Tuesday, April 20, 2010

Phản biện bài của bà Đỗ Ngọc Bích

Thanh niên Việt Nam phản đối tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc với Hoàng Sa và Trường Sa

Trong bài viết, Bấm tác giả Đỗ Ngọc Bích đã nêu ra nguồn gốc của quan điểm “chủ nghĩa dân tộc chống Trung Quốc” của hai đối tượng người Việt:

Người Việt hải ngoại (mà đặc biệt là người tị nạn chính trị sau năm 1975) và những người dân có tri thức ở trong nước: Người Việt hải ngoại là do sự thù hằn nội chiến và tư tưởng chống Cộng (Cộng sản Việt Nam và Cộng sản Trung Quốc) từ xưa;

Những người dân có tri thức ở trong nước thì do ảnh hưởng của nền giáo dục, tuyên truyền của nhà nước VN sau chiến tranh biên giới năm 1979.

Nhận thức tinh thần dân tộc của Việt Nam

Bà kể ra đối tượng mang quan điểm “chủ nghĩa dân tộc mù quáng” là những người dân có tri thức ở trong nước do ảnh hưởng của nền giáo dục, tuyên truyền của nhà nước Việt Nam sau chiến tranh biên giới năm 1979.

Các hành động ‘mù quáng’ của họ, là đấu tranh cho chủ quyền lãnh thổ: blogging tuyên truyền, biểu tình chống Hoàng Sa, Trường Sa, mà chỉ dựa trên cơ sở ‘niềm tin’ vào tri thức lịch sử và những tuyên truyền ‘bị bóp méo, cắt xén, không trung thực’ của nhà nước Việt Nam sau năm 1979?

Họ thiếu hiểu biết ‘khách quan’ về lịch sử và văn hóa VN phải không bà? Vậy đây thực sự là vấn đề trong nền giáo dục và tuyên truyền của nhà nước CHXHCNVN?

Lịch sử, văn hóa phụ thuộc vào chính trị dường như là một thứ thiên lệch, vô giá trị rồi? Điều này dường như chỉ tồn tại trong nền chính trị độc đảng như ở Việt Nam và Trung Quốc?

Đặt câu hỏi về hiểu biết khách quan về “đồng chí tốt” , “người thầy” Trung Quốc, có lẽ giới trí thức Việt Nam cần đặt câu hỏi cả về lịch sử trong hai cuộc chiến tranh trường kỳ của Việt Nam trong thế kỷ 20, và về sự “bỏ chạy” khỏi quê hương của những người VNCH, các thuyền nhân nữa.

Hiện nay, lịch sử đang được tạo dựng bởi những người cộng sản, vậy đâu là chân lý khách quan?

Song sự thực là những người tham gia biểu tình vì Hoàng Sa, Trường Sa, đa số là người trẻ, học sinh, sinh viên, là vì cái hệ tư tưởng chống Trung Quốc được nhà cầm quyền Việt Nam ‘nhồi sọ’?

Tôi được học lịch sử Việt Nam, ngàn năm Bắc thuộc…, nhưng tôi không nhớ là được học về sự tàn khốc của Chiến tranh Biên giới năm 1979. Theo tôi thì trí nhớ của đám đông thực là ngắn chẳng tày gang.

Tôi nghĩ nhà cầm quyền Việt Nam nên khuyến khích dư luận mới phải vì ảnh hưởng của dư luận là to lớn và hòa bình...

Lê Ngọc Tú

Ấy thế nên họ, những người trong bộ máy chính quyền Việt Nam, đã từng sống trong thời chiến, mới “vô ơn” đến độ không nhớ nổi các “ân huệ” của ‘đồng chí tốt’ Trung Quốc, dám “nỏ mồm” tuyên bố chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa, dám “trở mặt” mặc dù ông Phạm Văn Đồng, thủ tướng chính phủ VNDCCH năm 1958, đã có công hàm thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc rồi. Thật đáng trách, phải không bà? Quan điểm của đa số đám đông dân Việt Nam thì luôn tuân theo sự tuyên truyền thống nhất của đài báo chính thống hiên tại.

Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc năm 1991, Việt Nam tuyên bố đi theo con đường cải cách của Trung Quốc, Việt Nam và Trung Quốc xây dựng quan hệ “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”…Mọi cái rất êm thắm, cho đến thời gian gần đây…Các vụ bắn và bắt giữ ngư dân được đưa lên mặt báo chính thống Việt Nam với những từ êm dịu nhất, nhưng nó đã gây ra phẫn nộ?

Đường lưỡi bò và tham vọng bá quyền của Trung Quốc trong khu vực đã làm không chỉ những người dân Việt Nam lương tri có quan tâm phẫn nộ? Sự phẫn nộ đó được phản ánh qua những biểu tình ôn hòa nhất mà thế giới có thể chứng kiến. Ai gọi đó là ‘yêu nước mù quáng’? Số người Việt Nam thực sự quan tâm ,biết đến nguy cơ Trung Quốc và muốn hành động vì Việt Nam như thế, được bao nhiêu?

Về cơ sở lịch sử Hoàng Sa, Trường Sa là của VN, tôi cũng không dám bàn cãi với bà. Nhưng chắc bà cũng thừa nhận với tôi rằng đó là vùng tranh chấp chứ? Bà nghĩ xem một nước Trung Quốc “quyền lực” , nếu chính danh có chủ quyền với khu vực này, thì ai dám không thừa nhận. Hội Địa lý Quốc gia Hoa Kỳ đã ngộ nhận và đã phải sửa sai, cái gì buộc nó phải làm vậy? Tôi không nghĩ là họ chịu ảnh hưởng của chính quyền Mỹ vì quyết định đó đâu.

Đúng là đất nước Việt Nam, lãnh thổ Việt Nam hiện nay có được là nhờ sự “mở mang bờ cõi” Nam tiến vào lãnh thổ Chiêm Thành, Khơ-me. Nếu khi xưa, Trung Quốc “mở mang bờ cõi” thành công về phía nam, biết đâu giờ đây dân tộc Việt Nam lại chả được tự hào về một nền văn hóa, văn minh Trung Hoa ngàn năm nhỉ? Người Đài Loan nghĩ như thế nào? Trên thế giới, có nhiều ví dụ về các quốc gia cùng chung nguồn gốc, song họ đối xử với nhau ra sao?

Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu sắc của của nền văn hóa Trung Quốc. Những dấu ấn riêng của dân tộc Việt Nam so với những ảnh hưởng đó, quá lu mờ và nhỏ bé? Bất chấp mối quan hệ sâu xa về nguồn gốc, ngày nay, thế giới đã công nhận một danh sách quốc gia chính danh và độc lập, tôi cho đây mới là cái có giá trị.

Tôi cho rằng sự chấp nhận rằng một quốc gia chịu ảnh hưởng về nền văn hóa, nguồn gốc và lịch sử từ một quốc gia khác, không thể được coi là cơ sở đề quốc gia ấy có mối quan hệ không ngang bằng với quốc gia kia: sự yếu thế và nhượng bộ trong các thỏa thuận song phương…

...Chúng ta có thể có chung một nền văn hóa, một nguồn gốc, nhưng tôi là tôi, anh là anh. Bà có đồng ý với quan điểm đó không?

Những dấu ấn riêng của Việt Nam quá lu mờ hay nhỏ bé, không phải là nguyên nhân để xóa nó đi trong sự nhận thức về Việt Nam. Tôi cho rằng sự tìm hiểu và nhận thức những dấu ấn riêng đó chưa thực sự được chú trọng ở Việt Nam. Tìm về nguồn và viết tiếp lịch sử độc lập với tinh thần dân tộc Việt Nam hẳn cũng là điều mà bà, một trí thức Việt Nam, cho dù có ở đâu trên địa cầu này, kỳ vọng?

Về 'đàn áp chủ nghĩa dân tộc'

Thanh niên mang cờ Trung Quốc ở Hong Kong trong một đợt biểu tình phản đối Nhật Bản

Bà nói là “Những thanh niên đó đã quá bị ảnh hưởng bởi tư tưởng chống Nhật trong Trung Quốc những năm dưới quyền Mao. Khi tình hình đất nước thay đổi, họ không thay đổi kịp”. Nên họ đáng bị “đàn áp, bịt miệng” phục vụ cho một quan hệ chính trị cấp cao? Nay, những thanh niên Việt Nam không kịp thích nghi theo kịp được môi trường ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc trong những năm 1990, và họ đáng bị bắt giữ, đe dọa?

Không hiểu sự nguy hiểm của người biểu tình Trung Quốc chống Nhật đến đâu, còn ở Việt Nam, người biểu tình chống Trung Quốc chỉ là một nhúm người nhỏ bé, ôn hòa và vô hại.

Tôi không nhớ chính xác ở đâu nhưng một tổng thống Mỹ đến thăm một nước và được tiếp đón bằng biểu tình, ông đã hoan hô sự dân chủ của xứ sở đó.

Không hiểu nhà cầm quyền VN nghĩ sao và chịu áp lực như thế nào? Thậm chí cái dư luận và quan điềm tồn tại kia là không đúng và gây ảnh hưởng xấu đi nữa, nhưng nhà cầm quyền chỉ nên điều chỉnh nó bằng tuyên truyền và giáo dục.

Dư luận và chính quyền ở các xứ dân chủ rất nhiều khi không đồng thuận với nhau. Nhà cầm quyền Việt Nam nên trả lời Trung Quốc như vậy, nếu bị “khiển trách”. Những gì có thể gây ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao song phương giữa hai nước chỉ có thể là các hoạt động và phát ngôn giữa các chính quyền.

Trong trường hợp Việt Nam-Trung Quốc, tôi nghĩ nhà cầm quyền Việt Nam nên khuyến khích dư luận mới phải. Ảnh hưởng của dư luận là to lớn và hòa bình. Dư luận Việt Nam và các nước trong khu vực sẽ gây ảnh hưởng lên dư luận quốc tế, để kết quả của bài toán phân xử lãnh thổ của Trung Quốc và các nước như Việt Nam không dẫn đến thiệt thòi cho nước nhỏ, yếu thế.

Điều tôi thực sự mong muốn nữa là xây dựng càng sớm càng hay một quy ước quốc tế về cách hành xử của hải quân các nước với ngư dân vi phạm vùng tranh chấp lãnh thổ.

Bắn và bắt giữ, tống tiến là cách hành xử dã man. Để so sánh, hôm nay tôi cũng vừa đọc bản tin: “Lực lượng tuần tra nghề cá của Indonesia cho hay vừa bắt chín tàu cá của Việt Nam 'hoạt động trái phép' ở khu vực Biển Đông. Báo chí nước này nói vụ bắt giữ mới nhất được thực hiện hôm 11/04/2010. Cả chín tàu cá cùng các tài công bị chuyển tới Pontianak, Tây Kalimantan, để tiếp tục điều tra; trong khi 50 thuyền viên được trục xuất về nước.”

Gửi tới bà, người mang tinh thần khách quan và “về nguồn”, gặp được nhiều an lành trong hành trình và chọn lựa của mình.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả. Xin mời quý vị tiếp tục tham gia cuộc tranh luận mở đầu bằng Bấm bài của tác giả Đỗ Ngọc Bích.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2010/04/100420_lengoctu_dongocbich.shtml

0 comments:

Post a Comment