Wednesday, April 7, 2010

Giới trẻ khó tiếp cận thông tin “nóng”?


Khánh An, phóng viên RFA
2010-04-06

Giới trẻ Việt Nam ít quan tâm những vấn đề “nóng” của đất nước, hay chỉ vì các bạn trẻ không thể tiếp cận thông tin “nóng” qua các phương tiện thông tin đại chúng?

Khánh An chào đón quý vị và các bạn đến với chương trình Cafe Wifi. Hôm nay, chúng ta sẽ tiếp tục câu chuyện lần trước về mối quan tâm của các bạn trẻ hiện nay đối với những vấn đề nóng của đất nước, cũng với 3 bạn: Hải ở Việt Nam, Quân hiện đang ở Mỹ và Nam đang sống tại Pháp.


Ngăn chặn thông tin

Hôm trước, Nam có đề cập tới nguyên nhân các bạn trẻ ở Việt Nam ít quan tâm đến những vấn đề của đất nước là do công tác tuyên truyền tại Việt Nam.

Nam: Người ta không thấy được điều đấy, mà Việt Nam thì mình nghĩ một điều rất quan trọng là tuyên truyền. Trong khi báo chí không nói về những vấn đề như vậy, không đưa tin một cách nóng bỏng, không bàn luận một cách nóng bỏng để những người dân Việt Nam gọi là có thể thấy được điều đó, thì chắc chắn rằng vĩnh viễn không bao giờ họ có thể thấy đâu. Nó chỉ trôi nổi trên các diễn đàn mà thôi, không thể đi xa được.


Khánh An: Nếu mà nói như Nam thì mình sẽ nhìn thấy đó là một cái vòng, những vấn đề này là những vấn đề quan trọng, phải không? Và ở Việt Nam, như Nam nói, cái quan trọng là phải tuyên truyền, phải cho mọi người biết, mà vấn đề ở Việt Nam là báo chí không đưa hoặc không làm cho vấn đề lan rộng ra trong cộng đồng. Vậy thì theo các bạn, tại sao những vấn đề nó quan trọng như thế này mà lại không đưa ra cho người dân được biết?

Nam: Vì họ không có khả năng.

Khánh An: Ai không có khả năng ạ?

Nam: Những người cầm bút.

Khánh An: Vậy tại sao họ lại bị chặn như vậy?

Nam: Thì tại báo chí trực thuộc nhà nước.

Khánh An: Như vậy có thể nói nhà nước là những người lãnh đạo của báo chí?

Nam: Vâng.

Chính phủ Việt  Nam đã ngăn chặn truy cập trang Facebook. Hình RFA  chụp từ website.
Chính phủ Việt Nam đã ngăn chặn truy cập trang Facebook. Hình RFA chụp từ website.

Khánh An: Tại sao nhà nước lại không muốn cho người dân biết được những vấn đề mà đúng ra phải rất nóng vì nó liên quan đến chủ quyền mà? Mà đó là những vấn đề thuộc về trách nhiệm của những người đó mà, phải không?

Nam: Vâng, đúng vậy.

Quân: Như vậy hiện nay, vấn đề là phong trào dân báo sẽ thay thế cho những tờ báo truyền thống. Đó là một điều cần phải khuyến khích để những thông tin được đến với những người khác.

Khánh An: Như vậy như các bạn thấy, đó là cuối cùng thì chính là người Việt Nam mình đã tự chia rẽ nhau rồi. Nếu như mà …

Nam: Cái này chỉ là vấn đề của nhà nước thôi chứ. Nếu mà người dân người ta biết như vậy thì mình nghĩ người dân ai cũng lên tiếng, vì ngay như ngày xưa là thời chiến tranh, tuyên truyền rất quan trọng. Chính nhờ tuyên truyền mà mình mới có khả năng tập trung tất cả người dân đứng lên để mà giành lại chủ quyền đất nước, cũng chỉ là do tuyên truyền. Bây giờ tuyên truyền yếu thành ra nó vậy.

Khánh An: Tuyên truyền yếu hay là không tuyên truyền? Hai cái đó rất khác nhau.

Nam: Cái này khó nói. Nếu mà không tuyên truyền thì chả nói gì về vấn đề chính trị cả. Thực ra báo chí vẫn có nói nhưng mà mình nghĩ nó không thành vấn đề nóng bỏng nhất thôi.


Tạo sự ngăn cách

Khánh An: Như vậy, Khánh An nói rằng người Việt Nam mình tự chia rẽ nhau không phải là người dân nhưng vấn đề ở đây, nếu theo như những gì từ nãy tới giờ tụi mình nói với nhau, thì mình thấy rằng một bên là các bạn trẻ ở nước ngoài, các bạn tiếp nhận rất là nhiều những thông tin liên quan đến đất nước, còn các bạn trẻ ở trong nước, chính là lực lượng bạn trẻ Việt Nam lớn nhất, đông đảo nhất và cần phải được quan tâm nhất thì các bạn lại không được tiếp xúc nhiều với những thông tin mà nó mang tính gọi là “nhạy cảm”. Như ngay từ lúc đầu Nam nói, khi mà các bạn muốn trao đổi với nhau thì giữa hai người đã có một sự ngăn cách, phải không?

Vì những bạn trong nước nghĩ rằng “ồ, các bạn đi ra nước ngoài, các bạn tiếp xúc với những thông tin như thế này là các bạn trở thành phản động, trở thành những người xấu, không yêu nước, chống phá đất nước”, ví dụ là như vậy. Thì rõ ràng thực tế như vậy đã tạo ra một hàng rào ngăn cản giữa người trẻ Việt Nam ở trong nước với những người trẻ Việt Nam ở ngoài nước, mặc dù tất cả họ – những người Việt trẻ đó – đều là những người rất tâm huyết, trái tim họ vẫn hướng về đất nước.

Nam: Những thế hệ trẻ bây giờ họ không có khái niệm gì về vấn đề này thì đúng hơn, nghĩa là trong đầu họ không hề nghĩ gì về vấn đề này. Đất nước lúc nào cũng tồn tại, luôn luôn tồn tại và sẽ là như thế. Khái niệm đã không có rồi chứ đừng nói gì về bàn với luận.

Khánh An: Hải ở trong nước, Hải nghĩ như thế nào? Hải đồng ý không?

Hải: Theo mình, khi mà các bạn trẻ không muốn tìm hiểu thì dù có cung cấp các thông tin thì các bạn đó cũng rủ nhau ừ đọc cho biết, đọc cho qua, thế thôi. Còn nếu các bạn đã thực sự muốn tìm hiểu thì các bạn có nhiều phương tiện để tìm hiểu, chẳng hạn như trang web của Đài BBC hiện nay ở Việt Nam vẫn có thể truy cập được, nó vẫn là thông tin đa chiều trên internet. Một điều là các bạn trẻ đó phải có cái gì đó thì các bạn mới tìm hiểu, chứ nếu các bạn không có cái gì thì làm sao các bạn tìm hiểu được.

Khánh An: Cái gì đó, Hải muốn nói là cái gì?

Hải: Tức là các bạn đó phải có một tình cảm, phải có lòng đam mê hay là tinh thần muốn tìm hiểu, muốn hiểu biết vấn đề đó thì các bạn mới có thể phát hiện được. Chứ bây giờ nói khơi khơi, có nhiều bạn nghe xong rồi bỏ, cũng chẳng để làm gì.

Trang web  BauxiteVietNam, một diễn đàn nơi có thể tìm kiếm những  thông tin  "nóng". Hình RFA chụp từ website.
Trang web BauxiteVietNam, một diễn đàn nơi có thể tìm kiếm những thông tin “nóng”. Hình RFA chụp từ website.

Khánh An: Tại sao lại có tình trạng như vậy?

Nam: Tại vì có nhiều thứ quan trọng hơn mà họ phải lo, mình nghĩ vậy.

Hải: Tại vì hiện nay nếu mà nói thì giới trẻ hầu như sống khá thực dụng. Các bạn chỉ biết đến tiền, tiền, tiền. Các bạn không quan tâm đến bất cứ cái gì hết.

Khánh An: Và các bạn nghĩ rằng là những vấn đề đó quan trọng hơn? Đúng không?

Hải: Vâng. Mình nghĩ là như vậy.

Khánh An: Và như vậy, tình trạng giữa các bạn trẻ Việt Nam ở trong nước và ngoài nước khi mà quan điểm hay cái nhìn khác nhau thì nó tạo ra một sự ngăn cách, phải không?

Hải: Theo mình thì không. Theo mình thì cái đó là do cái ý thức của các bạn. Hiện nay, mình vẫn có một số bạn ở nước ngoài như ở Đức hay ở Pháp. Mình và các bạn vẫn trao đổi một cách bình thường trong vấn đề nhận thức và bọn mình vẫn có những mâu thuẫn với nhau về quan điểm. Từ đó, mình mới tranh cãi, tranh luận để có thể tìm ra được những cái điểm đồng thuận của mình.

Khánh An: Các bạn đồng thuận với nhau ở những điểm như thế nào và không đồng thuận với nhau ở những điểm nào? Ví dụ?

Hải: Ví dụ như dự thảo luật buộc du học sinh phải báo cáo thì bọn mình đồng ý là chế độ đó sẽ áp dụng cho du học sinh được nhà nước tài trợ, nhưng còn với những du học sinh tự túc thì họ cần gì phải báo cáo vì họ tự bỏ tiền ra. Rồi có những điểm mình không đồng thuận là bạn đó nói rằng chắc là “cào bằng” hay là gì đó, thì theo mình nghĩ có thể những người đưa ra dự án luật họ chưa tiếp xúc hết hay họ theo ý kiến chủ quan của họ chứ chưa dựa vào thực tế. Rồi bạn đó nói là do ý kiến, tư tưởng của họ như vậy thì mình không nghĩ như vậy, cho nên bọn mình vẫn chưa đồng thuận ở những điểm đó.


Cần sự đồng thuận

Khánh An: Bây giờ quay trở lại với vấn đề của tụi mình, Khánh An đang cố gắng để tìm điểm đồng thuận giữa tụi mình với nhau, là đối với những chuyện lớn của đất nước như chủ quyền thì theo các bạn, giới trẻ Việt Nam nên có một thái độ như thế nào là tốt nhất đối với những vấn đề nhạy cảm như thế này?

Hải: Mình xin nói trước nhé. Giới trẻ Việt Nam hiện nay cần có một thái độ rõ ràng đối với những vấn đề này. Các bạn cần phải quan tâm về vấn đề đó và cần có thái độ rõ ràng. Các bạn cần phải luôn giữ trong tim mình đó là chủ quyền của Việt Nam. Còn hành động của các bạn thì các bạn cần có những hành động nào đó để bảo vệ chủ quyền, làm sao cho nó phù hợp với pháp luật.

Khánh An: Cảm ơn ý kiến của Hải. Còn Quân?

Quân: Quân thì nghĩ rằng các diễn đàn cần được mở rộng nhiều hơn để các bạn trẻ được chia sẻ những suy tư của mình nhiều hơn, nhất là những vấn đề liên quan đến đất nước.

Nam: Mình không hiểu là tại sao những người sinh viên, những người có tâm huyết với đất nước lại đi làm những cái điều mà những người nắm quyền nhà nước lại không đi làm? Mình cũng chưa hiểu là tại sao, vì lý do gì?

Khánh An: Vâng. Cũng là câu hỏi hay. Theo các bạn thì những người lãnh đạo, những người nắm quyền cần phải làm như thế nào? Cần phải có thái độ như thế nào nếu như bạn được phép đóng góp ý kiến?

Quân: Như lúc nãy Quân nói, là những vấn đề như bauxite, vấn đề môi trường hay là chủ quyền đất nước đều là những vấn đề cần được quan tâm của những người bạn trẻ và đó là một điều mà nhà nước cần phải khuyến khích nhiều hơn thay vì ngăn chận họ .

Khánh An: Còn Nam, bạn đã đặt câu hỏi thì bạn nghĩ sao?

Nam: Mình nghĩ là tại sao những bạn trẻ bây giờ, không phải là 90%, không phải là 80%, mình không nói là 100%, không biết những thông tin như thế này, tại vì trong giảng đường chẳng ai nói gì về vấn đề này cả. Ngay cả thậm chí mình nghĩ những thầy giáo dạy về những vấn đề như thế này họ cũng không bàn hoặc là không được phép nói về những vấn đề này trong trường. Mình thấy như thế là nhà nước cần phải làm một điều gì đó để mà trong giảng đường, mình nói ở trường đại học đấy nhé, những người biết suy nghĩ và những người có khả năng suy nghĩ. Nếu mà vấn đề được bàn trong đại học, mình nghĩ là khả năng khả quan hơn. Liệu nhà nước có làm được không?

Trang web của  diễn đàn X-Cafe. Hình RFA chụp từ website.
Trang web của diễn đàn X-Cafe. Hình RFA chụp từ website.

Khánh An: Đây là một câu hỏi chưa có câu trả lời. Còn nếu nói về cá nhân của từng bạn trẻ, Nam nghĩ như thế nào?

Nam: Mình nghĩ là họ đang ngồi ở ghế nhà trường thì đầu tiên là họ phải học là một, họ phải nghĩ làm gì đó để kiếm tiền, thì chắc chắn nếu để họ tự nghĩ về đất nước thì 80-90% số đó mình nghĩ họ không thể tự nghĩ ra được. Phải có những điều định hướng, những người định hướng, những cuộc hội họp, những tiết học như vậy để nói về những vấn đề quốc gia.

Khánh An: Như vậy có thể thấy được rằng những đề nghị của Nam là những đề nghị ở tầm mức vĩ mô thì nó mới tác động xuống đến từng cá nhân người trẻ, phải không?

Nam: Đúng rồi.

Khánh An: Còn Hải thì sao? Lúc này Hải có nói những ý kiến …

Nam: Vấn đề quan trọng là phải có sự đồng thuận của nhà nước, nhà nước phải nhúng tay vào chuyện này cơ. Điều đó mới là điều quan trọng để mà tuyên truyền, nhưng mà mình không chắc nhà nước sẽ đồng thuận trong chuyện này.

Khánh An: Còn Hải, Hải nghĩ như thế nào? Tại Việt Nam, những người lãnh đạo, những người có trách nhiệm nên làm cái gì, nên có thái độ như thế nào trong vấn đề này?

Hải: Nam nói là vấn đề ở trong trường đại học thì mình đã trải qua rồi, tức là khi mình học quân sự thì cũng đã có một buổi chính trị viên họ đến nói về vấn đề Hoàng Sa – Trường Sa. Nói chung là đã có một buổi trao đổi về vấn đề này rồi. Còn vấn đề ở tầm vĩ mô hơn là các nhà lãnh đạo phải làm như thế nào thì theo mình biết, nếu mà so về thực lực kinh tế và quân sự, rõ ràng là Trung Quốc hiện nay rất là mạnh, thì nhà lãnh đạo họ cần phải có một chính sách vừa cư xử khôn khéo vừa cứng rắn trong vấn đề chủ quyền. Đối với tình hình hiện nay, mình nghĩ vấn đề dùng quân sự để xử lý thì mình nghĩ là mình không muốn khơi lại chiến tranh nữa, mà mình nghĩ là Việt Nam nên dựa trên luật pháp quốc tế hiện nay để có thể bảo vệ chủ quyền của Việt Nam.

Khánh An: Khánh An cảm ơn các bạn rất là nhiều đã tham gia vào chương trình Cafe Wifi. Khánh An rất vui vì được biết nhiều ý kiến mà rõ ràng là có thể nhìn thấy được một tương lai cho Việt Nam. Có thể là tất cả tụi mình đều có những mối quan tâm riêng nhưng bên cạnh đó, khi cần, mình vẫn có thể liên kết lại với nhau trong tình đồng bào, phải không? Có một tổ quốc, một điểm gọi là đồng thuận giữa tụi mình với nhau dù là tụi mình đang ở nhiều nơi khác nhau, ở nhiều quốc gia khác nhau.

Nam: Theo mình nghĩ tinh thần yêu nước thì ai cũng có, vấn đề chỉ là người ta khơi lên điều đó như thế nào thôi.

Khánh An: Và mình tin là khi nào đất nước cần thì những người trẻ Việt Nam, dù là ở đâu đi nữa, chắc chắn là cũng sẽ hướng về quê hương của mình, đất nước của mình, phải không?

Các bạn trẻ: Đúng rồi.

Khánh An: Cảm ơn các bạn rất là nhiều và xin chào các bạn.

Các bạn trẻ: Xin chào chị.


http://www.rfa.org/vietnamese/programs/cafe-wifi/Cafe-wifi-vietnamese-youth-discuss-about-paracel-spartly-island-and-other-hot-issue-3-KhAn%20%20-04062010220057.html

0 comments:

Post a Comment