Saturday, April 17, 2010

Thư Gửi Chị - Một Nữ Anh Hùng Dân Tộc

Chị Lê Thị Công Nhân kính mến!

Xin cho em được gọi chị với cái tên kính trọng như vậy.

Có lẽ chị sẽ bất ngờ khi đọc những dòng này vì chị em ta chưa từng gặp mặt. Nhưng những việc chị làm đã hoàn toàn thuyết phục được em, và vô tình, giờ đây em rất hãnh diện khi được đứng cùng “chiến tuyến” với chị trong công cuộc đấu tranh cho cái xấu, cái sai của xã hội.

Em biết chị là một luật sư công tâm, có trình độ – là thành viên của Đoàn Luật sư Hà Nội, hội viên Hội Luật sư Quốc tế – có tâm huyết, là một nhân tài đặc biệt, một hạt ngọc hiếm của xã hội. Em cảm thấy việc chị bị bỏ tù suốt 3 năm trời, với một lời kết tội không sao giải thích nổi vì thiếu bằng chứng hiển nhiên: “âm mưu lật đổ chính quyền”(!). Chỉ có một chính quyền mất tự tin, luôn lo sợ trước sự khinh thường và phẫn nộ của nhân dân, mới hành xử một cách mù quáng, vùi dập hạt ngọc quý hiếm của dân tộc xuống tận bùn đen bất công như vậy.
Hẳn là giờ này, chị đang quay quần với người thân khi trở về ngôi nhà thân yêu của mình, được gặp lại những cảnh vật và con người quen thuộc sau cả ngàn ngày xa cách, bị giam cầm và trấn bức trong “nhà tù nhỏ” của chế độ cộng sản “của dân, do dân, vì dân”.

Em cứ suy nghĩ không biết giờ này trong lòng chị đang buồn hay vui?

Chắc hẳn chị sẽ vui, vì được trở lại nơi chị đã sống, có mẹ, có người thân, có ngôi nhà ấm cúng của mình sau những tháng ngày đày đọa trong tù.

Nhưng, chắc hẳn chị sẽ buồn, vì ngày chị ra đi cách đây đã 3 năm và ngày chị trở lại hôm nay, vẫn một không khí ngột ngạt, bụi bặm và ngày càng “ngột ngạt” hơn thế.

Chắc hẳn chị sẽ buồn hơn, vì khi chị đi, những cái gọi là “dự án”, “kế hoạch” khai thác, bán đổ bán tháo tài nguyên, đất đai của ông cha ta chưa bị “lộ sáng” để chị đau lòng. Ngày chị trở về, mọi thứ đã phơi bày ra trước mắt. Bọn bành trướng Trung Quốc đã đưa người vào tận mái nhà Tây Nguyên dưới nhiều hình thức. Ngoài biển, Hoàng Sa đã mất từ lâu, Trường Sa cũng đang nằm trong tay bọn bành trướng, nhiều ngư dân đánh cá trên vùng biển nước mình bị cấm ngang nhiên, bị bắt giữ, bị đánh đập tàn nhẫn.

Có thể chị ngạc nhiên chăng và hỏi: “Vậy vai trò của nhà nước để đâu?” Cũng xin nhắc lại với chị rằng nhà nước “của chúng ta” cũng đã phản ứng–phản ứng bằng cái băng cassete cũ do người phát ngôn Bộ Ngoại giao tua lại“Việt Nam có đầy đủ bằng chứng…” vậy là xong.

Giờ đây, nhà nước ta luôn kêu rất to rằng “đất đai thuộc nhà nước quản lý” rất hùng hồn, rất đanh thép, rất kiên quyết. Nhưng những lời đanh thép đó chỉ dùng khi nhà nước muốn cướp đất của nông dân, của tôn giáo, của nhà thờ… Còn khi bọn bành trướng đại Hán ngang nhiên xâm lược lãnh thổ, thì nhà nước “của chúng ta” nhũn như con chi chi. Họ không dám lên tiếng, họ không dám mạmh mồm, họ chỉ dám “giao thiệp”… hầu như “nhà nước ta” đã không còn “quản lý” những nơi đó.

Chị kính mến,

Những điều đó, em tin sẽ làm chị đau lòng hơn dù chị đã được ra khỏi nhà tù nhỏ.

Những ngày chị đi tù, muôn vạn ánh mắt dõi theo chị từng tin tức nhỏ, từng diễn biến xảy ra với chị trong nhà tù. Một nữ nhi mỏng manh, chân yếu tay mềm làm sao đối đầu được với muôn vàn mưu gian quỷ kế của nhà nước và nhà tù cộng sản.

Nhưng, ra khỏi nhà tù nhỏ, chị lại được chứng kiến những màn bi hài kịch của một nhà tù lớn. Ở đó chị sẽ thấy “đảng quang vinh” của chúng ta đã làm gì để xứng đáng là “đội quân tiên phong”. Trên trang ngôn luận, tiếng nói chính thức của đảng đã công nhận rằng Biển Đông là của Trung Quốc, trang web thương mại Việt Trung mà Tổng bí thư, Chủ tịch nước hể hả bấm nút cũng ghi rõ ràng như vậy. Rừng đầu nguồn đang bị “thuê” hàng trăm ngàn hecta, Tây Nguyên vẫn cứ rước giặc Tàu vào ngồi chễm chệ, hàng Tàu độc hại vẫn tràn ngập đầu độc nhân dân ta.

Báo chí nhà nước, truyền thông nhà nước rặt một giọng hùa theo chính sách bán nước và phụ họa lũ cướp nước. Những tiếng nói cất lên vì lòng yêu nước, vì sự trung thành, vì sự thật… nhanh chóng được mời vào ngồi chơi và nghỉ ngơi trong các nhà tù nhỏ…

Người dân ngày càng lầm than, giá cả tăng chóng mặt, lạm phát ngày càng cao, đội ngũ thất nghiệp ngày càng lớn, cuộc sống người dân ngày càng bị đe dọa đủ mặt… và đảng ngày càng giàu, quan chức của đảng ngày càng béo.

“Đảng quang vinh” của chúng ta, ngày càng thể hiện đúng bản chất của mình, “hèn với giặc, hung hãn với dân”. Những vụ việc liên quan đến đất đai của nhân dân, hẳn chị không được chứng kiến lực lượng hùng hậu, hung hãn vô cùng của ngàn trùng điệp điệp cảnh sát, chó và công an với đủ thứ vũ khí được tậu từ tiền của nhân dân đóng góp để trấn áp và để cướp bằng được. Những vụ Tòa Khâm sứ, Thái Hà, Tam Tòa, Loan Lý, Bát Nhã, Đồng Chiêm… là những minh chứng hùng hồn và cụ thể.

Chị cũng sẽ thấy được những hạ sách mà đảng ta đã sáng tác ra để quần chúng nhân dân tự tiêu diệt nhau với kế “dùng nhân dân đánh nhân dân” bằng một lực lượng mới. Đó là “quần chúng tự phát”. Những ngón võ bẩn đó chỉ duy nhất là giữ bằng được cái ghế quyền lực trên đầu trên cổ nhân dân để mà kiếm, để mà cướp, để vinh thân phì gia, kệ vận mệnh đất nước đến đâu thì đến, mất còn không cần biết.

Ngày chị đi…

Những điều trên đây lẽ ra không nên nói với chị giờ này, để dù sao cũng nên mang đến cho chị những niềm vui nho nhỏ sau cả ngàn ngày xa cách. Nhưng sự đời nhiều khi là vậy, muốn cũng chẳng đặng dừng, thích cũng không thể nào im. Vì vậy những điều đó có thể làm chị buồn nhưng là thực tế.

Ngày chị đi, các anh Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức… cũng đã phải “theo bước” bởi tấm lòng yêu nước quả cảm.

Nhưng cũng đã có những điều khác hơn ngày chị ra đi, như những tín hiệu của cánh én báo mùa xuân.

Sự đời là con giun xéo lắm cũng quằn, nhân dân chịu đựng chỉ đến một lúc nào đó thôi, lòng dân như sóng cồn, như bão lửa, nhận thức người dân không chỉ dừng lại ở “ơn Đảng, ơn Chính phủ” hoặc “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”. Nhân dân đã dần dần thấy được sự đạo đức của “đảng ta”, dân càng thấy được sự anh hùng của “đảng ta” trước ngoại bang như thế nào… và lòng dân đã nổi giận.

Ngày chị đi, chưa có những trí thức đất nước dám hiên ngang ra trận bằng những phản biện hùng hồn làm chùn tay những kẻ rắp tâm bán nước, rước voi về giày mả tổ.

Ngày chị đi, hàng ngũ trí thức của đất nước đang chấp nhận chữ “HÈN” để nín thinh trước bạo lực, nhưng giờ đây, họ đã lên tiếng. Những ngón đòn bẩn thỉu dành cho cá nhân, những hành động lén lút phá hoại trái pháp luật các trang web, những hành động dung túng cho những quan chức âm mưu bán nước cho Tàu vì “thân nhân tốt” ngược lại thì trấn áp người dân và bịt miệng họ đã bị vạch mặt.

Ngày chị đi, người dân chưa hiểu được mình có quyền gì một cách đầy đủ, nhưng giờ đây họ đã khác, họ đã dám kiêu hãnh đứng lên xác nhận quyền của mình mà bấy lâu đã bị nhà nước âm thầm cướp đi coi đó là quy luật.

Đó là những điều khác so với trước đây 3 năm khi chị ra đi.

Ngày trở về…

Viết là một hình thức hành đạo, là một cách bày tỏ chính kiến bằng thái độ dứt khoát, một lý tưởng phục vụ nhân sinh… Đó chính là điểm đích của những người cầm bút hôm nay. Cái chân lý ấy đã từ lâu ngời sáng như ánh thép trong thơ văn cụ Nguyễn Đình Chiểu:

“Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm
Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà…”

Phải, chỉ có lòng yêu nước và lòng tự hào dân tộc mới dẫn dắt chúng ta phân biệt được đâu là chính, đâu là tà. Ngày xưa, hai câu thơ nghĩa khí ngất trời của cụ Nguyễn Đình Chiểu đã làm thửc tỉnh biết bao nhiêu con người mê muội.

Thời loạn, “khí tà” giăng bủa khắp nơi thì thời bình cái “hỏa mù” giữa sai và đúng càng khó lòng phân biệt. Bởi lòng yêu nước không dành cho riêng ai, chỉ có điều làm sao chúng ta có thể nhận thức và phân biệt được đằng sau những từ ngữ to tát, những nhân danh này nọ ấy chứa đựng cái gì?

Vì vậy trong những năm đầu tiên ở thập niên thứ nhất của thế kỷ 21, còn nhiều lắm, rất nhiều những “Nguyễn Đình Chiểu” – kẻ mà ngay từ đầu, lý tưởng đã nhận thức rõ ràng, không khoan nhượng trước bất kể cái sai, cái xấu và thế lực tà đạo nào.

Ngày chị trở về, mừng vui và âu lo vẫn còn đó, xin chúc chị lại sống một mùa xuân, mùa xuân ra trận với dũng khí của tuổi trẻ đã được luyện rèn và của những truyền thống nữ anh hùng dân tộc được đúc kết trong chị, như chị đã từng tuyên bố khi trả lời phỏng vấn các hãng tin nước ngoài là “không bao giờ khuất phục”.

Nguyễn Phương Duy
Sài Gòn, Việt Nam

0 comments:

Post a Comment