Nguồn: blog Hồ Bất Khuất
05.04.2010
Ở nước ta, những chuyện trái khoáy đã có rất nhiều, nhưng sự trái khoáy ở cầu Thăng Long hiện nay đang gây ra nhiều bức xúc.
Cầu Thăng Long được dự định xây dựng từ lâu (từ trước năm 1975), Trung Quốc hứa giúp chúng ta làm theo kiểu cầu Trường Giang. Họ đã bắt tay vào làm, nhưng do tình hình biến động, họ không làm nữa. Sau năm 1979, Liên Xô giúp chúng ta xây dựng cầu Thăng Long, họ khảo sát lại từ đầu và xây dựng theo thiết kế của họ.
Cầu Thăng Long
Chiều dài: 6.000m.
- Cấu tạo: là cầu giàn thép.
- Cấu trúc: Cầu đường bộ và đường sắt đi chung, gồm 2 tầng. Cầu có 25 nhịp phần cầu chính và 46 nhịp cầu đường dẫn của đường sắt và đường xe thô sơ.
- Tầng 1: có 2 làn cầu riêng biệt, rộng 3,5m (1 làn) dùng cho phương tiện thô sơ. Phần giữa tầng 1 là đường dành dành cho tầu hỏa có chiều rộng 11m.
- Tầng 2: dành cho các loại xe cơ giới có chiều rộng 21m, mặt cầu bê tông, bê tông nhựa và 2 làn dành cho người đi bộ tham quan.
Cầu Thăng Long được chính thức đưa vào sử dụng ngày 9/5/1985
Từ đó cho đến trước tháng 9 – 2009, không có sự cố đáng kể nào xẩy ra đối với cây cầu này. Tháng 9 – 2009 thấy thông báo là sẽ sửa chữa mặt cầu Thăng Long. Đầu tháng 10 – 2009, thấy có người lên gõ gõ, cạo cạo trên mặt cầu. Cây cầu dài rộng nhường ấy mà chỉ thấy mấy người ngồi lom khom, dùng thiết bị thô sơ làm việc, thấy sao mà sốt ruột! Rồi tắc đường, phải bắc cầu phao qua sông…
Sửa mặt cầu Thăng Long
Hỏi là tại sao đang yên, đang lành, cầu vẫn đi tốt mà lại bóc, cạo lên để vừa tốn công sức, vừa tắc đường? Được trả lời là sửa chữa để chống thấm, chống ăn mòn.
Nói vậy thì biết vậy. Tìm hiểu thêm thì được biết: Cầu Thăng Long được đầu tư 97 tỷ đồng để bóc toàn bộ lớp phủ mặt cầu cũ, làm mới lớp phủ mặt cầu rộng 16,5 mét, dài gần 1,7 km bằng công nghệ bê tông nhựa SMA của Anh Quốc. Khi thi công cũng có chuyên gia người Anh giám sát.
Nhưng chỉ sau 2 tháng sau khi thông xe, cây cầu huyết mạch nối trung tâm Hà Nội với sân bay Nội Bài đã xuất hiện nhiều vết nứt với độ mở rộng khoảng 3-5cm, độ dài trung bình 2-4m cho mỗi vết nứt. Nứt thì vá, có gì đâu!? Nhưng vá xong lại nứt!
Vết nứt
Làm sao bây giờ? Các bên đổ lỗi cho nhau. Không bên nào chịu nhận. Chuyên gia Anh và Singapre thì bảo “Vết nứt trên cầu Thăng Long là chưa từng có trên thế giới!”.
Việc bóc đi, tráng lại mặt cầu Thăng Long có số vốn đầu tư gần 100 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước, hay nói cách khác là từ tiền thuế đóng góp của nhân dân để đầu tư xây dựng công trình phục vụ lợi ích công cộng. Bỏ ra gần một trăm tỷ đồng, chịu sự lộn xộn về gia thông trong gần 3 tháng, để nhận mặt cầu đầy các vết nứt nguy hiểm. Ai lại không xót?
Trước những tranh cãi của nhà thầu và tư vấn giám sát về nguyên nhân nứt vỡ mặt cầu Thăng Long, sáng 26/3 Bộ trưởng Giao thông Hồ Nghĩa Dũng cho biết, đã mời chuyên gia chuyển giao công nghệ Trung Quốc sang kiểm tra và xác định nguyên nhân.
Qua những diễn biến này, tôi thấy có quá nhiều cái trái khoáy!
- Cầu do người Nga giúp ta xây dựng, sao khi sửa chữa không tham khảo ý kiến của họ, dùng công nghệ của họ?
- Bây giờ xác định nguyên nhân các vết nứt, lại mời chuyên gia Trung Quốc, sao không mời chuyên gia Nga?
Dẫu nhiều người Việt Nam không có cảm tình với công nghệ của người Nga. Song, phải công nhận rằng, cho đến thời điểm này, cầu Thăng Long vẫn là cây cầu hoành tráng ở nước ta, hình như đang là cây cầu 2 tầng duy nhất. Từ khi đưa vào sử dụng đến nay, không có vấn đề gì lớn (khác với cầu Chương Dương do ta thiết kế và xây dựng cùng thời điểm, đang đặt ra rất nhiều vấn đề). Có được điều này là do người Nga thiên về “ăn chắc, mặc bền” trong xây dựng.
Bây giờ tự nhiên chúng ta cạo mặt đường của cầu, trải lớp mới bằng công nghệ của người Anh, gây nên những sự cố lại mời người Trung Quốc đến tìm nguyên nhân. Sao có thể suy nghĩ và hành động trái khoáy đến vậy?
0 comments:
Post a Comment