Thursday, May 20, 2010

Tin 21.5.10 Việt Nam hết hơi

Bản tin tổng hợp TGNV ngày 21.5.2010

Tin Việt Nam


Thị trường trượt dốc vì đòn bẩy tài chính
Ảnh hưởng từ thị trường thế giới, dòng tiền bị hút sang các kênh khác hay sự lo lắng của nhà đầu tư đối với những bất ổn vĩ mô chỉ là một phần nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán thoái trào trong những phiên gần đây.
Phiên giao dịch ngày 19/5 kết thúc khi Vn-Index tiếp tục mất thêm 14,3 điểm. Chỉ số của sàn TP HCM lùi về 494,9 điểm sau đánh mất toàn bộ thành quả tích lũy được kể từ đầu năm 2010 chỉ trong vòng 9 phiên (Vn-Index mất 54,61 điểm, tương đương khoảng 10% giá trị). Cũng trong khoảng thời gian này, số điểm mà HNX-Index “đánh rơi”, thậm chí, còn lên tới 14,3%.
Bên cạnh Index, thanh khoản thị trường trong thời gian gần đây cũng cho thấy dấu hiệu sụt giảm. Giá trị giao dịch trên sàn HOSE không còn giữ được mốc 2.000 tỷ đồng trong 4 phiên gần đây trong khi tại HNX, lượng giao dịch đã bắt đầu sụt giảm từ đầu tuần trước.
Bầu không khí u ám bao trùm hầu hết các sàn giao dịch cũng như những diễn đàn trực tuyến về chứng khoán. Nhà đầu tư tiếp tục tháo chạy khi các lệnh bán giá rẻ vẫn được ồ ạt đưa vào hệ thống trong khi việc xác định đáy của đợt sụt giảm vẫn là một bài toán khó đối với giới chuyên môn.
Nhà đầu tư vẫn chưa nhìn thấy dấu hiệu phục hồi của Vn-Index trong ngắn hạn. Ảnh minh họa: Hoàng Hà
Theo ông Trần Thanh Tân, Tổng giám đốc Công ty liên doanh quản lý quỹ Việt Nam (VFM), cho dù chưa ảnh hưởng trực tiếp tới kinh tế trong nước nhưng những diễn biến xấu của thị trường tài chính quốc tế trong thời gian gần đây cũng khiến tâm lý nhà đầu tư Việt Nam không khỏi dao động.
"Cuộc khủng hoảng nợ tại châu Âu, chứng khoán Mỹ và thế giới tụt dốc, bong bóng nhà đất tại Trung Quốc phình to cũng như việc giá vàng, đôla nhảy múa…Trong bối cảnh như vậy, nếu thị trường trong nước cứ tiếp tục tăng thì mới là chuyện lạ”, ông Tân nhận định.
Bên cạnh những yếu tố “ngoại”, một số vấn đề của kinh tế Việt Nam hiện nay như thâm hụt thương mại tiếp tục ở mức cao, Chính phủ điều chỉnh chỉ tiêu lạm phát hoặc áp lực tỷ giá vào cuối năm… cũng tác động không nhỏ tới tâm lý nhà đầu tư. “Mặc dù những nguy cơ này chưa thực sự rõ ràng nhưng đối với các quỹ hoặc những nhà đầu tư cá nhân cẩn trọng, họ vẫn phải cân nhắc để tránh rủi ro bất ngờ”, ông Phạm Vũ Đồng, chuyên viên phân tích của Công ty chứng khoán VnDirect nhận xét.
Riêng đối với thanh khoản thị trường, nhiều ý kiến cho rằng dòng vốn đổ vào các cổ phiếu niêm yết đang rút dần và chuyển sang một số kênh đầu tư khác, đặc biệt là bất động sản. Ngay trong lĩnh vực chứng khoán, lực hút vốn của thị trường OTC cũng tăng mạnh trong thời gian gần đây.
“Hiện trên thị trường OTC xuất hiện khá nhiều cổ phiếu tăng giá mạnh, có mã tăng tới 100% chỉ trong thời gian ngắn. Đặc biệt, nhà đầu tư thường có xu hướng tìm mua các cổ phiếu sắp “lên sàn” với kỳ vọng các mã này sẽ tăng ít nhất một vài phiên sau khi niêm yết”, ông Phạm Vũ Đồng cho biết.
Bên cạnh những nguyên nhân nêu trên, giới phân tích cũng cho rằng sở dĩ chứng khoán tụt dốc nhanh đến vậy là do đà tăng điểm kém bền vững trước đó (chủ yếu dựa vào các cổ phiếu bị làm giá và đòn bẩy tài chính).
Theo Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty chứng khoán Phương Đông, Lâm Đạo Thảo, việc thị trường có nhiều cố phiếu bị làm giá đã tạo ra những yếu tố không lành mạnh trong sự tăng trưởng của Vn-Index: “Các cổ phiếu bị làm giá không thể cứ tăng mãi. Khi gặp các yếu tố không thuận lợi thì giá giảm cũng là điều bình thường”.
Những “yếu tố không thuận lợi” mà ông Thảo nói đến cũng tác động mạnh đến những nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính. Theo đại diện một công ty chứng khoán lớn tại Hà Nội, tỷ lệ nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính tại hầu hết các công ty hiện đều ở mức cao:
“Động lực chủ yếu giúp thị trường tiến sát mốc 550 điểm trong giai đoạn đầu tháng 5 thực chất là đòn bẩy tài chính chứ không phải do mở rộng tín dụng hay dòng tiền đột biến từ bên ngoài thị trường. Đà tăng này sẽ rất mong manh nếu thị trường gặp diễn biến xấu, khiến giá cổ phiếu sụt giảm”, đại diện công ty chứng khoán này giải thích.
Tỷ lệ đòn bẩy mà các công ty chứng khoán thường áp dụng cho nhà đầu tư là 100% (nhà đầu tư được phép mua gấp đôi số tiền mình có). Tuy nhiên, theo Tồng giám đốc một công ty chứng khoán có trụ sở tại quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), hiện có những công ty cho phép khách hàng của mình sử dụng đòn bẩy với tỷ lệ tới 400%.
“Với tỷ lệ ký quỹ như vậy, chỉ cần cổ phiếu giảm giá 2 - 3 phiên liên tiếp, phần tiền ký quỹ của nhà đầu tư có thể mất sạch. Công ty chứng khoán, khi đó buộc phải xử lý các tài khoản này bằng cách tự động bán ra chứng khoán", vị Tổng giám đốc này giải thích.
Như vậy, chỉ sau vài phiên giảm điểm, nhiều tài khoản của nhà đầu tư sẽ rơi vào diện "phải xử lý". Lượng khách hàng sử dụng đòn bẩy càng nhiều, lượng chứng khoán mà công ty phải bán ra cáng lớn. Cung - cầu trên thị trường mất cân bằng sẽ tiếp tục "đè" giá cố phiếu, khiến thị trường càng "xuống dốc không phanh".
Sau 9 phiên giảm điểm liên tiếp, câu hỏi lớn nhất đối với nhà đầu tư trên thị trường hiện nay là xác định được đáy của đợt sụt giảm. Bán ra phần lớn cổ phiếu trong tuần trước, chị Minh Yến, một nhà đầu tư tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết mình đã may mắn thoát được đúng lúc, dù vẫn kẹt lại một mã: "Nếu dùng đòn bẩy tài chính như những nhà đầu tư khác hoặc giữ lại cổ phiếu đến lúc này, chắc tôi đã thiệt hại hàng tỷ đồng", chị Yến chia sẻ.
Đánh giá về xu hướng thị trường trong thời gian tới, nhiều ý kiến cho rằng thị trường sẽ tiếp tục trạng thái lình xình trước khi xác định xu hướng mới. “Nếu nhìn về các yếu tố vĩ mô cơ bản thì tình hình hiện nay vẫn khá ổn định và có nhiều triển vọng. Đây là nguyên nhân chính khiến các định chế tài chính lớn tiếp tục tin tưởng vào các quyết định giải ngân của mình trong trung hạn”, ông Trần Thanh Tân, Tổng giám đốc VFM nhận định.
Nhật Minh



Nhiều công ty chứng khoán 'gián đoạn' khả năng thanh toán
Không đủ tiền thực hiện thanh toán bù trừ, nhiều công ty phải vay từ Quỹ hỗ trợ để bù đắp số tiền thiếu hụt theo quy định.
Theo công văn của Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD), Công ty chứng khoán An Thành (ATSC), An Phát (APSI) đã liên tiếp vi phạm quy định về thanh toán bù trừ chứng khoán.
Cụ thể, ngày 7, 10, 11/5, ATSC thiếu hụt tiền trên tài khoản môi giới trong nước để thanh toán cho các giao dịch chứng khoán ngày 4, 5 và 6/5. Tổng mức nợ đến ngày 12/5 là 12,17 tỷ đồng.
Còn APSI, ngày 5, 6 và 7/5 thiếu tiền trên tài khoản môi giới trong nước và tài khoản tự doanh để thanh toán cho các giao dịch ngày 28, 29/4 và 4/5 với số tiền cụ thể: 5,77 tỷ, 3,8 tỷ và 0,69 tỷ. Mức vay đến ngày 12/5 là 4,5 tỷ đồng.
Theo VSD, để đảm bảo hoạt động thanh toán được thông suốt, trung tâm lưu ký đã làm thủ tục cho hai công ty này sử dụng tiền vay từ Quỹ hỗ trợ thanh toán để bù đắp số tiền thiếu hụt. Đồng thời yêu cầu phía công ty rà soát lại quy trình kiểm soát nội bộ, có biện pháp khắc phục tình trạng thiếu tiền để đảm bảo an toàn cho hệ thống thanh toán, cũng như tuân thủ đúng các quy định về thanh toán bù trừ của VSD. Đại diện các công ty cho biết đến nay đã hoàn tất trả nợ vay.
Trước đó, Công ty cổ phần chứng khoán Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) cũng đã bị VSD gửi công văn cảnh cáo vì thiếu số dư của nhiều mã chứng khoán trên tài khoản để thanh toán cho các giao dịch ngày 22/4.
Theo đại diện VSD, việc mất khả năng chi trả chỉ xảy ra tạm thời. Bởi thời điểm chốt số dư tài khoản tiền gửi thanh toán bù trừ giao dịch chứng khoán niêm yết của thành viên là 11h ngày thanh toán (ngày mà bên mua, bán nhận được chứng khoán, tiền). Song, nhiều công ty điều phối tiền chậm, sau thời gian quy định mới chuyển tiền đến.
Không đủ số dư, công ty chứng khoán bị coi mất khả năng thanh toán và VSD tự động thực hiện việc khắc phục tình trạng thiếu tiền bằng cách cho vay từ Quỹ hỗ trợ với lãi suất nhất định.
Việc cảnh báo các công ty chứng khoán vi phạm quy định thanh toán bù trừ đa phương nhằm đảm bảo cân đối tài chính ngắn hạn và cho dùng đòn bẩy ở mức an toàn.
Bạch Hường



Theo dấu chân "đàn anh Trung Quốc":
"Bong bóng" nhà đất Hà Nội sẽ nhanh vỡ
Khoảng một tháng rưỡi trở lại đây, giá đất ở Hà Nội không ngừng tăng chóng mặt, có nơi giá được đẩy lên tới 130 triệu đồng một m². Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, đây là dấu hiệu của nạn "bong bóng" và sẽ nhanh chóng vỡ. Theo giới kinh doanh bất động sản, mức giá “cắt cổ” nhất hiện nay phải kể đến đất ở khu vực quận Tây Hồ và một số “điểm nóng” trên trục đường Láng - Hòa Lạc.
Khu đô thị Ciputra quanh mạn Tây Hồ giá cũng tăng rất mạnh, hiện gần chạm mức 100 triệu đồng mỗi m². Khu vực gần Đài phát thanh xã Trung Văn cách đây hai tháng giá chỉ 45 triệu đồng một m², bây giờ vọt lên 80 triệu đồng. Một số vị trí đẹp khác trên trục đường này giá còn lên tới gần 100 triệu đồng. Một phần nguyên nhân giá đất ở khu vực này tăng nóng là do trục đường này phải hoàn thành sớm để kịp chào đón Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, hơn nữa sau này đây sẽ là trục đường chiến lược của Thủ đô.
Nằm trong danh sách khu đất có mức tăng giá trên dưới 50% còn phải kể đến đất dự án Geleximco khu C, D trên đường Lê Trọng Tấn mới. Con đường này đang chuẩn bị thông xe. Trong vòng hơn một tháng trở lại đây, đất khu vực này đã tăng giá từ 42 triệu đồng lên 65 - 70 triệu đồng mỗi m² ở vị trí mặt đường chính. Đất khu vực Gia Lâm tuy đang rẻ hơn nhiều nơi khác nhưng mức tăng giá cũng không kém phần chóng mặt, từ 15 đến 18 triệu đồng lên 25 - 27 triệu đồng mỗi m² tùy vị trí.
Tại khu vực Pháp Vân, Ngọc Hồi, gần chợ Lĩnh Nam hay xa Hà Nội hơn chút nữa là Mê Linh, giá đất cũng đang “nóng” theo thời tiết. Hiện đất ở Pháp Vân đã tăng từ 18 triệu lên 25 - 30 triệu đồng một m², đất Ngọc Hồi tăng từ 15 triệu lên 21 triệu đồng.
Giá vàng tăng mạnh vài tuần nay cũng là một phần nguyên nhân tiếp tay cho giá nhà đất tăng vù vù.
Việc giá đất ồ ạt tăng nhưng lượng giao dịch không mấy nổi bật khiến không ít người lo ngại nhiều khả năng giá đất đang tăng ảo. Tuy nhiều khu đất được giới kinh doanh, môi giới bất động sản báo giá cao ngất nhưng khi truy cập các website mua bán nhà đất do chính chủ rao bán, có không ít khu giá mềm hơn “tin đồn” khá nhiều.
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nhận định: "Giá nhà đất Hà Nội sốt thời điểm này có nhiều biểu hiện cục bộ và tạm thời". Ông Thành phân tích, có một số nơi là giá tăng hợp lý theo biến động giá cả thị trường. Nhưng một số khu vực như quận Tây Hồ hay Gia Lâm, Láng - Hòa Lạc, có dấu hiệu đẩy giá và thời vụ do nhiều yếu tố tác động như giá vàng tăng, nhiều công trình phải gấp rút hoàn thành chào mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, tin đồn xây công viên, đường xá, lạm phát có nguy cơ tăng cao…
Một chuyên gia bất động sản khác cũng thừa nhận, thị trường đang có dấu hiệu của nạn "bong bóng" và sẽ nhanh chóng hạ "nhiệt" trong ngắn hạn. Vì vậy, vị này khuyến cáo, những người có nhu cầu thật sự cần cẩn trọng khi mua nhà đất thời điểm này.
PV/Datviet



Nhà Nước cộng sản cũng biết "sợ" nợ quốc gia?
'Đường sắt cao tốc sẽ làm tăng gánh nợ quốc gia'
"Trong bối cảnh nợ nước ngoài hiện khoảng 38,9% GDP thì việc vay để đầu tư cho dự án sẽ làm gánh nặng nợ quốc gia tăng đáng kể", Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ Môi trường Quốc hội Đặng Vũ Minh nhấn mạnh, chiều 20/5.
Khẳng định việc xây dựng đường sắt cao tốc là cần thiết, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu vận tải ngày càng tăng trong những năm tới, tuy nhiên, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường, cơ quan thẩm tra dự án, có quá nhiều băn khoăn, đặc biệt là gánh nặng nợ nần.
Ông Minh phân tích, Chính phủ tính toán tổng mức đầu tư của dự án sơ bộ được xác định là một triệu tỷ đồng, tương đương 56 tỷ USD, bình quân 35,6 triệu USD trên một km đường cao tốc. Nhưng với việc xây dựng chủ yếu là hầm, cầu cạn, cầu vượt sông... thì tổng mức đầu tư sẽ vượt xa so với dự kiến.
Mặt khác, với tổng mức đầu tư của dự án riêng cho giai đoạn đầu (đến 2020 đưa vào khai thác đoạn từ Hà Nội - Vinh và đoạn Nha Trang - TP HCM) là 21 tỷ USD thì mỗi năm bình quân cần tới 2,63 tỷ USD, phụ thuộc chủ yếu vào vốn vay nước ngoài gồm ODA và vốn vay ít ưu đãi hơn (OCR).
"Trong bối cảnh hiện nay nợ nước ngoài của Việt Nam vào khoảng 38,9% GDP, nợ Chính phủ đã ở mức trên 42% GDP, tích lũy nội địa và dự trữ ngoại tệ thấp thì việc vay thêm để đủ vốn đầu tư cho dự án này sẽ làm gánh nặng nợ quốc gia tăng lên đáng kể. Ủy ban rất lo ngại về khả năng huy động nguồn vốn lớn như vậy", ông Minh nói và đề nghị Chính phủ báo cáo chi tiết hơn về vấn đề này.
Theo tính toán của Chính phủ, để đầu tư một km đường sắt cao tốc cần 35,6 triệu USD. Ảnh minh họa của static.guim.co.uk.
Đánh giá về hiệu quả kinh tế và xã hội của dự án, cơ quan thẩm tra cho rằng vì đường sắt cao tốc chỉ vận chuyển hành khách, không chở hàng hóa nên nếu áp dụng chính sách giá vé bằng 75% giá vé máy bay thì thời gian hoàn vốn nhanh nhất cũng phải 45 năm, trong khi hiện nay thời gian hoàn vốn khoảng 10 năm thì dự án mới coi là hiệu quả.
"Nếu giá vé tàu cao tốc bằng 75% giá vé máy bay thì rất nhiều người không có khả năng sử dụng phương tiện này. Những khách có khả năng sử dụng phương tiện này thì có thể lựa chọn đường bộ hoặc đường hàng không, nhất là khi hàng không giá rẻ phổ biến thì mức độ cạnh tranh với đường sắt cao tốc là rất lớn", ông Minh phân tích.
Một vấn đề chưa nhận được sự đồng thuận ngay trong cơ quan thẩm tra là phương án đầu tư dự án. Chính phủ trình 4 phương án và lựa chọn phương án 4, tức là nâng cấp tuyến đường sắt hiện tại để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hoá và hành khách địa phương, đồng thời xây dựng mới tuyến đường sắt với tốc độ 300 km/h chuyên chở hành khách.
Cơ quan thẩm tra có hai ý kiến. Một số nhất trí với phương án Chính phủ trình vì cho rằng hiện nay hệ thống đường sắt Việt Nam đã lạc hậu, không đáp ứng được nhu cầu vận tải. Việc đầu tư mới theo hướng hiện đại là cần thiết, có như vậy mới đáp ứng được nhu cầu vận chuyển sau này và góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại đề nghị xem xét lựa chọn phương án nâng cấp tuyến đường sắt hiện tại để đáp ứng nhu cầu vận tải. Trước mắt, đồng thời với việc xây dựng mới tuyến đường đôi khổ 1,435 m, tốc độ giai đoạn một là 200 km/h, sau đó khi đủ điều kiện thì sẽ phát triển thành đường sắt cao tốc với tốc độ 300km/h.
"Phương án này sẽ giải quyết được cả việc vận chuyển hành khách và hàng hóa cũng rất quan trọng và cần thiết, chi phí ban đầu thấp hơn, không gây áp lực lớn về vốn đầu tư và sẽ khả thi hơn", Chủ nhiệm Minh nói.
Từ những phân tích trên, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường đề nghị Chính phủ xem xét tính hợp lý trong dự toán vốn, phương thức huy động vốn và phân kỳ đầu tư; xác định rõ phần vốn đầu tư của nhà nước, khả năng tham gia của các nhà đầu tư tư nhân, đầu tư trực tiếp nước ngoài... Chính phủ cần phân tích đầy đủ nợ quốc gia của nước ta hiện nay và trong thời gian tới khi đầu tư dự án, đảm bảo nợ quốc gia luôn nằm trong tầm kiểm soát của nhà nước.
Chiều mai Quốc hội sẽ thảo luận ở về dự án này.
Hồng Khánh



Đảng CSVN luôn dẫn đầu trong các thành tích phá hoại:
Một số tập đoàn nhà nước lãng phí vốn, tài sản và đất đai
(Dân trí) - Báo cáo tình hình kinh tế xã hội của Chính phủ tại phiên khai mạc Quốc hội sáng 20/5 đã thừa nhận vai trò chủ đạo và điều tiết thị trường của một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước chưa tốt, việc sử dụng vốn, tài sản và đất đai còn lãng phí…
Công tác chỉ đạo điều hành vĩ mô của Chính phủ còn hạn chế
Trình bày báo cáo kinh tế - xã hội, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, nền kinh tế đất nước đang tiếp tục đà phục hồi, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt cao hơn so với quý I/2009 và của cả năm 2009 (tốc độ tăng GDP quý I/2010 là 5,83%, quý I/2009 là 3,14%). Kim ngạch xuất khẩu xuất khẩu tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2009.
Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong 4 tháng đầu năm 2010 lại tăng 4,27% so với tháng 12/2009, cao hơn so với cùng kỳ một số năm gần đây. Riêng giá vàng, 4 tháng đầu năm tăng 41,6% so với 4 tháng đầu năm 2009.
Lãi suất ngân hàng, sau khi Nhà nước dừng các khoản hỗ trợ, đang đứng ở mức cao đã hạn chế khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hệ thống các định chế tài chính (ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm) chưa thật lành mạnh; tính công khai, minh bạch thấp, còn tiềm ẩn rủi ro.
Phó Thủ tướng thẳng thắn nhìn nhận, công tác quản lý các DNNN, các ngân hàng thương mại cổ phần và các tổ chức kinh doanh các ngành nghề có điều kiện còn nhiều bất cập. Vai trò chủ đạo và điều tiều thị trường của một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước có nơi có lúc làm chưa tốt; sử dụng vốn, tài sản và đất đai còn lãng phí. Vẫn còn tình trạng ép giá thu mua, hạ giá xuất khẩu gây thiệt hại cho người sản xuất.
Về công tác chỉ đạo điều hành vĩ mô của Chính phủ, Phó Thủ tướng thừa nhận vẫn còn những hạn chế, tồn tại. “Phản ứng chính sách trong quản lý thị trường ngoại hối, thị trường vàng, thị trường bất động sản còn lúng túng và chậm; quản lý, điều hành giá một số mặt hàng chưa thật linh hoạt” - ông Hùng nói.
Việc xử lý những vấn đề xã hội bức xúc như nạn chặt phá và cháy rừng, lãng phí tài nguyên, ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, tai nạn và ùn tắc giao thông, chất lượng giáo dục và khám chữa bệnh… hiệu quả chưa cao.
Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng thừa nhận còn nhiều hạn chế trong công tác điều hành vĩ mô của Chính phủ (Ảnh: Việt Hưng)
Báo cáo của Chính phủ đã đề ra 7 nhiệm vụ trọng tâm chỉ đạo, điều hành nhằm hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ kế hoạch 2010. Trong đó, đáng chú ý có các nhiệm vụ lớn như ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, phục hồi tăng trưởng kinh tế vững chắc; phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6,5%; đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo nhanh và bền vững; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực điều hành.
UB Thường vụ “tố” thêm nhiều yếu kém
Ghi nhận những kết quả đạt được trong công tác điều hành kinh tế xã hội nửa đầu năm 2010 song UB Thường vụ Quốc hội vẫn “tố” thêm nhiều hạn chế, yếu kém so với những lỗi “tự nhận” của Chính phủ.
Bội chi ngân sách ở mức cao, bằng 6,9% GDP, nợ Chính phủ bằng 41,9% GDP, theo Chủ nhiệm UB Kinh tế Hà Văn Hiền, mặc dù vẫn trong giới hạn an toàn cho phép, nhưng về số tuyệt đối là rất lớn. Huy động vốn trái phiếu Chính phủ chỉ đạt 30% nhiệm vụ huy động cả năm, đặt ra thách thức cho việc cân đối nguồn vốn để bảo đảm nhu cầu chi theo kế hoạch.
Cán cân thanh toán tổng thể hiện thâm hụt 8,8 tỷ USD (số báo cáo Quốc hội kỳ trước chỉ thâm hụt 1,9 tỷ USD) là mức thâm hụt cao nhất nhiều năm gần đây, gây sức ép lên cung cầu ngoại tệ và tỷ giá. Chính sách tài khóa tiền tệ nới lỏng để ngăn chặn suy giảm kinh tế nhưng cũng gây áp lực đến mặt bằng giá, tiềm ẩn nguy cơ lạm phát cho 2010.
Công tác dự báo một lần nữa được UB Kinh tế đề cập như một điểm yếu điều hành khi chỉ trong hơn 2 tháng tính từ thời điểm báo cáo Quốc hội kỳ trước đến hết năm 2009, chênh lệch giữa số liệu ước tính và số thực hiện quá lớn. Thu ngân sách cao hơn số ước thực hiện tới gần 51.700 tỷ đồng, tương đương gần 3% GDP, gần bằng một nửa số bội chi ngân sách 2009. Mức thâm hụt cán cân thanh toán năm so với số ước tính cũng chênh lệch gần 8 tỷ USD, ảnh hưởng không nhỏ đến quyết định xử lý bù đắp bội chi, lập kế hoạch cho năm sau.
Chủ nhiệm UB Kinh tế lo lắng, chỉ số giá tiêu dùng những tháng đầu năm tăng cao, thách thức lớn cho việc thực hiện mục tiêu kìm giữ CPI tăng không quá 7% trong khi hoạt động sản xuất, phần lớn các doanh nghiệp hiện tiếp cận nguồn vốn rất khó khăn, lãi suất tăng cao tới 17-18%/năm, thậm chí 19-20%, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tăng trưởng trong những quý tiếp theo của năm.
Ông Hà Văn Hiền cho rằng nguyên nhân của hiện tượng trên là do việc áp dụng mức thắt chặt chính sách tiền tệ vừa qua quá “mạnh tay”, dẫn tới sụt giảm quá nhanh mức tăng tổng dư nợ tín dụng, làm lãi suất tăng cao không bình thường. Việc điều chỉnh giá một số mặt hàng cơ bản như điện, than, nước, xăng dầu… diễn ra đồng thời trong một khoảng thời gian rất ngắn cùng với việc điều chỉnh tỷ giá 2 lần trong vòng 2 tháng và triển khai ngay trước Tết nguyên đán đã gây hiệu ứng cộng hưởng, là một trong những nguyên nhân làm CPI tăng cao đột biến trong quý I.
Góp ý vào những giải pháp điều hành đề ra cho nửa sau năm 2010, UB Kinh tế cho rằng mục tiêu ưu tiên hàng đầu phải là giữ ổn định kinh tế vĩ mô, theo đó kiềm chế lạm phát, cải thiện cán cân thanh toán, giảm thâm hụt ngân sách nhà nước.
Đến cuối năm 2010 phải thực thi chính sách tiền tệ linh hoạt để duy trì tốc độ tăng tín dụng, đảm bảo tính thanh khoản của nền kinh tế. Các biện pháp “gỡ khó” cho doanh nghiệp được nhấn mạnh bằng việc cho vay vốn tín dụng với lãi suất thực tế, đảm bảo cung cấp điện phục vụ sản xuất…
UB Kinh tế “nhắc nhở” phải kiểm soát chặt chẽ việc ứng chi ngân sách nhà nước, thận trọng khi xem xét, quyết định những dự án đầu tư đòi hỏi nguồn vốn ngân sách lớn. Mục tiêu giảm bội chi ngân sách xuống dưới mức 6,2%GDP mà Quốc hội quyết định, bảo đảm dư nợ Chính phủ trong giới hạn an toàn cũng là một yêu cầu tiên quyết.
Cấn Cường - Phương Thảo
----------------------------
Viettin: Hết năm này, tháng nọ vẫn chỉ là những báo cáo: còn nhiều bất cập, còn lãng phí, làm chưa tốt, hiệu quả chưa cao, nhiều hạn chế, yếu kém... và đi tới kết luận: tiếp thu ý kiến, cố gắng khắc phục.



Việt Nam, Vedan chỉ trích lẫn nhau về việc bồi thường ô nhiễm
VOA-Thứ Năm, 20 tháng 5 2010
Vụ án môi trường này đã kéo dài từ tháng 9/2008, khi các nhân viên điều tra phát giác là công ty Vedan dùng ống ngầm lén thải nước không qua xử lý vào sông Thị Vải
Công ty Vedan của Đài Loan và các giới chức chính phủ Việt Nam chỉ trích lẫn nhau sau khi không đạt được thỏa thuận về việc bồi thường cho nông dân bị thiệt hại vì hoạt động gây ô nhiễm của công ty này ở sông Thị Vải.
Bản tin của hãng thông tấn Đức cho biết vụ án môi trường được nhiều người chú ý này đã kéo dài từ tháng 9 năm 2008, khi các nhân viên điều tra phát giác là công ty Vedan dùng ống ngầm để lén thải nước không qua xử lý vào sông Thị Vải.
Các cuộc thảo luận hôm thứ 3 giữa công ty Vedan và các giới chức của Viện Môi trường và Tài nguyên, đại diện cho các nông dân, đã không đạt được tiến bộ. Chính phủ nói rằng Vedan phải bồi thường 2,9 triệu đô la nhưng công ty này nói rằng mức bồi thường là 113.000 đô la.
Ông Hoàng Như Vinh, luật sư của Vedan, nói rằng lý do Vedan không chấp nhận khoản đền bù đó là phía Việt Nam đã không thực hiện những gì đã đồng ý tại hai cuộc họp trước đó hồi tháng 12 và tháng 1.
Ông Vinh cho hay tại các cuộc họp đó, chính phủ Việt Nam và Vedan đồng ý đền bù cho những thiệt hại dọc theo 12 kilomét của sông Thị Vải và 2,082 hécta đất nông nghiệp ở Sài Gòn và hai tỉnh Bà rịa-Vũng tàu và Đồng Nai.
Tuy nhiên, hôm thứ Ba, phía chính phủ đòi đền bù cho một diện tích lớn hơn, bao gồm 4.000 héc ta ở tỉnh Bà rịa-Vũng tàu, cao hơn con số 350 héc ta đã được thỏa thuận.
Ông Hoàng Minh Đảo, Cục trưởng Cục Môi trường cho biết chính phủ sẽ tiếp tục đòi Vedan đền bù thỏa đáng, và nếu công ty không làm như vậy, giới hữu trách sẽ có biện pháp cưỡng hành, như đóng cửa một số hoạt động của Vedan hoặc yêu cầu ngân hàng phong tỏa tài khoản của Vedan.
Luật sư Vinh cho rằng giới hữu trách không thể đóng cửa Vedan mà chỉ có tòa án mới có thể quyết định như vậy. Ông nói thêm rằng những hành động đe dọa là không thể chấp nhận được.
Từ giữa thập niên 1990 đến tháng 9 năm 2008, xưởng bột ngọt ngọt của Vedan ở Đồng Nai đã xả nước thải trái phép vào sông Thị Vải, gây thiệt hại nghiêm trọng cho tôm cá trong vùng.
Nguồn: DPA, China Post
--------------------------
Viettin: Đối với người dân, Nhà Nước bất chấp thủ đoạn, dùng côn đồ công an đàn áp dã man. Đối với con cháu của Đại Hán, Nhà Nước CSVN tỏ ra bất lực.



Công ty Úc thăm dò ngoài khơi Việt Nam
Khu vực thăm dò địa chấn
Công ty thăm dò - khai thác dầu khí Neon Energy của Úc đang cùng đối tác Việt Nam thăm dò địa chấn ngoài khơi Quảng Ngãi.
Thông cáo của Neon Energy cho hay bắt đầu từ ngày 17/05, việc thăm dò địa chấn hai chiều được tiến hành ở Lô 120 ngoài khơi Quảng Ngãi (xem bản đồ).
Công tác thăm dò này do tàu khảo sát địa chấn Aquila Explorer kéo dây cáp dài 6km thực hiện trong một chiều dài 2.020 km.
Các thông số nhận được sẽ bổ sung cho kho tư liệu địa chấn mà Neon đã có từ năm 1991.
Được biết đợt khảo sát địa chấn thực hiện cùng đối tác Việt Nam là Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP).
Theo bảo vệ tàu Aquila Expoler là bốn tàu của hải quân Việt Nam và PVEP.
Neon ước tính việc thăm dò địa chấn sẽ kéo dài 25 ngày, hoặc ít hơn, nếu điều kiện thời tiết cho phép.
Giám đốc điều hành Neon Energy, Ken Charsinsky, nói hợp đồng thăm dò địa chấn là mốc dấu quan trọng cho hoạt động ngoài khơi Việt Nam của Neon và nó sẽ giúp xác định "triển vọng dầu khí", tiến tới khoan dầu và khai thác trong tương lai.
Neon Energy Limited là công ty thăm dò-khai thác dầu khí có niêm yết trên sàn chứng khoán Úc, với trụ sở chính tại Perth.
Công ty này cũng đang thực hiện thăm dò tại Lô 105 ở thềm lục địa phía bắc Việt Nam, cùng lúc tham gia dự án tại California, Mỹ.
Áp lực của Trung Quốc
Lô 120 nằm trong thềm lục địa Việt Nam, vùng biển giữa Quảng Ngãi và Bình Định, diện tích gần 8.500 km vuông, độ sâu từ 50m - 1.000m.
Trên bản đồ, cách không xa là nơi tập đoàn dầu khí khổng lồ ExxonMobil của Hoa Kỳ có dự án thăm dò dầu khí với Tập đoàn Dầu khí PetroVietnam.
Tháng 7/2008, Trung Quốc xác nhận đã gây sức ép để ExxonMobil ngừng dự án với Việt Nam tại khu vực mà Bắc Kinh nói là thuộc chủ quyền Trung Quốc.
Tuy ExxonMobil chưa chính thức tuyên bố rút lui, cũng không có tin gì về tiến triển.
Trong khi đó, Việt Nam khẳng định "các dự án dầu khí của VN với nước ngoài hoàn toàn thuộc chủ quyền của VN và phù hợp Công ước Luật Biển của LHQ ký năm 1982 cũng như các thỏa thuận song phương và đa phương giữa VN và các đối tác".
Việc khai thác dầu khí ngoài khơi lâu nay đã là chủ đề gay cấn trong quan hệ giữa các quốc gia cùng tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông.
Trung Quốc, nước lớn nhất trong khu vực, cương quyết phản đối việc Việt Nam hợp tác làm ăn tại đây.
Thông qua các đại sứ quán tại nước ngoài, Bắc Kinh đã gây áp lực lên các công ty dầu khí quốc tế muốn cùng Việt Nam khai thác dầu khí tại khu vực biển đang tranh chấp.
Hồi tháng Sáu 2007, dưới áp lực của Trung Quốc, một công ty khác là Tập đoàn dầu khí Anh British Petroleum (BP) đã ngừng việc thăm dò khảo sát địa chấn tại khu vực Nam Côn Sơn, giữa Trường Sa và bờ biển Việt Nam "để cho các nước liên quan có cơ hội giải quyết vấn đề".
BP chính thức rút khỏi dự án thăm dò này vào tháng 3/2009



Con trai giết mẹ bằng 20 nhát dao
Ngày 19/5, hung thủ giết mẹ ruột Nguyễn Ngọc Lợi đã bị cơ quan chức năng Thừa Thiên - Huế tiến hành bắt giam khẩn cấp.
Trước đó một ngày, người dân khu vực 6, phường Phú Bài, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên – Huế đau lòng chứng kiến cảnh người đàn bà tội nghiệp Nguyễn Thị Tất có nhiều chém nham nhở trên đầu, máu me bê bết, tử vong trên giường ngủ của mình.
Đau lòng hơn, thủ phạm lại chính là đứa con mà bà rứt ruột đẻ ra, Nguyễn Ngọc Lợi, sinh năm 1978.
Những người hàng xóm của bà Tất cho biết, vào khoảng 9h ngày 18/5, bà Tất đưa tiền nhờ Lợi đi mua ngọn thuốc lá về hút. Lợi nhất quyết không đi nên hai mẹ con có to tiếng với nhau.
Bà Tất bực mình bỏ vào giường nằm nghỉ, còn Lợi thì hăng máu chạy xuống bếp lấy dao, chém liên tiếp 20 nhát vào đầu mẹ khiến bà tử vong ngay lập tức.
Người nhà nạn nhân cho biết, trước đấy, Lợi có những biểu hiện không bình thường, có khả năng bị bệnh tâm thần.
Hiện, cơ quan cảnh sát điều tra công an Thừa Thiên – Huế đang tiền hành điều tra làm rõ vụ việc.
Theo Đắc Lập (VNN)



6 người dùng tuýp sắt, súng, gí điện hành hạ 1 cậu bé
20/05/2010 07:10
(VTC News) - Cháu Hùng bị 12 vết thương, nhìn rõ nhất là gãy tay, đứt xương bàn chân và gãy nhiều ngón chân, nghiêm trọng hơn là xuất hiện máu chảy từ tai...
Nghi ngờ cháu Vũ Văn Hùng (SN 1996) chặt trộm cao su của Nông trường Thống Nhất, Bù Đăng, tỉnh Bình Phước, 6 người (chưa rõ danh tính) dùng tuýp sắt và gậy gỗ đánh đập cháu đến bất tỉnh rồi kéo cháu về chốt gác của Nông trường cao su xã Thống Nhất trói lại, bắt phải nhận tội. Không chỉ có vậy, các đối tượng này còn dùng bình điện chích cá gí vào hai bên cổ cháu Hùng và dùng súng gí vào mồm cháu bé dọa bắn.
Trong đơn gửi các cơ quan chức năng trong huyện Bù Đăng và tỉnh Bình Phước, anh Nguyễn Văn Hải và chị Lưu Thị Nguyệt (bố, mẹ cháu Hùng) đã tố cáo hành động dã man trên của các đối tượng.
Trao đổi qua điện thoại, chị Hải khóc òa kể: “Khoảng 11 giờ ngày 17/5/2010, con tôi nhìn thấy một người phát cỏ trên đất của gia đình đã chặt cao su, cháu Hùng cùng hai người bạn (tên Trường và Hải) ra nói với chú phát cỏ là chú đừng phát cỏ trên đất nhà cháu vì đất của gia đình nhà cháu đang còn tranh chấp và đang chờ nhà nước xem xét giải quyết. Thấy vậy, người làm cỏ bỏ đi không nói gì.
Cháu Hùng vẫn đang hôn mê tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước với nhiều vết thương trên khắp cơ thể và mặt
Trên đường về chòi canh của gia đình, cháu Hùng cùng 2 người bạn đã bị 6 đối tượng ập đến đánh tới tấp. Hai bạn đi cùng chạy nhanh về báo cho người lớn. Trong khoảng thời gian đó, các đối tượng trên dùng tuýp sắt và gậy gỗ đánh cháu Hùng tới tấp”.
Cháu Hảo, người đi cùng cháu Hùng kể lại: “Thấy các đối tượng trên hung hãn tấn công bạn Hùng, cháu sợ quá chạy và gọi điện về báo cho cô chú Hải vào ngay nếu không bạn Hùng bị đánh chết mất. Khi tới hiện trường thì bạn Hùng đã bị bắt, trói và nhốt lại...”.
Tại trạm y tế xã Đăk Nhau, cháu Hùng liên tục bị hôn mê bất tỉnh, trên người xuất hiện nhiều vết bầm tím và loét rộng do bị đánh đập, môi và mắt bị bầm dập thâm đen do máu tụ lại. Lúc tỉnh lại cháu kịp cho người thân biết danh tính 3 người đánh cháu tên là Khanh, Cường và một người tên Bộ.
Cháu còn kịp cho biết thêm, sau khi đánh cháu bất tỉnh, các đối tượng trên kéo cháu về chốt gác của Nông trường cao su Thống Nhất và trói lại, quẳng lên gác. Chưa hả giận, các đối tượng còn dùng súng gí vào mồm dọa bắn cháu Hùng, sau đó dùng dây điện, bình điện chích cá gí vào hai bên cổ của cháu Hùng làm cho cháu tê lại, giật co cổ lại.
Ngay trong buổi chiều hôm đó, cháu Hùng được cấp tốc đưa về Bệnh viện huyện Bù Đăng. Do nhận thấy cháu bất tỉnh do thương tích nặng, các bác sỹ tại đây đã cho cháu chuyển viện lên Bệnh viện tỉnh lúc 8 giờ tối ngày 17/5/2010.
Kết quả giám định sơ bộ ban đầu tại bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước cho thấy, cháu Hùng bị 12 vết thương trên cơ thể. Nhìn rõ nhất là gãy tay, đứt xương bàn chân và gãy nhiều ngón chân, nghiêm trọng hơn là xuất hiện máu chảy ra từ tai, cháu cần phải mổ gấp.
Sự việc đã được báo cho Công an địa phương. Hiện tại cháu Hùng vẫn đang hôn mê tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước. Vụ đánh đập cháu Hùng khiến nhân dân quanh vùng rất bất bình và phẫn nộ.
Công Định



Hãy cảnh giác với chiêu lừa của Bộ Thông Tin CSVN:
"Tôi tin Go.vn sẽ là mạng xã hội số 1 Việt Nam"
20/05/2010 13:34
(VTC News) - Mạng Việt Nam ra đời với 4 đúng: Đúng xu thế vận động của thời đại; đúng với năng lực công nghệ của Việt Nam và tâm huyết của thế hệ trẻ Việt Nam; đúng với mong muốn của nhân dân và kỳ vọng của thế hệ trẻ, có nơi giao lưu, giải trí; và đúng với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về CNTT.
Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Lê Doãn Hợp về Mạng Việt Nam Go.vn, nhân ngày mạng xã hội giáo dục – giao tiếp - giải trí đầu tiên của người Việt và do người Việt làm chủ này chính thức ra mắt tại địa chỉ www.goonline.vn.
Địa chỉ tin cậy của công dân mạng
- Thưa Bộ trưởng, điều gì có thể tạo ra sự khác biệt cho Mạng Việt Nam Go.vn so với những mạng xã hội ra đời trước đó?
Theo suy nghĩ của tôi, Mạng Việt Nam Go.vn là một mạng ra đời sau, kế thừa tất cả kinh nghiệm của tất cả các mạng trước, đồng thời cũng được sự chỉ đạo rất chặt chẽ của Chính phủ, của Bộ Thông tin & Truyền thông, tập hợp được đội ngũ những người rất tâm huyết, có khát vọng xây dựng thương hiệu mạng Việt Nam. Tôi tin chắc chắn Mạng Việt Nam sẽ phát triển tốt, phát triển nhanh, lan tỏa thương hiệu mạnh và trở thành địa chỉ tin cậy của tất cả mọi công dân Việt Nam, đặc biệt là các công dân trên mạng.
Bộ trưởng Lê Doãn Hợp: “Chắc chắn Go.vn sẽ phát triển tốt, phát triển nhanh, lan tỏa thương hiệu mạnh và trở thành địa chỉ tin cậy của tất cả mọi công dân Việt Nam, đặc biệt là các công dân trên mạng”.
Theo suy nghĩ của tôi, sự ra đời của Mạng Việt Nam có 4 cái đúng.
Đúng thứ nhất là đúng với xu thế vận động của thời đại. Điều nay rất quan trọng. Chúng ta làm gì chúng ta cũng đều phải đi đúng xu thế vận động của thời đại. Chúng ta đi sau là chúng ta thất bại. Chúng ta đi chậm là chúng ta không thành công.
Thứ hai là đúng với năng lực công nghệ của Việt Nam và đúng với tâm huyết của thế hệ trẻ Việt Nam, vì 75 ngày làm việc quyết liệt để có công trình này không đơn giản.
Thứ ba là đúng với mong muốn của nhân dân và khát vọng của thế hệ trẻ. Chúng ta có khát vọng của riêng mình, có nơi để giáo dục, giải trí, để trao đổi của người Việt Nam.
Thứ tư là đúng với mục tiêu đưa Việt Nam thành quốc gia mạnh về CNTT. Không thể nói quốc gia mạnh về CNTT mà lại không có mạng của riêng mình.
Tôi cũng suy nghĩ, ra đời được Mạng Việt Nam như hôm nay là quá trình thai nghén vất vả, nhưng nuôi dưỡng nó còn gian khổ hơn nhiều.
VTC quyết tâm xây dựng mạng Go.vn là mạng xã hội có tên tuổi, thậm chí là số 1 Việt Nam. Đó thực sự là một quyết tâm cao, một hoài bão tốt, là quá trình phấn đấu rất dẻo dai. Tôi rất tin các đồng chí, tôi rất tin thế hệ trẻ.
- Công dân mạng luôn có sự lựa chọn, chọn lọc rất cao. Để cho họ tin tưởng sử dụng, theo ông Mạng Việt Nam cần đáp ứng những tiêu chí gì?
Sự lựa chọn của công chúng là thước đo nghiêm ngặt nhất, cũng là địa bàn quan trọng nhất. Mạng Việt Nam sẽ tồn tại và phát triển với một điều kiện là đáp ứng được tất cả nguyện vọng của mọi công dân nói chung, trong nước cũng như thế giới, đặc biệt là công dân trên mạng.
Vì thế, cách cạnh tranh tốt nhất là chúng ta hãy xây dựng một mạng có tính có ích cao, tính xã hội cao, tính nhân văn cao, và khối lượng tri thức cũng phong phú, có ích cho mọi người. Tôi nghĩ tất cả mọi sự tốt đẹp sẽ thuyết phục, tập hợp những công dân tốt đến với Go.vn. Và đó chính là vị trí, vai trò của Mạng Việt Nam.
Bộ trưởng Lê Doãn Hợp (giữa) cùng lãnh đạo VTC bấm nút chính thức kích hoạt Mạng Việt Nam Go.vn (Ảnh: Quang Minh).
Cuộc phấn đấu còn rất quyết liệt
- Mạng Việt Nam sẽ có ý nghĩa như thế nào trong mục tiêu xây dựng Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT, thưa Bộ trưởng?
Xây dựng Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh về CNTT không thể không có mạng của riêng mình. Nói cách khác, mạng là một thước đo trong quốc gia mạnh về CNTT. Tôi nghĩ đây là một bước đi đúng hướng, cần thiết và phải được chăm sóc để phát triển tốt.
- Khi đại đa số các mạng xã hội được cập nhật thêm những yếu tố nhảm nhí bên cạnh khả năng hỗ trợ giao tiếp, thì ông đánh giá thế nào về một mạng xã hội có yếu tố giáo dục được đặt lên làm xương sống?
Trước hết, phải nhìn nhận cái gì cũng có 2 mặt. Khi mình làm mặt tốt nhiều hơn thì mặt không tốt sẽ hạn chế, sẽ giảm đi. Cũng như chúng ta sử dụng ngọn lửa, ngọn lửa phục vụ cuộc sống con người, nhưng sử dụng không tốt lại trở thành đám cháy hủy hoại cuộc sống con người. Cũng như con người dùng con dao để phục vụ cuộc sống con người và cũng có thể giết chết con người.
Cho nên, khi làm chúng ta đều phải tính đến 2 mặt, làm bằng tất cả tấm lòng, bằng văn hóa, bằng trí tuệ, bằng thương hiệu Việt Nam, để cho mạng này tốt lên, trở thành địa chỉ tin cậy của mọi công dân, trở thành ngôi nhà chung của những người cần đến nó, trở thành trường đại học tổng hợp với những kiến thức tổng hợp phục vụ cho cuộc sống con người, từ đó mà mạng sẽ phát triển.
Tôi nghĩ đây là một cuộc phấn đấu không đơn giản, phải làm rất quyết liệt, rất dày công, không được đơn giản, không được ngưng nghỉ, thì mạng mới phát triển tốt được. Tôi hy vọng người Việt Nam chúng ta khi đã tập trung vào cái gì thì sẽ làm rất tốt cái đó, và Mạng Việt Nam sẽ phát triển theo cách đó.
- VTC vẫn đề nghị để Mạng Việt Nam được lấy tên miền là Go.vn vì sẽ có nhiều thuận tiện, tiết kiệm, tuy nhiên việc này đang gặp khó khăn, thưa Bộ trưởng?
- Về vấn đề này, tôi đã có đề nghị ý kiến cho các cơ quan chuyên môn của Bộ ủng hộ làm. Theo tôi, làm một việc tốt, tất nhiên nó sẽ có chỗ đứng, có tên tuổi trong làng CNTT cũng như xã hội Việt Nam.
- Về mặt công nghệ, khi mới thành lập, số lượng tài khoản truy cập thấp, việc vận hành sẽ hết sức thuận lợi. Tuy nhiên ước tính năm 2015, Mạng Việt Nam sẽ thu hút khoảng 40% - 50% lưu lượng truy cập của xã hội mạng, có khả năng phục vụ đồng thời 4 triệu người sử dụng. Bộ trưởng có hoàn toàn tin tưởng công nghệ của ta sẽ đáp ứng tốt yêu cầu và thời điểm đó?
- Tôi tin rằng với một đội ngũ nhiệt huyết và có kiến thức như thế này, cộng với một lựa chọn công nghệ tốt nữa, nó sẽ phát triển. Trên thế giới có rất nhiều công nghệ cho chúng ta lựa chọn.
Một khi chúng ta lựa chọn công nghệ đúng, hướng đi đúng thì sản phẩm này sẽ có sức sống rất mãnh liệt trong tương lai.
- Ông có ủng hộ nếu các cán bộ của Bộ đăng kí tài khoản và hàng ngày cập nhật thông tin trên đó?
- Không chỉ ủng hộ, tôi còn khuyến khích việc đó.
- Bản thân Bộ trưởng cũng sẽ lập một account cho riêng mình trên đó để trao đổi thông tin?
- Đương nhiên rồi! (Cười)
- Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Anh Lê - Đông Linh


0 comments:

Post a Comment