LinMat, X-Cafe
Đây là câu hỏi khó. Nếu mục tiêu hướng tới là mọi người dân đều bình đẳng, trẻ em đều được chăm sóc đối xử dạy dỗ như nhau, thì với một nước Bắc Âu với dân số 8 triệu người thì thấy được, khả dĩ, còn khi dân số Việt Nam 89 triệu người với đà tăng cấp số nhân thì biết bao giờ mới đạt được mục tiêu trên, hay là sẽ chẳng bao giờ. Mỗi đất nước có bao vấn đề khó giải quyết, những nhà lãnh đạo cộng sản cũng có những nan giải của họ.
Tôi không dám nói cộng sản và tư bản cái nào tốt hơn, vì cái nào cũng có mặt mạnh mặt yếu. Nói Việt Nam theo mô hình cộng sản cũng không đúng, vì nhiều người nhận xét Việt Nam giờ tư bản còn hơn mấy nước tư bản nữa. Nên dùng từ Chống Cộng cũng không đúng, vì Việt Nam có phải là cộng sản thứ thiệt đâu, vì vẫn còn trong giai đoạn quá độ mà, khi nào mới đạt tới mức độ xã hội cộng sản hay là không bao giờ vì có thể đó là chủ nghĩa không tưởng?
Vì theo lý tưởng cộng sản thì giai cấp vô sản, bần cố nông là chính yếu lãnh đạo, trong khi hiện giờ giới lãnh đạo là tỷ phú, còn nông dân, công dân là tầng lớp chót nhất trong xã hội.
Theo lý tưởng CS thì mọi người đều hưởng quyền lợi như nhau, phương tiện sản xuất là của chung, trong khi xã hội Việt Nam thì chênh lệch giàu nghèo rất lớn.
Theo lý tưởng CS thì ai cũng như ai, trong khi nhiều gia đình thành thị Việt Nam đều có người giúp việc, thậm chí mấy người giúp việc, trong khi trong xã hội tư bản, không mấy ai đủ tiền thuê giúp việc.
Theo lý tưởng CS thì làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu, nhưng thực tế thì người thất nghiệp ở Việt Nam không hề có trợ cấp thất nghiệp hay trợ cấp xã hội gì cả, người lớn tuổi về hưu nếu không phải đã làm cho cơ quan nhà nước thì không hề có lương hưu gì cả.
Nói tóm lại xã hội Việt Nam không hề là xã hội cộng sản theo đúng nghĩa của nó. Nếu được như những mục tiêu như vậy thì tốt quá còn gì. Để đạt được tầm xã hội cộng sản thì chắc không tưởng vì con người sinh ra đều có bản năng cạnh tranh để sống còn, đều có thiên hướng cơ hội, gom tư lợi về mình (opportunistic). Nên có lẽ vì vậy chủ nghĩa tư bản thì thích hợp với thực tế hơn để phát triển xã hội.
Theo xu hướng lịch sử thì luôn có nhưng tư tưởng, trường phái xuất hiện và thay đổi, phát triển hay suy thoái, triệt tiêu để phù hợp theo hoàn cảnh. Chủ nghĩa cộng sản phát sinh ra phù hợp với giai cấp vô sản, khi giai cấp vô sản không còn nữa thì chủ nghĩa sẽ tự thoái trào.
Nên những nước tư bản, đa đảng như Thụy Điển luôn có Đảng Cộng sản, nhưng khi thành phần vô sản trong xã hội giảm đi thì tự động số lượng đảng viên đảng CS cũng giảm theo, và nhóm theo các Đảng Tư bản tăng lên. Thường thì những người lao động chân tay ở Thụy Điển thuộc giai cấp vô sản, và mục tiêu hướng tới của họ là có được 3V: Volvo, vovve và villa, có nghĩa là có được xe hơi Volvo, có chó cún cưng và có nhà villa. Khi mà đa số đã đạt được 3V này thì họ không còn là vô sản nữa, nên từ từ Đảng CS ở đây sẽ lu mờ đi.
Còn chủ nghĩa tư bản thì đề cao lợi nhuận cho chủ của nguồn vốn tư bản (maximise value for shareholders/owners), nên nó sẽ kéo theo khai thác tối đa sức lao động để có lợi cho chủ doanh nghiệp, phù hợp với cái tính opportunistic của con người. Nếu đúng nghĩa tư bản thì những người già, tàn tật, bệnh tật không có hiệu quả lao động cao sẽ không được tuyển dụng, không có thu nhập, nhưng vì xã hội đã phát triển với tầm phúc lợi xã hội cho mọi người dân, nên những người thiệt thòi trên vẫn có mức sống trung bình.
Chủ nghĩa tư bản càng phát triển thì sáng tạo thêm nhiều cái mới, mà bị chỉ trích là quay lại thời kỳ bóc lột lao động vào đầu thế kỷ 19. Như hình thức flexible organisations, thuê mướn lao động theo giờ, theo công việc, theo dự án, chứ không thuê chính thức, vô biên chế, để khi nào có việc thì người lao động mới có lương, khi nào hết việc thì thôi, công ty không tốn chi phí gì thêm. Hay hình thức hot desks, bàn làm việc xài chung cho nhiều người, ai làm việc nào ngày nào thì vô ngồi một bàn nào đấy, không cố định, để giảm chi phí thuê mướn văn phòng, đễ giữ lượng nhân viên trong biên chế một cách tối thiểu, và tăng lượng nhân viên theo hợp đồng linh động hơn, có lợi cho nhà tư bản, không có lợi cho người lao động. Công ty khi chọn các hình thức đầu tư, củng cố hoạt đồng thì tiêu chí trên hết là lợi nhuận cho chủ công ty, cho dù phải sa thải nhiều nhân viên.
Nên Mỹ hay Thụy Điển cũng là tư bản mà khác hẳn nhau. Tôi thường hay nói đùa là Thụy Điển còn cộng sản hơn Việt Nam nữa. Vì cái gì cũng đòi hỏi mọi người phải bình đẳng, phải như nhau. Vô lớp học thì các học sinh đều được mong đợi là sẽ như nhau, không được khuyến khích là phải ganh đua, hơn bạn bè. Nếu học sinh đọc bài trước và hỏi cô giáo, thì cô giáo sẽ khuyên là không cần phải học trước như vậy. Trong lớp không xếp hạng học sinh, điểm ai thì người ấy biết, không ai biết điểm người khác nên không sợ bị chê bai, chọc ghẹo, đăng bảng điểm thì không đăng theo tên, mà theo số Identity number, nên không ai biết kết quả của ai hết. Cũng không có kỳ thi cấp quận, cấp thành phố để tìm tài năng, vì mục tiêu là ai cũng như ai. Nên những thiếu niên gốc Á hay Đông Âu qua đây thì luôn vượt trội học sinh bản xứ trong học tập.
Công đoàn lao động ở Việt Nam chỉ là hình thức, không giúp gì nhiều cho người lao động, trong khi công đoàn ở Thụy Điển thì có mặt ở mọi nơi mọi chỗ, thật là cộng sản quá đáng. Chủ doanh nghiệp luôn phải được sự thông qua của công đoàn khi muốn giảm lương, giảm giờ làm, muốn thuê mướn nhân viên mới mức lương cũng phải thông qua công đoàn. Người lao động có thể là không hề thích hình thức công đoàn này, nó chỉ gây khó dễ thêm, thà là nhân viên chịu cho công ty thu phí, rồi công ty sẽ tự lo quyền lợi cho nhân viên, đằng này mỗi tháng phải tốn thêm phí cho công đoàn. Đến chuyện cắt tóc, cắt tóc đàn bà dài hơn thì tiền công cao hơn cắt tóc đàn ông, vậy mà cũng hô hào phải bình đẳng nam nữ, giá cắt tóc cho đàn ông, đàn bà phải như nhau.
Công ty ở Mỹ mướn người, thải người dễ dàng thì thúc đẩy sự linh động trong tuyển dụng. Còn ở Thụy Điển, công ty mướn người khó vì phải trả đủ thứ thuế, quyền lợi, khi thải người cũng khó vì phải theo trình tự này nọ, bồi thường này nọ, nên họ không dám tuyển người, công ty thà thuê người qua head-hunters để trốn tránh việc phải thuê chính thức, muốn dừng việc thuê mướn lúc nào cũng được, khỏi phải bồi thường, thiệt hại cuối cùng lại về phía người lao động khi họ bị môi giới head-hunters cắt đi 1/3 lương, và vì mang tiếng nhân viên không chính thức nên không bao giờ được bonus các dịp Lễ Tết. Vậy thì cứ tư bản như Mỹ đi có tốt không.
Nên đa phần các công ty tư nhân ở Thụy Điển có số lượng nhân viên trung bình là 4 người (kể cả giám đốc), trong thời kỳ suy thoái thì giảm xuống 2 người. Vậy thì số lượng việc làm tạo ra là bao nhiêu, khi luật pháp quá nhiều, quá chặt chẽ, với mục tiêu bảo vệ quyền lợi người lao động, nhưng thực ra lại có tác dụng ngược, làm người lao động thiệt thòi.
Thụy Điển còn cộng sản quá đi chứ khi mà chính sách là ai cũng như nhau, ai sức làm được gì thì làm, không làm được thì cuộc sống được chu cấp bằng trợ cấp. Tiền trợ cấp từ đâu ra, chính là tiền từ người giàu cho người nghèo, người giàu bị thuế cao hơn nhiều (có khi tới 60% thu nhập), trong khi quyền lợi thì người nghèo, người giàu đều hưởng như nhau.
Nói trên lý thuyết thì khi thất nghiệp, thời gian đầu được 80% lương, nhưng mức trợ cấp thất nghiệp đều có mức tối đa ceiling, nên thành ra một người luật sư hay một công nhân khi thất nghiệp đều có thu nhập như nhau, vì anh công nhân hưởng 80% lương, nhưng vì lương anh luật sư vượt quá mức ceiling rồi nên anh ta chỉ thực nhận mức cao nhất thôi, bằng 50% lương. Thuế thì người dưới mức thu nhập tối thiểu không phải trả, trong khi về quyền lợi y tế, giáo dục thì ai cũng hưởng như ai, vậy thì chẳng phải tiền người giàu nuôi người nghèo là gì. Nên chẳng ngạc nhiên khi những tỷ phú ở đây, ngôi sao điện ảnh, thể thao đều chuyển qua Mỹ hay nước khác sống.
Tóm lại, Việt Nam nghe tưởng là cộng sản như thực ra không phải, Thụy Điển nghe tưởng là tư bản nhưng chưa chắc. Việt nam sẽ tốt hơn nếu theo cộng sản hay tư bản? Nếu muốn dân chủ thông qua đa đảng và theo đường lối ôn hòa, vẫn tôn trọng Đảng CS thì sẽ là quá trình lâu dài, không biết bao giờ mới đạt tới. Còn muốn lật đổ Đảng CS thì lại phải dùng bạo động, sẽ bị mang tiếng là khủng bố.
Nhưng một điều chắc chắn là khi có thêm các tiếng nói từ các hội, đoàn, đảng khác nhau thì xã hội sẽ dân chủ hơn. Chỉ mong là sẽ đạt được những điều bình thường, nhỏ nhoi: người dân đi đến các cơ quan công quyền được đối xử lịch thiệp, tôn trọng, đi bệnh viện không phải lo lót các y tá, bác sĩ, đi xin lắp đồng hồ điện nước không phải giấm dúi phong bì, đi xin việc không phải cạnh tranh với những con ông cháu cha đã có chỗ dành sẵn...
Friday, April 9, 2010
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
0 comments:
Post a Comment