Saturday, April 10, 2010

Phát ngôn, hành động: Xin cho nhân dân phê bình thử một lần!

Trực Ngôn

Hàng loạt phát ngôn đề cao vai trò của dân nhưng xin để nhân dân làm thử một việc mà Bác Hồ từng nói: phê bình công việc của Chính quyền. Hàng nghìn tỷ đồng biến mất vào thinh không do cách tiêu xài của những tập đoàn được mệnh danh “anh cả đỏ của nền kinh tế”… Phát ngôn – hành động tuần này đọng lại nhiều điều đáng ngẫm ngợi.

Xin cho nhân dân được phê bình… thử

Trong bài viết Vận mệnh của Đảng ở trong lòng dân, GS Tương Lai đã phân tích một cách sâu sắc về sức mạnh cũng như sự sống còn của Đảng. Ông trích lời Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về nhân dân và những “đầy tớ” của họ: “… có người làm quan cách mạng chợ đỏ, chợ đen, khinh dân, mưu vinh thân phì gia. Từ một năm nay, nội hoạn, ngoại xâm không lúc nào không có, nên còn nhiều việc Chính phủ Trung ương không làm được. Có nhiều cái biết là hay, nhưng còn việc gấp phải làm gấp cái đã. Xin đồng bào phê bình, giúp đỡ, giám sát công việc của Chính phủ. Còn những việc làm mà chưa làm được thì xin đồng bào nguyên lượng“.

Để Đại hội Đảng XI thực sự thành công, Đảng đang kêu gọi các đảng viên của mình phải lắng nghe ý kiến nhân dân. Cũng trong thời gian này, chúng ta tổ chức phong trào học tập tư tưởng Hồ Chí Minh, thiết nghĩ, chúng ta lấy từng lời dạy cụ thể của Người để học tập. Và để việc học tập đó thực sự có ý nghĩa, chúng ta nên áp dụng những lời dạy của Người vào đời sống.

Trong lời dạy trên của Người có câu “Xin đồng bào phê bình, giúp đỡ, giám sát công việc của Chính phủ…” Việc giúp đỡ Chính quyền thì nhân dân đã làm tất cả và bằng cả máu của mình kể từ khi Đảng ra đời, làm mọi lúc mọi nơi, làm mà không đòi hỏi bất cứ quyền lợi gì cho mình. Còn việc nhân dân có được quyền thực sự giám sát Chính quyền hay không thì phải hỏi Chính quyền.

Nay chỉ xin áp dụng một trong ba ý trong lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh là việc phê bình mà thôi. Trong lời nói của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính quyền xin được nhân dân phê bình. Còn lúc này, nhân dân xin Chính quyền cho nhân dân được phê bình, góp ý. Nếu Chính quyền thực sự là của dân, là vì dân thì xin Chính quyền hãy để nhân dân nói về mình lúc này.

Tuy chỉ là làm thử thôi, nhưng tôi cầm chắc rằng, lòng tin của nhân  dân vào Chính quyền nếu lâu nay có giảm sút một tí ti nào đấy sẽ được  hồi phục trọn vẹn như thuở ban đầu và Chính quyền chắc chắn sẽ mạnh lên  gấp bội.

Tuy chỉ là làm thử thôi, nhưng tôi cầm chắc rằng, lòng tin của nhân dân vào Chính quyền nếu lâu nay có giảm sút một tí ti nào đấy sẽ được hồi phục trọn vẹn như thuở ban đầu và Chính quyền chắc chắn sẽ mạnh lên gấp bội.

Đã từ lâu, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phải lên tiếng cảnh báo: “Nhiều người có chức có quyền trong hệ thống tổ chức của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể quần chúng hư hỏng quá, thoái hóa, biến chất, chạy theo chức quyền, tiền, danh và lợi, những người ấy đang làm cho một bộ phận không nhỏ trong nhân dân ta ngày càng giảm lòng tin vào Đảng, đưa đến tình hình nguy kịch không thể coi thường“.

Chính vậy, để không làm giảm hay đánh mất lòng tin của nhân dân vào Đảng thì Đảng phải lắng nghe nhân dân phê bình. Nhưng nhân dân cũng không xin nhiều mà chỉ xin phê bình một lần mà chỉ là phê bình… thử thôi. Để từ đó, Chính quyền sẽ biết nhân dân đang nghĩ về mình thế nào và hình ảnh thật sự của Chính quyền sẽ hiện lên rõ hơn cho dù việc phê bình không phải là 100% đúng.

Vì có người phê bình với ý thức đối kháng, có người phê bình vì lợi ích cá nhân và có người phê bình như một sự quấy rối. Nhưng số này cũng chỉ chiếm đến 5 hay 10% mà thôi. Còn lại, đại đa số người dân thực sự muốn Chính quyền càng ngày càng vững mạnh và đất nước càng ngày phồn thịnh, văn minh.

Việc phê bình chỉ đơn giản như cách người ta vẫn làm phiếu điều tra xã hội học. Chính quyền phát phiếu cho từng nhân dân một. Nhưng cho dù chỉ là phê bình thử thì cũng phải làm sao để nhân dân không… sợ Chính quyền mà nói thật lòng mình.

Ví dụ phiếu đó có các ô để nhân dân nhận xét bằng cách đánh dấu đơn giản về các mức độ nhân cách của các “quan cách mạng” như chữ Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng. Các ô đó có thể như sau: ưu tú, tốt, trung bình, tham danh, tham tiền, hư hỏng, biến chất…

Rồi nhân dân sẽ tự thống kê các mức độ đánh giá nhân cách của các “quan cách mạng”. Chúng ta không sợ tốn phí vì nhân dân sẽ sẵn sàng làm việc này mà không cần thù lao. Chính quyền không trực tiếp làm việc này để những kẻ không thiện chí không có có cơ hội lợi dụng nói là kết quả phiếu điều tra ấy không đúng với thực tế hay chỉ là hình thức “mị dân” mà thôi.

Với kết quả thăm dò đó, Chính quyền cho công bố trên báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng. Một thao tác rất đơn giản nhưng vô cùng dân chủ và có sức mạnh chứng minh đó là một Chính quyền thực sự do dân, của dân và vì dân. Đấy là cách học tập thực sự có ý nghĩa Tư tưởng Hồ Chí Minh. Tuy chỉ là làm thử thôi, nhưng tôi cầm chắc rằng, lòng tin của nhân dân vào Chính quyền nếu lâu nay có giảm sút một tí ti nào đấy sẽ được hồi phục trọn vẹn như thuở ban đầu và Chính quyền chắc chắn sẽ mạnh lên gấp bội.

Lãng phí 5 nghìn tỷ và 25.000 ngôi nhà biến mất

Cho đến nay, các tập đoàn kinh tế Nhà nước được coi như là những “anh cả đỏ” của nền kinh tế. Chính sách này là hợp lý và cần thiết nhằm tạo ra những tập đoàn kinh tế hùng mạnh với sứ mệnh làm đầu tàu kéo nền kinh tế Việt Nam cất cánh. Để thực hiện chiến lược đó, những tập đoàn kinh tế Nhà Nước đã được nhận những ưu tiên đặc biệt về nguồn vốn, đất đai và những điều kiện khác.

Nhưng cho đến lúc này, không ít những tập đoàn với cơn mơ hùng mạnh bay lên tựa rồng lại trở thành nỗi lo khổng lồ của chúng ta. Nhưng không ít những đầu tàu lý tưởng và đầy mong đợi ấy bây giờ đang biến thành đuôi tàu.

Mới đây, Tiền phong phanh phui chuyện Tập đoàn Than Khoáng sản (TKV), cũng thuộc diện “anh cả đỏ” của Nhà nước lãng phí mỗi năm 5.000 tỷ đồng. Tôi nói thật là cho đến bây giờ số tiền mà TKV lãng phí dù đã được công bố thì tôi vẫn không tin. Vì một Tập đoàn lãng phí mỗi năm từng đó tiền mà hình như xã hội mình vẫn cứ tươi cười hoan hỉ chẳng thấy gương mặt nào âu lo.

Tôi là kẻ chỉ nghĩ được cái trước mắt chứ không nghĩ được cái lâu dài nên tìm cách so sánh cụ thể 5.000 tỷ có giá trị cụ thể như thế nào. Thôi thì lấy giá một ngôi nhà tình nghĩa mà xã hội vẫn xây cho những người có công với cách mạng, những gia đình khó khăn cần được trợ giúp vậy.

Theo giá một ngôi nhà tình nghĩa tôi biết khoảng 20 triệu đồng thì số tiền mỗi năm TKV lãng phí sẽ xây được 25.000 ngôi nhà. Thế là, cứ 12 tháng nhân dân cúi mặt cấy lúa trồng khoai, cóp nhặt như cố nhà thơ Tố Hữu viết: “Mỗi hòn than, mẩu sắt, cân ngôi/ Ta nâng niu, gom góp dựng cơ đồ” cho đến khi ngẩng mặt lên thì thấy 25.000 ngôi nhà vụt biến mất.

Rồi lại cái “anh cả đỏ” EVN được đầu tư vốn Nhà nước như nước sông Hồng mùa lũ và nhân dân bền bỉ chấp nhận giá điện tăng, tăng và tăng để anh EVN bền bỉ thiếu điện và cúp điện.

Thế nhưng, những chuyện dùng tiền đầu tư Nhà nước thoải mái như dùng không khí trời ban rồi lại cái sự hay quên đến cái sự lãng phí… hình như lại là những câu chuyện bình thường hay sao ấy. Hỡi các nhà kinh tế học, xin các ngài dự báo con rồng kinh tế Việt Nam đang ở dạng nào? Dạng phôi, dạng “trứng vịt lộn”, dạng “mọc lông măng” hay dạng đã bay vù vù?

Từ Điện Biên Phủ đến Thăng Long

Cái tít nhỏ này như tên một bài hát hào hùng. Thưa không phải thế. Nhưng có thể đó là gợi mở cho một “bài ca đau lòng” (nhạc và lời: người vô lương tâm và vô trách nhiệm).

Tượng đài vừa dựng xong không lâu đã phải trùng tu. Ảnh: Tuổi trẻ

Tượng đài vừa dựng xong không lâu đã phải trùng tu. Ảnh: Tuổi trẻ

Một bức tượng các chiến sỹ Điện Biên Phủ được dựng lên có nguy cơ đổ ụp chỉ sau một thời gian ngắn giống như một người suy dinh dưỡng hay bị bệnh loãng xương vậy. Chuyện rút xương rút cốt các công trình thì xảy ra từ lâu rồi. Nhưng đến cả bức tượng thiêng về những người lính làm nên chiến thắng chấn động địa cầu cũng bị bòn rút.

Lòng tham đến như thế thì xã hội có quyền đặt câu hỏi về những bức tượng thiêng khác đã xây có bị rút xương rút cốt không? Bao giờ thì những bức tượng đó đổ?

Bây giờ lại đến chiếc cầu khổng lồ vừa xây xong thì nứt. Các chuyên gia Anh và Singapore đều đánh giá các vết nứt tại cầu Thăng Long là bất thường, chưa từng xảy ra tại các công trình trên thế giới. Thế mà trước đó, những ông bà có trách nhiệm nói tỉnh bơ là do thời tiết thất thường. Không phải họ không hiểu nguyên nhân cầu nứt mà cái thói coi thường Nhà nước, coi thường nhân dân nó ngấm sâu vào xương tủy rồi, nó thành lối sống rồi, nó thành lẽ hiển nhiên rồi.

Nay mai họp hành kiểm điểm có khi lại chỉ là rút kinh nghiệm. Cái cụm từ rút kinh nghiệm quả thực là thứ ngôn ngữ của sự thoái hóa, biến chất. Những chuyện như thế khi xã hội lên tiếng có khi lại bị một số người coi là “vạch áo cho người xem lưng” thì mới thực là quái đản. Một cái lưng “bẩn” như thế thì phải vạch ra mà rửa chứ. Kẻ nào che cái lưng “bẩn” ấy là kẻ có tội với đất nước này.

Che cái lưng “bẩn” và vấy “bẩn” cái lưng sạch

Sự thật là có những người đã cố tình che những cái lưng “bẩn” và lại vấy “bẩn” những cái lưng sạch. Hai vụ xét xử đối với hai người có hai cái tên phát âm nghe giống nhau: Sương và Xương là ví dụ cho sự thật ấy.

Vụ án ông hiệu trưởng Sầm Đức Xương mua dâm học trò đã phải xử lại bởi quá nhiều vấn đề “nghi vấn” trong điều tra và trong xét xử. Nhân dân đang chờ xem trách nhiệm và lương tâm của các cơ quan liên quan đến vụ án này ở tỉnh Hà Giang hiện ra như thế nào?

Lưng "bẩn" lại được che. Ảnh: ông Sầm Đức Xương ra tòa,  nguồn VNE

Lưng "bẩn" lại được che. Ảnh: ông Sầm Đức Xương ra tòa, nguồn VNE

Sự suy đồi đạo đức của một thầy giáo mà lại là một thầy Hiệu trưởng cùng với danh sách những vị liên quan trong lời khai của các bị cáo trẻ tuổi đã tát vào mặt chúng ta những cái tát nẩy đom đóm mắt. Cho dù cơ quan điều tra chưa có kết luận lời khai của các bị cáo là đúng hay sai thì có lẽ chúng ta cũng đã tự hiểu tất cả. Nhưng tôi nghĩ phải nói cho chính xác là cơ quan điều tra đã có kết quả điều tra nhưng chưa công bố mà thôi chứ không phải là chưa có kết luận.

Hình ảnh người dân bao quanh Luật sư Trần Đình Triển (Văn phòng Luật sư vì dân ) ở một quán cà phê để bày tỏ lòng quý mến ông và động viên ông hãy giúp nhân dân bảo vệ sự thật và lẽ công bằng mà chính mắt tôi chứng kiến đã nói lên nhiều điều. Họ đã không tin vào cái gọi là các “cơ quan luật pháp” ở một tỉnh như Hà Giang nữa.

Và cho đến bây giờ, vụ án bà Ba Sương lại là một dẫn chứng đau lòng về cái gọi là “cơ quan luật pháp” ở Hậu Giang. Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã chỉ ra những sai trái trong việc thi hành luật pháp của các cơ quan luật pháp địa phương và quyết định điều tra và xử lại vụ án này.

Phía bên kia người ta làm sai lệch hồ sơ để bảo vệ cho những kẻ làm nhục nhân cách xã hội và phía bên này người ta làm sai lệch hồ sơ để tăng mức án người có công với xã hội. Nhân dân sẽ phải gọi các cơ quan luật pháp hay những cá nhân được Nhà nước và nhân dân trao luật pháp vào tay với một tên gọi như thế nào đây? Nhưng nhân dân sẽ không gọi ra cái tên ấy mà xin nhường những người quản lý xã hội thử gọi xem sao?

Người Việt Nam có biết đi bộ không?

Ngày 20/5 tới, người đi bộ ở Hà Nội và TP HCM vi phạm sẽ có nguy cơ bị phạt 120.000 đồng. Mức phạt này đã tăng lên. Chuyện tăng hay giảm ở đây không hẳn có ý nghĩa quá quan trọng. Nhưng việc phạt người đi bộ một cách nghiêm khắc là một thay đổi trong tư duy của chúng ta.

Lâu nay, như là một lẽ hiển nhiên do “trời định” là cứ người đi bộ và người đi xe đạp va chạm thì người đi xe đạp có lỗi, cứ người đi xe đạp và người đi xe máy va chạm thì người đi xe máy có lỗi và cứ thế và cứ thế…

Luật pháp chưa bao giờ công nhận lẽ hiển nhiên ấy nhưng trong lối sống của mình, người Việt Nam đã sống với tư duy hiển nhiên như thế đã lâu và có lẽ còn kéo dài cũng rất… lâu nữa.

Đi bộ cũng phải học. Ảnh: Dân trí

Đi bộ cũng phải học. Ảnh: Dân trí

Đã có những bài báo tuy quá ít ỏi viết về lối sống của người Việt Nam thông qua cách đi bộ. Đã từng có những cán bộ Việt Nam sang công tác ở nước ngoài đi bộ qua đường ở nơi người đi bộ không được phép qua bị xe cán chết nhưng những người còn sống lại định đòi nước người bồi thường nữa chứ.

Ngay ở Hà Nội, những cầu vượt hay đường hầm giành cho người đi bộ qua đường ở những nút giao thông “nóng” nhưng chẳng mấy người định đi. Thế là, cả những người buôn thúng bán mẹt cho đến các quý ông complê và các quý bà váy xòe cứ ton tót trèo qua hàng rào hay giải phân cách mà tắt đường.

Sáng sáng đi làm, chúng ta vẫn chứng kiến những người mặc quần đùi thản nhiên đi qua đường khi đang đèn đỏ và vừa đi vừa xỉa răng tanh tách. Chuyện đi bộ đâu chỉ là chuyện đi bộ nữa. Đó chính là lối sống và tư duy tiểu nông của người Việt Nam mà tôi gọi là “tư duy đi bộ”.

“Tư duy đi bộ” này không chỉ để nói về người đi bộ bằng hai chân mà về lối sống và cách làm việc của chúng ta trong hầu hết các lĩnh vực. Muốn chạy thì phải học đi, muốn bay thì phải học đập cánh. Khi việc đi bộ chưa ra hồn thì đừng nói đến những chuyện to tát.

Nguồn: http://tuanvietnam.net/2010-04-09-phat-ngon-hanh-dong-xin-cho-nhan-dan-phe-binh-thu-mot-lan-

http://www.boxitvn.net/bai/2671


0 comments:

Post a Comment