Cách đây không lâu, chị Huong Vu, 1 người bạn của tôi trên facebook có viết 1 bài, ý hỏi phải chăng giới trẻ VN ngày nay quá hời hợt, và đó là nguồn cảm hứng cho bài viết sau đây của tôi.
Giới trẻ VN ngày nay, theo tôi, có 1 số vấn đề nhất định như sau:
1/ Không đọc nhiều:
Tôi chưa bao giờ dám huênh hoang mình đọc nhiều, nhưng phần lớn những người đồng trang lứa với tôi hầu như chẳng đọc bao nhiêu. Khá nhiều người chỉ đọc tạp chí, hoặc vẫn đọc truyện tranh. Có người hoàn toàn không đọc gì cả, trừ sách giáo khoa ở trường. Tôi hỏi vì sao, họ có hàng trăm hàng ngàn lý do. Mỗi người 1 sở thích, họ không thích đọc. Đọc sách phải suy nghĩ, nhức đầu. Cầm sách lên chi chít chữ, nhìn 1 hồi là mắt díp lại. Bây giờ tiểu thuyết nào có tiếng cũng được dựng thành film, xem film sướng hơn. Bài vở nhiều, không có thời gian. Hay đôi khi nguyên nhân chỉ đơn giản là họ chẳng tìm thấy lý do nào để đọc.
Trong số những người có đọc, khá nhiều trong số họ thường thích 1 số tác giả như Nguyễn Nhật Ánh, Marc Levy, Stephenie Meyer… Khi tôi nhìn qua danh sách nhà văn yêu thích của những người đồng trang lứa, những tên này xuất hiện rất nhiều lần.
Tôi nhớ có 1 lần, vào giờ ra chơi tôi đang đọc 1 cuốn sách của Elfriede Jelinek thì 1 bạn học nói giọng nửa đùa nửa thật, dẹp cuốn sách đi, đừng ra vẻ trí thức nữa?!
2/ Không có khả năng có tư duy độc lập:
Hiện nay tôi đang sống tại Na Uy, và trong trường trung học Na Uy tôi nhận ra 1 khác biệt rất lớn trong cách học văn. Giáo viên có thể đưa 1 cuốn sách, giao hạn mỗi tuần đọc xong 2, 3 chương và lên lớp thảo luận, sau khi đọc xong sẽ viết 1 bài nêu quan điểm và nhận xét về cuốn sách vừa đọc. Cũng có lúc học 1 số truyện ngắn hoặc đoạn trích trong sách. Thông thường, giáo viên giảng rất ít, chủ yếu cho học sinh ngồi từng nhóm thảo luận, rồi học sinh phát biểu ý kiến, phân tích, nhận xét, bình luận… Giáo viên chỉ khẳng định, củng cố, đặt câu hỏi, đôi khi tranh luận… Đó là 1 khác biệt rất lớn, bởi bất kỳ ai học chương trình giáo dục của VN cũng đều quen với hình ảnh người giáo viên dạy văn thuyết giảng từ đầu đến cuối, đọc cho viết và rất nhiều người chấm bài theo gạch đầu dòng, nghĩa là chấm điểm dựa trên việc có đưa ra đủ ý, đủ chi tiết và lập luận như đã giảng hay không. Đa phần các thầy cô dạy văn xét điểm bằng cách chấm theo ý, và tôi biết có 1 số thầy cô cũng chấm bằng cách đo gang tay, bài dài được xem là phong phú hơn và được điểm cao hơn. Chính việc suốt 12 năm phổ thông được giáo dục theo lối đó, học sinh mất khả năng phát biểu quan điểm của chính mình. Không chỉ việc nói lên chủ kiến, họ mất khả năng tư duy độc lập.
Khi tôi học cấp 2, có 1 lần trường phát cuốn kỷ yếu. Tôi mở ra xem, trong mấy trang đầu có 1 bài thơ của cô hiệu phó. Những người xung quanh khen. Chợt tôi nghĩ đến 1 câu của Einstein “A question that sometimes drives me hazy: am I or are the others crazy?” Phải chăng tôi là người có vấn đề? Bởi tôi nhận ra trong 1 đám, chỉ có tôi cười khi thấy 2 câu trong bài thơ về người thầy do cô hiệu phó viết:
“… Thầy ở lại
Lặng lẽ rơi theo phấn…”
Vài tháng trước tôi có đưa link cho 1 số người bạn xem clip chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết phát biểu tại Cuba:
“Có người ví von, VN, Cuba như là trời đất sinh ra. 1 anh ở phía Đông. 1 anh ở phía Tây. Chúng ta thay nhau canh giữ hòa bình cho thế giới! Cuba thức thì VN ngủ, VN gác thì Cuba nghỉ.”
Lúc đầu tôi đã nghĩ họ e ngại không dám bất kính với người lãnh đạo, nhưng rồi tôi nhận ra họ thực sự không thấy clip đó có gì buồn cười cả.
Hoặc nhà thơ Tố Hữu. Ở đây tôi không muốn bàn chuyện chính trị, nên tôi không có ý định nói về khả năng, quan điểm chính trị, đời sống cũng như vấn đề nhân cách của ông Tố Hữu. Tôi chỉ xin trích câu thơ nổi tiếng của ông:
“Yêu biết mấy, nghe con tập nói
Tiếng đầu lòng con gọi Stalin!”
Như đúng sách vở, rất nhiều người cùng ca ngợi ông Tố Hữu qua 2 câu thơ này. Tôi chỉ mạn phép hỏi các vị, giả sử con các vị bập bẹ tập nói, và tiếng đầu lòng con các vị gọi Hồ Cẩm Đào hay Fidel Castro, các vị có ngập tràn sung sướng và tự hào như thế không?
Hoặc câu:
“Thương cha, thương mẹ, thương chồng,
Thương mình thương 1, thương ông thương 10.”
Cũng lại Tố Hữu. Cũng về Stalin. Trong cuốn “Đêm giữa ban ngày”, tác giả Vũ Thư Hiên đã trích 1 câu nói của cha mình là ông Vũ Đình Huỳnh, ở đời nếu thương người được như mình thương mình đã là khó lắm rồi, làm gì có chuyện thương người hơn chính mình. Nếu có ai nói thế cũng chẳng phải nói thật.
Và chính vì không có khả năng tư duy độc lập, khá nhiều người trong giới trẻ không có khả năng tôn trọng quan điểm của người khác. Năm ngoái trên blog tôi có viết 1 bài về Marc Levy. Tôi không thích Marc Levy. Tôi viết ưu điểm và khuyết điểm trong những cuốn tôi đã đọc. Tôi cũng có viết, cuốn “Nếu em không phải 1 giấc mơ” là cuốn được nhất trong 7 cuốn của Marc Levy đã xuất bản cho đến thời điểm đó. Ý cuối cùng tôi chỉ khẳng định tôi không thích, và không hiểu sao nhiều người thích Marc Levy. Và đó hoàn toàn là quan điểm cá nhân, được viết trên blog cá nhân. Trong những người vào phản đối, có 1 người nói, nếu Marc Levy tôi còn chê, những cuốn sách tôi khen chẳng đáng đọc?! [câu này tôi không thể trích dẫn trực tiếp trong ngoặc kép vì không nhớ chính xác đại từ nhân xưng người bạn học này đã dùng]
3/ Chạy theo những giá trị ảo:
Dĩ nhiên tôi không đánh đồng. Tôi chỉ đang nói, có 1 số lượng không nhỏ rất thường đọc tờ kenh14.vn, 1 tờ báo mạng vốn bị xem là Vedan của giới trẻ.
- Không đem lại kiến thức gì, chỉ viết về những tin tức dạng như chuyện bồ bịch, scandal của các sao..
- Làm hỏng ngôn ngữ trong giới trẻ, cổ xúy cho ngôn ngữ chat. 1 số người bạn của tôi thường viết gọn, bỏ ô, bỏ ê trong các từ, dần thành thói quen, viết trong cả những văn bản quan trọng. Và sau này 1 số từ ngữ bị sử dụng tràn lan, bị lạm dụng quá mức và sai đi so với nghĩa ban đầu, chẳng hạn như từ “tự kỷ”.
- Cổ vũ cho việc đuổi theo những giá trị ảo, như phong trào, hình thức, vật chất… Cụ thể, trang kenh14.vn thường lăng xê những nường xinh xẻo nổi tiếng từ trên mạng, nói nhiều tới các trào lưu và xu hướng…
Chính các trào lưu khiến rất nhiều người không có thói quen nói lên suy nghĩ và bảo vệ những điều mình tin tưởng nữa. Nói đơn giản, họ bắt đầu sống hùa. Khi tôi nói 1 số điều khác với số đông, họ cho là tôi thích chơi nổi và muốn tỏ ra lập dị khác người.
Chính việc chạy theo những giá trị ảo khiến tỷ lệ phá thai ở VN thuộc top đầu thế giới. Nhiều người nghĩ, có người yêu là sành điệu, và cho rằng mình đã trưởng thành và nhiều trải nghiệm hơn người khác khi “sống thử”. 1 trong những vấn đề quan trọng cũng do nền giáo dục. Họ dạy mơ hồ và né tránh môn giáo dục giới tính. Trong cuốn “Hoa hồng giấu trong cặp sách”, 2 tác giả Tôn Vân Hiểu và Trương Dẫn Mặc, sau khi phỏng vấn 13 nam nữ học sinh khá giỏi đã quan hệ tình dục khi vẫn còn đang mài đũng quần trên ghế nhà trường, đã cho thấy nguyên nhân chính dẫn đến điều đó là do ở TQ, người ta ngượng ngùng tránh né chủ đề giáo dục giới tính. Thế là học sinh phải tự tìm hiểu ở những nguồn khác, qua bạn bè, film ảnh… Và việc tìm hiểu sơ sài, những kiến thức không đầy đủ…, họ không biết tác hại của việc phá thai sẽ ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe. Năm lớp 10 trong trường tôi có 1 buổi giáo dục giới tính. Cô Công nghệ nói, khá khó khăn để có được 1 buổi như vậy, vì nhiều người phản đối, bảo thế là vẽ đường cho hươu chạy. Nhưng vẽ đường cho hươu chạy, chẳng lẽ không tốt hơn việc không vẽ gì hết và để hươu chạy tứ tán?
4/ Vô tâm, vô cảm:
Số lượng những người trẻ có quan tâm đến tình hình đất nước, rất khả quan, càng ngày càng tăng. Cách đây vài năm, cuộc biểu tình phản đối TQ về vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa chẳng bắt nguồn từ ai ngoài các sinh viên. Chính các sinh viên họp nhau quyết định xuống đường biểu tình. Đó là 1 dấu hiệu tốt.
Bên cạnh đó, rất nhiều người tôi biết vẫn hoàn toàn vô tâm và vô cảm. Khi tôi nói đến dự án bauxite tại Tây Nguyên, nhiều người tự nhận mình là trẻ con, không nên quan tâm tới những vấn đề như vậy, và họ tin những người lãnh đạo có cách giải quyết, và biết mình đang làm gì. Rất nhiều bạn học cũ của tôi hiện giờ vẫn còn chửi bới tôi ở VN, nói tôi phản động nhưng chỉ vờ tỏ ra yêu nước. Theo định nghĩa của họ, tôi phản động, nhưng chuyện yêu nước, tôi không nghĩ họ yêu nước hơn tôi. Những người học rồi giải trí và nói chuyện chủ quyền và an ninh lãnh thổ là chuyện nhà nước lo.
Nhưng tôi cũng không hoàn toàn trách họ. Tôi biết mình đang làm gì, và chấp nhận mọi hậu quả. Tôi đã mất 1 số người bạn, và ngược lại tôi có thêm 1 số người bạn khác. Tôi không hoàn toàn trách họ. Trước hết, nền giáo dục quá nặng nề khiến họ chỉ dành phần lớn thời gian chúi mũi vào bài vở và chạy theo điểm số và thứ hạng. Chính tôi cũng đã học trong nước, và hiểu rõ hơn ai hết chương trình học nặng và căng thẳng như thế nào. Tôi chỉ bắt đầu viết về chính trị khi ra khỏi nước vì 2 lý do: 1, khi ở VN tôi không có nhiều thì giờ, 2, chỉ khi được đi, quan sát, trải nghiệm và so sánh, tôi mới nhận ra nhiều điều tôi đã không thấy khi còn ở trong nước, và các bài viết của tôi đều dựa trên những quan sát và kinh nghiệm của bản thân.
Bên cạnh nữa, họ không quan tâm cũng phải, họ không được khuyến khích quan tâm. Những người trong gia đình muốn họ không nên dính vào chính trị, nguy hiểm. Những người khác chặn, không muốn họ cụ cựa gì. Người lớn cũng lạ lắm. Ôi các em 16 tuổi, các em ăn chơi đàn đúm thì được, nhảy nhót ngoài vũ trường thì được, rượu bia thuốc lá thì được, bồ bịch và “sống thử” thì được, chẳng ai nói năng gì, nhưng nếu các em viết về chính trị thì khuyên các em nên dẹp đi, các em phải lo học, tuổi của các em là tuổi học.
Bài viết trên nói về 1 số lượng khá nhiều trong giới trẻ chứ không phải vơ đũa cả nắm và áp đặt cho tất cả mọi người. Cám ơn vì đã đọc.
Joyce Anne Nguyen
2g5ph sáng, 11/4/2010, Na Uy.
http://www.facebook.com/profile.php?id=100000169765850&ref=profile#!/note.php?note_id=408049653141
Saturday, April 10, 2010
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
0 comments:
Post a Comment