Thursday, April 8, 2010

Về nơi nuôi dưỡng tinh thần chống ngoại xâm

Phạm Thành

Tiền trăm tỷ, nghìn tỷ chi ra để làm lễ hội kỷ niệm mừng chiến thắng, khiến cõi lòng mỗi chúng ta xót xa, vì dân ta hiện còn quá nhiều người phải nhọc nhằn hàng ngày để kiếm một nghìn, vài nghìn đồng nhằm duy trì cuộc sống. Nhưng, bỏ qua điều đó, chúng ta sẽ có lý do để vui với những lễ hội dạng này. Vì lễ hội chiến thắng, thường là nơi để ý thức bảo vệ chủ quyền đất nước được khôi phục, thăng hoa, phát huy ảnh hưởng. Đó là cảm nhận của tôi khi tham dự lễ hội kỷ niệm 45 năm Hàm Rồng chiến thắng, diễn ra đêm 3/4/2010 tại đồi C4 Anh hùng, ngay ở phía Nam cầu Hàm Rồng, thuộc tỉnh Thanh Hóa. Đồi C4 là trận địa pháo cao xạ quan trọng của quân dân ta ngày đó. Người xứ Thanh đến dự đông đảo, thuộc đủ mọi thành phần: già, trẻ, gái, trai; cán bộ, nhân dân, sinh viên, học sinh, công nhân, nông đân, bộ đội, công an và có cả quan chức trung ương, các tỉnh bạn. Nét mặt ai ai cũng hân hoan, rạng rỡ. Nó thực sự là ngày hội của những người con đất Việt luôn giữ chữ Tổ quốc ở trong tim.

Tại đây, một kịch bản Hàm Rồng chiến thắng, dài độ 90 phút, dựa trên những sự kiện lịch sử có thật về trận chiến đấu giữa quân và dân Thanh Hóa với máy bay của Mỹ quyết phá cho kỳ được cây cầu hiểm yếu này, diễn ra trong 2 ngày 3 và 4/4/1965, được tái hiện. Những tiếng gầm rú ghê rợn của máy bay Mỹ, những khẩu pháo cao xạ của quân ta nhả đạn oàng oàng và những tiếng hô đanh thép “quyết chiến giữ cầu” vang lên. Rồi tiếng bom nổ, tiếng khóc, tiếng thét của bộ đội, dân quân bị trúng đạn hy sinh. Rồi hình ảnh những dân quân Hàm Rồng, Nam Ngạn, Yên Vực mình quấn lá ngụy trang lao trong bom đạn để tải thương, vác đạn hay đem từng ca nước uống, từng nắm cơm đến tận trận địa pháo cho các chiến sĩ. Rồi hình ảnh những đoàn quân ra trận, những bàn tay vẫy vẫy; những lời hẹn ước của tình yêu sau ngày chiến thắng trở về…

Một cuộc chiến đấu thật máu lửa với tinh thần “quyết chiến, quyết thắng”, bất chấp hy sinh. Nhờ tinh thần đó, trong hai ngày, 47 máy bay các loại của Mỹ bị bắn hạ và cây cầu vẫn sừng sững nối hai bờ đưa những đứa con của dân tộc đi vào hỏa tuyến. “Hàm Rồng chiến thắng” đã thực sự tiếp sức cho cuộc kháng chiến chống Mỹ ác liệt đi tới thắng lợi cuối cùng vào ngày 30.4.1975.

Tại sao quân, dân ta lại có tinh thần “kiên cường bất khuất” này? Không thể nói khác, đó là truyền thống, là sự kết tinh của ý chí độc lập dân tộc của cộng đồng người Việt đã có cả nghìn năm, mà vì nó, cha ông ta trước đây và ngay nay là chúng ta, đã không quản hy sinh, mất mát. Nhờ có truyền thống và sự kết tinh ấy mà đất nước Việt Nam ta phải qua nghìn năm Bắc thuộc mà không bị đồng hóa bởi chủ nghĩa Đại Hán. Nhờ thế mà từ ngàn năm nay ta mới thắng được những đế quốc hùng mạnh hơn ta nhiều lần như: Hán, Tống, Nguyên Mông, Pháp, Nhật, Mỹ.

Chao ôi ! Như thế thì, trên mỗi tấc đất hay biển cả của Đại Việt ta, có chỗ nào lại không đẫm máu con dân Việt; lại không có cốt hóa của con dân Việt tụ hội thành hồn thiêng của dân tộc.

Đến với những kỷ niệm chiến thắng, hồn cốt chúng ta sẽ được nuôi dưỡng cái tinh thần đó. Cái chữ Tổ quốc có thể đang “gà gật” hay đang mê mải với hành trình quyền, tiền, danh vị… sẽ tự nhiên được đánh thức trong trái tim mình.

Và từ nó, trái tim sẽ lại vang lên với bao điều trăn trở về Tổ quốc hiện nay. Và rồi, trái tim sẽ đau và dần dần căng lên, uất hận:

- Kẻ nào rắp tâm đem đất, và biển đảo dâng cho Tầu?

Sẽ bị hồn thiêng núi sông và biển cả, hỏi tội nay mai.

- Kẻ nào rắp tâm hủy hoại tinh thần dân tộc, tinh thần yêu nước của con dân Đại Việt?

Sẽ bị hồn thiêng chiến thắng, hỏi tội nay mai.

- Kẻ nào đã phản bội máu xương bao thế hệ con dân Việt đã đổ xuống đất này?

Sẽ bị hồn thiêng chiến thắng, hỏi tội nay mai.

Xin những ai đang rắp tâm bán nước hãy tỉnh ngộ. Xin các vị hãy đến dự các lễ chiến thắng, không chỉ để nghe diễn văn long trọng, xem trò diễn tưng bừng mà hãy thả lỏng trái tim mình, lắng nghe hồn cốt con dân Đại Việt đang cựa quậy, thở than về sự độc lập của dân tộc hôm nay.

Ngày 7.4.2010

P.T

TC Mạng Bauxite Việt Nam biên tập
http://www.boxitvn.net/bai/2623

0 comments:

Post a Comment