại với vấn đề của tụi mình, Khánh An đang cố gắng để tìm điểm đồng thuận giữa tụi mình với nhau, là đối với những chuyện lớn của đất nước như chủ quyền thì theo các bạn, giới trẻ Việt Nam nên có một thái độ như thế nào là tốt nhất đối với những vấn đề nhạy cảm như thế này?

Hải: Mình xin nói trước nhé. Giới trẻ Việt Nam hiện nay cần có một thái độ rõ ràng đối với những vấn đề này. Các bạn cần phải quan tâm về vấn đề đó và cần có thái độ rõ ràng. Các bạn cần phải luôn giữ trong tim mình đó là chủ quyền của Việt Nam. Còn hành động của các bạn thì các bạn cần có những hành động nào đó để bảo vệ chủ quyền, làm sao cho nó phù hợp với pháp luật.

Khánh An: Cảm ơn ý kiến của Hải. Còn Quân?

Quân: Quân thì nghĩ rằng các diễn đàn cần được mở rộng nhiều hơn để các bạn trẻ được chia sẻ những suy tư của mình nhiều hơn, nhất là những vấn đề liên quan đến đất nước.

Nam: Mình không hiểu là tại sao những người sinh viên, những người có tâm huyết với đất nước lại đi làm những cái điều mà những người nắm quyền nhà nước lại không đi làm? Mình cũng chưa hiểu là tại sao, vì lý do gì?

Khánh An: Vâng. Cũng là câu hỏi hay. Theo các bạn thì những người lãnh đạo, những người nắm quyền cần phải làm như thế nào? Cần phải có thái độ như thế nào nếu như bạn được phép đóng góp ý kiến?

Quân: Như lúc nãy Quân nói, là những vấn đề như bauxite, vấn đề môi trường hay là chủ quyền đất nước đều là những vấn đề cần được quan tâm của những người bạn trẻ và đó là một điều mà nhà nước cần phải khuyến khích nhiều hơn thay vì ngăn chận họ .

Khánh An: Còn Nam, bạn đã đặt câu hỏi thì bạn nghĩ sao?

Nam: Mình nghĩ là tại sao những bạn trẻ bây giờ, không phải là 90%, không phải là 80%, mình không nói là 100%, không biết những thông tin như thế này, tại vì trong giảng đường chẳng ai nói gì về vấn đề này cả. Ngay cả thậm chí mình nghĩ những thầy giáo dạy về những vấn đề như thế này họ cũng không bàn hoặc là không được phép nói về những vấn đề này trong trường. Mình thấy như thế là nhà nước cần phải làm một điều gì đó để mà trong giảng đường, mình nói ở trường đại học đấy nhé, những người biết suy nghĩ và những người có khả năng suy nghĩ. Nếu mà vấn đề được bàn trong đại học, mình nghĩ là khả năng khả quan hơn. Liệu nhà nước có làm được không?

Trang web của  diễn đàn X-Cafe. Hình RFA chụp từ website.
Trang web của diễn đàn X-Cafe. Hình RFA chụp từ website.

Khánh An: Đây là một câu hỏi chưa có câu trả lời. Còn nếu nói về cá nhân của từng bạn trẻ, Nam nghĩ như thế nào?

Nam: Mình nghĩ là họ đang ngồi ở ghế nhà trường thì đầu tiên là họ phải học là một, họ phải nghĩ làm gì đó để kiếm tiền, thì chắc chắn nếu để họ tự nghĩ về đất nước thì 80-90% số đó mình nghĩ họ không thể tự nghĩ ra được. Phải có những điều định hướng, những người định hướng, những cuộc hội họp, những tiết học như vậy để nói về những vấn đề quốc gia.

Khánh An: Như vậy có thể thấy được rằng những đề nghị của Nam là những đề nghị ở tầm mức vĩ mô thì nó mới tác động xuống đến từng cá nhân người trẻ, phải không?

Nam: Đúng rồi.

Khánh An: Còn Hải thì sao? Lúc này Hải có nói những ý kiến …

Nam: Vấn đề quan trọng là phải có sự đồng thuận của nhà nước, nhà nước phải nhúng tay vào chuyện này cơ. Điều đó mới là điều quan trọng để mà tuyên truyền, nhưng mà mình không chắc nhà nước sẽ đồng thuận trong chuyện này.

Khánh An: Còn Hải, Hải nghĩ như thế nào? Tại Việt Nam, những người lãnh đạo, những người có trách nhiệm nên làm cái gì, nên có thái độ như thế nào trong vấn đề này?

Hải: Nam nói là vấn đề ở trong trường đại học thì mình đã trải qua rồi, tức là khi mình học quân sự thì cũng đã có một buổi chính trị viên họ đến nói về vấn đề Hoàng Sa – Trường Sa. Nói chung là đã có một buổi trao đổi về vấn đề này rồi. Còn vấn đề ở tầm vĩ mô hơn là các nhà lãnh đạo phải làm như thế nào thì theo mình biết, nếu mà so về thực lực kinh tế và quân sự, rõ ràng là Trung Quốc hiện nay rất là mạnh, thì nhà lãnh đạo họ cần phải có một chính sách vừa cư xử khôn khéo vừa cứng rắn trong vấn đề chủ quyền. Đối với tình hình hiện nay, mình nghĩ vấn đề dùng quân sự để xử lý thì mình nghĩ là mình không muốn khơi lại chiến tranh nữa, mà mình nghĩ là Việt Nam nên dựa trên luật pháp quốc tế hiện nay để có thể bảo vệ chủ quyền của Việt Nam.

Khánh An: Khánh An cảm ơn các bạn rất là nhiều đã tham gia vào chương trình Cafe Wifi. Khánh An rất vui vì được biết nhiều ý kiến mà rõ ràng là có thể nhìn thấy được một tương lai cho Việt Nam. Có thể là tất cả tụi mình đều có những mối quan tâm riêng nhưng bên cạnh đó, khi cần, mình vẫn có thể liên kết lại với nhau trong tình đồng bào, phải không? Có một tổ quốc, một điểm gọi là đồng thuận giữa tụi mình với nhau dù là tụi mình đang ở nhiều nơi khác nhau, ở nhiều quốc gia khác nhau.

Nam: Theo mình nghĩ tinh thần yêu nước thì ai cũng có, vấn đề chỉ là người ta khơi lên điều đó như thế nào thôi.

Khánh An: Và mình tin là khi nào đất nước cần thì những người trẻ Việt Nam, dù là ở đâu đi nữa, chắc chắn là cũng sẽ hướng về quê hương của mình, đất nước của mình, phải không?

Các bạn trẻ: Đúng rồi.

Khánh An: Cảm ơn các bạn rất là nhiều và xin chào các bạn.

Các bạn trẻ: Xin chào chị.


http://www.rfa.org/vietnamese/programs/cafe-wifi/Cafe-wifi-vietnamese-youth-discuss-about-paracel-spartly-island-and-other-hot-issue-3-KhAn%20%20-04062010220057.html

Trốn thoát khỏi nhà chứa ở Cambodia: chuyện của một cô gái

Andrew Lam, New America Media

Diên Vỹ, X-Cafe chuyển ngữ
06.04.2010


Nạn buôn người đã trở thành một hiểm hoạ ở Việt Nam. Dự đoán mỗi năm có khoảng vài nghìn phụ nữ và trẻ em bị bán từ Việt Nam đến các nước khác, chủ yếu là qua ngả Cambodia và Trung Quốc nhằm mục đích khai thác buôn bán tình dục. Khoảng 50 phần trăm trong số họ đến từ An Giang thuộc vùng Châu thổ sông Mê Kông. Nguyen Bong đã tìm cách vượt khỏi nhà chứa nơi cô bị giam giữ và trở về lại Việt Nam. Hiện cô được tổ chức Vòng tay Thái bình (Pacific Links) cưu mang, tổ chức này cung cấp nơi ăn ở học hành cho những thiếu nữ Việt Nam gặp nạn. Nguyen Bong kể lại chuyện của mình cho Andrew Lam.


Em tên là Nguyen Bong, 21 tuổi. Ba má làm ruộng. Gia đình em cũng đủ ăn đủ mặc. Em có một người anh và một đứa em trai.

Năm 2008 em đi qua Miên rồi bị kẹt lại ở bển hơn một năm.

Hồi đó em còn đi học và sẵn dịp mới vừa thi xong, em thường lên mạng chơi, có một ông thường chát với em. Em không biết ổng là ai nhưng ổng cứ muốn chát nên tụi em nói chuyện. Ổng nói có một tiệm cà phê ở bên Campuchia, em có thể tới làm kiếm tiền.

Lúc đó em thường cự lộn với má và bị má đuổi ra khỏi nhà. Em rất buồn. Hàng xóm có người muốn cưới em nhưng em thì không muốn lấy chồng. Má nói, “Mày phải lấy nó,” em buồn quá. Em và nhỏ bạn định đi Hà Tiên mấy ngày rồi trở về. Nhưng ông bạn em quen trên mạng gọi và khuyên tụi em nên đi Campuchia để làm kiếm tiền. Em có người bạn khác học cùng trường, ảnh cũng mới thi rớt nên cả ba cùng đồng ý, “Sao hổng đi thử?”


Tụi em đón xe ôm qua bển rồi tới nhà cái người đã hẹn nhưng ổng lại không có ở đó. Ổng đang ở Mã Lai. Em gái của ổng làm chủ ở chỗ này, bả giữ em và mấy người bạn lại. Họ cũng là người Việt. Họ hỏi em ở đâu tới và em trả lời cho họ biết. Người đàn bà nói bả sẽ mua quần áo mới cho em, tụi em ở đó khoảng một tháng. Em không biết chuyện lương bổng. Lúc đó em chẳng nghĩ gì tới chuyện tiền bạc.


Ngay sau đó em hiểu đây là một trạm trung chuyển buôn người. Chỗ đó bán con gái ra ngoại quốc. Họ cũng bán nhiều chất ma tuý nữa. Có thứ bột màu trắng hay loại dùng để chích. Em thấy có mấy người con gái đến rồi đi. Người đàn bà đó cũng cung cấp cho họ bạch phiến. Bả đang đợi thêm người tới rồi đưa tụi em qua Mã Lai.

Bả thu tiền của những thiếu nữ đang làm việc rồi bán thuốc trắng lại để họ hút. Bả gọi em là “gái”. Bả kể với em là bả còn có mấy nhà chứa ở Thái Lan và Mã Lai. Đứa bạn trai qua Campuchia cùng với em cũng dính vô chuyện hút bạch phiến. Em không biết sau này ảnh ra sao. Chất ma tuý được dùng để bắt mấy cô gái phục tùng.

Đây là một thương vụ lớn có nhiều người điều khiển, nhưng em chỉ gặp khoảng bốn hoặc năm người trong bọn họ. Lúc đầu em định trốn nhưng không được. Em không dám nghĩ tới chuyện gì sẽ xảy ra nếu em bị bắt lại nên em không muốn trốn. Em xin xỏ họ: “Cho tụi tui về. Tụi tui còn đi học.” Người đàn bà nói, “Mày chẳng học hành được gì, lại không có tiền.” Bả nói bả đang chuẩn bị giấy hộ chiếu giả để đưa em qua Mã Lai.


Nhưng thiệt hên cho em. Một trong những bạn hàng mua thuốc phiện là bạn trai của đứa con gái nuôi của bà chủ – cô này đã bán thân từ tuổi 13 và được bà này nhận làm con nuôi – người bạn trai của cổ bị đuổi ra khỏi chỗ này vì đã hút thuốc phiện trên ban công. Họ cãi nhau rất dữ rồi anh ta nói, “Tao mà đi rồi, ba ngày sau chỗ này sẽ bị khám xét.”


Hôm sau cảnh sát tới và bắt hết mọi người. Em được đưa tới một nơi tạm trú ở Phnom Penh hơn một năm. Họ không cho em đi vì em không có giấy tờ. Có người ở Việt Nam biết tình cảnh của em nên đã báo với gia đình em, cuối cùng em được về nhà. Em nghe nói bà chủ nhà chứa đã trả 100 ngàn đô để khỏi ở tù.


Lúc em còn tạm trú ở Campuchia em gặp rất nhiều thiếu nữ bị hành hạ dã man. Em gặp 33 người ở đó, nhiều người là dân Việt Nam nhưng đa số sinh ra ở Campuchia.

Có một cô gái rất đẹp, cổ bán thân làm điếm lúc 13 tuổi để giúp bà ngoại. Cổ kể với em cổ phải phục vụ mấy chục người mỗi ngày, rồi còn bị 20 người bắt đi hiếp dâm tập thể. Cổ lạy lục họ ngừng tay nhưng họ cứ tiếp tục hãm hiếp cổ. Cổ được cứu thoát khi nhà chứa của cổ bị bố ráp.

Có một cô khác, lớn con nhưng mắc chứng động kinh vì từng bị đánh đập. Cổ nói cổ chống cự lại khách hàng nên bị đánh đập tàn nhẫn. Giờ thì cổ làm gì cũng bị run rẩy dữ dội. Cổ bị hãm hiếp đánh đập quá thường xuyên đến nỗi trở nên nửa điên nửa tỉnh.


Có mấy người bị chứng thần kinh. Trong trại tạm trú có mấy cô chết vì bịnh SIDA.

Khách hàng của là ai? Có đủ loại người ngoại quốc. Mỹ, Thái, Việt, Miên.

Em nghe họ kể chuyện và nhận ra rằng em phải có nghề nghiệp và học vấn để sống. Giờ nhớ lại em thấy mình quá ngu nghe theo bạn bè sang Campuchia. Em thiệt là may mắn. Em thấy tội cho những người khác phải trải qua những hoàn cảnh tệ bạc như vậy.

Đa số bạn bè em ở Việt Nam không rõ sự tình. Họ chưa từng trải qua nên không chịu tin vô những tin tức về nạn buôn người. Đôi khi họ nói, “Ai biểu họ làm chuyện đó?” Nhưng họ không hiểu là nó có thể xảy ra đối với chính họ.

Em muốn khuyên họ đừng nên trò chuyện với người lạ, cũng đừng tự mình muốn làm gì thì làm. Cẩn thận. Nhưng em biết bạn em. Họ muốn được tự do. Em nghĩ mình không thể khuyên nhủ được họ.

Trong tương lai, em muốn làm luật sư. Em muốn giúp đỡ những người trong hoàn cảnh này hay họ muốn ra toà để đòi hỏi công bằng, em sẽ tình nguyện giúp họ.

Trở lại đi học sẽ rất khó khăn nhưng em biết là với lòng tự giác, nghị lực và niềm tin, em sẽ làm được. Em sẽ cho mọi người thấy em quyết tâm như thế nào. Giờ thì em đã có điểm cao nhưng vẫn còn bị trễ hai năm.


Những ai muốn giúp đỡ, xin gửi đóng góp đến http://pacificlinks.org/. Tổ chức này đang nỗ lực chống nạn buôn người ở Việt Nam với trọng tâm ở vùng Châu thổ sông Mê Kông.


http://www.x-cafevn.org/node/114

http://anhbasg.multiply.com/journal/item/1436/1436