Thursday, June 4, 2009

Việt Nam và Thềm Lục Địa

Tính cho đến ngày 13 tháng 5 năm 2009, hạn chót mà Ủy Ban Phân Ranh Thềm Lục Địa của Liên Hiệp Quốc (CLCS) yêu cầu các nước ven biển nộp bản tuyên bố chủ quyền về Vùng Đặc Quyền Kinh Tế theo quy định của Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) thì đã có tất cả 50 quốc gia nộp bản tuyên bố chính thức như Mã Lai, Phi Luật Tân, Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Nam Hàn… và có 10 nước mới chỉ nộp bản sơ bộ, nghĩa là còn bổ túc thêm sau này. Theo con số này thì còn nhiều quốc gia ven biển đã chưa hoàn tất thủ tục. Tuy nhiên, việc Ủy ban phân ranh thềm lục địa gồm 21 quốc gia thành viên đã dành ra 10 năm - từ tháng 5 năm 1999 cho đến nay - để các quốc gia ven biển dựa theo điều 76 của Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, đo đạt hầu xác định đường căn bản (baselines) rồi nộp bản tuyên bố chủ quyền trên vùng biển 200 hải lý tính từ đường căn bản trở ra là một biến chuyển rất lớn trong việc xác định đường ranh giới trên biển một cách rõ ràng giữa các quốc gia kể từ nay.

Theo UNCLOS thì các quốc gia ven biển có 5 vùng biển:

1/ Nội Thủy: vùng biển nằm phía bên trong đường căn bản.

2/ Lãnh Hải: vùng biển rộng 12 hải lý phía bên ngoài đường căn bản.

3/ Vùng Tiếp Giáp Lãnh Hải: vùng biển nằm tiếp liền lãnh hải rộng 24 hải lý tính từ đường căn bản.

4/ Vùng Đặc Quyền Kinh Tế: vùng biển nằm tiếp liền với vùng tiếp giáp lãnh hải rộng 200 hải lý tính từ đường căn bản.

5/ Thềm Lục Địa: gồm đáy biển và lòng đất dưới đáy biển kéo dài từ đất liền của mỗi quốc gia ven biển ra đến bờ thềm lục địa rộng từ 200 hải lý đến 350 hải lý tính từ đường căn bản.

JPEG - 42.5 kb
Thềm lục địa Việt Nam

Cho đến khi Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển ra đời năm 1982 và hoàn chỉnh về mặt kỹ thuật vào năm 1999, mối quan hệ về chủ quyền giữa các nước ven biển rất phức tạp. Đa số hành xử theo tập quán mạnh được yếu thua nên đã xảy ra nhiều sự xung đột quân sự, đặc biệt là trên những vùng biển rộng hơn 12 hải lý tính từ đường căn bản. Để việc qua lại của tàu bè nước ngoài trên vùng biển giữa các nước ven biển không bị uy hiếp hay không đe dọa an ninh đến các nước ven biển, UNCLOS đã đưa ra sáng kiến thành lập Vùng Đặc Quyền Kinh Tế và Thềm Lục Địa nhằm mục đích: 1/ Cho các quốc gia ven biển có chủ quyền và quyền khai thác những quyền lợi kinh tế như đánh cá, tài nguyên thiên nhiên trên vùng biển rộng 200 hải lý; 2/ Bảo đảm những quyền lợi phi kinh tế của những quốc gia khác ngoài vùng lãnh hải 12 hải lý của quốc gia ven biển nếu tuân thủ luật quốc tế và điều 2, khoản 4 của Hiến chương Liên Hiệp Quốc liên quan đến việc bảo vệ và duy trì hòa bình giữa các nước. Những tranh chấp hay xung đột giữa một hay nhiều quốc gia trên Vùng Đặc Quyền Kinh Tế và Thềm Lục Địa của mỗi nước đều phải giải quyết trên tinh thần tài phán theo đúng quy định của Công Ước Liên Hiệp Quốc.

Căn cứ theo Vùng Đặc Quyền Kinh Tế của UNCLOS, Việt Nam không những có chủ quyền trên Biển Đông rộng 200 hải lý mà hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa còn nằm trong chủ quyền của Việt Nam tính trên mặt lịch sử lẫn công pháp quốc tế. Bởi Hoàng Sa cách bờ biển miền Trung Việt Nam là 155 Hải Lý trong khi cách Trung Quốc đến 270 Hải Lý. Phần lớn quần đảo Trường Sa cách bờ biển phía Nam Việt Nam là 190 Hải Lý trong khi cách Trung Quốc đến 790 Hải Lý. Sự kiện Hoàng Sa và Trường Sa bị Trung Quốc chiếm đóng và Biển Đông của Việt Nam đang bị Trung Quốc đe đọa là những nghịch lý không thể nào hiểu nổi về các thái độ ươn hèn của lãnh đạo Hà Nội hiện nay.

Từ đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, Việt Nam Cộng Hòa đã từng tham gia vào các Hội nghị quốc tế về Luật Biển. Nếu không có biến cố tháng 4 năm 1975, Việt Nam đã không những là một trong những thành viên sáng lập ra UNCLOS mà còn giữ vững chủ quyền của mình đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên mặt công pháp quốc tế. Sau khi cưỡng chiếm miền Nam Việt Nam vào tháng 4 năm 1975, Cộng sản Việt Nam đã dựa vào Liên Xô để lo thôn tính mảnh đất Đông Dương nên mãi đến tháng 6 năm 1994 mới phê chuẩn UNCLOS. Nghĩa là Cộng sản Việt Nam đã bỏ mất nhiều năm trong việc xác định chủ quyền của mình trên Biển Đông kể từ khi Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển ra đời. Ngay cả khi Ủy ban phân ranh thềm lục địa Liên Hiệp Quốc cho phép nộp bản tuyên bố chủ quyền Vùng Đặc Quyền Kinh Tế 200 hải lý trong 10 năm qua, Cộng sản Việt Nam đã có thái độ chần chừ. Mãi cho đến khi dư luận trong và ngoài nước lên tiếng chống đối mạnh mẽ, Cộng sản Việt Nam mới nói rằng họ sẽ nộp bản tuyên bố về chủ quyền, một tuần lễ trước khi hết hạn.

Ngày 6 tháng 5 năm 2009, Cộng sản Việt Nam đã cùng với Mã Lai nộp một hồ sơ chung dày 27 trang tuyên bố chủ quyền 200 hải lý vùng biển phía Nam từ miền Trung trở xuống, dựa theo khoản 8, điều 76 của UNCLOS. Theo hồ sơ nộp của Cộng sản Việt Nam và Mã Lai cho Ủy ban phân ranh thềm lục địa thì hai nước đã không có sự chòng chéo Vùng Đặc Quyền Kinh Tế 200 hải lý, mặc dù có những vùng biển của Mã Lai trùm lên một số đảo trong quần đảo Trường Sa.

Ngày 7 tháng 5 năm 2009, Cộng sản Việt Nam đã tự nộp lấy một mình hồ sơ dày 8 trang tuyên bố chủ quyền 200 hải lý mà họ gọi là vùng biển phía Bắc nhưng theo bản đồ nộp cho Ủy ban phân ranh thềm lục địa thì chỉ là khúc biển miền Trung bao gồm khu vực Hoàng sa.

Ngay sau khi Cộng sản Việt Nam nộp hai hồ sơ nói trên, Bộ ngoại giao Trung Quốc đã gửi một công hàm và một bản đồ đến Ủy ban phân ranh thềm lục địa cho rằng Cộng sản Việt Nam và Mã Lai đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của họ trên Biển Đông. Bản đồ mà Trung Quốc gửi cho Ủy ban phân ranh đã vẽ theo hình lưỡi bò chạy dài từ đảo Hải Nam xuống vùng biển Mã Lai, chiếm 75% diện tích Biển Đông bao gồm cả Vùng Đặc Quyền Kinh Tế 200 hải lý của Việt Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai. Trung Quốc đã yêu cầu Ủy ban phân ranh thềm lục địa Liên Hiệp Quốc không xem xét các hồ sơ tuyên bố chủ quyền của Cộng sản Việt Nam. Mã Triều Húc, phát ngôn nhân Bộ ngoại giao Trung Quốc còn tuyên bố rằng Trung Quốc không chỉ có chủ quyền trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà còn có chủ quyền pháp lý đối với những gì dưới đáy biển - một điều quan trọng là vì vùng Biển Đông có tài nguyên khí đốt và dầu.

Đương nhiên, Cộng sản Việt Nam qua Lê Dũng, phát ngôn nhân Bộ ngoại giao của chế độ đã lên tiếng phản bác những tuyên bố của Bộ ngoại giao Trung Quốc, nhưng rất yếu ớt.

Thứ nhất, nhìn vào hai hồ sơ nộp của Cộng sản Việt Nam, Hà Nội hoàn toàn không đá động gì đến vùng biển thuộc Vịnh Bắc Việt. Đây là vùng biển mà Cộng sản Việt Nam đã nhượng cho Bắc Kinh hơn 10 ngàn cây số vuông qua Hiệp định phân ranh Vịnh Bắc Việt ký vào năm 2000, dưới thời Lê Khả Phiêu làm Tổng Bí Thư.

Thứ hai, Cộng sản Việt Nam đã không dám đương đầu một mình mà phải liên kết với Mã Lai trong những tranh chấp, đàm phán về vùng biển 200 hải lý phía Nam với Trung Quốc trong thời gian tới. Liên Hiệp Quốc không cấm các quốc gia ven biển liên kết đệ nạp hồ sơ chung; nhưng trong trường hợp Việt Nam hiện đang đối đầu với các áp lực từ Trung Quốc, cần phải đứng thẳng người để chống cự hơn là đi khom lưng như hiện nay.

Chính vì biết rõ thái độ vô trách nhiệm và không dám đương đầu với Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền và những quyền lợi kinh tế trong Vùng Đặc Quyền Kinh Tế và Thềm Lục Địa 200 hải lý theo UNCLOS, đã có hàng trăm đoàn thể, đảng phái người Việt Nam ở trong và ngoài nước đã cùng đứng tên vào hai lá thư gửi Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc trước ngày 13 tháng 5 năm 2009 vừa qua.

Một là do Cựu Thủ Tướng Nguyễn Bá Cẩn kêu gọi dựa trên nền tảng công pháp quốc tế của Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975 đã từng tham gia vào việc soạn thảo Luật Biển của Liên Hiệp Quốc, nhằm xác định Vùng Đặc Quyền Kinh Tế của Việt Nam theo UNCLOS.

Hai là do một số chính đảng Việt Nam vận động nhằm xác định hai lập trường của người Việt Nam hiện nay: 1/ Phủ nhận vai trò đại diện đất nước Việt Nam của nhà nước Cộng sản Việt Nam trong mọi ký kết đối với quốc tế; 2/ Phủ nhận tất cả những tuyên bố của Trung Quốc về các chủ quyền của họ trên Biển Đông. Hai lá thư nói trên sẽ giúp cho chính quyền Việt Nam mới trong tương lai dựa vào đó để đàm phán và yêu cầu Liên Hiệp Quốc công nhận chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.

Vấn đề tranh cãi về Thềm Lục Địa sẽ không ngưng lại sau khi các nước đã nộp hồ sơ. Ủy ban phân ranh thềm lục địa sẽ phải giải quyết những chòng chéo về những chủ trương chủ quyền trên các Vùng Đặc Quyền Kinh Tế 200 hải lý do các nước đệ nạp. Những tranh chấp này không chỉ xảy ra ở Biển Đông giữa Trung Quốc với Việt Nam, Mã Lai, Phi Luật mà còn có cả giữa Nhật và Nga, giữa Anh và Argentina, giữa Nga và Đan Mạch, Na Uy, Canada ở vùng Bắc Cực… Điều quan trọng để giải quyết những tranh chấp nói trên được thành công, các quốc gia phải có một chính quyền mạnh được sự hậu thuẫn của toàn dân. Xương sống của chính quyền Cộng sản Việt Nam vốn dĩ đã bị cong trong nhiều năm khấu tấu đối với Bắc Kinh nên khó mà bảo vệ toàn vẹn Thềm Lục Địa Việt Nam như UNCLOS quy định.

Sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam – không chỉ trên Biển Đông mà còn ở cả vùng biên giới phía Bắc, phía Tây (biên giới Lào và Campuchia) và Tây Nguyên - đang nằm trong tay của tất cả những người Việt Nam yêu nước.

Lý Thái Hùng
May 13 2009

0 comments:

Post a Comment